câu bất thành quá

Phật Quang Đại Từ Điển

(俱不成過) Tiếng dùng trong Nhân minh. Câu bất thành (trái với Nhân và Tông), tiếng Phạm: Ubhayàsiddha. Trong ba mươi lỗi Nhân minh, Câu bất thành là lỗi thứ ba trong mười lỗi của Dụ (tỉ dụ), lỗi thứ ba trong năm lỗi của Đồng dụ. Là lỗi đối với Năng lập pháp và Sở lập pháp đều không thành, tức là lỗi thiếu cả Nhân đồng phẩm và Tôn đồng phẩm trong Đồng pháp dụ. Được chia làm hai thứ là Hữu câu bất thành và vô câu bất thành: 1. Hữu câu bất thành, tức Câu bất thành hữu thể. Đồng pháp dụ được dùng tuy hữu thể, nhưng không đủ hai pháp sở lập và năng lập, không thể giúp cho thành Tôn (mệnh đề) và Nhân (lí do). Chẳng hạn như Thanh luận sư đối với Thắng luận sư lập luận Âm thanh là thường còn (Tôn), vì không chất ngại (Nhân), thí dụ như cái bình (đồng dụ). Trong lập luận này, thí dụ cái bình tuy được cả đôi bên Lập (người lập luận) và Địch (người vấn nạn) cùng thừa nhận, nhưng bình có tính chất ngại, thì chưa hẳn là cả đôi bên đã tiếp nhận, vì vậy, thiếu Nhân đồng phẩm – lại vì, tính thường còn của cái bình cũng chẳng phải được cả đôi bên cùng thừa nhận, vì thế thiếu Tôn đồng phẩm, đều không thể giúp cho thành Tôn và Nhân, cho nên gọi là Hữu câu bất thành. 2. Vô câu bất thành, tức Câu bất thành vô thể. Đồng pháp dụ được dùng là cả hai đều vô thể, hoặc có một vô thể, không đủ hai pháp sở lập, năng lập. Chẳng hạn như Thanh luận sư đối với các nhà Vô không luận Kinh bộ mà lập luận Âm thanh là thường còn (Tôn), vì không chất ngại (Nhân), thí dụ như hư không (đồng dụ). Phía Địch đã là các luận sư của Kinh bộ, thì cố nhiên chẳng thừa nhận thuyết hư không là có thực, như vậy tất chẳng thừa nhận loại thí dụ trên, vì thế gọi là Vô câu bất thành. Trong lập luận trên đây, thí dụ cái bình, âm thanh, đối với Nhân và Tôn đều không có tác dụng giúp thành, cho nên, đối với Năng lập pháp bất thành và Sở lập pháp bất thành, cả hai đều trái ngược, vì thế gọi là Câu bất thành quá. [X. luận Nhân minh nhập chính lí – Nhân minh nhập chính lí luận sớ minh đăng sao Q.2 phần đầu]. (xt. Nhân Minh).