chân năng phá

Phật Quang Đại Từ Điển

(真能破) Tiếng dùng trong Nhân minh. Môn thứ hai trong tám môn Nhân minh. Nói tắt là Năng phá. Trong phương thức biện luận Nhân minh, người lập luận (Lập) và đối phương (Địch) dùng ba phần Tông, Nhân, Dụ tiến hành tranh luận, sau khi người lập luận đã trình bày luận điểm của mình rồi, nếu có lỗi thì đối phương bác bỏ ngay, hoặc đưa ra một lập luận khác để chứng minh mà bác bỏ, như thế gọi là Năng phá. Năng phá còn chia làm hai: 1. Đưa ra một luận thức chính xác khác để bác bỏ luận đề của đối phương, gọi là Lập lượng phá . 2. Nếu chỉ vạch ra những lỗi lầm của đối phương thôi, mà tự mình không đưa ra một lập luận khác, thì gọi là Hiển quá phá . Trong ba mươi ba lỗi Nhân minh, thì sáu lỗi như tỉ lượng tương vi, vi quyết, bốn tương vi v.v… có thể trái với lập lượng, cho nên thuộc về Lập lượng phá – còn hai mươi bảy lỗi kia thì thuộc về Hiển quá phá. Lại Chân năng phá là đối lại với Tự năng lập mà có, nếu không có Tự năng lập thì chẳng cần có Chân năng phá. [X. luận Nhân minh chính lí – Nhân minh nhập chính lí luận đại sớ].