CHỊ HẠNH HUỆ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Chị Hạnh Huệ gốc Đà Lạt, người hồng hào từ đầu tới đuôi – à không – tới… gót chân.

Tục ngữ nói: “Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con như bùn”… nhưng chị Huệ thì lúc nào gót cũng hồng, bất kể ba chị còn hay… hết.

Chị có hàm răng trắng, đẹp, đều, thẳng tắp… và được trời phú cho giọng nói rất hay, dù không có micro, lời vẫn rất rõ ràng, dẫu có vang xa ngữ điệu vẫn êm ái… vì vậy chị mặc nhiên trở thành phát thanh viên của thần dân Viên Chiếu.

Hồi đó, khoảng năm 1976, vào những lúc chùa không bị mùa màng hay công việc gấp rượt (nghĩa là chúng tôi có thể công tác đúng theo giờ, không phải làm ráng) thì xả công tác xong, sau khi tẩy rửa, dùng trưa rồi chỉ còn 15 phút nữa là chỉ tịnh (nghỉ trưa); thì chị Huệ luôn tình nguyện đọc truyện cho chúng nghe.

Đại chúng nằm dài trên sàn ván thông thưa rĩnh trên gác hay nơi mấy cái đơn tầng trệt, tất cả lổ tai đều hướng về chị Huệ…. Nhờ âm thanh truyền cảm của chị mà các bộ chuyện “Tây Du Ký”, “Tế Công Phật Sống” được chuyển tải cực kỳ hấp dẫn.

Tôi còn nhớ đến chỗ Tề Thiên dụ Bát Giái nhảy xuống giếng để vớt thây ông vua bị yêu quái hại lên. Chị Huệ đọc: “Bát Giái ở truồng nhồng nhộng nhảy xuống giếng”…

Chị Hạnh Thanh khi đó đang tranh thủ vá áo bỗng buột miệng la lên:

– Trời ơi, sao mà em thích kiểu dịch của ông Tô Chẩn quá! Tự nhiên mà hay quá chừng!

Đọc truyện thì không ai qua nổi cái giọng của chị Huệ, vì vậy mà chùa chỉ có duy nhất chị là người đọc cho nghe. Đại chúng lắng nghe chị đọc, thỉnh thoảng vừa bình phẩm vừa cười khúc khích vì nét dí dỏm, hài hước của cốt chuyện… thông qua sự diễn đạt duyên dáng của chị Huệ.

Mọi người say sưa nghe đến nỗi cô Hương đăng chuyên giữ nhiệm vụ đánh kiểng (có bổn phận báo hiệu đến giờ ngủ trưa) lúc cầm chùy lên cũng phải ngập ngừng, vì ai cũng muốn kéo dài, mong kiểng đánh chậm thêm vài giây… để được nghe cho hết đoạn đọc đang đến hồi gay cấn.

Khi tiếng kiểng vang lên, chúng tôi cùng “ồ” lên tiếc nuối, sau đó đồng ngả lăn ra giường như cái máy, trả lại âm thanh im ắng cho giờ chỉ tịnh. Chị Huệ cũng gấp sách lại, tận hưởng giây phút nghỉ ngơi như mọi người.

Về nhan sắc chị, bây giờ tôi mô tả thì xem như quá muộn màng vì chị đang ở tuổi cổ lai hi. Chị đã 72 -73 rồi còn gì? Nhưng thôi, vì để lưu chút hành trạng của chị, tôi xin mạo muội lược tả đôi chút:

Hồi sắp… toan về già (gái 30 tuổi đã toan về già), nghĩa là lúc chị khoảng 27-28, tất nhiên là chị giống… hoa đang nở. Nhưng mà nhan sắc chị được nhiều người bình phẩm khác nhau.

Người ái mộ thì thấy chị… mỹ miều như hoa hậu, còn người không ái mộ (hay đố kỵ cỡ tôi) thì sẽ nghĩ: “Chị có thi cũng… không đậu, vì thiếu thước tấc chiều cao chuẩn…”

Chị có mấy tấm hình hồi còn ở ngoài đời: Mắt ướt long lanh, tóc dài mượt mà, trông khá thùy mị (trái ngược hẳn với diện mạo chị khi đi tu, tia nhìn luôn mạnh mẽ không thua kém tổ Đạt Ma, chị luôn nhìn thẳng, nói thẳng, không hề có nét e lệ thường tình như mấy cô gái).

