cao xương quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(高昌國) Tên một nước xưa ở Tây vực. Nay là địa phương Cáp lạt hoà trác (Karakhoja) về mạn đông nam Thổ lỗ phồn (Turfan) thuộc tỉnh Tân cương. Thời Hán gọi là nước Xa sư tiền, thời Tấn gọi là quận Cao xương. Từng đã có lần được độc lập gọi là nước Cao xương (khoảng 420), sau bị Thái tôn nhà Đường chinh phục, rồi đặt tên là Tây châu (khoảng 640). Từng đã phụ thuộc Hồi cốt (từ cuối thế kỷ VIII đến đời Nguyên) sau lại phụ thuộc Trung quốc, là một Trung tâm lớn của Phật giáo, các kinh Phật đã được phiên dịch tại đây. Từ sau thế kỷ XIX trở đi, các nhà khảo cổ đã thám hiểm nhiều lần, đào được vô số tượng Phật, tranh Phật và các kinh điển bằng tiếng Phạm, tiếng Hồ, tiếng Hồi cốt. Các di tích trứ danh của Phật giáo gồm có: thành cũ Cao xương, thành cũ Giao hà, động Nghìn Phật Bối sa khắc lỗ khắc và hào Thổ dục. Thành Cao xương và thành Giao hà là những di tích già lam được kiến tạo trên mặt đất, còn Bối sa khắc lỗ khắc thì là động đá do hai quần thể hang động tạo thành. (xt. Thiên Phật Động).