chi đề

Phật Quang Đại Từ Điển

(支提) Phạm: Caitya, Pàli: Cetiya. Còn gọi là Chi đế, Chi đà, Chi trưng, Chế đa, Chế để, Chế để da. Có nghĩa là tích tập. Còn dịch là tụ tướng. Khi hỏa táng đức Phật, người ta tích tụ củi thơm thành một đống to, đó là nguồn gốc của Chi đề. Về sau, tại các nơi linh tích của đức Phật, người ta xếp gạch, đất thành đống cao to, và bảo phúc đức vô lượng của đức Thế tôn tụ tập tại đó, cho nên hễ nói đến tháp miếu, linh miếu, miếu, mộ phần v.v..đều gọi là Chi đề. Ngoài ra, đặc biệt đục khoét hang đá để cấu tạo cũng gọi là chi đề. Tháp (Phạm: Stùpa, dịch âm: Tốt đổ ba) và Chi đề có khác. Theo luật Ma ha tăng kì nói, ở trong có đặt xá lợi là tháp, không có xá lợi là chi đề. Đời sau phần nhiều dùng lẫn lộn cả. Địa trì kinh luận chủ trương dù có hay không có xá lợi đều gọi là Chi đề. Lại theo kinh A dục vương quyển 7 nói bốn nơi đức Phật sinh, thành đạo, chuyển pháp luân, Niết bàn gọi là 4 Chi trưng, nhưng người đời biết đến nhiều là Bốn linh tháp lớn, đó cũng là trường hợp dùng lẫn lộn. Còn có thuyết bảo, gọi chung là Tháp gọi riêng là Chi đề. Hiện nay, tại Ấn độ, những hang đá được gọi là Chi đề thì rất nhiều, trong đó, các hang Thất diệp (Phạm: Sapta parịa– guhà), Sử đạt mã (Sudàma), Lạc mã tư lị tịch (Lomas Rishi) v.v…… được coi là các Chi đề nguyên thủy. Còn như các hang Phạ giả (Bhàja) và Bối đạt sa (Bedsà) thì được coi là các chi đề đại thành. [X. kinh Khởi thế Q.7 – luật Ma ha tăng kì Q.33 – Hữu bộ mục đắc ca Q.10 – Pháp hoa kinh văn cú Q.8 phần dưới – Pháp hoa nghĩa sớ Q.11 – Huyền ứng âm nghĩa Q.3 – Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3].