cáp lị quan âm

Phật Quang Đại Từ Điển

(蛤蜊觀音) Một trong ba mươi ba ứng thân của bồ tát Quan âm. Vì ngài ngồi trên con Cáp lợi (con trai, con hến) cho nên gọi Cáp lợi Quan âm. Đây là tín ngưỡng bắt nguồn từ sau đời Đường, chứ trong các kinh quĩ không thấy ghi chép. Cứ theo Phật tổ thống kỷ quyển 42 mục Đường văn tông khai thành nguyên niên chép, vua Văn tông nhà Đường ăn cáp lợi, có một con bửa mấy cũng không mở miệng ra, bèn đốt hương cầu đảo thì Cáp lợi thình lình biến hiện thành hình Bồ tát. Nhà vua cho mời thiền sư Duy chính ở núi Chung nam vào để hỏi nguyên do, sau đó, hạ lệnh cho các chùa viện khắp trong nước đều phải lập tượng Quan âm. Đó là nguồn gốc của tín ngưỡng Cáp lợi Quan âm. Thông thường các dân chài lưới rất tin sùng. [X. Phật tượng đồ vựng Q.2].