CẦU PHÁP
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

Giáo lý của Đức Phật, những lời từ kim khẩu Phật dạy, được gọi là Pháp mầu.

Tại sao lại Pháp mầu?

Bởi vì Pháp đó là những giọt thuốc chân lý, là ngón tay chỉ đường cho chúng ta vốn là những kẻ từ muôn kiếp vô thủy lạc đường giữa rừng sâu đêm tối của sáu nẻo luân hồi trong tam giới, thường chỉ chạy theo những ánh đèn ảo, chập chờn như ma chơi, nên không ra khỏi rừng. Nay có một đức Bồ Tát động lòng từ bi hiện hóa thân làm một vị Phật, hoặc làm một ông lão già chống cây tích trượng, hoặc hóa làm một cây cổ thụ, hoặc một con qủi tùy theo duyên nghiệp của kẻ lạc đường, rồi dùng một lời chân thật hay một câu ngụ ngôn bóng gió, khiến cho chúng sinh đó như bừng tỉnh một giấc trầm kha, rũ được những bóng vô minh của tam giới, và nhìn thấy con đường mình nên đi. Noi theo mon men con đường đó ngày càng thấy tâm thức mình lắng xuống, thấy sáu nẻo luân hồi dần dần vắng lặng thanh tịnh, vuốt mặt thấy bớt nhăn nheo, soi tâm thấy bớt phiền não. Như thế không gọi Pháp mầu thì gọi là gì?

Bọn chúng ta không có nhiều túc duyên nên chưa được sinh vào kiếp Tăng, có hội Long Hoa, nên còn chịu cảnh chiến tranh, tang tóc chia ly, tha hương và lưu đày. Nhưng cũng còn một chút căn cơ tốt, vì chưa bị sinh vào giai đọan cuối cùng của thời mạt kiếp. Nên còn thoát được chiến tranh và những bạo ngược của loài người. Và nhất là còn giữ được cái thân huyễn, để dùng tai và mắt nghe và đọc những lời của Pháp mầu.

Thoáng nghĩ thì chưa thấy tầm quan trọng của cơ duyên may mắn đó. Nghĩ sâu hơn, phải nhận đó là một túc duyên may mắn, không có mấy sự may mắn nào khác hơn được. Là vì nếu tỷ dụ như mình sinh vào thời buổi mạt kiếp, kinh sách mất hết, không còn một ai nhớ đến Pháp mầu, loài người tàn ác đến mực trông thấy nhau là chỉ muốn chém giết, hoặc như sinh vào cõi Bắc-Cu-Lưu-Châu, ở đấy chúng sinh rất sung sướng nhưng không ai biết Phật pháp, thì làm sao chúng ta có thể nghe được Phật pháp, để biết thế nào là Mê, thế nào là Tỉnh, thế nào là Thực, thế nào là Huyễn, để ra khỏi cảnh mê đồ của nơi dục giới này?… Bao nhiêu nỗi mê mê tỉnh thỉnh, bao nhiêu điều ngờ vực trong tâm thức, nhưng sự học thế gian không đánh tan nổi, chỉ có những lời Phật mới giải được toàn vẹn mà thôi. Vì thế,Pháp được đặt vào hạng Tam Bão, ngang hàng với Phật và Tăng.

Nhưng không phải chỉ riêng bọn chúng sinh ngu muội như chúng ta mới cần cầu Pháp mà thôi. Các bậc cao như Thanh Văn, La Hán, các bậc Bồ Tát lại càng cần cấu pháp hơn nữa, và càng cao bao nhiêu hòai bão cầu Pháp cần khẩn thiết hơn.

Thuở nhỏ, chắc ai cũng đọc chuyện Tây Du Ký, kể chuyện Ngài Huyền Trang sang Tây Trúc cầu Pháp. Cuộc hành trình thiên nan vạn nan, đường đi khó hơn vào Ba Thục, mà hành trang chỉ có một cây tích trượng, một con ngựa ốm và một bài chú Tâm Kinh do Ô Sào Thiền Sư (tức là vị thiền sư ngủ trong một cái tổ quạ trong rừng) dạy cho. Dù biết là lòng thành cầu Pháp đó đã khiến cho các chư thiên thấy nóng ruột, phải nhìn xuống và đi hộ trì dọc đường cho ngài Huyền Trang.

Trong kinh Đại Bát Nhã, có chép chuyện ngài Bồ Tát (hình như tên là Đàm Vô Kiệt thì phải), vì muốn cầu Pháp Bát Nhã, đã bán tim và óc của mình để mua đồ lễ, rồi sang một nước khác cầu Pháp.

Ngay đến Đức Thích Ca trong vô lượng kiếp quá khứ, khi chưa thành đạo, đã nhiều lần xả thân cầu Pháp. Trong kinh Hiền Ngu chép rất nhiều tích đó. Đại khái là vào một kiếp nào đó, Đức Thích Ca có phước báo đầy đủ, được sinh làm một vị vua có 3000 cung tần mỹ nữ. Nhưng ngài vẫn thấy khắc khoải, mang mang nhớ rằng hình như có một vị Pháp giải thoát mà chính mình lại không nhớ rõ ra sao. Ngài tuyên bố cầu Pháp và cam kết rằng kẻ nào bảo Pháp cho Ngài thì muốn đòi gì thì Ngài cũng ưng thuận trước hết. Lòng thành khẩn của Ngài đã gây một luồng ba động mãnh liệt, khiến trên cõi trời, các chư thiên cũng thấy nóng ruột. Có một vị chư thiên còn nhớ được một vài câu Phật Pháp của các vị cổ Phật; bèn hiện xuống làm một vị đạo sĩ, và đòi điều kiện đức Thích Ca phải xả thân chặt xương lóc thịt. Đức Thích Ca không chút ngần ngại làm ngay, rồi được nghe hai câu kệ đại khái như sau:

Mọi sự vật đều vô thường,
Vì do nhân duyên sanh

Hai câu kệ này, mới nghe như thoang thoảng không thấy gì. Nhưng ngẫm kỹ, mới thấy man mác như trời biển. Trong lịch sử, nhiều người ngồi trong núi, suốt đời chỉ quán mười một chữ đó, cũng đủ đắc A La Hán.

Tinh thần CẦU PHÁP là như thế. Và Pháp mầu ở chỗ mới nghe thì như không thấy gì, nhưng suy ngẫm kỹ thì một đời cũng chưa hết.

Ngày nay, ở giữa thời mạt kiếp, các tà kiến lộng hành, Phật Pháp tuy có phổ biến, nhưng vì căn cơ chúng ta thấp kém, nên pháp môn nào cũng thấy khó. Người xưa đôi khi chỉ nghe một câu, một chữ cũng có thể chứng ngộ. Ngày nay, chúng ta nghe hàng chục pho kinh mà chưa thấy tâm mình cựa quậy. Đối với căn cơ đa số chúng ta, Thiền định là một pháp môn khó vào, vì cheo leo như vách đá và không có tha lực.

Nên đa số cần níu vững lấy câu niệm Phật, hoặc cầu Chú. Kinh dậy rằng một người niệm Phật hay niệm Chú lớn tiếng trong đêm khuya, thì chư thiên bay ngang cũng phải dừng lại nghe. Và suy ngẫm kỹ, sẽ thấy trong kinh, không có một câu hay một chữ nào là sai.