chế tài

Phật Quang Đại Từ Điển

(制裁) Là áp lực được sử dụng để phòng ngừa những hành vi gây tai hại cho xã hội. Nhà xã hội học người Pháp là Đồ nhĩ cán (Emile Durkheim, 1858–1917) chia chế tài làm bốn thứ :1. Thần bí tính, như khai trừ, bùa chú, hối tội, mệnh lệnh của sách cấm. 2. Đạo đức tính, như trách hỏi, ruồng đuổi.3. Pháp luật tính, như xử phạt theo dân luật, hình pháp đã qui định. 4. Phúng thích tính, như chê cười, diễu cợt v.v…… Về phương thức trừng trị chế tài, có thể chia làm hai loại: 1. Sự chế tài đối với các thành viên trong một tập đoàn, gọi là chế tài dư luận. 2. Do người ở cấp trên có uy quyền thi hành một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, có đủ tính chất xử phạt. Chủ thể thi hành chế tài thường được coi như có chính nghĩa, hoặc thần thánh, là sự tượng trưng trừu tượng, là một thứ sức ép của đoàn thể, chứ không một cá nhân nào làm được. Trong giới luật, sự chế tài đối với những người phá giới có những qui định đặc biệt, nhưng đều lấy lương tâm tự chủ làm nền tảng, rất ít tính chất trừng phạt bên ngoài. Lại nữa, chủ thể chế tài là Tăng đoàn, không phải một tỷ khưu đặc định nào thi hành. Trong nguyên tắc chế tài do tăng đoàn qui định, nặng nhất là tội Ba la di, tức là các tội giết hại, trộm cướp, dâm dục, nói dối, nếu tỷ khưu nào phạm vào các tội kể trên, thì bị đuổi ra khỏi Tăng đoàn. Ngoài ra, còn có các tội Tăng tàn, tội Ba dật đề v.v…… Người phạm tội Tăng tàn thì phải ở riêng biệt trong một số ngày nhất định, tức phải tách rời Tăng đoàn mà ra ở một nơi khác để dễ bề phản tỉnh. Còn tội Ba dật đề, nếu phạm thì phải tách ra sám hối trước đại chúng trong Tăng đoàn. (xt. Giới).