chỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(止) Phạm: Zamatha, Pàli: Samatha. Dịch âm: Xa ma tha, Xá ma tha. Còn gọi là Chỉ tịch, Đẳng quán. Là tên gọi khác của Thiền định. Tức là trạng thái ngưng bặt hết thảy tưởng nhớ, suy nghĩ mà để lòng chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng duy nhất. Tông Thiên thai đem Chỉ phối với ba quán Không, Giả, Trung, mà chia làm ba chỉ: 1. Thể chân chỉ, là Chỉ thấy rõ hết thảy đều không, là Chỉ đối ứng với Không quán. 2. Phương tiện tùy duyên chỉ, cũng gọi là Hệ duyên thủ cảnh chỉ. Tức là Chỉ trong đó Bồ tát dùng phương tiện thích ứng với mọi trường hợp hóa độ chúng sinh, an trụ nơi lí Giả đế mà không động, là Chỉ đối ứng với Giả quán. 3. Tức nhị biên phân biệt chỉ, gồm cả nghĩa thứ hai và thứ nhất, nhưng không nghiêng hẳn về hai bên không và có (hai cực đoan), là Chỉ trụ nơi trung đạo, Chỉ này đối ứng với Trung quán. Ma ha chỉ quán quyển 3 phần trên nói, Chỉ có ba nghĩa: 1. Là nghĩa thôi, nghỉ, tức là cái tướng khiến hết thảy các ác giác ác quán dứt bặt không khởi – đây là nói về quan điểm sở phá (những cái bị phá). 2. Là nghĩa dừng lại, tức là trạng thái khiến tâm duyên với đế lí, dừng lại trong đó, không động niệm – đây là nói về quan điểm năng chỉ (hay ngưng nghỉ). 3. Là nghĩa chẳng thôi nghỉ mà thôi nghỉ, tức do pháp tính chẳng sinh chẳng diệt, không sạch không nhơ, mà gọi là Chỉ – đây nói về quan điểm đế lí. Ngoài ra, thông thường Chỉ và Định (Tam ma địa) được coi là đồng nhất, tuy nhiên, cứ theo Du già lược toản quyển 5 nói, thì Chỉ và Định vẫn có điểm khác nhau, tức Tam ma địa thông cả định, tán, lại thông cả nhơ, sạch. Còn Xa ma tha (tức Chỉ) thì chỉ có ở trong định vị, chứ trong tán tâm thì không có – chỉ có trong vị hữu tâm chứ không có trong vị vô tâm. Lại thông thường Chỉ Quán được nói gộp lại là chỉ quán, tức là thu nhiếp tâm lực vào một chỗ, để phòng ngừa thần thức khỏi bay nhảy loạn động, đồng thời ngăn chặn vọng tưởng sinh khởi, đó gọi là Chỉ. Nếu có thể tiến lên bước nữa, mở bung chính trí mà quán chiếu các pháp, thì gọi là Quán. Vì thế nên biết tuy gộp chung cả hai làm một danh từ, nhưng cứ theo hình tướng thì ý nghĩa của Chỉ có tính cách tiêu cực, ngăn ngừa, còn Quán thì có ý nghĩa tích cực xây dựng. [X. kinh Tạp a hàm Q.21 – kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) Q.31 – kinh Đại phương đẳng đại tập Q.22 – luận Đại thừa khởi tín – luận Du già sư địa Q.45 – Pháp giới thứ đệ Q.thượng]. (xt. Chỉ Quán).