CAO TĂNG TRUYỆN

Sa-môn Thích Tuệ Kiểu ở chùa Gia Tường, Cối Kê, soạn vào đời nhà Lương tuyên dịch từ kinh điển.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

THÍCH TĂNG QUẦN

Không rõ Ngài ở vùng nào. Là một người thanh bần thủ tiết, ăn chay tụng kinh. Sau đó dời sang núi Tiếu huyện La Giang ở, cắt một chiếc chòi tranh, ngọn núi đứng trơ trọi giữa biển, trên có tảng đá đường kính khoảng mấy trượng, nước sâu sáu, bảy thước, luôn có nước trong chảy xuống, các bô lão ngày xưa truyền rằng: Đó là nơi ngày xưa các vị tiên tụ tập, họ uống nước trong đó rồi không còn đói khát nữa cho nên họ không ăn cơm gạo. Sau đó thái thú nhà Tấn là Đào Quý biết tin này liền sai đến đó lấy nước thì nước bốc mùi hôi, cứ như vậy đến ba, bốn lần. Cuối cùng Đào Quý đích thân vượt biển, lúc đi trời quang mây tạnh nhưng đến chân núi thì mưa gió mịt mù, ông ở lại đó mấy ngày liền cuối cùng vẫn không đến được nơi đó. Nên than rằng: phàm phu trong cõi tục chắc cách biệt với cõi thánh tiên, buồn bả quay về. Am tranh của ngài Tăng Quần cách mỏm đá kia một con suối nhỏ. Ngài thường lấy một khúc gỗ làm cầu nối tới đó mang nước về. Sau này tự dưng có một con vịt gãy cánh, sải cánh nơi đầu cầu, nó cất tiếng kêu. Ngài định lấy tích trượng gạt nó ra nhưng sợ làm tổn thương nó, nhân đó mà quay về, bỏ nước hẳn không uống nữa mấy ngày thì chết, thọ một trăm bốn mươi tuổi. Lúc lâm chung nói với mọi người rằng: Thuở thiếu thời có lần chặt cánh của con vịt, nghiệm lại điều này chắc là hiện báo.

THÍCH ĐÀM XỨNG

Ngài là người Hà Bắc, tuổi còn nhỏ đã có sẵn lòng nhân ái, cứu giúp đến các loài côn trùng. Cuối đời Tấn, Ngài đến Bành Thành thấy một cụ già tám mươi tuổi, vợ chồng nghèo cùng khốn khổ, Ngài bèn xả giới để làm nô bộc cho họ, nhiều năm vất vả nhưng bên trong vẫn tu dưỡng đạo đức, làng xóm ai nấy đều khen ngợi, cho đến khi hai ông bà qua đời. Được người phụ giúp đó là phước phần của hai lão. Ngài nghĩ công vịêc tình nguyện của Ngài đã xong, muốn trở lại với đạo nhưng pháp vật chưa chuẩn bị đủ. Vào đầu nhà Tống ở núi Giá huyện Bành Thành xảy ra nạn hổ, người trong thôn mỗi ngày bị nạn bỏ hai, ba người. Ngài bèn bảo người trong thôn rằng: Nếu hổ ăn thịt ta thì nhất định họa sẽ hết. Mọi người hết lời can ngăn nhưng không được. Thế là đêm đó Ngài ngồi trên thảm cỏ, chú nguyện rằng: Ta đem thân này giúp ngươi đỡ đói, để cho ngươi tù đây trở đi dứt bỏ ý niệm oán hại đời sau sẽ được pháp thực vô thượng. Người trong thôn biết ý Ngài đã quyết nên họ khóc lóc lễ lạy rồi ra về. Tới canh tư nghe tiếng hổ bắt Ngài đi. Người trong thôn bèn đuổi đến Nam Sơn thì nó đã ăn hết thịt Ngài rồi, chỉ còn lại cái đầu, nhân đó xây tháp an táng. Thế là nạn hổ biến tiêu mất.

THÍCH PHÁP TẤN

Người ta gọi là Đạo Tấn hoặc gọi là Pháp Nghinh. Ngài họ Đường, người ở vùng Trương Dịch, Lương châu. Thuở nhỏ đã tinh khổ đọc tụng, có đức siêu tuyệt, được Thư Cừ, Mông Tốn kính trọng, Tốn mất, con là cảnh Hòan bị giặc Hồ quấy phá, hỏi Ngài rằng: Nay muốn chuyển đến Cao Xương có được chăng? Tấn nói: Tất nhiên được nhưng sợ mắc nạn đói thôi. Thế là ông kéo quân lên đường. Ba năm sau Cảnh Hoàn chết, em là An Chu kế vị, năm đó đói kém mất mùa người chết vô số. Chu cầu cứu Ngài, nên nhiều lần Ngài đi khất thực quyên góp cứu giúp kẻ nghèo đói, kho đựng trong nước sắp cạn, Ngài không biết tìm cầu đâu nữa. Nên tắm rữa sạch sẽ rồi cầm đao và muối đi đến chỗ cư ngụ của những kẻ đói nhất. Ngài lần lượt truyền Tam quy cho họ rồi máng y bát lên cành cây, đứng trước chỗ người đói nói rằng: Ta thí thân này cho các ngươi ăn. Mọi người tuy đói khát khốn khổ nhưng lòng không nhẫn. Thế là Ngài cắt thịt mình và lấy muối cho họ ăn. Thịt hai bên bắt đùi đã hết mà lòng buồn bả vì không thể cắt được nữa. Ngài bèn bảo các người đói kia rằng: Các ngươi lấy thịt da tôi, may ra vẫn còn ăn được mấy ngày. Nếu sứ của vua đến nhất định họ sẽ đem đi, nên phải đem dấu đi. Những người đói kia vô cùng bi ai nên không nỡ lấy nữa. Không lâu đệ tử Ngài đến. Cả nước đau buồn kêu gào than khóc, nhân đó mà chở di hài Ngài về cung, An Chu ra lệnh lấy ba trăm đấu gạo cứu giúp những kẻ đói khổ kia. Còn xuất kho lẫm để giúp dân nghèo, đến hôm sau mới hết. Vua làm lễ trà-tỳ Ngài ở phía Bắc thành, khói lửa ngút trời bảy ngày mới tắt. Hài cốt đều rụi chỉ còn lại cái lưỡi không cháy. Nên vua đem về xây ngôi tháp ba tầng để thờ, dựng bia bên phải. Đệ tử của Ngài là Tăng Tuân, họ Triệu người Cao Xương, thông thạo Thập Tụng luật, chay lạt tiết hạnh, tụng các bộ kinh như pháp Hoa, Thắng Man, Bát-nhã còn khuyết khích môn nhơn siêng năng sám hối.

