câu xá tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(俱舍宗) Là một tông phái Tiểu thừa dựa theo luận Câu xá mà được thành lập. Một trong mười ba tông phái tại Trung quốc. Đối lại với tông Thành thật được gọi là Tiểu thừa không tông, tông Câu xá thì gọi là Tiểu thừa hữu tông. Các học giả của tông này được gọi là Câu xá sư. Nguyên do: Ngài Thế thân đến nước Ca thấp di la học giáo nghĩa Tì bà sa, về sau, căn cứ theo luận Đại tì bà sa và tham chước giáo nghĩa của Kinh lượng bộ, rồi viết A tì đạt ma câu xá luận để phê phán học thuyết truyền thống của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Thời ấy, có luận sư Chúng hiền, soạn luận Câu xá bạc , đả phá thuyết mới của Thế thân, viết thêm luận A tì đạt ma tạng hiển tôn để hiển bày tông nghĩa của Tì bà sa. Về sau, các sư Đức tuệ, Thế hữu, An tuệ, Trần na, Xứng hữu, Tăng mãn và Tịch thiên v.v… nối tiếp nhau làm sớ để giải thích luận Câu xá mà tạo nên một kỉ nguyên mới cho giáo thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Năm Thiên gia thứ 5 (564) đời Trần, ngài Chân đế dịch A tì đạt ma câu xá thích luận (Phạm: Abhidharmakozabhawya) rồi lại làm sớ riêng mười sáu quyển để giải nghĩa, các sư Tuệ khải, Tuệ tịnh và Đạo nhạc cũng tiếp theo nhau làm sớ để phu diễn rộng ra. Năm Vĩnh huy thứ 5 (654) đời Đường, ngài Huyền trang đem dịch lại, gọi là A tì đạt ma câu xá luận, đời gọi là Câu xá mới, tức tông Câu xá căn cứ theo bản này mà lập tông. Học trò của ngài Huyền trang là các sư Thần thái, Phổ quang và Pháp bảo, mỗi vị đều có soạn sớ để giải nghĩa rộng ra, gọi chung là ba bộ đại sớ của Câu xá. Còn có các sư Hoài tố, Viên huy làm Sớ kí, giảng tập rất thịnh một thời. Tiếc rằng từ sau đời Đường trở đi, tông này không còn truyền thừa, đến thời vua Thế tổ nhà Nguyên, Quốc sư Bát tư ba viết Chương sở tri luận hai quyển, là tác phẩm nghiên cứu Câu xá cuối cùng. Tông này được truyền đến Nhật bản vào năm Tề minh Thiên hoàng thứ 4 (658), do các sư Trí thông, Trí đạt đến Trung quốc (đời Đường) lưu học, sau khi về nước, truyền luận Câu xá, sau sư Huyền phưởng thỉnh Trí thông, Trí đạt đến chùa Hưng phúc giảng luận này rất thịnh. Đại để tại Nhật bản, những người nghiên cứu tông Câu xá phần nhiều là phụ thuộc tông Pháp tướng mà kiêm thôi, nay chỉ còn sót lại cái học phong, chứ tên tông thì không truyền nữa. Tông này, ngoài việc lấy luận Câu xá làm luận điển chủ yếu ra, còn y cứ các kinh bốn a hàm, bảy bộ luận và các luận Đại tì bà sa, A tì đàm tâm, Tạp a tì đàm tâm. Ngài Thế thân viết văn xuôi, vì luận lí rõ ràng khúc chiết, thứ tự chỉnh tề, không câu chấp giáo nghĩa của một tông phái đặc định nào, bởi thế mà bộ luận được người ta gọi bằng cái mĩ danh là Luận thông minh. Giáo nghĩa tông này nhằm thuyết minh chính lí nhân duyên của các pháp, đả phá tà kiến chấp ngã của ngoại đạo và phàm phu, để dứt hoặc chứng Thánh, vĩnh viễn xa lìa sự trói buộc trong ba cõi. Luận đem chia các pháp trong ba cõi làm hai loại Hữu vi, Vô vi để thuyết minh, lại khu biệt thành năm vị, phân tích nhỏ ra làm bảy mươi lăm pháp. Tức là pháp Hữu vi bao gồm mười một Sắc pháp, một Tâm pháp, bốn mươi sáu Tâm sở hữu pháp, mười bốn Bất tương ứng hành pháp – Vô vi pháp thì có ba loại, tổng cộng thành bảy mươi lăm pháp. Hữu vi pháp là chỉ các pháp do nhân duyên tụ họp tạo thành, là các pháp sinh diệt biến thiên – Vô vi pháp là chỉ các pháp không do các nhân duyên tạo thành, là những pháp không sinh diệt đổi dời, mà có tính vắng lặng thường trụ. Ngoài ra, còn lập các môn pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v… Tông này phê phán chủ trương Tam thế thực hữu, Pháp thể hằng hữu (các pháp đều có thực thể và thực thể ấy tồn tại suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai) của Thuyết nhất thiết hữu bộ, và y theo nghĩa của Kinh lượng bộ mà đề xướng thuyết Quá khứ, vị lai vô thể luận (quá khứ, vị lai không có thực thể). Thừa nhận rằng, sự sinh diệt chỉ là sát na tương tục – diệt là sự di chuyển tất nhiên của hiện tại, không cần bất cứ nhân duyên nào khác giúp thành, mà sinh thì tất phải có sinh nhân và dùng các pháp môn sáu nhân, bốn duyên, năm quả để thuyết minh. Lại khái quát nhân quả mê ngộ là bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đồng thời, dùng pháp môn mười hai nhân duyên để nói rõ về lí sống chết nối tiếp nhau không cùng – lập ra bảy phương tiện, bốn hướng, bốn quả để thuyết minh thứ tự nhân quả chuyển mê khai ngộ. Thêm nữa, đặc biệt luận chứng trong trạng thái tĩnh lặng của Thiền định mà lĩnh hội lí bốn đế, có thể đạt đến giải thoát. [X. Bà tẩu bàn đậu pháp sư truyện – Câu xá luận quang kí Q.1 – Câu xá luận bảo sớ Q.1 – Đại đường tây vực kí Q.4 – Nguyên hanh Thích thư Q.27].