câu chi nhất chỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(俱胝一指) Tên công án trong Thiền tông. Còn gọi là Câu chi thụ chỉ, Nhất chỉ đầu Thiền. Công án này thuật lại truyện Hòa thượng Câu chi đời Đường, đối với những người hỏi đạo, ngài chỉ dơ lên một ngón tay, chứ tuyệt không nói một lời nào khác. Cứ theo Cảnh đức truyền đăng lục quyển 11 chép, thì lúc Câu chi ở am, có một sư ni tên là Thực tế, đội nón, cầm gậy tích, đi quanh sư ba vòng, rồi nói (Đại 51, 288 thượng): Hễ nói được thì hạ nón. Ba lần hỏi như thế mà Câu chi đều không đáp được. Ni sư liền đi. Câu chi nói Trời gần tối rồi, hãy ở lại một đêm. Ni đáp: Nói được thì ở. Sư vẫn không đối được. Sau khi vị Ni đi rồi, sư cảm thấy quá xấu hổ, bèn khởi tâm ngờ vực và dũng mãnh tinh tiến. Về sau, Hòa thượng Thiên long đến am, Câu chi làm lễ đón tiếp, kể lại chuyện hôm nào, ngài Thiên long dơ một ngón tay lên để chỉ bày, ngay đó, Câu chi đại ngộ. Từ đấy trở đi, khi có người đến hỏi đạo, sư chỉ dơ một ngón tay lên, chứ không nói lời nào. Có một chú bé ra ngoài cũng bắt chước sư dơ ngón tay lên, khi về cũng dơ ngón tay như sư, Câu chi đem dao định chặt ngón tay chú bé, chú bé sợ hãi bỏ chạy, sư gọi chú bé, chú ta quay đầu lại, sư dơ ngón tay lên, chú bé hoát nhiên đại ngộ. Sắp tịch, sư nói với mọi người (Đại 51, 288 thượng): Ta được một đầu ngón tay Thiền của ngài Thiên long, mà suốt đời dùng mãi không hết. Nói xong thì tịch. Muôn sự muôn vật la liệt trong vũ trụ, đều lấy Chân như làm thể, cho nên nói về thể tính của chúng thì tức là bình đẳng nhất như,thực thể của một hiện tượng tức là thực thể của muôn tượng, thực thể của muôn tượng không ngoài thực thể của một hiện tượng. Một ngón tay của Câu chi tức là toàn thể vũ trụ – toàn thể đại địa núi sông, muôn tượng la liệt, tất cả đều vào trong một ngón tay ấy. [X. Bích nham lục tắc 19 – Thung dung lục tắc 84 – Vô môn quan tắc 3 – Ngũ đăng hội nguyên Q.4].