THÍCH TĂNG PHÚ

Ngài họ Sơn, người vùng Cao Dương, cha đứng đầu chức giám điền. Thuở nhỏ Ngài mồ cột sống cuộc sống nghèo nàn nhưng siêng năng học hành không biết chán. Lượm củi đốt để lấy ánh sáng mà học, đến năm hai mươi tuổi thì thông kinh sử, hình dáng phong nhã lại khéo nói năng. Sau đó gặp Ngụy Tần tướng quân Dương Doanh giúp đỡ áo quần, lương thực. Ngài dắt bạn cùng chí học với mình là Tập tạc sĩ đến nghe An công giảng kinh Phóng Quang, liền sinh tâm ưa mến đạo. Thế là cắt tóc theo thầy học đạo. Sau khi ngài Đạo An tịch, Ngài trở về chùa Đình Úy ở Ngụy quận, nhập thất thiền định dứt hẳn mọi việc đời. Bấy giờ trong thôn có nạn cướp, chúng cướp một đứa trẻ muốn lấy tim gan để tế thần. Ngài từ xa nhìn thấy ngã tư đường đến gặp tên cướp hỏi rõ lý do, Ngài bèn cởi y để đổi lấy đứa bé nhưng chúng không bằng lòng, Ngài hỏi: Ngũ tạng của người lớn có thể dùng được không? Bọn họ cho rằng Ngài không thể xả thân, nói dối cho qua, Ngài bèn nghĩ: Thân huyễn hóa của ta cũng sẽ chịu một lần chết, nếu chết mà để cứu người, tuy chết mà vẫn còn sống. Thế là Ngài tự lấyy dao của bọn cướp cắt từ ngực đến rốn. Bọn cướp lại trách cứ lẫn nhau rồi bỏ chạy tứ tán, Ngài liền đưa đứa trẻ về nhà, ở ngã tư có người đang đi họ thấy cảnh như thế, nhân đó hỏi nguyên do, tuy trong lòng đau đớn nhưng vẫn nói được, nên thuật rõ chuyện trên, người này vô cùng thương cảm nên đem Ngài về lấy kim may da của Ngài lại, lấy thuốc xoa lên vết cắt, lấy xe đưa Ngài về chùa nghỉ ngơi, chẳng bao lâu sau thì vết thương lành. Sau này không biết Ngài mất ở đâu.

 

THÍCH PHÁP VŨ

Ngài là người vùng Ký châu,, năm mười lăm tuổi xuất gia, làm đệ tử ngài Tuệ Thỉ, lúc đầu lập hạnh tinh khổ tu hạnh đầu-đà. Chí khí kiên cường nên thâm đạt đạo cả. Thường muốn học theo hạnh đốt thân cúng dường của ngài Dược Vương. Bấy giờ Vương Diêu Tự nhà Ngụy Tần trấn nhậm ở Bồ Phản, ngài đem chuyện nói với Tự. Ong nói: Hành đạo nhiều phương pháp đâu cần phải thiêu thân, nên Ngài không dám trái ý, hạnh nguyện tam tư, chí Ngài đã sâu nặng, thế là Ngài xoa dầu thơm vào người rồi lấy vải quấn thân, tụng phẩm xả thân xong thì lấy lửa tự đốt. Đạo tục nhìn thấy ai cũng hết lòng đau xót, năm ấy bốn mươi lăm tuổi.

THÍCH TUỆ THIỆU

Không rõ Ngài thuộc dòng họ nào. Thuở nhỏ mẹ Ngài đút cá thịt vào miệng bèn nhổ ra, đút rau thì không nghi, từ đó Ngài bắt đầu ăn chay. Đến tám tuổi thì xuất gia làm đệ tử ngài Tăng Yếu. Tinh cần khổ nhọc gắng chí giữ hạnh. Sau theo thầy đến ở chùa Chiêu Đề ở Lâm Xuyên, bèn có thầm ý muốn thiêu thân, thường mướn người đốn củi chất bên thất đá cao mấy trượng ở núi Đông. Ơ giữa đặt một cái khám đủ đặt thân mình. Rồi trở về chùa từ giả thầy. Ngài Tăng Yếu cố khuyên cản nhưng không được. Ngay hôm thiêu thân, Ngài lập một đàn bát quan trai ở núi Đông và cáo biệt những người quen biết, ngày ấy cả nước xôn xao, người người xe ngựa chở vàng bạc không thể kể hết, đến đầu đêm hành đạo Ngài tự đốt hương, hành hương xong cầm đuốc đốt củi, vào giữa đống củi ngồi tụng phẩm Dược Vương Bổn Sự, mọi người không còn thấy Ngài được nữa mới biết Ngài đã mất rồi, lễ bái chưa xong mọi người đều đến chỗ chất củi, củi cháy phừng phừng mà giọng tụng không ngớt, lửa cháy đến cổ nghe tiếng xướng nhất tâm thì liền dứt hẳn. Đại chúng đều thấy một ngôi sao to như cái đấu, từ trong làn khói thoáng vụt lên trời. Khi đó mọi người ở cung trời đến rước Ngài. Trải qua ba ngày đống củi mới tàn. Khi Ngài sắp mất bảo bạn đồng học rằng: Chỗ ta thiêu thân sẽ mọc một cây ngô đồng, cẩn thận chớ đốn. Ba ngày sau quả đúng có sinh một cây ngô. Ngài thiêu thân vào năm Nguyên gia 28. Năm ấy thầy của Ngài là Tăng Yếu cũng thanh cẩn có đức tốt. Năm một trăm sáu mươi tuổi tịch ở chùa.

THÍCH TĂNG DU

Ngài họ Chu người vùng Dư Hàng huyện Ngô Hưng, năm hai mươi tuổi xuất gia, hạnh nghiệp thuần chơn. Năm Nguyên gia thứ 15 cùng với các bạn đồng học Đàm Uẩn, Tuệ Quang xây dựng tinh xá ở Nam Lãnh, Lô Sơn, gọi là Chiêu An, Ngài luôn cho rằng bởi do thân hình tâm thức nên vướng lụy trong tam đồ, tình nếu tận thì hình cũng sẽ tổn thương, dấu vết của Dược Vương đâu thể gọi là xa. Thế rồi nhiều lần phát thệ mới khế với nguyện thiêu thân. Vào ngày mồng 3 tháng 6 năm thứ 2 Hiếu kiến nhà Tống, Ngài chất củi thành đống rồi thỉnh chư tăng thiết trai, cáo biệt đại chúng, ngày ấy mây mù che lấp mặt trời dường như sắp đổ mưa. Ngài bèn thệ rằng: Nếu nguyện tôi thành thì mong cho trời sáng ra. Nếu không cảm thì khiến trời trút mưa. Để cho tứ chúng ngay đây biết được thần ứng nghiệm không nghi vậy. Ngài nói xong mây tan trời trong, đến đầu đêm Ngài bèn vào khám củi chắp tay ngồi ngay ngắn, tụng phẩm Dược Vương, ngọn lửa bốc đến thân mà Ngài vẫn còn chắp tay không buông. Đạo tục biết việc ấy tranh nhau chạy đến Di Sơn đồng thời cùng nhau đảnh lễ nguyện kết nhân duyên, họ đều thấy khí đỏ xông thẳng lên hư không rất lâu mới hết. Thọ bốn mươi bốn tuổi, sau mười ngày Ngài mất chừng bốn ngày trong phòng Ngài mọc hai cây ngô đồng. Cành lá sum suê, lớn nhỏ xứng nhau, mập mạp thẳng vút, bèn trở thành đồi cây kỳ lạ. Kẻ thức giả cho rằng đó là Ta-la Bảo Thọ biểu hiện điềm Niết-bàn. Dường như Ngài hiện hai cây này để biểu hiện chứng nhân gọi là song đồng Sa-môn. Trương Biện ở Ngô quận làm trưởng sử ở Bình Nam chính mắt trong thấy việc này nên ghi vào truyện để khen tặng. Tán rằng:

Truyền cơ sâu xa
Chí đạo mênh mông
Vào sanh ra tử
Ai là diệu bảo
Từ xưa Dược Vương
Hóa độ tuyệt luân
Xưa nghe lời ấy
Nay thấy người này
Sa-môn trác tuyệt
Định tuệ tâm vững
Thầm ngưng khí tỏa
Hiện vết song thọ
Đức ấy đáng vui
Hạnh ấy đáng quý
Nên tôi đã viết văn này
Để người làm theo.

