chế thính nhị giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(制聽二教) Tức là Chế giáo và Thính giáo. Trong sách Tứ phần luật hàm chú giới bản sớ, luật sư Đạo tuyên đời Đường, lập một môn nhiếp giáo phân tề, nêu cả bốn loại phán giáo từ xưa, rồi hoặc thêm, hoặc bớt mà qui nạp thành thuyết Tam luân, thuyết Hoá giáo hành giáo, thuyết Chế giáo thính giáo và thuyết Hoá giáo, Chế giáo v.v…… Trong đó, phàm giáo do chế định mà có, tức là giáo pháp do Phật chế định, tất phải giữ gìn tuân thủ thì gọi là Chế giáo – trái lại những pháp vì phương tiện tạm thời mà đặt ra, cho phép tùy ý giữ hoặc không giữ, thì gọi là Thính giáo. Như ba áo của tỷ khưu, năm áo của tỷ khưu ni là Chế pháp (pháp bắt buộc), còn một trăm lẻ một thứ đồ dùng thì là Thính pháp (pháp tùy ý). Lại như tạng Luật là Chế giáo, hai tạng Kinh, Luận là Thính giáo. Nếu không chấp hành Chế pháp thì sẽ bị tội, còn không giữ Thính pháp thì không phải tội.