cấp đa vương triều

Phật Quang Đại Từ Điển

(笈多王朝) Cấp đa, Phạm: Gupta. Còn gọi Quật đa vương triều. Vương triều thống nhất Ấn độ hưng thịnh vào năm 320 đến 470 Tây lịch. Chiên đà la cấp đa (Phạm: Chandragupta) đệ nhất, là người sáng lập Vương triều Cấp đa, lên ngôi vào năm 320, thay thế cho Vương triều Quí sương và Vương triều Án đạt la ở nam Ấn độ mà đã suy tàn vào giữa thế kỉ thứ III. Sa mẫu đà la cấp đa (Phạm: Samudragupta, 335-385 tại vị) đời thứ 2, là ông vua văn vũ song toàn, thống nhất nam bắc Ấn độ, gây dựng một nước lớn kể từ Vương triều Khổng tước đến đây. Về phương diện tôn giáo, ông vừa bảo hộ Phật giáo, vừa ra sức phục hưng Bà la môn giáo. Con ông là Chiên đà la cấp đa đời thứ 2, trên mặt lịch sử văn hóa Ấn độ, là ông vua của thời đại huy hoàng rực rỡ nhất, là người xúc tiến học vấn và văn nghệ, khiến cho nền văn hóa cổ điển Ấn độ vốn đã đẹp đẽ, lại được khai phóng và khởi sắc thêm. Ngoài ra, còn có Khố mã lạp cấp đa (Phạm: Kumàragupta, ở ngôi 414-455) và Tư khảm đạt cấp đa (Phạm: Skandagupta, ở ngôi 455-470 ) đều là những ông vua vĩ đại. Về sau, thế lực Vương triều mỗi ngày một suy giảm, lại bị Hung nô (Phạm: Hùịa) xâm lược, do đó mà chia năm xẻ bảy. Trong các sử liệu và văn bia, người ta còn thấy tên của nhiều vua thuộc Vương triều Cấp đa, nhưng tình hình thực tế thì không được rõ. Hai ông vua Khố mã lạp cấp đa và Tư khảm đạt cấp đa nói ở trên, đều là người bảo hộ giáo đoàn Phật giáo, nhưng chủ yếu là chấn hưng Bà la môn giáo làm quốc giáo, do đó, thế lực của Phật giáo trong xã hội dần dần suy vi (khoảng trước năm 402-411, cao tăng Pháp hiển đến Ấn độ, có viết Phật quốc kí, trong đó sư ghi chép tình hình xã hội Ấn độ thời bấy giờ rất chi tiết). Sau này, thế lực vương hầu mỗi ngày mỗi lớn mạnh, bèn hình thành một quốc gia cực quyền, thậm chí xác lập tư tưởng Quốc vương được thần thánh hóa một cách tuyệt đối. Thái độ của Phật giáo đương thời đối với việc ấy cũng có khuynh hướng bao dung. [X. F. J. Fleet: Description of the Early Gupta Kings – E. J. Rapson: The Cambridge History of India, vol.I (Ancient India) – V. A. Smith: The Early History of India].