chân tâm quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(真心觀) Phép quán của tông Thiên thai. Trong tông Thiên thai, khi quán Nhất tâm tam quán, Nhất niệm tam thiên, thì lấy tâm làm đối tượng để quán xét và thông thường chia làm Chân tâm quán và Vọng tâm quán. Chân tâm quán do các sư Nguyên thanh, Hồng mẫn, Khánh chiêu của phái Sơn ngoại, và những người dị giải của phái Sơn gia, như Tông dục, thuộc tông Thiên thai thời Triệu Tống, đề xướng. Họ được gọi là Chân tâm gia, chủ trương tâm là bản thể của hết thảy sự vật, là tâm của lí chân như. Vọng tâm quán, do sư Tri lễ của phái Sơn gia tông Thiên thai đề xướng, gọi là Vọng tâm gia, chủ trương tâm vô kí là tác dụng hằng ngày của thức thứ sáu trong phàm phu. Hai thuyết trên căn cứ vào thuyết của các ngài Trí khải và Trạm nhiên mà thành lập. Trong hai thuyết, thuyết quán chân tâm, đối với người mới tu quán mà nói, rất khó mà đạt được. Hơn nữa, Chân tâm quán lại rất gần với thuyết Duy tâm duyên khởi của tông Hoa nghiêm, cho nên, đại đa số các nhà Thiên thai xưa nay không nhận là thuyết Chân tâm là chính thống. Tuy nhiên, tông Thiên thai Nhật bản thì cho cả hai pháp quán Chân tâm và Vọng tâm đều quan trọng, đều có thể tu song song.