THÍCH TUỆ ÍCH

Ngài là người Quảng Lăng, thuở nhỏ xuất gia theo thầy đến ở Thọ Xuân. Trong niên hiệu Hiếu kiến nhà Tống đến kinh đô ở chùa Trúc Lâm. Siêng năng chuyên cần, thệ nguyện thiêu thân. Mọi người nghe tin có kẻ khen ngợi có người chê bai. Đến năm thứ tư Đại minh bắt đầu bỏ ăn cơm gạo chỉ ăn mạch nha, đến năm thứ sáu thì tuyệt dứt mạch nha. Chỉ ăn váng sữa. Chẳng bao lâu thì dứt bỏ váng sữa, chỉ uống viên hoàn thơm. Tuy tứ đại còn rất mong manh nhưng tinh thần vẫn còn rất khỏe mạnh. Hiếu Vũ rất kính trọng đến thăm hỏi ân cần, sai thái tể Giang Hạ Vương Nghĩa đích thân đến chùa khuyên can. Nhưng chí Ngài kiên quyết không đổi. Đến ngày mồng 8 tháng năm thứ 7 Đại minh, lúc Ngài chuẩn bị thiêu thân, bèn đặt chảo dầu ở phía Nam, Chung Sơn. Ngày ấy ngồi xe ngựa nhờ người kéo từ chùa lên núi. Vì hoàng đế là chỗ nương tựa của muôn dân, lại là chỗ nhờ cậy của Tam Bảo, lại đích thân vào đài đến cửa Vân Long, không thể bước được nữa bảo người mở tấu văn của Ngài đọc: Tuệ Ích đạo nhân nay xả thân đến Vân Long Môn phụng chỉ, lại đem Phật pháp giao phó cho vua, vua nghe đổi nét mặt, bèn đích thân ra cửa Vân Long. Ngài thấy vua rồi còn đem Phật pháp phó chúc rồi từ giả. Vua cũng tiếp tục đến. Các vương tôn, hoàng phi đạo, tục, thứ dân chen đầy hang núi. Cởi y phục bỏ trân bảo vô số, Ngài bèn vào chảo dầu vin vào một giường nhỏ lấy y áo tự quấn thân, trên thêm một cái mão dài lấy dầu rót vào đó rồi cầm ngọn đuốc, vua bảo thái tể đến chỗ vạc dầu khuyến dụ rằng: Đạo hạnh nhiều cách đâu cần làm tổn tánh mạng, mong Ngài suy nghĩ kỹ lúc sinh vào đường khác. Nhưng chí nguyện của Ngài đã quyết không còn niệm hối hận. Bèn đáp rằng: Thân mạng hèn mọn này đâu đáng giữ lại. Lòng trời ý Thánh chẳng phải mình. Nguyện độ hai mươi người xuất gia, vua ban sắc lệnh cho phép, Ngài bèn chính tay cầm đuốc đốt mão. Mão cháy Ngài bỏ đuốc, chắp tay tụng phẩm Dược Vương. Lửa cháy đến chân mày tiếng tụng kinh vẫn còn rất rõ ràng cho đến lúc đến mắt thì tiếng nhỏ dần, kẻ quý người tiện đều than khóc chấn động cả hang tối. Ai nấy chỉ còn biết kêu Phật thảm thiết rơi lệ. Lửa cháy đến hôm sau mới tắt. Lúc ấy vua nghe giữa hư không có tiếng kèn sáo, mùi hương lạ thơm tho, trọn ngày hôm đó vua mới về cung. Đêm mộng thấy Ngài chống tích trượng đến lại giao phó Phật pháp. Sáng ngày hôm sau vua mở hội cho độ người. Bảo trai chủ xướng bạch đầy đủ những điều Ngài nói. Nơi Ngài thiêu thân vua cho dựng ngôi chùa Dược Vương, để tưởng nhớ việc này vậy.

THÍCH TĂNG KHÁNH

Ngài họ Trần người vùng An Hán, Ba Tây. Gia thế thờ đạo năm đấu. Ngài sinh ra đời bèn thấy rõ điều đó. Năm lên mười ba tuổi xuất gia ở chùa Nghĩa Hưng tịnh tu phạm hạnh, nguyện cầu thấy Phật. Trước tiên xả ba ngón tay, sau cùng thệ thiêu thân, dần dần tuyệt thực chỉ uống dầu thơm. Đến ngày mồng 8 tháng 2 năm thứ 3 Đại minh, Ngài ở chùa Vũ Đảm nước Thục ở trước tượng Tịnh Danh mà Ngài tạo dựng đốt thân cúng dường, thứ sử Trương Duyệt đích thân đến thăm, đạo tục đến xem đông vô số. Mây trôi kết thành mưa buồn thương rơi xuống. Lát sau trời quang mây tạnh. Bỗng thấy một vật giống như rồng bay thẳng lên trời. Năm đó Ngài hai mươi ba tuổi, thái thú ở Thiên Thủy tên là Bùi Phương Minh thu hài cốt xây tháp để thờ.

THÍCH PHÁP QUANG

Người Lũng Tây, Tần châu, thuở nhỏ đã có lòng thành tín, nhưng đến năm hai mươi chín tuổi mới xuất gia, khổ hạnh đầu-đà không mặc gấm lụa, không ăn ngũ cốc chỉ ăn lá tùng. Sau đó phát nguyện thiêu thân rồi bắt đầu uống nhựa thông và dầu trải qua nửa năm. Đến ngày 20 tháng 10 năm Vĩnh minh thứ ba nhà Tề, Ngài ở trong chùa Ký Thành, Lũng Tây chất củi thiêu thân để mãn nguyện xưa, khi lửa cháy đến mắt mà tiếng tụng kinh vẫn còn rất rõ, lúc đến mũi mới im bặt. Ngài thọ bốn mươi mốt tuổi. Lúc ấy vào cuối năm Vĩnh Minh ở huyện Thỉ Phong có vị Tỳ-kheo Pháp tồn cũng thiêu thân cúng dường, quận thú Tiêu Miễn bảo Sa-môn Tuệ Thâm xây tháp thờ hài cốt.

THÍCH ĐÀM HOẰNG

Ngài là người Hoàng Long, thuở nhỏ rất có giói hạnh, chuyên nghiên cứu luật tạng. Giữa niên hiệu Vĩnh Sơ nhà Tống Ngài về phương Nam ở Đài tự xứ Phiên Ngu. Sau đó đến chùa Tiên Sơn ở vùng Giao Chỉ tụng kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh phát tâm hồi hướng về Tây phương. Vào năm thứ 2 Hiếu kiến Ngài lên núi chất củi rồi âm thầm vào trong đó đốt thân, đệ tử vội tìm đến khiêng ngài trở về, nửa thân đã cháy hết, trải qua nửa tháng mới bớt. Sau này ở vùng gần thôn có mở trai hội, cả chùa đều đi hết một mình Ngài lại vào trong hang thiêu thân. Người trong thôn chạy đến thì Ngài đã mất rồi. Thế là họ bèn chất thêm củi cháy tới sáng hôm sau mới tắt. Ngày hôm đó dân làng đều thấy thân Ngài sắc vàng cỡi một con nai vàng đi về Tây. Ngài đi rất vội không rảnh han huyên. Đạo tục bấy giờ mới hiểu sự linh dị của Ngài cùng nhau thu hài cốt xây tháp thờ.

