Cảnh Đức Truyền Đăng lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(景德傳燈錄) Gồm ba mươi quyển. Do ngài Đạo nguyên đời Tống soạn. Nói tắt là Truyền Đăng Lục. Là một bộ lịch sử Thiền tông Trung quốc. Nguyên đề tên là Phật tổ đồng tham tập. Thu vào Đại chính tạng tập 51. Sách này thu chép pháp hệ truyền đăng từ bảy đức Phật ở quá khứ và các tổ Thiền tông các đời của năm nhà năm muơi hai đời, cộng tất cả một nghìn bảy trăm linh một vị, nội dung bao gồm hành trạng và cơ duyên. Trong số đó, các tổ có để lại Ngữ lục là chín trăm năm mươi mốt vị. Sách được dâng lên vua Chân tông nhà Tống vào niên hiệu Cảnh đức năm đầu (1004) và vâng mệnh vua đưa vào Đại tạng, vì thế nên đặt tên là Cảnh Đức Lại vì đèn có thể phá tan bóng tối, pháp hệ nối tiếp nhau, cũng như lửa từ đèn này truyền sang đèn khác: thí dụ Chính pháp được thầy trò truyền cho nhau mãi mãi không dứt, cho nên gọi là Truyền Đăng. Sách này là tư liệu căn bản cho việc nghiên cứu lịch sử Thiền tông Trung quốc. Ở đầu sách có bài tựa do Dương ức soạn. Quyển 1, quyển 2 tường thuật về tình hình truyền pháp giữa bảy đức Phật quá khứ và tổ Ma ha Ca diếp thứ nhất đến tổ Bát nhã đa la thứ hai mươi bảy. Quyển 3, thuật lại việc truyền pháp của năm vị tổ Đông độ là Đạt ma, Tuệ khả, Tăng xán, Đạo tín, Hoằng nhẫn. Quyển 4 thuật các hệ bên của Tứ tổ Đạo tín, Ngũ tổ Hoằng nhẫn, là các pháp hệ Thiền Ngưu đầu, Thiền Bắc tông, tông Tịnh chúng và truyện kí của các ngài Pháp dung (Ngưu đầu), Thần tú (Bắc tông) và Phổ tịch. Quyển 5 tường thuật về ngài Tuệ năng và pháp hệ của ngài. Quyển 6 thu chép sư Mã tổ Đạo nhất và Bách trượng Hoài hải. Quyển 7 thu chép các sư Nga hồ Đại nghĩa và Ma cốc Bảo triệt. Quyển 8, lần lượt kể truyện về các sư Nam tuyền Phổ nguyện gồm 54 người. Quyển 9 kể về 30 người nối pháp Bách trượng Hoài hải. Quyển 10 ghi chép các pháp tự của Nam tuyền Phổ nguyện như tiểu sử của sư Tùng thẩm ở Triệu châu. Quyển 11 tường thuật những người nối pháp tổ Linh hựu núi Qui sơn thuộc tông Qui ngưỡng. Quyển 12 là truyện của tổ Nghĩa huyền ở Lâm tế thuộc tông Lâm tế. Quyển 13 thuật về pháp hệ của tông Hà trạch, đồng thời, thu chép truyện của Trừng quán và Tôn mật thuộc tông Hoa nghiêm. Quyển 14 thu chép truyện của Hi thiên ở Thạch đầu và pháp hệ Hi thiên. Quyển 15 chép truyện của Lương giới ở Động sơn. Quyển 16 ghi truyện những người nối pháp của Tuyên giám ở Đức sơn. Quyển 17 chép hệ thống của tông Tào động. Quyển 18, 19 là pháp hệ của Nghĩa tồn ở Tuyết phong. Quyển 20 thuật về hệ thống của Bản tịch ở Tào sơn. Quyển 21 là pháp hệ của sư Bị ở Huyền sa. Quyển 22, 23 là pháp hệ của tông Vân môn. Quyển 24, 25, 26 là pháp hệ của Văn ích ở Thanh lương thuộc tông Pháp nhãn. Quyển 27 tường thuật về các thiền sư ưu tú mà không thuộc bất cứ tông phái nào trong Thiền môn. Quyển 28 thu chép các ngữ lục đặc thù ưu việt của Thiền tông, bao gồm 12 người từ Tuệ trung ở Nam dương đến Thần hội ở Hà trạch. Quyển 29 đề là Tán tụng kệ thi, thu chép những bài kệ tụng của mười bảy người, trong đó có Bạch cư dị. Quyển 30 đề là Minh ký châm ca……. thu chép tất cả hai mươi ba loại Toạ thiền châm, Chứng đạo ca. Sách này có hai loại bản in lại, một do Tư giám in lại vào năm Thiệu hưng thứ 4 (1134) đời Tống; một do Hi vị in lại vào năm Diên hựu thứ 3 (1316) đời Nguyên. [X. Phật tổ thống kỉ Q.44; Phật tổ lịch đại thông tải Q.26].