cần lao

Phật Quang Đại Từ Điển

(勤勞) Giáo đoàn của Phật giáo nguyên thủy là một đoàn thể tỉ khưu đã xa rời gia đình, xả bỏ cơ nghiệp để xuất gia cầu đạo. Đoàn thể ấy lấy việc đi xin ăn làm nguyên tắc, lại cấm chỉ sự cất giữ vàng bạc và thực vật, mà lấy việc quán xét, minh tưởng về ý nghĩa đời người làm đề tài quan trọng nhất. Thời ấy, vấn đề cần lao hầu như chưa được đặt ra. Cần lao được đặt thành vấn đề là từ khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi, lấy tín đồ tại gia làm trung tâm. Phật giáo Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh hành động thực tiễn của Bồ tát, nhất là kinh Pháp hoa. Cái gọi là hạnh Bồ tát tức chủ trương siêng năng vất vả để mưu cầu hạnh phúc cho chúng sinh, chủ trương này đặc biệt được Thiền tông Trung quốc coi trọng. Thiền sư Bách trượng đã nói: Một ngày không làm, một ngày chẳng ăn … , các đệ tử thấy sư phụ tuổi già sức yếu mà lo, bèn đem giấu hết các dụng cụ cày, bừa, liềm, cuốc v.v… không để cho sư làm nữa, Bách trượng bèn nhịn ăn để giữ vững lập trường. Đem thân mình làm phép tắc là phương thức biểu hiện cuộc sống của Thiền giả. Trong sách Điển tọa giáo huấn của mình, vị thủy tổ tông Tào động Nhật bản là sư Đạo nguyên, cũng đã nói, điển tọa (việc phục vụ trong nhà bếp) cũng tức là tu hành đạo Thiền. Đây là chủ trương nhấn mạnh sự làm việc cũng tức là tu hành.