Luận rằng:

Những vật có hình tướng thì có đáng quý trọng là thân thể, cái đáng quý của tình thức là mệnh sống. Cho nên ăn mỡ uống máu, che thân mập bằng áo mỏng là muốn cho tinh thần vui vẻ; uống linh đan để nuôi dưỡng thể tạng là để trường thọ. Còn như chẻ một sợi lông để lợi thiên hạ mà xen lẫn, bỏ một bữa ăn để duy trì mạng sống kẻ khác thì tiếc mà không cho, đấy là quá chậm tệ vậy. Từ xưa có Hoành Tri, Đạt Trị, Đạt, kiến từng quên mình vì người. Thể hội tam giới là nhà trong đêm dài. Ngộ được tứ sinh là cảnh huyễn mộng, tinh thần thong dong như cánh chim. Hình hài mắc nơi đáy bình. Thế nên xoa từ đầu đến chân không từng liên quan đến tâm. Quốc thành thê tử xả bỏ như cỏ rác. Những điều luận bàn hôm nay chính là con người này vậy, Tăng Quần chỉ vì một con vịt mà bỏ nước để đến nổi vong mạng. Tăng Phú chỉ vì cứu một đứa trẻ mà rạch bụng để nó toàn thân. Pháp Tấn róc thịt cứu người đói. Đàm Xướng tự hiến thân để trừ họa hổ. Đây đều là đạo liêm tế cao thượng, quên mình vì người vậy. Ngày xưa vương tử xả thân công đức ấy vượt qua chín kiếp. Róc thịt chuộc lại con chim làm chấn động ba ngàn thế giới. Đâu phải chỉ có người như Ngài mới cao siêu tuyệt thế. Kế đến Pháp Vũ cho đến Đàm Hoằng đều thiêu hình hài xả bỏ vật yêu quí, để chuyên lòng cầu về An dưỡng. Hoặc nguyện sống tri túc cho nên để lại hai cây ngô trong phòng. Trong một bữa ăn vụt thẳng hư không, thị hiện điềm lành cùng một lúc. Những Thánh giáo khác nhau, khai giá cũng chẳng giống. Nếu như vì quyền hợp thời mà tạo tác. Vì lợi mà hiện thần thông thì chẳng phải điều thánh giáo cho phép. Cho nên kinh nói: Nếu có thể đốt một ngón tay hoặc ngón chân công đức ấy còn cao hơn bố thí cả quốc thành. Nếu hàng phàm Tăng xuất gia vốn lấy oai nghi để nhiếp hóa chúng sinh mà nay hủy hoại hình hài tức là phá tướng phước điền. Suy cho cùng nói có được có mất, được là ở nơi quên mình, mất là vì trái giới. Cho nên ngài Long Thọ nói: Mới thực hành hạnh Bồ-tát không thể cùng một lúc hành đầy đủ các độ, hoặc viên mãn nơi hạnh bố thí thì trái với hạnh hiếu. Như vương tử xả thân cứu hổ. Hoặc viên mãn tuệ thì lại trái với hạnh từ, như ép người khác đoạn thực. Tất cả đều do hạnh chưa trọn vẹn nên không thể không có sự thiếu sót. Còn như Phật nói thân có tám vạn vi trùng đồng căn khí với người. Mạng người đã đoạn thì vi trùng cũng chết theo. Thế nên bậc La-hán sau khi mất, Phật cho phép thiêu thân mà nay các vị vẫn còn sống lại đi thiêu hủy thì đối với mạng vi trùng sẽ phạm lỗi. Có người nói: Bậc La-hán còn nhập hỏa quang thì phàm phu đâu có gì để tiếc. Có người nói nhập hỏa quang bỏ mạng mình trước. Sau đó dùng sức thần trí để tự thiêu. Nhưng hàng Bồtát tánh địa cũng chưa tránh khỏi báo thân, hoặc có khi đâm mình vào đám lửa, hoặc có khi xẻ thịt chia cho người. Nên biết luận về việc giết côn trùng rốt cuộc đã rõ lắm rồi. Còn như tam độc tứ đảo là gốc rễ của sinh tử. Thất giác chi, bát chánh đạo là con đường chính vào Niết-bàn. Đâu cần phải thiêu hủy hình hài, rồi mới lìa khổ. Nếu các vị ấy gần tới đắc nhẩn mà giả hiện đồng phàm phu. Có khi vì chúng sinh mà xả thân. Đây chẳng phải lời nói có thể bàn đến được. Kẻ phàm phu không có cái nhìn sâu rộng chi bằng suốt đời hành đạo. Còn như xả bỏ thân mạng, hoặc muốn vinh dự một thuở, hoặc muốn lừng danh vạn đời, thì khi lửa đến sẽ sinh tâm hối tiếc lẫn sợ hãi. Lời nói đã rộng hổ thẹn vì xúc chạm đến tiết tháo của người. Thế thì cần phải gắng gợi để tu học, luống rơi vào vạn khổ, như thế thì chẳng có gì để nói.

Khen rằng: Nếu người vững chí, đá vàng chẳng sánh được, luyện thuần thục ở đây cầu về nơi bảo thành kia. Cỏ thơm xanh tốt, tư quán phù khinh. Tỏa rạng ánh sáng, hiện ra điềm lành hàm ẩn linh dị, ngàn năm còn đẹp, muôn đời vẫn luôn thơm.

 

 

THỨ BẢY : TỤNG KINH

THÍCH ĐÀM THÚY

Không rõ Ngài là người phương nào. Thuở nhỏ xuất gia ở chùa Bạch Mã, Hà Am, ăn uống đạm bạc, áo vải thô sơ. Tụng kinh Chánh pháp Hoa một ngày một biến. Lại thông đạt ý chỉ kinh cũng vì người khác giải nói. Vào một đếm bỗng nghe tiếng gõ cửa và nói muốn thỉnh Pháp sư thuyết pháp chín mười ngày. Ngài không nhận lời. Họ năn nỉ mãi Ngài mới đi, mà vẫn còn trong giấc ngủ, thức dậy thân đã ở trong miếu chùa Bạch Mã. Với một đệ tử, từ đó mỗi ngày Ngài âm thầm sang đó. Người khác không ai biết gì. Sau có vị tăng trong chùa qua trước miếu thấy có hai tòa cao. Ngài ở hướng Bắc, đệ tử ở hướng Nam, như có âm thanh giảng pháp, lại nghe có mùi hương kỳ lạ. Thế là đạo tục truyền nhau đều nói là việc thần dị. Đến cuối mùa hạ, thần cúng dường chùa Bạch Mã năm con dê trắng, chín mươi tấm lụa. Chú nguyện xong rồi từ biệt nhau. Sau này không biết Ngài tịch ở đâu.

