chân vọng nhị tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(真妄二心) Là chân tâm và vọng tâm nói gộp lại, cũng gọi Chân thức vọng thức. Tâm tự tính thanh tịnh, thường hằng, chẳng biến đổi, gọi là Chân tâm – tâm tạp nhiễm hư giả và sinh diệt chuyển biến, là vọng tâm. Các tông phái nói về hai tâm chân, vọng không hoàn toàn giống nhau, như Đại thừa nghĩa chương quyển 3 phần cuối bảo, thức a lại da thứ tám tức là tạng tâm Như lai, gọi là chân thức, còn bảy thức trước thì gọi chung là vọng thức, đó là chủ trương của các nhà Địa luận. Còn Trung quán luận sớ quyển 7 phần đầu thì nói, thức A ma la thứ chín là tâm tự tính thanh tịnh, gọi là Chân tâm, còn tám thức từ thức thứ tám trở xuống thì là vọng tâm do vô minh sinh khởi – đây là chủ trương của các nhà Nhiếp luận. Ngoài ra, kinh Lăng già dùng nước và sóng để thí dụ – nước thường trụ không biến, là chân – sóng thì khởi diệt vô thường, là vọng. Hai tâm chân vọng có thể chia làm: 1. Duy Chân tâm, nghĩa là một tâm chân sinh chẳng hai, chỉ tâm của chư Phật Như lai. 2. Duy vọng tâm, nghĩa là tâm tám thức do vô minh sinh khởi, chỉ tâm của ngoại đạo, phàm phụ. 3. Tòng chân khởi vọng tâm, nghĩa là vọng tâm do chân như theo duyên mà khởi, chỉ tâm của Biệt giáo trở lên – từ Biệt giáo trở xuống cho đến ngoại đạo, phàm phu thì không biết đến vọng tâm này. 4. Vọng tức chân tâm, lìa chân tâm thì không có vọng tâm, nghĩa là vọng tâm tức chân tâm, đây là tâm của các Bồ tát từ Sơ địa trở lên. [X. luận Đại thừa khởi tín – luận Quyết định tạng Q.thượng – Phiên dịch danh nghĩa tập Q.6 phần trên].