chân thật nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(真實義) Nghĩa chân thực của các pháp có bốn thứ: 1. Thế lưu bố chân thực nghĩa, nghĩa là chúng sinh thấy đất thì bảo là đất, thấy lửa thì bảo là lửa, chưa từng bao giờ bảo nước là lửa. Phàm các pháp thế gian như vậy tuy là mượn danh lập tướng, nhưng đều được nhận và gọi giống nhau, đó là Thế lưu bố chân thực nghĩa (nghĩa chân thực phổ thông ở thế gian). 2. Phương tiện lưu bố chân thực nghĩa, nghĩa là ở đời, những người có trí, trước dùng tâm ý suy xét, trù tính, rồi tùy nghi phương tiện, viết ra những kinh sách luận nghị để hướng dẫn người đời, đó là phương tiện lưu bố chân thực nghĩa. 3. Tịnh phiền não chướng chân thực nghĩa, nghĩa là các bậc Thanh văn, Duyên giác dùng đạo vô lậu phá tan các phiền não, được trí vô ngại, đó là tịnh phiền não chướng chân thực nghĩa. 4. Tịnh trí tuệ chướng chân thực nghĩa, nghĩa là Thanh văn, Duyên giác tuy đã được trí vô ngại, nhưng vẫn chưa có thể hiển rõ lí trung đaọ, cho nên gọi là trí tuệ chướng – Phật và Bồ tát đoạn được chướng ấy, lí trung đạo tự nhiên hiển hiện, đó là tịnh trí tuệ chướng chân thực nghĩa. [X. kinh Bồ tát thiện giới Q.2].