Chân đế

Từ Điển Đạo Uyển

真諦; S: paramārtha-satya;
Có hai nghĩa:
1. Chân lí tuyệt đối, ngược lại với Chân lí quy ước, chân lí tương đối (s: saṃvṛti-satya).
2. Chân Ðế (paramārtha, 499-569), một vị Cao tăng, chuyên dịch kinh ra tiếng Hán. Sư người Ấn Ðộ, đến Trung Quốc năm 546. Ban đầu Sư ở Nam Kinh, nhưng không bắt đầu ngay được công trình dịch thuật mà đợi đến khi về Quảng Ðông, Sư mới bắt đầu dịch các tác phẩm quan trọng của Duy thức tông (s: vijñānavāda) như Nhiếp đại thừa luận (s: mahāyāna-saṃgraha) của Vô Trước (s: asaṅga), A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhi-dharmakośa), Duy thức nhị thập luận tụng (vijñāptimātratāviṃśatikā-kārikā) của Thế Thân (s: vasubandhu) và kinh Kim cương ra chữ Hán. Tổng cộng, Sư dịch 64 tác phẩm với 278 tập.
Với các tác phẩm dịch thuật của mình, Chân Ðế đã giúp đưa Duy thức tông vào Trung Quốc với dạng Pháp tướng tông mà người sáng lập là Huyền Trang và Khuy Cơ. Bản dịch Câu-xá luận của Sư đã trở thành giáo pháp của Câu-xá tông tại Trung Quốc.