cao xương cố thành

Phật Quang Đại Từ Điển

(高昌故城) Thành cũ Cao xương, tiếng Duy ngô nhĩ gọi là Diệc đô hộ thành, tiếng Hán gọi là Cao xương bích, Cao xương lũy. Thành ở A tư tháp na (Hán gọi là Tam bảo ) thôn đông, Cáp lạt hòa trác (Hán gọi là Nhị bảo) thôn nam cách huyện lị Thổ lỗ phồn hơn bốn mươi cây số về phía đông, thuộc tỉnh Tân cương. Niên đại Kiến trúc và qui mô cơ bản được hình thành vào khoảng trước đời Lương (324-376) đến thời đại Vương triều Cao xương khúc thị. Tổng diện tích hai triệu mét vuông, phần lớn tường thành đã đổ, đại khái là hình vuông, chu vi khoảng năm cây số. Bộ phận cửa thành đắp bằng đất, dấu vết vẫn còn, có thể đi xe qua được. Toàn thành chia làm ba bộ phận là thành ngoài, thành trong và thành cung, bố cục hơi giống như thành Trường an đời Đường. Thành trong kiến trúc la liệt, góc tây nam thành ngoài còn lại nền một ngôi chùa, diện tích độ mười nghìn mét vuông, cổng chùa, quảng trường, nhà điện, tháp cao, khám thờ Phật, còn có thể đếm được rõ ràng, du khách có thể đi qua sân vào nhà. Thành trong có một nền cao, ở trên còn lại một tòa kiến trúc cao tới mười lăm mét, tục gọi là Khả hãn bảo và gần đó phát hiện nền đá khắc đồ án.