cát tường thảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(吉祥草) Phạm: Kuza. Dịch âm là Củ thi, Câu thư, Cô xa. Dịch ý là Thượng mao, Hương mao, Cát tường mao, Lữu thảo, Hi sinh thảo. Nói tắt là Tường thảo. Cỏ này sinh ở chỗ ẩm ướt, hoặc mọc dưới ruộng nước, hình dáng giống như cỏ tranh, dài độ hơn sáu mươi phân. Cứ theo các kinh điển chép, thì khi đức Thích tôn thành đạo dưới cây Bồ đề, ngài đã ngồi trên cỏ này, do đồng tử Cát tường cắt và trải trên toà ngồi của đức Thích tôn. Ấn độ từ xưa đến nay vẫn coi loại cỏ này là thần thánh là điềm lành, trong các buổi tế lễ, thường được dệt kết thành chiếu để đặt các vật cúng lễ lên trên. Ngoài ra những nhà tu hành cũng đem trải ở những nơi vắng vẻ yên tịnh, hoặc trong phòng sạch sẽ, để làm đồ ngồi, nằm. Về sự lợi ích của cỏ Cát tường thì, cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 19 nói, vì cỏ này đức Thích tôn ngồi trên khi thành đạo, cho nên khi những người tu hành trải cỏ này mà ngồi thì chướng ngại không phát sinh, các trùng độc không đến được, vả lại chất cỏ rất thơm sạch. Tuy nhiên, cỏ này sắc như dao, rất dễ gây thương tích cho thân thể, nếu người tu hành không thận trọng, không chú tâm thì sẽ bị cỏ làm thương tổn, cho nên nhờ thế mà biết tự chế, trừ khử tâm phóng túng. [X. kinh Tu hành bản khởi Q.hạ – kinh Phật bản hạnh tập Q.26 – kinh Vô lượng thọ Q.thượng – kinh Bất không quyên sách đà la ni – Thích thị yếu lãm Q.hạ].