chân ngôn

Phật Quang Đại Từ Điển

(真言) Phạm: mantra. Dịch âm: Mạn đát la, Mạn đồ la. Cũng gọi Đà la ni, Chú, Minh, Thần chú, Mật ngôn, Mật ngữ, Mật hiệu. Hàm ý là lời nói chân thực, không hư dối. Trong Mật giáo, Chân ngôn tương đương với Ngữ mật trong ba mật, và nói Chân ngôn bí mật. Hoặc còn chỉ Đức bản thệ của chư Phật, Bồ tát, chư Thiên, hoặc là tên riêng của các Ngài – hoặc chỉ các câu nói bí mật chứa đựng những giáo nghĩa sâu kín, mà phàm phu và Nhị thừa không thể biết được. Trung quốc và Nhật bản đều không phiên dịch chân ngôn, mà chỉ trực tiếp dùng phiên âm của nguyên ngữ. Cho rằng, xướng niệm, viết chép hoặc quán tưởng là quán tưởng văn tự chân ngôn, có thể được công đức tương ứng với chân ngôn. Cho nên, chân ngôn không những chỉ có thể đưa đến thành Phật ngay thân này, mà còn có thể thỏa mãn các nguyện vọng thế gian. Chẳng hạn như Chân ngôn Quang minh nói trong kinh Bất không quyên sách Tì lô giá na Phật đại quán đính quang chân ngôn, có thể khiến người nghe diệt trừ các tội chướng. Lại như tụng Chân ngôn Quang minh gia trì vào cát vàng, rồi đem cát ấy rắc lên xác chết, hoặc lên mộ người chết, nhờ sức gia trì, mà người chết diệt hết tội lỗi được vãng sinh Tây phương cực lạc thế giới. Danh từ Chân ngôn (Mạn đát la), từ nguồn gốc vốn là công cụ biểu hiện sự tư duy, cũng tức là ý văn tự, ngữ ngôn, đặc biệt chỉ cho lời nói thiêng liêng do thần, quỷ phát ra. Phong tục tụng đọc Mạn đát la đã rất thịnh hành tại Ấn độ ngày xưa, các kinh Phệ đà đã cho thấy rõ điều đó. Nhưng trong văn học Mạn đát la, thì Mạn đát la được giải thích là ý giải phóng tư duy, cũng tức là tư duy giải phóng con người từ sự trói buộc của sống chết. Ngoài sự giải thích như trên ra, Chân ngôn cũng còn bao hàm mấy nghĩa sau đây: 1. Minh, tiếng Phạm: Vidyà, hàm ý học vấn, tri thức. 2. Đà la ni (Phạm: Dhàranì, tổng trì), từ miệng nói ra là Chân ngôn đà la ni, biểu hiện ở nơi thân thì gọi là Minh. 3. Nếu chân ngôn do những câu dài tạo thành, thì gọi Đà la ni, còn chỉ với vài câu tạo thành, thì gọi Chân ngôn – có khi một chữ, hai chữ thì gọi chủng tử. Nói theo nghĩa rộng, không những chỉ văn tự, ngôn ngữ biểu thị thần chú bí mật, mới gọi là Chân ngôn, mà ngay cả sự nói pháp của Pháp thân Phật cũng gọi là Chân ngôn. Như các kinh điển, Mật giáo của Đông mật tại Nhật bản, hoặc các kinh điển Hiển giáo Mật giáo của Thai mật, về mặt biểu diện, đều dùng ngôn ngữ phổ thông, nhưng về mặt bản chất, thì đều căn cứ vào sự gia trì bí mật của Đại nhật Như lai, cho nên gọi là Chân ngôn bí mật tạng. Ngoài ra, như tiếng gió rì rào trên ngọn tùng, tiếng nước róc rách trong khe suối, tất cả đều là tiếng Như lai diễn nói pháp chân như thực tướng, cho nên gọi là Chân ngôn. Trong Mật giáo, chân ngôn được chia làm nhiều loại: 1. Đứng về phương diện người nói Mật ngữ khác nhau mà chia, thì có năm loại: Như lai nói, Bồ tát kim cương nói, Nhị thừa nói, chư Thiên nói và Địa cư thiên nói. 2. Đứng về phương diện ba bộ lớn của Mật giáo mà chia, thì tức là ba loại chân ngôn của Phật bộ, Liên hoa bộ và Kim cương bộ. 3. Đứng về phương diện tính chất của phép tu mà chia, thì có bốn loại: Tức tai pháp, Hàng phục pháp, Nhiếp triệu pháp và Tăng ích pháp. 4. Đứng về phương diện hình thức mà phân loại, thì có nhiều chữ (đà la ni), một chữ (chân ngôn) và không chữ (thực tướng) khác nhau. Ngoài ra, chân ngôn của một vị tôn cũngcó rộng, vừa và lược phân biệt gọi là Đại chú (Đại tâm chú), Trung chú (Tâm chú) và Tiểu chú (Tâm trung tâm chú).Thu tập chân ngôn của chư tôn mà biên thành sách, thì có: 1. Năm Diên bảo thứ 8 (1680), ngài Tịnh nghiêm tại Nhật bản bắt đầu in Phổ thông chân ngôn tạng. 2. Năm Gia khánh thứ 5 (1800) đời Thanh, chùa Vọng nguyệt ở Triều tiên in Chân ngôn tập. [X. kinh Trường a hàm Q.14 – kinh Tô tất địa yết la Q.thượng phẩm Chân ngôn tướng – kinh Đại nhật Q.1, Q.2 – Đại nhật kinh sớ Q.7, Q.12 – Tổng thích Đà la ni nghĩa tán – Pháp hoa nghĩa sớ Q.12 (Cát tạng)]. (xt. Chú, Đà La Ni).