căn trần

Phật Quang Đại Từ Điển

(根塵) Còn gọi là Căn cảnh. Gọi gộp chung năm căn và năm trần hoặc sáu căn và sáu trần. Căn là chỗ sắc nương tựa, có khả năng thu lấy cảnh (đối tượng), tức là khí quan nhận thức đối tượng; cái mà căn thu nhận gọi là Trần (cũng gọi là Cảnh), tức là đối tượng được nhận thức. Năm căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thêm ý vào nữa thì gọi là sáu căn. Năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, thêm pháp vào nữa thì gọi là sáu trần. Hai chữ căn, trần nói gộp lại, cũng như cùng một lúc nói chủ quan, khách quan, hàm ý nương nhau mà lại đối nhau. Luận Câu xá quyển 10 (Đại 29, 52 trung), nói: Không có căn cảnh thì không phát sinh thức, mà nếu không có thức, thì căn cảnh không có chỗ nương tựa. Ngoài ra, sáu căn, sáu cảnh hợp lại, gọi là mười hai xứ, mười hai nhập. (xt. Căn).