chấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(執) Phạm: Abhiniveza. Do tâm phân biệt hư vọng mà cố chấp (giữ chặt lấy ý kiến của mình) các sự vật hoặc sự lí, không buông bỏ. Cũng gọi mê chấp, chấp trước, kế trước, trước. Không biết năm uẩn giả hoà hợp mà sinh ra người và chúng sinh, rồi chấp nhân ngã là thực ngã tồn tại, gọi là nhân chấp, ngã chấp hoặc sinh chấp (ý là chấp chúng sinh). Chẳng biết pháp năm uẩn là không, hư dối chẳng thực, rồi vọng chấp pháp ngã là thực thể, gọi là pháp chấp. Hai cái chấp trên đây, gọi là Nhị chấp (hai chấp ngã pháp, hai chấp nhân pháp, hai chấp sinh pháp). Hữu bộ Tiểu thừa v.v…… thừa nhận sự tồn tại của pháp ngã, cho nên chẳng dứt lìa pháp chấp – Đại thừa thì cho hai chấp đều không, cho nên dứt lìa hai chấp. Ngoài ra, nếu cho tất cả là thực có mà cố chấp cái kiến giải thiên về có, rồi đem cái không trên thực tế tăng lên làm có thì gọi là tăng chấp . Ngược lại, nếu cố chấp cái thấy biết không vô, rồi đem cái có giả trên thực tế giảm tổn làm không thì gọi là tổn chấp . Hai cái chấp trên đây gộp lại cũng gọi là Nhị chấp. Về thức thể hay chấp, chủ trương của hai đại luận sư An tuệ và Hộ pháp có khác nhau. Ngài An tuệ cho rằng trong các thức của người ta, thì thức thứ năm, thức thứ tám đều có chấp pháp, thức thứ bảy có chấp nhân, thức thứ sáu chấp cả nhân và pháp. Nhưng ngài Hộ pháp thì cho rằng thức thứ năm, thức thứ tám không chấp, chỉ thức thứ sáu và thức thứ bảy là có chấp. Còn về sự phân biệt giữa chấp và chướng thì Thành duy thức luận diễn bí quyển 1 phần đầu bảo, hễ chấp thì đều là chướng, vì chấp thuộc hai phần năng thủ, sở thủ, còn chướng thì thông với nghiệp, quả chẳng phải tâm, tâm sở, cho nên chướng không hẳn nhất định là chấp. Lại chấp và chướng là nói tắt của Ngã chấp phiền não chướng và Pháp chấp sở tri chướng. Ngoài ra, tâm bám chặt lấy sự vật, không chịu buông bỏ, gọi là chấp tâm, chấp trước tâm – tâm cứ khư khư giữ chặt cái thấy biết của mình tức các thứ vọng kiến, mà không chịu buông bỏ thì gọi là chấp kiến – chấp trước vọng tình, gọi là chấp tình. [X. kinh Đại thừa nhập lăng già Q.4 phẩm Vô thường – kinh Đại bát nhã Q.485 – luận Thành duy thức Q.9 – luận Câu xá Q.19].