Khi chị chìa mấy tấm hình “Thuở chưa là Ni cô” cho thân mẫu cô Trụ trì xem, Bà cô đã phán một câu:

– Nhìn giống Tào Thị quá! (Tào Thị là mẹ ghẻ của Nghi Xuân, Tấn Lực)

Tôi bật cười. Tất nhiên là hình chị trông đẹp, dịu dàng. Nhưng chị cũng xứng đáng được phê bình như vậy! Vì chị hay châm chọc người lắm, nên dù có bị trêu lại thì cũng là … “gieo nhân thì phải gặt quả” thôi.

Hồi tôi mới vào chùa, biết tin chị từng học võ Aikido và rất giỏi võ… tự nhiên tôi thấy an tâm vô cùng, cảm giác như mình được bảo vệ.

Mỗi sáng sớm, chị thường kéo đại chúng ra, chỉ cho đi mấy đường quyền tự vệ hay dạy tập mười tư thế hỗ trợ sức khỏe.

Chị đếm một, hai… chúng tập nhịp nhàng, nhìn chắng khác gì cảnh các sư tập võ trong phim “Thiếu Lâm Tự”. Có chị không khí vui nhộn, hào hứng hẳn lên…

Dạo ấy chúng tôi ngủ chỉ có cửa trước là đóng, còn cửa hông thông xuống nhà bếp, chả có cánh cửa để mà đóng. Rừng đầy vắt và muỗi sốt rét, láng giềng chỉ có mấy con khỉ thỉnh thoảng lẻn vào trộm bắp. Chùa chẳng có gì quý giá để cho trộm ghé thăm, mà cũng chẳng có ma nào chịu khó mò đến chỗ chúng tôi (nơi khỉ hò cò gáy, đất độc suối gai này…) để giở trò chôm chỉa cho cực thân.

Chị Huệ nhái giọng các miền Bắc, Trung, Nam rất giỏi. Không những chị nhái y chang dân địa phương chính hiệu mà giọng còn hay hơn dân bổn xứ.

Có lần chúng tôi đang lội bộ từ Thường Chiếu về, lúc đó khoảng chín mười giờ đêm, thấy một bà người Huế đang quảy gánh nặng trước mặt, chị Huệ hào hiệp gánh giùm một đoạn và xổ giọng miền Trung rất du dương.

Thế là bà này mê tít, cứ đeo theo chị Huệ trò chuyện vang rân, hai bên cùng “Rứa hỉ, rứa hỉ…” um sùm, bà không hề biết là chị Huệ đang giả giọng, cứ tưởng mình gặp đồng hương, nên tỉ tê trò chuyện… chị Huệ cứ tỉnh bơ làm tri âm, mặc cho chúng tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Hàm răng đẹp của chị Huệ không phải chỉ để cho người ta ngắm, ngợi khen, mà nó còn phát huy tác dụng hay nữa là, những lúc dùng cơm, khi gặp cơm cháy, chị thường đón lấy ăn dùm, ăn phụ… rất nhiệt tình thay cho đại chúng. Chị nói là chị thích cơm cháy, nhưng cơm cháy đen thui và cứng như vậy thì quả thực là chị thích “đỡ đần giùm” thì đúng hơn.

Viên Chiếu thời khai hoang luôn cơ cực, nói đúng như từ ngữ các bạn tôi thường dùng là: “Cực như trâu!”

Dân Viên Chiếu đa số xuất thân là thư sinh, chưa từng quen với cuốc cày. Nên cuộc sống chúng tôi đúng là phải “tập cho quen với những gì chưa quen!”

Chị Nhã, chị Thanh, cô Hoa thì việc gì nặng cũng nhào vô làm. Tôi cũng không quen với lao động cực quá mạng như vậy, làm việc mà thấy… “khổ gì đâu!” cứ ngóng tiếng kẻng xả công tác như cứu tinh, thỉnh thoảng còn kiếm chuyện đi vắng đâu đó cho bớt làm, bớt cực.

Nhưng chị Huệ thì đúng là thường trụ, chị Phượng thường nói chị Huệ là… “cây cột cái” của Viên Chiếu, còn nếu nói dễ nghe hơn thì chị đúng là cột trụ!

Vì trong chúng chị Huệ là người ít bỏ đi đâu nhất, chị luôn thường trụ, hiện diện, làm tốt, chu toàn mọi công tác, dù nặng nề.

