cầu na bạt ma

Phật Quang Đại Từ Điển

(求那跋摩) (367-431) Phạm: Guịavarman. Dịch ý là Công đức khải. Vị tăng dịch kinh đời Lưu Tống. Người nước Kế tân (Ca thấp di la hoặc địa phương Kiện đà la) thuộc bắc Ấn độ. Xuất thân từ dòng Sát đế lợi (dòng Vũ sĩ). Hai mươi tuổi xuất gia và thụ giới Cụ túc, tinh thông ba tạng Kinh, Luật, Luận, cho nên người đương thời gọi ngài là Tam tạng pháp sư. Năm sư ba mươi tuổi, vua nước Kế tân băng hà, chúng thỉnh sư hoàn tục để nối ngôi, sư từ chối, rồi sang nước Sư tử (Tích lan ngày nay) để hoằng dương Phật pháp, sau lại đến nước Xà bà (Java) truyền đạo. Niên hiệu Nguyên gia năm đầu 424) đời Văn đế nhà Lưu Tống, sư đến Quảng châu bằng đường biển, nhận thấy hình thế núi Hổ thị khá giống với núi Kì xà quật, cho nên sư đổi tên gọi là núi Linh thứu, đồng thời, lập Thiền thất để tập Thiền trong núi này. Trong núi vốn có nhiều hổ (cọp), nhưng từ khi sư đến ở thì không có nạn hổ nữa. Năm Nguyên gia thứ 8, sư đến Kiến khang, vua Văn đế tiếp đón và mời ở chùa Kì hoàn, sau đó không lâu, sư bắt đầu giảng kinh Pháp hoa và kinh Thập địa, giảng trường rất thịnh. Ngoài ra, sư cũng theo việc dịch kinh, dịch Bồ tát thiện giới kinh, Tứ phần tỉ khưu ni yết ma pháp, Ưu bà tắc ngũ giới tướng kinh, Sa di uy nghi, tất cả mười bộ mười tám quyển. Ngoài ra, sư còn kế tiếp Y diệp ba la mà dịch luận Tạp a tì đàm tâm để bổ túc cho phần mà Y diệp ba la chưa dịch xong. Ngày hai tám tháng chín năm Nguyên gia thứ 8, sư thị tịch, hưởng thọ sáu mươi lăm tuổi. [X. Lương cao tăng truyện Q.3 – Lịch đại tam bảo kỉ Q.10 – Thần tăng truyện Q.3 – Xuất tam tạng kí tập Q.14 – Khai nguyên thích giáo lục Q.5].