cát tường kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(吉祥經) I. Cát tường kinh. Có một quyển. Do Chi khiêm đời Ngô dịch, còn gọi là Bát cát tường thần chú kinh, Bát cát tường kinh, Bát cát tường chú kinh, thu vào Đại chính tạng tập 14. Nội dung tường thuật việc đức Phật ở nước La duyệt kì núi Kì xà quật, cùng với chúng tỉ khưu và Bồ tát tập hội, trong hội đức Phật đã nói cho ngài Xá lợi phất và đại chúng nghe về công đức thụ trì danh hiệu của tám đức Phật ở phương Đông và tám Cát tường thần chú. Về sự phiên dịch kinh này, cứ theo Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục quyển 12, có tất cả năm bản dịch, mà hiện chỉ còn bốn, đều thu trong Đại chính tạng tập 14, còn một thì thiếu. Trong đó, bản dịch thứ nhất, tức Bát cát tường thần chú kinh, nói ở trên, 1 quyển, là do Chi khiêm đời Tam quốc Ngô dịch – bản thứ hai là Bát dương thần chú kinh 1 quyển, do Trúc pháp hộ đời Tây Tấn dịch – bản thứ ba Bát cát tường kinh 1 quyển, hiện thiếu, là do Cầu na bạt đà la đời Tống dịch – bản thứ tư Bát cát tường kinh do Tăng già bà la đời Nam triều Lương dịch – bản thứ năm Bát phật danh hiệu kinh 1 quyển, do Xà na quật đa đời Tùy dịch. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.5 – Đại đường nội điển lục Q.2 – Khai nguyên thích giáo lục Q.2]. II. Cát tường kinh, gồm mười hai bài tụng. Do Hoàng để lạp lị lị (tên dịch âm Pàli) dịch vào năm Dân quốc 24 (1935), đăng trên Nhật báo Phật giáo ngày 22 tháng 9. Kinh này là kinh Tiểu tụng (Khuddaka Pàỉha) trong Tiểu bộ kinh (Khuddaka NikàyaI) thuộc tạng kinh Pàli. Nội dung kể việc đức Phật ở nước Xá vệ, trong vườn Kì thụ Cấp cô độc, đáp lời thỉnh cầu của một người trời mà nói về lí giữ giới tu điều lành có thể được đại cát tường. Trong bài Cát tường kinh đích thấu thị (nhìn suốt qua kinh Cát tường) của nhà học giả Pháp chu hiện đại, có nêu lên rằng, phẩm Cát tường thứ 39 trong kinh Pháp cú thu vào Đại chính tạng tập thứ 4, là dịch từ Tiểu bộ kinh, đồng thời như đã nói ở trên, kinh này là kinh Tiểu tụng thuộc Tiểu bộ kinh, cho nên suy luận là phẩm Cát tường đã lấy từ kinh Cát tường trong kinh Tiểu tụng. Ngoài ra trong bài văn của mình, Pháp chu còn in cả nguyên văn Pàli của kinh này, rồi đem so sánh đối chiếu bản dịch với nguyên bản mà chỉ ra những điểm khác nhau giữa hai bản.