cảnh minh tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(景明寺) Chùa tại Lạc dương do Tuyên vũ đế nhà Bắc Ngụy sáng lập vào khoảng năm Cảnh minh (500 – 503). Chính sách sùng kính Phật giáo của nhà Bắc Ngụy đã đưa đến việc mở rộng Vân cương và xây dựng chùa Vĩnh minh, đến Văn đế còn tiến xa hơn nữa, đẩy mạnh việc Hán tộc hóa các tôn thất một cách đại qui mô, rồi dời đô đến Lạc dương. Tuyên vũ đế noi theo di phong của các vua đời trước, mở hang động Long môn và làm chùa Cảnh minh. Hàng năm cứ đến ngày Phật đản vào tháng tư, tượng Phật từ các chùa viện ở Lạc dương được tập trung về chùa Cảnh minh đến hơn nghìn pho, để tấu phạm nhạc cúng dường, xong, rước tượng quanh thành phố. Cảnh tượng tưng bừng, khiến các vị tăng Tây vực ca ngợi và có cảm tưởng như đang đi trong nước Phật vậy.Lúc bấy giờ tại Lạc dương, có tất cả một nghìn ba trăm sáu mươi bảy ngôi chùa viện, nhưng đến khi nhà Ngụy suy vong, thì phần nhiều chùa viện đã bị hủy bỏ. CẢNH QUÁN BẤT NHỊ Có nghĩa là cảnh được quán (sở quán) và tâm hay quán (năng quán) dung hòa làm một. Tông Thiên thai cho rằng, giữa cảnh được quán và tâm hay quán của người tu hành Viên giáo, đại khái tuy tương đối sai biệt, nhưng về thể tính thì cả hai đều là pháp viên dung vô ngại, tương nhập tương tức, cho nên gọi là bất nhị (không hai). Bởi vì đương thể của muôn pháp đều là thực tướng của ba đế viên dung, không một pháp nào mà không đầy đủ ba nghìn, đây là yếu chỉ do Viên giáo Thiên thai thuyết minh. Theo thuyết của tông Thiên thai, tâm quán của hành giả Viên giáo tuy là quán xét cảnh, còn có năng, sở khác nhau, nhưng cả hai đều là thực tướng của ba đế viên dung, ba nghìn tròn đủ, dứt bặt sự sai biệt năng, sở, vì thế cảnh và quán dung hòa làm một, đó gọi là Thường cảnh vô tướng, Thường trí vô duyên. Tức cảnh và quán vốn là một pháp. Mà đã là một pháp, thì chẳng còn cảnh tướng nào có thể vin theo nữa, cho nên là vô tướng. Mà đã chẳng có cảnh để vin theo, thì cũng chẳng có cái hay vin theo, cho nên nói là vô duyên. Lại thể của cảnh và quán tuy chẳng hai, nhưng nếu đứng về phương diện sự tướng tu quán mà nói, thì trong cái trạng thái năng, sở chẳng hai ấy, ba đế vẫn mặc nhiên tồn tại, gọi là không tướng mà tướng. Cái không tướng mà tướng này là chỉ cái cảnh tướng sở quán; do cảnh tướng ấy mà phát ra trí tuệ, tức là ba quán, như vậy, nói không duyên mà duyên. Tóm lại, tuy bảo rằng cảnh và quán dung hợp chẳng hai, nhưng vẫn phải siêng chăm tinh tiến thực hành nhất tâm năng tu năng quán.