cảnh giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(景教) Tông giáo sáng sủa. Là Cơ đốc giáo truyền đến Trung quốc vào đời Đường. Tức là phái dị đoan, Niếp tư thác lí (Nestorius) của Đông la mã. Ý là Tôn giáo sáng sủa . Do Niếp tư thác lí, người Tư lợi a (Syria) sáng lập vào đầu thế kỷ thứ 5. Còn gọi là Đại tần cảnh giáo. Vào năm Trinh quán thứ 9 (635) đời Thái tông nhà Đường, giáo sĩ người Ba tư là A la bản đến Trung quốc truyền giáo dịch kinh. Thái tông ưu đãi, ra lệnh dựng đền Ba tư ở Trường an, đến thời Huyền tông đổi là đền Đại tần. Lúc bấy giờ có hai mươi mốt giáo sĩ. Không bao lâu phát triển tại các nơi trên toàn quốc. Đến thời Cao tông, làm đền Cảnh giáo tại các châu và tôn A la bản làm Trấn quốc đại pháp chủ. Đến thời Vũ hậu Tắc thiên thì bảo hộ Phật giáo và Ma ni giáo mà trấn áp Cảnh giáo. Từ Huyền tông trở về sau đến Đức tông đều làm đền Cảnh giáo tại các châu hoặc bảo hộ Cảnh giáo. Năm Kiến trung thứ 2 (781) đời Đức tông dựng bia Đại tần cảnh giáo lưu hành Trung quốc, trong văn bia có câu Pháp lưu mười đạo, đền thờ khắp trăm thành, có thể biết cái trạng huống của thời kỳ toàn thịnh. Năm Hội xướng thứ 5 (845), Vũ tông hạ lệnh cấm chỉ lưu truyền Phật giáo, phá hủy hết chùa viện trong nước, bắt tăng ni hoàn tục, Cảnh giáo cũng bị lây, hơn hai nghìn giáo sĩ bị đuổi, một thời tuyệt tích tại Trung nguyên, nhưng vẫn lưu hành tại Khiết đan và Mông cổ. Đời Nguyên, người Mông cổ vào làm chủ Trung nguyên, Cảnh giáo cũng lại theo vào, cùng với Thiên chúa giáo được truyền vào thời ấy gọi chung là Dã lí khả ôn giáo. Cứ theo mục lục của Đại tần bản kinh chép, thì kinh điển của Cảnh giáo (kể cả chú sớ) có tất cả năm trăm ba mươi bộ; dịch ra Hán văn thì có Tự thính mê thi sở kinh, Cảnh giáo tam uy mông độ tán, Chí huyền an lạc kinh, Thường minh hoàng lạc kinh, Tuyên nguyên chí bản kinh v.v…… Khoảng năm Thiên khải đời Minh, có đào được bia Cảnh giáo lưu hành Trung quốc ở gần Tây an, dịch thành tiếng La tinh và nhiều thứ tiếng khác. Năm Quang tự 33 (1907) bia này đã được dời từ đền Kim thắng vào rừng bia trong nội thành.