cao tăng truyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(高僧傳) I. Cao tăng truyện. Các truyện kí ghi chép tiểu sử của các bậc Tăng già đạo cao đức trọng. Đứng về phương diện thời đại mà nói, thì bộ Cao tăng truyện xưa nhất là bộ Cao tăng truyện gồm 14 quyển của sư Tuệ kiểu triều Lương, kế đó có bộ Tục cao tăng truyện 30 quyển của sư Đạo tuyên đời Đường, Tống cao tăng truyện 30 quyển của sư Tán ninh đời Tống, Đại minh Cao tăng truyện 8 quyển của sư Như tỉnh đời Minh. Bốn bộ truyện kể trên, hợp lại gọi chung là Tứ triều cao tăng truyện…… Về sau có Bổ tục cao tăng truyện 26 quyển của Minh hà triều Minh, Tân tục cao tăng truyện 65 quyển của nhóm Dụ khiêm thời Dân quốc. Vị tăng người Nhật bản là Nghiêu như biên soạn Tăng truyện bài vận ….. 106 quyển là sách dẫn của bốn mươi tám loại tăng truyện thuộc Cao tăng truyện Trung quốc. Cao tăng truyện của Đại hàn thì có Hải đông cao tăng truyện 2 quyển của sư Giác huấn triều Cao li. Nhật bản thì có Bản triều cao tăng truyện 75 quyển của Sư man. Kế đó, có Tục nhật bản cao tăng truyện 11 quyển của Đạo khế, Đông quốc cao tăng truyện 10 quyển của Tính đôn. Ngoài ra còn có Phó pháp tạng nhân duyên truyện, Thiên thai cửu tổ truyện. Trong các Cao tăng truyện, có bộ chỉ ghi chép truyện các vị Cao tăng của một tông phái, chẳng hạn như Luật uyển tăng bảo truyện, Tịnh độ bản triều cao tăng truyện; có bộ chỉ ghi chép các cao tăng ở một địa phương, chẳng hạn như Vũ lâm tây hồ cao tăng sự lược, Nam đô cao tăng truyện; cũng có bộ chỉ biên chép truyện các cao tăng đi cầu pháp, chẳng hạn như Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện, Nhập đường ngũ gia truyện v.v…… II. Cao tăng truyện, gồm 14 quyển. Còn gọi Lương cao tăng truyện, Lương truyện. Do sư Tuệ kiểu (497-554) triều Lương soạn thuật. Sách được hoàn thành vào năm Thiên giám 18 (519) triều Lương. Thu vào Đại chính tạng tập 50. Toàn bộ sách thu chép tiểu sử của hai trăm năm mươi bảy vị cao tăng, kể từ khi Phật giáo bắt đầu được truyền vào Trung quốc vào năm Vĩnh bình thứ 10 (67) đời vua Minh đế nhà Đông Hán, cho đến năm Thiên giám thứ 18 triều Lương, gồm khoảng bốn trăm năm mươi ba năm, lại thêm tiểu sử của các cao tăng được ghi bên cạnh bộ sách thì thực thụ là năm trăm vị. Toàn bộ sách chia làm mười khoa, ba quyển đầu là truyện của các vị tăng dịch kinh từ ngài Nhiếp ma đằng trở xuống, gồm ba mươi lăm người. Quyển 4 đến quyển 8 là truyện của các vị tăng nghĩa giải từ ngài Chu sĩ hành trở xuống, một trăm linh một người. Quyển 9, quyển 10 là truyện của các vị tăng thần dị từ ngài Phật đồ trừng trở xuống, hai mươi người. Quyển 11 là truyện của các vị tăng tập Thiền từ ngài Tăng hiển trở xuống hai mươi mốt người, và các vị tăng thông hiểu luật từ ngài Tuệ do trở xuống, mười ba người. Quyển 12 là truyện của các vị tăng vong thân từ ngài Tăng quần trở xuống, mười một người và các vị tăng tụng kinh từ ngài Đàm