câu bất cực thành quá

Phật Quang Đại Từ Điển

(俱不極成過) Tiếng dùng trong Nhân minh. Câu bất cực thành, tiếng Phạm: Bhayàprasiddha. Trong ba mươi ba lỗi Nhân minh, Câu bất cực thành là lỗi thứ tám trong chín lỗi của Tông (mệnh đề). Là lỗi Năng biệt và Sở biệt đều bị phủ nhận. Tức là lỗi được tạo ra bởi người lập luận (Lập) sử dụng những danh từ trong phần Tiền trần (chủ từ), và Hậu trần (khách từ) của Tông mà phía người vấn nạn (Địch) không đồng ý. Như Thắng luận sư đối với đệ tử Phật mà lập Tông: Tôi là nhân duyên hòa hợp. Trong mệnh đề này, tiếng Tôi là Sở biệt, nhân duyên hòa hợp là Năng biệt. Nhưng đệ tử Phật vốn cho cái Tôi là giả có, cho nên không chấp nhận dùng tiếng Tôi để làm Tiền trần (chủ từ). Lại Phật tử tuy thừa nhận hòa hợp, cũng thừa nhận nhân duyên, nhưng không thừa nhận có cái gọi là nhân duyên hòa hợp. Như vậy, Sở biệt, Năng biệt đều bị phía địch không thừa nhận, cho nên gọi là Câu bất cực thành. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.trung – Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.2 – Nhân minh nhập chính lý luận ngộ tha môn thiển thích]. (xt. Nhân Minh).