THÍCH PHÁP TƯỚNG

Ngài họ Lương, không biết người ở phương nào, luôn sống vất vả trên núi, tụng kinh hơn cả vạn lời. Cầm thú tụ tập quanh chỗ Ngài, Ngài đều đều dạy dỗ chúng giống như gia cầm. Ngôi miếu ở Thái Sơn có rương đá lớn chứa đồ quý. Ngài nhân dạo núi đi đến ở trên miếu, chợt thấy một người mặc áo đen đội mão tướng, võ bảo Ngài mở rương, nói xong hoàn toàn không thấy nữa. Rương đá ấy nặng hơn một ngàn cân, Ngài thử nhấc lên bỗng nhẹ phớt. Thế là Ngài lấy của cải bố thí cho dân nghèo. Sau đó qua Giang Nam ở chùa Việt Thành. Bỗng dưng Ngài trở nên buông thả phóng đãng, hài hước như thường hát, hoặc có khi cởi trần phạm đến sự quý trọng cảu triều đình. Tướng quân Tư Mã Điềm nhà Tấn trấn giữ phương Bắc rất ghét phong thái của Ngài, gọi đến để hạ độc, nhiều lần nghiêng đổ ba chung nhưng thần khí vẫn thản nhiên không chút sợ hãi. Ong rất kính trọng. Đến cuối niên hiệu Nguyên Hưng nhà Tấn Ngài thị tịch, thọ tám mươi tuổi. Thời ấy có các vị Trúc Đàm Cái, Trúc Tăng Pháp đều khổ hạnh và có sự cảm thông. Trúc Đàm Cái còn có thể trì chú cầu mưa, được thứ sử Tư Mã Nguyên

Hiển ở Dương châu kính trọng. Ngài Tăng Pháp cũng giỏi thần chú. Con của thừa tướng nhà Tấn là Lương Tư Mã Đạo ở Cối Kê xây chùa Trị Thành cho Ngài.

TRÚC PHÁP THUẦN

Không rõ ngài ở phương nào, thuở nhỏ xuất gia ở chùa Hiển Nghĩa ở Sơn Am, khổ hạnh có đức độ, tụng kinh Cổ Duy-ma. Vào giữa năm Nguyên Hưng nhà Tấn vì chùa mà đến Lam Chử mua nhà xưa. Tới lúc chiều trở về giữa hồ, gặp gió mà thuyền nhỏ. Ngài nhất tâm cầu Quán Thế Am không ngớt. Bổng thấy một con thuyền lớn. Ngài leo lên đó liền tránh khỏi nạn, đến bờ hỏi ra mới biết thuyền không chủ, chốc lát biến mất. Đạo tục đều khen là do thần cảm, sau này không biết Ngài tịch ở đâu.

THÍCH TĂNG SINH

Ngài họ Viên, người ở Ty quận Thục thuở nhỏ xuất gia sống rất khổ hạnh. Thành Đô Tống Phong thỉnh Ngài làm trụ trí chùaNhị Hiền, tụng kinh pháp Hoa, tu Thiền định, thường ở trong núi tụng kinh, có con hổ đến quỳ trước thất nghe Ngài tụng kinh xong mới đi. Sau đó mỗi khi đến đoạn phúng tụng bèn thấy bốn người xung quanh hầu hạ. Tuổi tuy già yếu nhưng chí lực càng mạnh, sau đó có chút bịnh bèn nói với thị giả rằng: Ta sắp đi đây, sau khi ta mất hãy thiêu thân, đệ tử vâng theo di chúc.

THÍCH PHÁP TÔNG

Ngài là người Lâm Hải, thuở nhỏ thích săn bắn, có lần ở Diệm bắn nhằm con nai có chửa bị đọa thai. Nai mẹ ngậm mũi tên mà vẫn còn cúi xuống liếm con. Ngài bèn hối hận, biết được lẽ tham sống yêu thương con là điểm chung của loài hữu tình. Thế là bèn bỏ cung ném tên đi xuất gia cầu đạo. Thường khất thực để nuôi thân, ngày ăn một bữa, sống đạm bạc chuyên tâm sám hối tội xưa. Tụng kinh pháp Hoa, Duyma, thường lên đài phúng vịnh âm vang khắp nơi. Kẻ sĩ thứ ngưỡng mộ quy giới hơn ba ngàn người. Ngài bắt đầu khai thác chỗ ở để làm tinh xá. Nhân lấy đọc tụng làm sự nghiệp nên gọi là Pháp Hoa đài không biết sau này Ngài tịch ở đâu.

THÍCH ĐẠO DUỆ

Ngài họ Mã, người Phù Phong, lúc mới xuất gia làm đệ tử ngài Đạo Ý. Lúc thầy bịnh lại sai bốn người đệ tử gồm Đạo Duệ v.v… đến Tiêu Sơn Hà Nam tìm chung sữa, họ vào hang mấy dặm, leo cây qua sông ba người chết chìm, ngọn đuốc lớn đã mất, Ngài đoán không còn cách nào cứu. Bèn chuyên tâm tụng kinh pháp Hoa, chỉ còn cách nương cậy vào lòng chân thành này. Lại còn luôn tưởng niệm đức Quán Am, lát sau lại thấy một luồng sáng giống như ánh sáng đom đóm. Ngài vội đuổi theo nhưng không kịp, thế là Ngài đành ra khỏi hang, rồi bắt đầu tu tập thiền định, tiết hạnh hơn trước. Nhiều lần lập đàn trai Phổ Hiền, đều có sự linh ứng. Có khi thấy Phạm tăng vào đàn ngồi. Hoặc thấy người cởi ngựa đi vào, đều chưa kịp hỏi han gì bỗng nhiên biến mất. Sau đó cùng với bốn người bạn đồng học, đi về phương Nam đến kinh đô xem xét phong cảnh tập quán, ban đêm bước lên sông qua sông, giữa dòng băng vỡ ba người chết chìm. Ngài lại thành khẩn niệm Quán Am, bèn cảm thấy dưới chân có một vật tự nhúc nhích, rồi lại thấy luồn ánh sáng đỏ hiện ra phía trước. Ngài men theo ánh sáng đó đến bờ, khi đi đến kinh đô ở chùa Nam Nhàn. Thường lấy Bát-chu làm sự nghiệp. Có lần vào lúc nửa đêm ngồi thiền, chợt thấy bốn người ngồi xe đến phòng, bảo Ngài lên xe, Ngài mơ hồ không biết gì đã thấy mình ở trong quận, sau đó chìm vào giữa cầu, bèn thấy một người ngồi trên giường Hồ. Thị giả mấy trăm người, họ thấy ngài giật mình đứng dậy nói: người tọa thiền đây. Người kia nhân đó hỏi thị giả xung quanh: chỉ muốn để biết chỗ ở mà thôi. Cớ sao làm lao nhọc Pháp sư. Thế rồi bèn lễ bái và từ biệt Ngài. Nói xong sai người tiễn Ngài trở về chùa, gõ cửa hồi lâu mới mở cửa và vào chùa thấy phòng vẫn còn đóng cửa. Mọi người chẳng ai lường được. Vào năm thứ 20 Nguyên Gia nhà Tống. Khang Vương Nghĩa Khánh người Lâm Xuyên và Ngài cùng nhau đến Quảng Lăng.

Sau này Ngài tịch ở đó.