thúy trở xuống, hai mươi mốt người. Quyển 13 là truyện của các vị tăng Hưng phúc, từ ngài Tuệ đạt trở xuống, mười bốn người và các kinh sư từ ngài Bạch pháp kiều trở xuống, mười một người; và truyện của các vị tăng xướng đạo từ ngài Đạo chiếu trở xuống mười người. Quyển 14 chép tựa là bài tựa của chính Tuệ kiểu và tổng mục lục của bộ sách, ngoài ra còn thu chép hai thiên văn thư qua lại giữa Vương mạn dĩnh và Thích quân bạch (biệt hiệu của Tuệ kiểu). Trong mười khoa kể trên, thì từ khoa Vong thân thứ sáu đến khoa Xướng đạo thứ mười, trực tiếp thu chép các truyện độ chúng và tận lực giáo hóa, mà trong loại truyện kí thường hay bỏ qua, đây chính là đặc sắc của bộ sách này. Về phần tư liệu mà bộ sách này sử dụng thì, cứ theo bài tựa của tác giả và thư tín của Vương mạn dĩnh, được biết các tư liệu đó bao gồm: các loại Tăng truyện hiện có lúc ấy và Cao dật sa môn truyện của Pháp tế đời Tấn, Chí tiết của Pháp an đời Tề, Du phương của Tăng bảo, Luận truyền của Pháp tiến, Tăng sử của Vương cân ở Lang gia,Xuất tam tạng kí tập của Tăng hựu, Đông sơn tăng truyện của Khích cảnh hưng , Lư sơn tăng truyện của Trị trung Trương hiếu tú, Tuyên nghiệm kí, U minh lục của Khang vương nghĩa Khánh ở Lâm xuyên đời Tống, Cảm ứng truyện của Vương diên tú ở Thái nguyên, Trưng ứng truyện của Chu quan thai, Sưu thần lục của Đào uyên minh, Minh tường kí của Vương diễm, Ích bộ tự ký của Lưu tuấn, Kinh sư tháp tự ký của Đàm cảnh đời Tống, Tam bảo kí truyện của Văn tuyên vương nhà Tề, Sa môn truyện của quan Trung thư Lục minh hà v.v…… Tất cả vài mươi loại. Trong bài tựa của mình, Tuệ kiểu cũng nói đã sưu tầm chép nhặt của hơn vài mươi nhà, và các sách sử xuân thu của các đời Tấn, Tống, Tề, Lương, cùng các hoang triều ngụy lịch Tần, Triệu, Yên, Lương, đồng thời thu nhặt những ghi chép trong các sách cổ xưa để làm tư liệu. Sách này đặt Trúc pháp lan, Đàm kha ca la đời Hậu Hán vào truyện chính còn Chi khiêm, Khang tăng khải, là những người chiếm một địa vị trọng yếu trong lịch sử dịch kinh thì, trái lại, chỉ được đặt vào truyện phụ: đây là một khuyết điểm của sách này. Lại như lời bình luận của sư Đạo tuyên, tác giả Tục cao tăng truyện Biên sơ Ngô Việt, lược bớt Ngụy Yên, chưa thu chép rộng rãi tăng truyện ở các địa phương, đây cũng là một khuyết điểm lớn nữa. Lý do tại sao sách này biên chép tường tận ở Giang nam mà sơ lược về đất Bắc, là vì soạn giả là nhân vật thuộc đời Lương Nam triều. Sách này tuy có một vài thiếu sót kể trên, nhưng đối với lịch sử Phật giáo Trung quốc ở thời kỳ đầu, nó là tư liệu đáng tin cậy nhất; về sau, Tục cao tăng truyện của Đạo tuyên đời Đường, Tống cao tăng truyện của Tán ninh đời Tống, Đại minh cao tăng truyện của Như tỉnh đời Minh v.v…… đều lấy sách này làm khuôn phép mà xác lập điển hình của các loại tăng truyện đời sau. [X. Tục cao tăng truyện Q.6; Lịch đại tam bảo kỉ Q.11; Khai nguyên thích giáo lục Q.6].