cận phần định

Phật Quang Đại Từ Điển

(近分定) Phạm: sāmantaka-samādhi. Nói tắt là Cận phần. Đối lại với Căn bản định. Chỉ sự lìa bỏ nhiễm ô ở cõi dưới, ra sức tu hành mà được Thiền định ở cõi trên. Cận phần tức chỉ lãnh vực gần với định căn bản. Bởi vì, trong ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc, thì cõi Sắc có bốn Thiền định, cõi Vô sắc cũng có bốn Thiền định, nói gộp lại là bốn Thiền tám Định, tức thực tế có tám thứ Thiền định, tự thể của mỗi thứ Thiền định đều được coi là Căn bản định. Đối lại, Thiền định phương tiện chuẩn bị trước khi tiến vào định căn bản (giai đoạn chuẩn bị trước khi vào cửa), gọi là Cận phần định. Định căn bản cộng có tám thứ, cho nên từ Thiền đầu tiên ở cõi Sắc đến Thiền thứ tư ở cõi Vô sắc cũng gồm có tám thứ định Cận phần, trong đó, định Cận phần ở Thiền đầu tiên của cõi Sắc còn được gọi là Vị chí định (định chưa đến). Lại nữa, tất cả định Cận phần đều do công dụng mà chuyển, vẫn chưa lìa bỏ sự ô nhiễm ở cõi dưới, mà tâm còn sợ hãi, cho nên tương ứng với Xả thụ, chứ không tương ứng với Hỉ, Lạc. Lại trong ba Đẳng chí Vị, Tịnh, Vô lậu, thì tám định Cận phần đều nhiếp trong Tịnh đẳng chí (Tịnh định), tức là Thiền định không đắm trước, không tham luyến, duy có định Cận phần ở Thiền đầu tiên thì không những nhiếp trong Tịnh đẳng chí, mà còn thông cả Vô lậu đẳng chí (Vô lậu định) nữa. Cứ theo thuyết của luận Thuận chính lí quyển 78 nói, thì bảy thứ định Cận phần kia, do lúc còn ở lãnh vực của chính mình, hoàn toàn không có tâm chán lìa, cho nên không thông cả Vô lậu đẳng chí – duy chỉ có Vị chí định vẫn còn gần với cõi có nhiều tai ách, hoạn nạn, cho nên lúc còn ở lãnh vực của mình hay khởi tâm chán lìa, do đó mà thông cả Vô lậu đẳng chí. Lại vì tám thứ định Cận phần đều đã xa lìa ô nhiễm, cho nên đều không có Vị đẳng chí (Vị định, định đắm mùi vị). Tuy nhiên, có thuyết nói Vị chí định cũng tương ứng với Vị đẳng chí, là bởi vì Vị chí định chưa từng khởi định Căn bản, cho nên vẫn còn tham đắm Vị định. Lại nữa, vì các loại dục tham là do các tâm sở Tầm, Tứ dẫn khởi, cho nên định Cận phần của Thiền đầu tiên tương ứng với Tầm, Từ, còn bảy định Cận phần kia đều không có Tầm, Từ. [X. luận Đại tì bà sa Q.129, Q.140, Q.164 – luận Du già sư địa Q.69, Q.100 – luận Hiển dương thánh giáo Q.2 – luận Câu xá Q.28].