cầu na bạt đà la

Phật Quang Đại Từ Điển

(求那跋陀羅) (394-468) Phạm: Guịabhadra. Dịch ý là Công đức hiền. Vị tăng dịch kinh đời Lưu Tống. Người trung Ấn độ. Nguyên là giòng dõi Bà la môn. Lúc nhỏ học tập các luận Ngũ minh, nghiên cứu cả các môn thiên văn, thư số, y phương, chú thuật v.v… Sau đọc luận Tạp a tì đàm tâm mà sùng tín Phật pháp, bèn cạo tóc xuất gia và thụ giới Cụ túc. Sư là người hiền hòa kính thuận, chuyên cần học tập, trước học giáo pháp Tiểu thừa, thông suốt ba tạng, sau chuyển sang học giáo pháp Đại thừa, nghiên cứu kinh Đại phẩm bát nhã, kinh Hoa nghiêm, rồi đọc tụng tuyên giảng, đồng thời, đem Phật pháp khuyến hóa cha mẹ, người cha sau cũng qui y Phật giáo. Năm Nguyên gia 12 (435) đời Lưu tống, sư đến Quảng châu bằng đường biển, Văn đế sai sứ ra rước về chùa Kì hoàn ở Kiến khang để theo việc dịch kinh. Sư cùng với các sư Tuệ nghiêm, Tuệ quán ở chùa Kì hoàn, chiêu tập học tăng, dịch kinh Tạp a hàm năm mươi quyển, sau ở chùa Đông an dịch kinh Đại pháp cổ hai quyển. Về sau, đáp lời mời của Tiếu vương , đến ở chùa mới tại Kinh châu, tuyên giảng kinh Hoa nghiêm. Ngoài ra, sư cũng đã từng ở các nơi khác, như chùa Đạo tràng, chùa Trung hưng, chùa Bạch tháp v.v… Năm Đại minh thứ 7 (463) đời Lưu Tống, sư phụng mệnh cầu mưa và thành công, nhà vua sắc ban rất trọng hậu. Một đời sư trải qua ba triều Văn đế, Hiếu vũ đế, Minh đế và triều vua nào cũng qui hướng tôn sùng sư, đối nội, đối ngoại, sư có nhiều cống hiến. Sư giảng diễn rộng giáo pháp Đại thừa, dịch kinh hoằng hóa, cho nên đời gọi là Ma ha diễn. Ngoài các kinh điển do sư dịch kể ở trên, sư còn dịch các kinh Lăng già bốn quyển, Tiểu vô lượng thọ một quyển, Quá khứ hiện tại nhân quả bốn quyển, Tội phúc báo ứng một quyển, tất cả năm mươi hai bộ một trăm ba mươi tư quyển. Trong số đó, kinh Tiểu vô lượng thọ một quyển, là bản dịch thứ hai trong ba bản dịch. Năm Thái thủy thứ 4 đời Minh đế, sư thị bệnh, ngày lâm chung sư thấy Thiên hoa Thánh tượng và nhập tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi. [X. Lương cao tăng truyện Q.3 – Lịch đại tam bảo kỉ Q.10 – Thần tăng truyện Q.3 – Xuất tam tạng kí tập Q.14 – Khai nguyên thích giáo lục Q.5 ].