chân thúc ca thụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(甄叔迦樹) Chân thúc ca, Phạm: Kiôzuka, dịch ý là hoa màu đỏ lợt. Cây thiêng liêng của Bà la môn giáo Ấn độ. Còn gọi là Khẩn thúc ca thụ, Kiên thúc ca thụ, Khẩn chúc ca thụ. Cây to lớn, thuộc họ đậu, tên khoa học: Butea frondosa. Sinh sản tại Ấn độ, từ núi Hy mã lạp nhã ở miền bắc đến Tư lí lan tạp (Tích lan) ở phía nam đều có sinh trưởng. Thân cây phần nhiều cao từ mười hai, mười ba mét trở lên, lá to hoa to, chất nước cốt của cây có thể chế thuốc nhuộm, hạt ép ra dầu có thể dùng làm thuốc sát trùng. Cứ theo Tuệ lâm âm nghĩa quyển 11 chép, thì hoa màu đỏ lợt, hình giống như tay người, còn gọi là vô ưu thụ, A thúc ca thụ (Phạm: azoka). Tên khoa học là Joncsia asoka, thuộc họ đậu, nở hoa lớn màu hồng. Ngoài ra, trong các tên khoa học của cây Ca na ca (Phạm: Kanaka) cũng có một tên là Butea frondosa. Và cây Ba la xa cũng còn gọi là cây Ca na ca. Cho nên có thuyết bảo các cây nói trên đều là tên gọi khác của cây Chân thúc ca. Tuy nhiên, theo kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) quyển 9 nói, thì cây này khác giống với cây A thúc ca và cây Ba la xa. [X. kinh Tạp a hàm Q.43 – kinh Đại bảo tích Q.1 – Đại ban niết bàn kinh sớ Q.1 – Huyền ứng âm nghĩa Q.7 – Chỉ quật dịch thổ tập Q.9]. (xt. Ba La Xa Thụ).