Chẳng Tu Như Diễn Viên Sân Khấu

Bạn ơi,

Tôi không sinh ra từ cung vàng điện ngọc, gia đình quyền quý mà giống như bà già mộc mạc quê mùa, căn cơ đần độn. Nghe lời Chư Tổ hoặc học lóm được Kinh rồi tâm nguyện mà tu, vui mừng như bé thơ được mẹ cho đồ chơi, được bà cho bánh kẹo.

Tôi chủ trương “Kính trọng Kinh, hiểu Kinh rồi tu theo Kinh”,  không bao giờ có ý nghĩ sửa kinh, bàn luận bậy bạ về Kinh, coi thường chư Tổ.

Dù tôi có bằng Tiến Sĩ Phật Học đi nữa, dù cả triệu người theo và ngưỡng mộ, dù truyền hình phỏng vấn, dù phát hành trăm băng đĩa… thì công nghiệp của tôi cũng chưa sánh bằng ai.

Tôi chưa dám chặt tay cầu pháp, chưa đứng chờ ngoài mưa tuyết để xin thầy nhận làm đệ tử. Tôi chưa giã từ cung vàng điện ngọc như Vua Trần Nhân Tông, chưa bỏ cả ngôi vị sang quý của bao trạng nguyên, tể tướng, tiến sĩ triều đình để mang áo đà, sống đời dưa muối.

Tôi chưa băng rừng lội suối, sa mạc, hành trình vạn ngàn cây số, lẫm lũi hướng về Tây để xin Phật xót thương, cho Kinh đem về cứu độ, với lời nguyền không thỉnh được Kinh thì sẽ chết ở đây…

Kinh về rồi vâng chiếu chỉ dịch Kinh.
Dịch Kinh bằng cả tấm lòng.
Bằng tài văn chương lỗi lạc.
Cả ngàn đời sau đọc tụng
Và sản sinh ra bao nhiêu Hiền Thánh.

Thế mà đời nay có kẻ hậu học đòi sửa kinh vì nói rằng Chư Tổ dịch sai bản gốc.

Trong kinh Đức Phật dạy rằng, nếu đã chứng quả Phật thì ba đời chư Phật hiện tại, quá khứ, vị lai đều nói một lời, không có gì sai khác.

Nếu thật sự đã xuyên suốt thì kinh tạng Pali, Hán Tự, Việt Ngữ, Pháp Ngữ, Anh Ngữ…văn tự có khác, nhưng nghĩa kinh chỉ Một. Ngoài ra Chư Tổ còn dạy rằng, “Y nghĩa bất y ngữ”.  Bẻ ra từng chữ thì xa rời ý Kinh.

Đừng chẻ sợi tóc ra làm tư rồi dùng “cái tâm phân biệt” bàn chỗ “vô sai biệt, chỗ không thể nghĩ bàn”. Đó là hành động ngông cuồng và ngã mạn. Bàn về Bát Nhã dù ngàn năm vẫn là phàm phu. Tu theo Bát Nhã thì có ngày thành Phật.

Yếu chỉ của Thiền Tông không chỉ là ăn chay, tụng Kinh, hiểu Kinh rồi nói năng thật giỏi. Mà là hiển lộ sự chứng đắc trên chính thân mạng, hành động, lời nói, ý nghĩ, cuộc sống của mình.

Cho nên trong Thiền không có chuyện thuyết pháp giỏi mà được truyền y bát mà chứng ngộ mới được truyền y bát. Cho nên Ngũ Tổ mới trao truyền mạng sống của Thiền cho Lục Tổ dù tài nói pháp hay hiểu biết của ngài lúc bấy giờ kém xa Ngài Thần Tú.

Trong thực tế, thuyết pháp có cả triệu người nghe nhưng có khi chỉ là pháp sư hay ông thầy giảng đạo chứ chưa phải là đạo sư chứng qủa.

Bạn ơi,

Rõ ràng như ban ngày, nhà bình luận khác với người tu. Nhà biên khảo, bình giải kinh điển giống như nhà bình luận võ thuật nhưng không lên đài tỉ thí. Còn võ sĩ mới là kẻ lên đài.

