cán phong nhất lộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(幹峰一路) Tên công án của Thiền tông. Do thiền sư Càn phong thuộc tông Tào động cuối đời Đường trả lời câu hỏi của một vị Tăng, bảo rằng: Con đường dẫn đến cửa Niết bàn chẳng cần phải tìm ở đâu xa, nó ở ngay trước mắt. Câu này đã trở thành một công án. Còn gọi Càn phong nhất hoạch (một cái vạch của Càn phong). Có một vị tăng đến chỗ sư Càn phong, đem câu Thập phương Bạc già phạm, nhất lộ Niết bàn môn trong kinh Thủ lăng nghiêm quyển 5 (Đại 19, 124 hạ) hỏi sư: Một con đường đến cửa Niết bàn của chư Phật trong mười phương, rốt cùng là ở chỗ nào? Càn phong cầm gậy vạch một đường rồi trả lời: Ở đây này. Câu đáp biểu thị nghĩa không cần tìm cầu đâu xa, cái đương thể của muôn sự, muôn vật đều là một con đường Niết bàn Phật làm, Phật đi. Vị tăng kia sau lại đến tổ Văn yển của tông Vân môn hỏi cùng một câu hỏi như trước. Tổ Vân môn bảo cái quạt ngài đang cầm, bay lên đến trời 33, dính ngay vào lỗ mũi Đế Thích, đánh cho con cá gáy ở biển đông một gậy, rồi trút xuống một trận mưa rào. Trong hai trường hợp sư Càn phong tỏ bày Bả định (định lại) tổ Vân môn tỏ bày Phóng hành (buông đi), tuy ứng dụng cơ pháp có khác, nhưng đều nêu rõ ý chỉ sâu xa mầu nhiệm. Ngài Vô môn quan bình rằng (Đại 48, 299 thượng): Bả định, phóng hành đều đưa ra một tay dựng thẳng tông thừa. Càn phong bề ngoài tuy tỏ bày bả định, nhưng cũng ngầm ý phóng hành; Vân môn tuy minh thị phóng hành, nhưng cũng bao hàm bả định. Hai người tuy không hẹn nhau, song cùng gặp nhau trên một con đường đông tây hai ngả mà cơ dụng giữa đường đều ăn khớp với nhau, đó là ý chỉ chủ yếu của công án trên. [X. Thung dung lục tắc 61; Vô môn quan tắc 48; Cảnh đức truyền đăng lục Q.17].