câu na hàm phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(拘那含佛) Câu na hàm, Phạm: Kanakamuni, Pàli: Konàgamana. Là đức Phật thứ năm trong bảy Phật ở quá khứ, Phật thứ hai trong một nghìn đức Phật ở kiếp Hiền. Còn gọi là Cẩu na hàm Phật, Ca na già mâu ni, Câu na hàm mâu ni, Ca na hàm mâu ni, Ca nặc ca mâu ni. Dịch ý là Kim sắc tiên, Kim nho, Kim tịch. Cứ theo Trường a hàm quyển 1 kinh Đại bản chép, khi loài người sống lâu ba vạn tuổi, thì đức Phật này ra đời ở thành Thanh tịnh (Pàli: Sobhavatì), là giòng Bà la môn, họ là Ca diếp. Cha tên là Đại đức (Pàli: Yaĩĩnadatta), mẹ tên là Thiện thắng (Pàli: Uttarà) – Phật thành đạo dưới gốc cây Ô tạm bà la (Pàli: Udumbara), từng có một hội thuyết pháp, hóa độ ba vạn đệ tử, hai người trội hơn hết là Thư bàn na đa (Pàli: Bhiyyosa) và Uất đa la (Pàli: Uttara). Đệ tử thị giả tên là An hòa (Pàli: Sotthija). Kinh Quán Phật tam muội hải quyển 10 phẩm Niệm thất Phật (Đại 15, 693 hạ), nói: Phật Câu na hàm mâu ni buông ánh sáng lớn đến trước mặt hành giả, thân Phật cao hai mươi do tuần, vòng tròn ánh sáng ba mươi do tuần, khắp thân ánh sáng chiếu dài bốn mươi do tuần. Tướng ánh sáng đầy đủ. Người thấy đức Phật này thì được ba ức môn Tam muội, vô số đà la ni. Lại cứ theo kinh Thất Phật chép, thì Phật Câu na hàm mâu ni ra đời ở kiếp thứ bảy trong kiếp Hiền. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 45 chép, đức Phật này họ Ca diếp và Bà la đọa. Phật Câu na hàm, Phật Câu lâu tần, Phật Ca diếp v.v… đều ra đời ở kiếp hiện tại, vì thế tại Ấn độ có truyền thuyết về di tích của các Ngài. Cứ theo Cao tăng Pháp hiển truyện chép, thì ấp Na tì già (Nàbhika), cách thành Xá vệ về phía đông nam mười hai do diên, là nơi sinh của Phật Câu lâu tần, từ đó đi về hướng bắc mười một do diên nữa, tức là nơi sinh của Phật Câu na hàm. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 6 mục Thất la phạt tất để quốc chép, thì cách chỗ tháp của Phật Ca la ca thôn đà về phía đông bắc hơn ba mươi dặm, có mấy tòa Tốt đổ ba (tháp), tòa tháp phía bắc là tháp thờ xá lị của đức Phật Ca nặc ca mâu ni, và có cột đá do vua Vô ưu (A dục) dựng. Năm 1895 Tây lịch, tại bờ hồ Ni cách sa cách nhi, cách thôn Ni cách lí ngõa (Niglìva) về mạn nam khoảng một cây số, cách vườn Lâm tì ni mười tám cây số về phía tây nam, người ta đã phát hiện cây cột đá mà ngài Huyền trang miêu thuật, xem nội dung văn khắc trên cột, có thể xác định nơi ấy tức là di tích của Phật Câu na hàm, có điều chỗ ấy không phải vua A dục kiến thiết, cho nên biết, trước thời vua A dục đã có tháp của Phật Câu na hàm rồi. [X. kinh Tạp a hàm Q.15 – kinh Phật danh Q.8 – kinh Phật mẫu đại khổng tước minh vương Q.thượng – luận Đại trí độ Q.9 – Phiên Phạm ngữ Q.1 – Tuệ lâm âm nghĩa Q.18].