can huệ địa

Phật Quang Đại Từ Điển

(幹慧地) Phạm: Zukha-vidarsanà-bhùmi. Tức là địa thứ nhất của Tam thừa cộng thập địa (mười ngôi vị chung cho ba thừa) trong các giai vị tu hành của Bồ tát; địa này có tuệ mà không định, cho nên gọi Can tuệ địa. Cũng gọi Quá diệt tịnh địa, Tịch nhiên tạp kiến hiện nhập địa, Siêu tịnh quán địa, Kiến tịnh địa. Vì các bậc thánh ba thừa, bắt đầu tu ba phép quán Ngũ đình tâm, Biệt tướng niệm xứ, Tổng tướng niệm xứ, tuy đã có tuệ quán, nhưng chưa hoàn toàn được nước lí pháp tính chân đế, cho nên gọi là Can tuệ địa (trí tuệ khô khan). Cứ theo luận Đại trí độ quyển 75 chép, thì Can tuệ địa có hai thứ: 1. Thanh văn, chỉ cầu Niết bàn, cho nên siêng năng tinh tiến, giữ giới, hoặc tập quán Phật tam muội, quán bất tịnh, hoặc quán từ bi, vô thường, gom góp các pháp lành, xả trừ các pháp bất thiện; tuy có trí tuệ mà không được nước Thiền định, thì không thể đắc đạo, vì thế gọi là Can tuệ địa.2. Bồ tát, thì từ mới phát tâm cho đến chưa được thuận nhẫn. Lại cứ theo Ma ha chỉ quán quyển 6 phần trên chép, thì đem mười địa phối hợp với năm mươi ba giai vị Bồ tát, trong đó, lấy Tam hiền ngoại phàm làm Can tuệ địa, gọi là Thập tín. (xt. Thập Địa).