THIÍCH TUỆ KHÁNH

Ngài là người Quảng Lăng, xuất gia ở chùa Lô Sơn, học thông kinh luật, giới hạnh trong sạch. Tụng kinh pháp Hoa, Thập Địa, Tư Ích, Duy-ma. Mỗi đêm thường ngâm vịnh, thường nghe trong bóng tối có tiếng khảy móng tay khen ngợi. Hôm nọ chợt có sấm chớp gió thổi làm thuyền chao đảo sắp lật, Ngài tụng kinh liên tục, cảm thấy thuyền ở trên làn sóng như có người kéo giữ, bỗng nhiên đến bờ, thế là Ngài càng dốc chí mãnh liệt hơn. Ngài tịch vào cuối năm Nguyên gia nhà Tấn, thọ sáu mươi hai tuổi.

THÍCH PHỔ MINH

Ngài họ Trương người ở Lâm Truy, thuở nhỏ xuất gia, bẩm tánh trong sáng ăn mặc thô sơ, lấy việc sám hối tụng kinh làm bổn phận. Tụng hai bộ pháp Hoa, Duy-ma và mỗi khi phúng tụng đều có y áo và tọa cụ riêng… khi phúng tụng đến Phẩm khuyến phát bèn thấy ngài Phổ Hiền cởi voi trắng đứng ở trước mặt. Lúc tụng kinh Duy-ma cũng nghe giữa hư không xướng âm nhạc. Ngài rất giỏi thần chú cầu gì được nấy. Có người vợ chính của Vương Đạo ở trong làng bị bịnh đến chờ Ngài trì chú. Sáng hôm sau Ngài vừa vào đến cổng thì cô vợ của ông ta trở nên rất buồn bã. Lát sau lại thấy một vật như con hồ ly dài mấy thước từ chỗ hang chó nhảy ra, nhân đó mà bệnh khỏi. Có lần Ngài đến một ngôi miếu bên dòng sông. Thầy cúng (đồng bóng) trong miếu tự nói: Thần thấy Ngài đến đều bỏ đi. Ngài mất vào giữa năm Kiến sơ nhà Tống, thọ tám mươi lăm tuổi.

THÍCH PHÁP TRANG

Ngài họ Thân, người Hoài Nam, xuất gia năm mười tuổi, thờ ngài Tuệ Viễn ở Lô Sơn. Thuở nhỏ nổi tiếng khổ hạnh, lúc tuổi già trở về Quan Trung theo ngài Tăng Duệ thọ học. Đầu năm Nguyên gia, Ngài đến kinh đô ở chùa Đạo Tràng, tánh tình bộc trực ngay thẳng ngày chỉ ăn một bữa, tụng kinh Đại Niết-bàn, pháp Hoa, Tịnh Danh, vào lúc cuối đêm thường phúng tụng. Mọi người luôn nghe trước phòng Ngài có tiếng binh đao khí trượng và lính vệ. Thật ra đó là thiên thần đến nghe Ngài tụng kinh vậy. Ngài tịch vào đầu năm Đại minh Nhà Tống. Thọ bảy mươi sáu tuổi.

THÍCH TUỆ QUẢ

Ngài là người Dự châu, thuở nhỏ ăn chay sống đạm bạc. Vào những năm đầu nhà Tống, Ngài đến kinh Sư ở chùa Ngõa Quan. Tụng kinh pháp Hoa, Thập Địa. Có lần thấy một con quỷ trong nhà xí, đến lễ kính Ngài và nói rằng: Ngày xưa con làm Duy-ma trong chúng tăng. Có việc nhỏ trái pháp nên đọa vào trong loài ngạ quỷ ăn phân dơ. Pháp sư là bậc đạo cao đức trọng lại có lòng từ bi vô lượng. Cầu mong Ngài ban ơn cứu giúp con tìm phương thoát khỏi kiếp này. Ngày xưa con có ba ngàn lượng chôn cất ở dưới gốc cây thị, xin Ngài hãy lấy số tiền đó làm phước. Thế là Ngài bảo chúng Tăng đào lên, quả đúng ba ngàn lượng, Ngài đem in một bộ pháp Hoa và mở trai hội. Sau đó mơ thấy quỷ nói rằng. Con đã được tái sinh vào chốn thù thắng hơn ngày xưa. Ngài sau này mất vào năm thứ 6 Thái thủy nhà Tống, thọ bảy mươi sáu tuổi.

THÍCH PHÁP CUNG

Ngài họ Quan, người Ung châu, ban đầu xuất gia ở chùa An Dưỡng vùng Giang Lăng, sau đó ra kinh sư ở chùa Đông An. Tuổi tuy còn nhỏ mà có chí khổ hạnh tuyệt luân, mặc vải thô sơ, ăn đậu mạch. Tụng kinh hơn ba mươi vạn câu. Mỗi đêm ngâm tụng bèn tỏa ra mùi thơm kỳ diệu. Người vào phòng Ngài ai cũng nghe thấy. Ngài thường lấy y áo cũ gom chí rệp và lấy đắp.

Để nuôi nó. Ba vị vua Vũ, Văn, Minh nhà Tống và Văn Vương, Nghĩa Tú v.v… ở Hàm Dương đều rất tôn sùng đạo hạnh của Ngài. Những phẩm vật mà tín thí cúng dường, Ngài đều phân chia hết cho người nghèo, không hề cất vật gì. Vào giữa năm Thái thỉ nhà Tống, Ngài trở về Tây và mất ở đó, thọ tám mươi tuổi. Lúc đó ở Ô Y cũng có vị Tăng Cung, đức độ cao minh, nhậm chức Cương Tổng ở chùa, cũng không ăn cơm gạo, chỉ ăn đậu mạch.

THÍCH TĂNG PHÚ

Không rõ Ngài là người phương nào, thuở nhỏ mồ côi được thuộc hạ nuôi dưỡng, bảy tuổi xuất gia làm đệ tử ngài Đăng Lượng học thông các kinh, ăn chay trì chú, tụng Đại phẩm Pháp Hoa. Tống Minh Đế vô cùng kính trọng, sắc phong Ngài trụ trì chùa Bành Thành, có công trong việc hướng dẫn đồ chúng. Ngài mất vào cuối năm Thái thỉ nhà Tống, thọ sáu mươi sáu tuổi.

THÍCH TUỆ TẤN

Ngài họ Diêu, người Ngô Hưng, thuở nhỏ có tính anh dũng, hào hiệp. Đến năm bốn mươi tuổi bèn ngộ tâm, tự khai phát. Thế là Ngài ly tục ở chùa Cao Tòa kinh sư, ăn chay mặc áo thô, thề tụng Pháp Hoa, dụng tâm khổ nhọc, nên hễ cầm đến kinh thì bị bịnh. Ngài bèn phát nguyện, nguyện in ấn một trăm bộ Pháp Hoa để sám hối tội xưa. Bắt đầu gom được một ngàn sáu trăm lượng. Lúc đó có giặc cướp đến hỏi Ngài có vật gì không?

Đáp rằng: Chỉ có tiền in kinh để ở chỗ thờ Phật. Bọn cướp nghe vậy hoảng hồn bỏ đi. Thế là ngài gom góp của tín thí để ấn kinh, đủ một trăm bộ. Sau khi kinh in xong thì bịnh cũng thuyên giảm. Tụng một bộ Pháp Hoa thì tâm nguyện đã mãn, ngài càng dốc chí mạnh hơn. Ngài luôn hồi hướng những phước lành này nguyện sinh về An dưỡng. Khoảng thời gian không lâu sau, Ngài nghe tiếng ở không trung nói rằng: Nguyện của Ngài đã viên mãn, nhất định sẽ được sinh Tây phương. Đến năm thứ ba Vĩnh minh nhà Tề, Ngài không bịnh mà thị tịch, thọ tám mươi lăm tuổi. Khi ấy chùa Long Hoa ở kinh sư lại có ngài Thích Tăng Niệm tụng kinh Pháp Hoa, Kim Quang Minh, sống đạm bạc xa lánh thế tục.

