CÁT-MÃ-BA

Từ điển Đạo Uyển


葛嗎波; T: karmapa; cũng được dịch là Hạt-mã-la, Hạt-mã-ba, có thể hiểu là “Người hành động theo Phật”;

Tên của một dòng cao tăng lĩnh đạo Cát-mã Ca-nhĩ-cư phái và là dòng tái sinh (Chu-cơ; t: tulku) lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền sự hiện diện của dòng cao tăng này đã được Phật Thích-ca cũng như Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) tiên đoán trước. Tới nay đã có 16 lần tái sinh của dòng Cát-mã-ba, được xem là những vị “tái sinh vì lợi ích của chúng sinh.” Kể từ thế kỉ 15, mỗi vị được xác nhận là tái sinh kế thừa được mang một vương miện màu đen trong một buổi lễ đặc biệt. Vương miện đó được xem là hiện thân của đức Quán Thế Âm.
Lịch sử cho thấy các vị Cát-mã-ba tái sinh dưới nhiều dạng khác nhau, làm bậc trí thức, tu khổ hạnh, nhà nghệ thuật, người làm thơ. Mục đích quan trọng nhất của dòng tái sinh Cát-mã-ba là giữ Kim cương thừa (s: vajrayāna) được lưu hành.

Các vị Cát-mã-ba có tên như sau:

  1. Cát-mã-ba Cầu-tùng Khẳng-ba (karmapa dusum khyenpa, 1110-1193);
  2. Cát-mã-ba Cát-mã Ba-hi (karma pakshi, 1204-1283);
  3. Cát-mã-ba Lãng-tuấn Ða-kiệt (rangjung dorje, 1284-1339);
  4. Cát-mã-ba La-bồi Ða-kiệt (rolpe dorje, 1340-1383);
  5. Cát-mã-ba Ðức-hân Hỉ-ba (deshin shegpa, 1384-1415);
  6. Cát-mã-ba Thắng-ngỏa Ðông-đốn (tongwa donden, 1416-1453);
  7. Cát-mã-ba Thu-trác Kiết-thố (chodrag gyatsho, 1454-1506);
  8. Cát-mã-ba Mễ-khước Ða-kiệt (mikyo dorje, 1507-1554);
  9. Cát-mã-ba Uông-thu Ða-kiệt (wangchuk dorje, 1556-1603);
  10. Cát-mã-ba Xác-ánh Ða-kiệt (choying dorje, 1604-1674);
  11. Cát-mã-ba Da-hi Ða-kiệt (yeshe dorje, 1676-1702);
  12. Cát-mã-ba Cường-thu Ða-kiệt (changchub dorje, 1703-1732);
  13. Cát-mã-ba Ðô-đoạt Ða-kiệt (dudul dorje, 1733-1797);
  14. Cát-mã-ba Ðức-xác Ða-kiệt (thegchog dorje, 1798-1868);
  15. Cát-mã-ba Tạp-nhã Ða-kiệt (khakh yab dorje, 1871-1922);
  16. Cát-mã-ba Lãng-tuấn Lôi-tỉ Ða-kiệt (rangjung rigpe dorje, 1924-1982).

Hiện nay có một thiếu niên sinh năm 1985 được xem là Cát-mã-ba thứ 17 đang sống tại Tây Tạng.