Đó là sự khâm phục tôi dành cho chị, lúc nào cũng thấy chị nhiệt tình, mạnh mẽ: Mạnh mẽ trong lao tác lẫn sự chịu đựng. Chị và cô Hoa phảng cỏ rất tài, nhìn sơ thì tưởng dễ, chứ cầm phảng thử sẽ nếm mùi tróc da lỡ tay, bởi công việc này đòi hỏi sức lực rất nhiều. Chị và Hạnh Pháp cũng vác lúa hay số dzách. Chị Thủy vác lúa còn bị té um sùm trong ruộng nước, nhưng chị Huệ và

Hạnh Pháp thì vác đi ngon ơ, làm rất bền bĩ. Đến nỗi xong mùa lúa chị và Hạnh Pháp được trọng thưởng đặc biệt: Mỗi người một tô chè mười viên xôi nước (nấu bằng đường tán), trong khi chúng chỉ lãnh năm viên.

Tôi không rảnh để điều tra hay theo dõi chị đã thanh toán phần thưởng mình như thế nào. Riêng tôi thì năm viên tôi ăn một cái vèo là xong ngay lúc đó.

Đúng là thời tuổi trẻ tôi ăn giỏi làm… dở, còn thời tuổi già ăn dở làm cũng dở!

Chị Huệ cũng rất hay chế biến món ăn và thường vào bếp trổ tài. Chị đảm đang, tháo vác và cũng khéo léo về mặt nữ công gia chánh. Chị chính là thầy dạy đan cho tôi. Chị đan áo thật đẹp và vá áo cũng rất duyên.

Mỗi khi lao tác về, dù đang mệt, nhưng hễ có ai nhờ cạo gió là chị sốt sắng giúp, chị luôn tận tâm, tận tình (Hồi đó ngoài cô Hoa ra, chị cũng là người kiêm luôn việc cạo gió cho chúng vì cái tính dễ nhờ).

Những người thời khai hoang, thuở ban sơ Viên Chiếu nay không còn bao nhiêu, vì đã đi bổ xứ hoặc tản mác hết. Nhưng chị Huệ vẫn vậy: Luôn thường trụ, bất biến với tinh thần mạnh mẽ…

Bây giờ chị đã ở tuổi cổ lai hy, chắc chắn sức khỏe không còn được như thời thanh xuân (dù giọng nói chị vẫn còn trong trẻo, trẻ trung), nhưng nhiệt tình và sự chịu đựng chắc là vẫn còn mãi?…

Thời xưa, ngài Mục Kiền Liên hay Xá Lợi Phất ly trần thì vẫn còn các vị Đại đệ tử khác tiếp nối. Còn Viên Chiếu bây giờ chẳng biết có đủ thập đại ni để gánh vác gia nghiệp?

Hôm kia, 27 tháng 12 là sinh nhật của chị (hồi trẻ mắc làm, bận rộn và túng bấn, chẳng có ai rảnh để mà nhớ và có đủ điều kiện để mừng sinh nhật). Nhưng khi già, mấy mươi năm trôi qua, đủ để hậu sinh có dịp biểu lộ chút tình tri ân với bậc tiền bối…

Khi chị được chúng mừng sinh nhật, chị đã đề nghị lấy ngày này làm sinh nhật toàn chúng. Thế là ngày này biến thành ngày vui chung của cả chùa: Có bánh kem ăn và có thức dùng ngon hơn thường ngày. Hoan hô! Chị cư xử thật là điệu nghệ! (Có lẽ tôi là người hớn hở không kém, vì ở tuốt bên rào cũng có bánh kem ăn!)

Hiện thời, dù chúng ta đều đã ở cuối đoạn đường của kiếp nhân sinh và đã có thể ngâm câu:

Còn duyên ta trụ giữa đời
Hết duyên thì lại mỉm cười ra đi!

Nhưng em vẫn luôn cầu chị dược khỏe vui, an ổn, để tiếp tục độ sinh và chia sẻ gánh nặng cùng cô Trụ trì, tiếp tục làm cây cột cái… (hay cột trụ hoặc cổ thụ) che mát cho nhân sinh… dìu dắt những chúng sinh hữu duyên đang cần chị ươm mầm Phật pháp, để cuộc sống họ thêm xán lạn và hạnh phúc.

Viết xong ngày 30/12/2018 (Thay cho lời chúc mừng sinh nhật muộn chị Hạnh Huệ và Đại chúng)

Hạnh Đoan