cảnh dã triết

Phật Quang Đại Từ Điển

(境野哲) (1871-1933) Vị tăng học giả của phái Đại cốc thuộc Chân tông Nhật bản. Chính tên là Triết hải, sau đổi là Triết, hiệu Hoàng dương. Người thị trấn Tiên Đài huyện Cung thành. Lúc nhỏ đọc Phật giáo hoạt luận của Tỉnh thượng Viên liễu mà nảy ra chí học Phật. Năm Minh trị 27 (1894) ông cùng với Thôn thượng Chuyên tinh ấn hành Phật giáo sử lâm. Năm 33, cùng với những Phật tử có chí hướng, tổ chức hội Đồng chí, chuyên biên tập các ấn phẩm về Phật giáo mới, đồng thời, tham gia chỉ đạo cuộc vận động Phật giáo mới, là một trong những người lãnh đạo hội Đồng chí. Năm 34, ông viết Nhật bản Phật giáo sử yếu, năm 40, viết Trung quốc Phật giáo sử cương, rất được hoan nghinh. Lần lượt nhận dạy tại các Đại học Đông dương, Đại học Phong sơn, Đại học Nhật liên tông, Đại học Tào động tông, kiêm ký giả của báo Đông kinh triêu nhật tân văn. Từng qua nước Mỹ quan sát các đại học và đến diễn giảng đạo pháp tại các nơi do phái Đại cốc truyền giáo. Năm Chiêu hòa thứ 5 (1930), nộp luận án tại Đại học Câu trạch với đề tài Tùy, Đường dĩ tiền chi Trung quốc Phật giáo (Phật giáo Trung quốc trước thời Tùy, Đường), và đậu văn bằng tiến sĩ văn học. Năm Minh trị thứ 8, ông qua đời, thọ sáu mươi ba tuổi. Ngoài các trước tác ghi ở trên, Cảnh dã triết còn có nhiều loại tác phẩm sau: Ấn độ Phật giáo sử cương, Ấn độ, Trung quốc Phật giáo sử yếu, Bát tông cương yếu giảng thoại; Phật giáo sử luận, Thiên thai tứ giáo nghi giảng thoại, Thánh đức Thái tử chi nghiên cứu, Trung quốc Phật giáo sử giảng thoại, Giới luật chi nghiên cứu, Trung quốc Phật giáo sử chi nghiên cứu, Nhật bản Phật giáo sử giảng thoại, Phật giáo nghiên cứu pháp, Nhật bản Phật giáo phát đạt khái thuyết, và Trung quốc Phật giáo tinh sử v.v…. CẢNH DOÃN PHÁI Một tông phái Phật giáo tiểu thừa tại Trung quốc, nói tắt là Doãn. Tín đồ phần đông là dân tộc Thái ở rải rác tại các địa phương Đức hoành, Trấn khang, Cảnh mã thuộc tỉnh Vân nam. Còn chia làm hai chi phái là Doãn ba, Doãn tổn, nghi thức tôn giáo tấn thăng Tăng sĩ của hai chi phái có khác nhau. Phái doãn ba thì đưa Tăng sĩ từ nơi hoang dã về, rồi sau mới cử hành nghi thức; phái Doãn tổn thì tiếp tăng sĩ ngay ở trong vườn về rồi sau cử hành nghi thức. Cấp bậc giáo phẩm của Tăng sĩ phái Cảnh doãn cũng giống như trong Phật giáo Tiểu thừa của tộc Thái ở tỉnh Vân nam, phần nhiều chia hai phái nhỏ ra, chủ yếu có các cấp bậc như Môn triệu, Đình triệu, Tản di triệu, Hồ mã triệu, Tùng liệt triệu, A kiết mộc lí triệu v.v…… Về phương diện giáo nghĩa và kinh điển, thì phái Cảnh doãn cũng cùng một hệ thống của Phật giáo Tiểu thừa mà chủng tộc Thái tin thờ. CẢNH DUY THỨC Là một trong năm loại Duy thức. Tông Pháp tướng đem các văn nghĩa Duy thức tản mạn trong các kinh luận, tóm thâu làm 5 loại, trong đó, Cảnh duy thức tức là đứng về phương diện cảnh giới sở quán để thuyết minh nghĩa Duy thức. Như kinh A tì đạt ma nói Một chỗ bốn thấy, nghĩa là, đối với cùng một cảnh giới, nhưng do nơi tâm thức của những người thấy khác nhau, mà làm cho cảnh sở quán có ý thú rất bất đồng. Chẳng hạn, quỉ, bàng sinh (súc sinh đạo), người, trời cùng thấy nước, nhưng quỷ thì thấy là máu mủ, cá thì thấy là chỗ ở, người thì thấy là nước ao, trời thì thấy là ao báu trang nghiêm lộng lẫy. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.4 (Vô tính); luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.5; luận Thành duy thức Q.7]. (xt. Ngũ Chủng Duy Thức).