THÍCH HOẰNG MINH

Ngài vốn họ Doanh, người vùng Sơn Âm Cối Kê, thuở nhỏ xuất gia khổ hạnh có giới đức. Ở chùa Vân Môn, Sơn Âm, tụng kinh Pháp Hoa tu thiền định, siêng năng lễ sám sáu thời không ngớt. Mỗi khi cần 5 nước thì bình tự đầy. Thật ra đó là do chư thiên đồng tử cung cấp cho Ngài. Có lần Ngài ngồi thiền ở Vân Môn, có con hổ đi vào phòng ngồi trước giường. Thấy Ngài điềm nhiên bất động, hồi lâu nó lại ra đi. Có lúc Ngài lại thấy một cậu bé đến nghe Ngài tụng kinh. Ngài hỏi: Ngươi là người nào? Chú đáp: Ngày xưa con làm Sa-di ở chùa này, lén ăn vụng trong mùng. Nay đọa vào chỗ tăm tối. Nghe thượng nhơn có đạo nghiệp, nên con đến nghe ngài tụng kinh. Mong Ngài giúp con phương tiện để con thoát khỏi khổ lụy này. Ngài liền thuyết pháp khuyến hóa, chú lãnh hội thông suốt mới ẩn hình. Sau này, Ngài nhập định trong động Thạch mỗ ở Vĩnh Hưng. Lại có sơn tinh đến quấy não. Ngài bắt được lấy sợi dây buộc thắt lưng trói lại. Con quỷ van xin cầu thoát và nói rằng sau này không dám đến nữa. Thế là Ngài thả ra, nó cũng mất tích luôn. Vào giữa năm Nguyên gia, quận thú Bình Xương Mạnh Hạo trọng vọng hạnh thanh cao của Ngài, muốn Ngài đến ở tinh xá Đạo Thọ. Sau đó Dương Giang Tổng nhà Tề ở Hưng Ấp lập chùa Thiệu Huyền, lại đến thỉnh Ngài về ở. Cuối năm Đại minh, Đào Lý Đổng lại xây dựng một ngôi chùa Bá Lâm cho Ngài ở. Những hội giảng thiền dạy giới môn nhân hàng hàng lớp lớp. Vào năm thứ tư Vĩnh minh nhà Tề, Ngài thị tịch ở chùa Bá Lâm, thọ tám mươi bốn tuổi.

THÍCH TUỆ DỰ

Ngài là người Hoàng Long, đến kinh sư ở chùa Linh Căn. Thuở nhỏ hiếu học đi khắp nơi cầu thầy học đạo, giỏi bàn luận, khéo về phong tắc. Mỗi khi nghe nhân vật Tạng phủ thì bịt kín tai không nghe. Có khi dùng lời lạ can ngăn. Bình y mang theo, ngày chỉ ăn một bữa ngọ là đủ, siêng năng cần mẫn, lấy việc cứu khổ làm đầu. Tụng Đại Niếtbàn, Pháp Hoa, Thập Địa. Lại học Thiền định, tinh chuyên ngũ môn. Có lần nằm mơ thấy ba người đến gõ cửa phòng, họ đều trang phục áo mão chỉnh tề cầm lọng hoa. Ngài hỏi các vị tìm ai? Họ đáp: Pháp sư sắp chết, cho nên đến để đón ngài. Ngài nói: Có chút việc chưa làm xong, xin đợi một năm nữa có được không? Họ đáp: Được chứ.

Đúng trọn một năm thì Ngài mất. Lúc ấy vào năm thứ bảy Vĩnh Minh nhà Tề, thọ năm mươi bảy tuổi. Cùng chùa Ngài ở có Sa-môn Pháp Âm cũng siêng năng tụng kinh.

THÍCH ĐẠO SÙNG

Ngài họ Hạ, người vùng Cao Mật, mười tuổi xuất gia, thuở nhỏ vốn có bẩm tính trầm lặng nhưng đầy chí khí. Đến lúc thọ cụ túc xong thì chuyên tâm học luật; tụng kinh đến ba mươi vạn lời, giao tiếp trên dưới chưa hề tỏ vẻ bất hòa. Tánh rất thích bố thí, hễ được lợi dưỡng đều đem cho hết mọi người. Ngoài bình bát và y ra, không có vật gì khác. Vào giữa niên hiệu Nguyên Huy nhà Tống, Ngài đến kinh sư ở chùa Định Lâm, Chung Sơn. Ở trong phòng tĩnh nhàn sám hối tụng kinh liên tục. Có người đến, Ngài bèn thuyết pháp khuyến tấn họ đến quên. Người theo học giới rất đông. Sau này Ngài thị tịch trong núi, thọ bốn mươi chín tuổi.

THÍCH SIÊU BIỆN

Ngài họ Trương người Đôn Hoàng, thuở còn bé mà đã thần ngộ, đỉnh đạc, tiết tháo thâm trầm. Tụng kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cương, Bát-nhã. Nghe ở kinh sư Phật pháp hưng thịnh. Ngài bèn tự vượt qua Tây Hà, chẳng đường từ Ba Sở đến Kiến Nghiệp. Chẳng bao lâu Ngài về miền Đông đến Ngô Việt, ngắm xem sông nước, dừng lại chùa Thành Bàng ở Sơn Âm một thời gian ngắn. Sau đó dời lại kinh đô ở chùa Định Lâm Thượng, sống những ngày đạm bạc thanh vắng nơi sơn môn, tụng kinh Pháp Hoa theo hạn định mỗi ngày một thiên, tâm luôn chuyên theo khẩu tụng. Hễ còn đủ sức thì lễ ngàn Phật. Tất cả hơn một trăm năm mươi vạn bái, hơn ba mươi năm không ra khỏi cửa chùa. Vào năm thứ mười Vĩnh Minh nhà Tề, Ngài thị tịch ở trong chùa toạ lạc trên núi, thọ bảy mươi ba tuổi, nhập tháp tại khu đất phía Nam của chùa. Sa-môn Tăng Hựu dựng bia bên phía Đông ngôi mộ. Tông Lưu Tư viết văn, khi ấy có ngài Thích Pháp Minh ở chùa Linh Căn, Thích Tăng Chí ở Kỳ Hoàn, Thích Pháp Định ở Ích châu, đều là những bậc tụng kinh hơn mười câu, sống khổ hạnh đạm bạc có giới đức tinh nghiêm.