Do đó,
Trong đường tu.
Ta không giống như nhà bình luận võ thuật.
Mà như võ sĩ lên đài.
Nếu không luyện tập,
Nếu không có Giới-Định-Huệ. (1)
Không có ngón nghề thật sự.
Đối thủ của ta sẽ hạ knock-out. (2)
Đối thủ ở đây là Tham-Sân-Si, Ngã-Mạn.
Đó là món võ vô cùng hiểm độc.
Triệu triệu người đã phải đầu hàng.
Vậy thì hãy diệt Tham-Sân-Si.
Đừng bàn luận trên trời dưới biển.
Dù bàn luận cả đời cũng chỉ là vô ích.

Bạn ơi,
Tôi cũng không tu như diễn viên sân khấu.
Diễn viên cười mà trong bụng không cười.
Diễn viên khóc mà trong lòng chẳng khóc.
Diễn viên nói thương nhưng trong lòng nào rung động.
Mà chỉ là đóng kịch.
Trên sân khấu toàn ông hoàng bà chúa, có khi là Phật.
Màn khép rồi thì lộ hết phàm phu.

Bạn ơi,
Khi dạy người ta chân thật,
Mình phải là người chân thật.
Khi dạy Phật tử về thanh tịnh,
Mình phải xa lìa sắc dục.
Khi dạy Phật tử bỏ Tham,
Thì mình đừng tìm cách kiếm tiền.
Khi dạy Phật tử về Thiền.
Thì chính mình phải coi thường danh vọng.

Bạn ơi,
Cũng đừng tu theo kiểu mấy nhà biên khảo.
Viết cho nhiều, toàn trích cú tầm chương.
Viết cho nhiều mà chẳng ngộ chữ Không.
Mà chư Tổ gọi đây là đãy sách.

Bạn ơi,
Tôi ngưỡng mộ lối tu sao thực tế.
Giữa chợ đời để “hằng thuận chúng sinh”. (3)
Thấy trẻ lạnh thì cho ngay áo ấm.
Thấy người già tặng mái ấm tình thương.
Thấy người khuyết tật, quý gì hơn,
Quà an ủi và những lời chia xẻ.
Thấy lội suối, học trò nguy hiểm quá.
Tặng chiếc cầu để nối nhịp tình thương.
Để làng quê đời sống sẽ vươn lên.
Cấp Cô Độc cũng chỉ làm như vậy.
Tôi đang viết mà trong lòng muốn khóc.
Sĩ tử nghèo tội lắm ai ơi!
Nhà ở xa tiền bạc đã thiếu rồi.
Tiền ăn ở, lấy đâu ra bù đắp?
Nhà chùa rộng biến ngay thành quán trọ.
Bữa cơm chay thôi cũng quý vô cùng.
Qua kỳ thi mà “Cá vượt vũ môn”.
Là trí tuệ, là tương lai giúp nước.
Nằm bệnh viện thiếu cơm ăn nước uống.
Lại lo buồn mạng sống sẽ sao đây?
Tới an ủi và mời nhau chén cháo.
Hạnh Bồ Tát cũng chỉ là thế đó.
Vừa tu hành vừa thực tế bạn ơi.
Và nhớ câu ca dao:
“Dù xây chín đợt phù đồ”
“Không bằng làm phúc cứu cho một người”

Này bạn hỡi,
Tôi chỉ tu theo lối tu mộc mạc.
Biến thế gian này thành đất Phật mà thôi.
Chẳng cần đi đâu và chẳng đến nơi nao.
Như Phật dạy, cũng chẳng mong chứng đắc.
Cõi Tịnh Độ là nơi an lành nhất. (4)
Chốn an vui, hạnh phúc của con người.
Dù ai bảo Tiểu Thừa tôi đành chịu.
Rồi hỏi tu sao chẳng biết ngồi Thiền?
Tôi hoan hỷ và cám ơn tất cả.

Đào Văn Bình
(California ngày 23/12/2017

(1) Mới đây Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ dạy rằng, “Là người tu hành mà không có Giới-Định-Huệ thì dạy ai?”

(2) Đánh đối thủ gục ngã xuống sàn còn gọi là “hạ đo ván”.

(3) Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng, Hằng thuận lợi ích chúng sinh là cúng dường chư Phật

(4) Tịnh Độ là Tịnh Độ Tại Thế, ngay ở đây và bây giờ