chí bất chí tương tự quá loại

Phật Quang Đại Từ Điển

(至不至相似過類) Tiếng dùng trong Nhân minh. Còn gọi Chí phi chí tương tự quá loại, Chí bất chi nạn. Là lỗi thứ tám trong mười bốn lỗi Tự năng phá trong Nhân minh, do ông tổ của cổ Nhân minh là Túc mục lập ra. Là lỗi cố nại ra để vặn hỏi nhằm phá đối phương, vì lẽ Nhân (lí do) sát hay không sát với Tôn (mệnh đề). Tức là khi người lập luận dựa vào Nhân để lập Tôn, thì người vấn nạn ra sức vặn hỏi. Bảo rằng: nếu Tôn sát với Nhân, thì Tôn và Nhân không sai khác, nếu Nhân không sát với Tôn, thì Tôn và Nhân không quan hệ, vì thế, Nhân sát hay không sát đều không thể chứng thành Tôn. Hai phương diện vấn nạn này là lỗi lầm vì phương tiện mà tạo nên, gọi là Chí bất chí tương tự quá loại (loại lỗi tương tự sát hay không sát). Chẳng hạn, người vấn nạn muốn phá luận thức Âm thanh là vô thường (Tôn) vì gắng sức mà có (Nhân) của người lập luận, bảo rằng, trong đó Nhân gắng sức nếu sát với Tôn, thì Tôn và Nhân không có sự sai biệt nhân quả, không sai biệt thì không thành năng lập, sở lập, như nước hồ chảy vào biển, hai nước hợp nhau không khác. Trái lại, nếu Nhân không sát Tôn, thì cũng không thể thành Nhân, như lửa không sát thì không thể đốt, dao không sát thì không thể cắt, cho nên, như lập luận Âm thanh là thường vì mắt trông thấy, thì Nhân mắt trông thấy này không hợp với Tôn Âm thanh là thường vì không thể sát với Tôn, mà chỉ là Nhân tương tự. Như vậy, sát và chẳng sát đều không thể thành lập. Ở đây không cần bàn đến Nhân ba tướng có đủ hay không, mà chỉ đứng về hai phương diện Nhân của đối phương sát hay không sát thì người vấn nạn cũng đã tự chuốc lấy cái lỗi Chí bất chí tương tự này rồi. [X. Như thực luận Đạo lý nan phẩm – luận Nhân minh chính lí môn phần đầu – Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.6 phần cuối – Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.8]. (xt. Thập Tứ Quá Loại, Nhân Minh).