cảnh tịnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(景淨) (Adam) Người Ba tư. Giáo sĩ thuộc Cảnh giáo ở đền Đại tần. Nhậm các chức Giáo phụ Trung quốc, Hương chủ giáo, Trưởng lão. Là tác giả văn bia đánh dấu sự du nhập của Cảnh giáo vào Trung quốc được dựng vào năm Kiến trung thứ 2 (781) đời Đường. Cứ theo Cảnh giáo tam uy mông độ tán hậu ký được đào thấy trong động Nghìn Phật tại Đôn hoàng chép, thì kinh điển Cảnh giáo mà A la bản (Olpon) truyền vào Trung quốc đầu tiên, có một trăm ba mươi bộ; trong đó, các kinh Thường minh hoàng lạc, kinh Tuyên nguyên chí bản, kinh Chí huyền an lạc v.v…… gồm ba mươi lăm quyển, tức là các kinh do Cảnh tịnh dịch. Lại cứ theo Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục quyển 17 chép, thì Tam tạng Bát nhã và Cảnh tịnh đã từng cộng tác cùng dịch kinh Lục ba la mật bảy quyển, nhưng vì Tam tạng Bát nhã không am hiểu tiếng Tây vực cũng không biết chữ Hán, mà Cảnh tịnh thì không biết tiếng Phạm, cũng không hiểu đạo Phật, cho nên kinh điển được dịch ra, phần lí thì tối tăm, phần lời thì lủng củng, thô kịch, vì thế sau phải dịch cả lại. Về các sự tích khác và năm sinh năm mất của Cảnh tịnh đều không rõ.