chân năng lập

Phật Quang Đại Từ Điển

(真能立) Tiếng dùng trong Nhân minh. Môn thứ nhất trong tám môn Nhân minh. Nói tắt là Năng lập. Đối lại với Tự năng lập . Trong phương thức biện luận Nhân minh, khi người lập luận (Lập) thành lập luận đề của mình một cách chính xác, đúng đắn, khiến đối phương (Địch) không thể tìm ra chỗ sơ hở, lầm lỗi nào, thì gọi là Chân năng lập. Phàm khi biện luận, thì Nhân (lí do), Dụ (thí dụ) đều phải chính xác, và nghĩa của Tông (mệnh đề) được thành lập cũng phải đầy đủ, khiến cho người nghe hiểu rõ, cho nên gọi là Năng lập. Có bốn điều kiện: 1. Ba dữ kiện trọng yếu là Tông, Nhân, Dụ đều phải đầy đủ, không được thiếu một dữ kiện nào. 2. Cả ba đều không phạm lỗi lầm. 3. Ba tướng của Nhân phải đầy đủ. 4. Không được phạm lỗi quyết định trái nhau. Tuy nhiên, về vấn đề Năng lập, sự phân loại của các học giả Nhân minh, mới cũng như cũ, đều có khác nhau. Trong Nhân minh đại sớ liệt kê tám năng lập (luận Du già sư địa, luận Hiển dương thánh giáo, luận Đối pháp), bốn năng lập (cổ Bà la môn), ba năng lập (Thế thân), hai năng lập (Thiền na) v.v… [X. luận Du già sư địa Q.15 – luận Hiển dương thánh giáo Q.11 – luận Nhân minh nhập chính lí – Nhân minh đại sớ Q.thượng phần đầu].