THÍCH PHÁP TUỆ

Ngài có họ Hạ Hầu, thuở nhỏ có chí khí, tinh cần nơi giới luật, phẩm hạnh trang nghiêm, vào cuối niên hiệu Đại minh nhà Tống, Ngài đi về phương Đông, đến Vũ Huyệt, ẩn cư nơi núi Đại Trụ, tụng kinh Pháp Hoa một bộ, ăn mặc thô sơ đạm bạc, chí vui thú thiên nhiên. Ở trong gác hơn ba mươi năm, Vương Hầu đi thu thuế đến phòng Ngài tham bái rồi quay về. Chỉ Chu Ngung ở Nhữ Nam vì lòng tín giải sâu sắc nên ở lại hội kiến cùng Ngài. Khi ấy có người hâm mộ đức độ mà đến lễ bái, có người nhân vì Chu Ngung giới thiệu nên đến tham kiến Ngài. Vào năm thứ hai Kiến vũ nhà Tề, Ngài thị tịch ở ngôi chùa trên núi, thọ tám mươi lăm tuổi. Khi ấy ở Lưu Sơn huyện Nhã-da có vị tên Đàm Du, cũng ăn chay tụng kinh, khổ hạnh hàng đầu.

THÍCH TĂNG HẦU

Ngài là người Tây Lương châu ở Tây Cung. Năm mười tám tuổi thì bắt đầu ăn chay lễ sám cho đến sau khi thọ giới cụ túc, Ngài đi du phương quan sát giáo hóa. Vào đầu năm Hiếu kiến nhà Tống, Ngài đến kinh sư tụng kinh Pháp Hoa, Duy-ma, Kim Quang Minh. Thường hai ngày một biến, như vậy hơn sáu mươi năm Tú Tuệ Khai vào nước Thục thỉnh pháp ngài và đi cùng. Sau Nghĩa Gia và Huệ Khai mắc tội trở về cung. Một mình Ngài trở về kinh đô, xây dựng một, thất đá ở Hậu Cương để làm nơi tịnh tu thiền định. Từ khi thọ Sa-di đến lúc mạng chung, thịt cá và các loại ngũ tân chưa từng dính vào môi. Bóng dưới chân hơi lệch qua hướng Tây thì bèn tịnh trai để cho qua. Vào năm thứ hai Vĩnh minh nhà Tề, Ngài cảm thấy hơi khác, đến ngọ không ăn được, Ngài bèn tìm nước súc miệng chắp tay mà thị tịch, thọ tám mươi chín tuổi. Khi đó chùa Phổ Hoằng có ngài Thích Tuệ Ôn cũng tụng kinh Pháp Hoa, Duy-ma, Thủ Lăng Nghiêm, tịnh khổ có giới đức.

THÍCH TUỆ DI

Ngài họ Dương người ở Hoa Âm, Hoằng Nùng. Là hậu duệ của thái thú Chấn nhà Hán. Năm mười sáu tuổi xuất gia, cho đến sau khi thọ giới cụ túc, có chí tu viễn ly. Ngài bèn vào núi Chung Nam ở Trường An. Nơi hang hóc cheo leo nguy hiểm chẳng vết xe nào tới được, mà một thân một mình mang tích trượng tiến vào. Hổ dữ, hùm beo không hề quấy nhiễu, tụng kinh Đại phẩm, tịnh tu tam-muội. Thế là Ngài cất tranh kết thảo am để làm nơi an dưỡng. Đến giờ thì ôm bát vào xóm khất thực xong trở về thất tụng kinh, làm như vậy tám năm. Sau đó nghe ở Giang Đông Phật pháp hưng thịnh. Ngài bèn vân du sang kinh sư ở chùa Định Lâm núi Chung Nam, học tập tu luyện như trước. Là người ôn hòa cung kính khiêm nhường, không hề tỏ vẻ mừng giận, giới hạnh trong sáng, khuyến hóa dạy dỗ không chút mệt mỏi. Luôn có tâm tham vấn bậc tiền tài cầu tìm thiện tri thức không hề biết chán. Những kẻ Tăng người tục vào núi lễ bái Ngài đều thuyết pháp khuyến dụ thay cả ăn uống. Dường như từ lúc xuất gia cho đến khi già yếu, tất cả loại cay nồng ngon béo đều hoàn toàn dứt tuyệt. Hơn ba mươi năm không bước ra khỏi cửa, sớm tối tu tập thiền định, thường tụng Bát-nhã, sám hối cả đêm lẫn ngày, làm gương cho chúng. Vào ngày 15 tháng 8 nhuận năm mười bảy thiên giám nhà Lương, Ngài tịch trong tăng phòng trên núi, thọ bảy mươi chín tuổi, an táng ở phía Nam của chùa, lập bia để tưởng niệm công đức. Lúc ấy chùa Định Lâm lại có Sa-môn Pháp Tiên cũng tụng kinh, có giới hạnh trong sáng. Sau đó sang Ngô làm Tăng chánh rồi tịch ở đó.

THÍCH ĐẠO LÂM

Ngài là người ở Sơn Âm, Cối Kê. Thuở nhỏ xuất gia có giới hạnh, thông thạo kinh Niết-bàn, Pháp Hoa và tụng kinh Tịnh Danh. Trương Tự ở nước Ngô bình kính phụng sự Ngài. Sau đó Ngài ở chùa Tuyền Lâm huyện Phú Dương. Trong chùa thường có quỷ quái nhưng từ khi Ngài đến ở thì nó cũng mất luôn. Đệ tử của Ngài là Tuệ chiêu bị phòng đè lên, đầu hãm vào vai. Ngài bèn cầu nguyện khấn vái. Ban đêm chiêu thấy hai vị Phạm tăng kéo đầu mình ra, sáng ra thì bình phục. Lúc ấy Ngài bèn thiết lập trai đàn Thánh tăng, phủ vải trắng mới trên giường. Trai đàn hoàn mãn thì thấy dấu chân người trên tấm vải dài hơn ba thước. Chúng tăng đều thầm phục sức cảm ứng nhiệm mầu kia. Người Phú Dương bắt đầu lập tòa Thánh Tăng để dâng cúng. Đến năm đầu nhà Lương, Ngài đến chùa Tề Hi. Năm Thiên Giám thứ mười tám Ngài thị tịch, thọ bảy mươi mốt tuổi.

Luận rằng: Phúng tụng có lợi ích lớn lao vô cùng. Nhưng người có được sự thành công ấy quả là rất hiếm vậy. Bởi vì Tổng trì thì khó được, lãng quên thì dễ sinh. Như kinh nói: Chỉ cần đọc một câu một kệ cũng được Thánh hiền khen ngợi. Thế nên Đàm Thúy hiện thần thông nơi Thạch Ô. Tăng Sinh cảm ngộ nơi không trung. Đạo Duệ gặp nguy mà được cứu. Tuệ Khánh sắp chìm mà cuối cùng được an toàn. Đây đều do thật đức sung mãn bên trong. Cho nên khiến cho sự linh ứng từ bên ngoài khơi mở.

Kinh nói: Voi trắng sáu ngà giáng xuống thất, Tứ Thiên Vương theo hộ vệ bên tòa, há là hư dối ư? Còn như đêm yên tĩnh lạnh lẽo, ánh trăng sáng xua đi đêm dài, một mình nơi nhàn phòng ngâm tụng kinh điển, âm thanh tuôn ra sáng tỏ đạo, văn tự rõ ràng. Đó gọi là ca tụng lời pháp, lấy đây làm âm nhạc. Khen rằng: Pháp thân đã khuất xa, chỗ nương tựa là lời. Ngâm nga tới lui, huệ lợi khó nghĩ bàn, siêng tu ba nghiệp, tranh thủ cả sáu thời, hóa người bằng cách khất thực, khiến cho mọi người đến nơi này. Đây chính là người có thật đức, ai dám sánh bằng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14