câu hữu nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(俱有因) Phạm: Sahabhùhetu. Một trong sáu nhân. Còn gọi Cộng hữu nhân, Cộng sinh nhân. Các pháp đồng thời tồn tại, làm nhân lẫn nhau, gọi là Câu hữu nhân. Như bốn đại đất, nước, lửa, gió, tất phải nương nhau mà sinh, chúng là nhân của ta, ta là nhân của chúng, cũng như cái đỉnh có ba chân nương nhau mà đứng vững, cho nên gọi là Câu hữu nhân. Trong bốn đại, một đại là nhân, thì ba đại kia là quả – ba đại kia là nhân thì một đại là quả. Bởi vì nếu chúng là nhân lẫn nhau, thì cũng là quả lẫn nhau. Câu hữu nhân còn có thể chia làm Hỗ vi quả câu hữu nhân và Đồng nhất quả câu hữu nhân khác nhau. Như đem ba chiếc gậy dựa vào nhau, thì một chiếc là nhân của hai chiếc kia, đồng thời, hai chiếc kia cũng là nhân của một chiếc này – cái lí của ba chiếc gậy ấy là quả lẫn nhau cũng thế, nên gọi là Hỗ vi quả câu hữu nhân (nhân câu hữu là quả lẫn cho nhau). Cũng như ba cái gậy như chân vạc dựa nhau mà giữ cho một vật đứng vững – tức do hai vật trở lên giúp đỡ lẫn nhau để mang lại một kết quả đồng nhất, ví như do nhiều cây cột mà chống đỡ một ngôi nhà, gọi là Đồng nhất quả câu hữu nhân. [X. luận Câu xá Q.6 – luận Đại tì bà sa Q.16 – luận A tì đạt ma thuận chính lí Q.15 – luận Nhập A tì đạt ma Q.hạ]. (xt. Lục Nhân).