CĂN BỔN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Tỳ Kheo Tâm Hạnh

Quyển thứ nhất

-ooOoo-

Thành kính đảnh lễ đức Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri.

Tụng tổng quát.

Sơ minh thọ cận viên
Thứ phân vong nhân vật
Viên đàn tinh hộ câu
Bồ tát tượng ngũ môn.

Tụng tổng quát phần một.

Cận viên tri nhật số
Giới biệt bất nhập địa
Giới biên ngũ chúng cư
Bất tiệt bì sanh nhục.

Tụng thứ nhất.

Cận viên nam nữ trạng
Phi cận viên vi sư
Nạn đẳng thập vô sư
Mạc thọ ngã thất tuế.

Khi ấy đức Thế Tôn ở thành Thất La Phiệt (Xá Vệ), rừng Thệ Ða, vườn Cấp Cô Ðộc, cụ thọ Ô Ba Ly đến gặp Phật, lạy sát hai chân, ngồi qua một bên, chắp hai tay bạch Phật:

– Thế Tôn! Bí-sô nào cho người khác thọ cận viên người ấy chuyển đổi căn (thành nữ), được gọi là thọ đúng pháp không?

Phật dạy:

– Ðúng là thành tựu thọ cận viên, nhưng nên đưa họ sang ở chỗ Bí-sô ni.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Nếu khi Bí-sô đã cho người đàn ông thọ cận viên. Nhưng người đàn ông này nói tiếng đàn bà, ý muốn như đàn bà, hình dáng sinh hoạt như đàn bà, người này được gọi là đắc thọ cận viên không?

Phật dạy:

– Này ông Ô Ba Ly! Người này đắc cận viên nhưng các Bí-sô bị tội Việt pháp.

– Nếu Bí-sô ni cho người nữ thọ cận viên, người nữ này lại nói tiếng đàn ông, ý muốn như đàn ông, hình dáng sinh hoạt như đàn ông, người này được gọi là đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này đắc cận viên. Các Bí-sô ni phạm tội Việt pháp.

Nếu ai lấy người không thọ cận viên làm thân giáo sư, người này được gọi là đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này đắc cận viên. Các Bí-sô bị tội Việt pháp.

Nếu người nào, thân có già nạn sự. Tự nói: – Tôi có nạn sự… Các Bí-sô cho họ thọ cận viên. Người ấy có đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này không đắc cận viên. Các Bí-sô mắc tội Việt pháp.

Nếu người nào, thân không có già nạn sự. Tự nói: – Tôi có già nạn… Các Bí-sô cho họ thọ cận viên. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này đắc cận viên. Các Bí-sô bị tội Việt pháp.

Nếu người nào thật có già nạn sự. Tự nói: – Tôi không có già nạn… Các Bí-sô cho họ thọ cận viên. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này không đắc cận viên. Các Bí-sô không phạm.

Nếu người nào thật không có già nạn sự. Lại tự nói: – Không có. Các Bí-sô cho họ thọ cận viên. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này thật đắc cận viên.

– Bí-sô nào cho người xuất gia, chưa cho thọ mười giới mà cho thọ cận viên ngay. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Ðắc cận viên. Các Bí-sô phạm tội Việt pháp.

Người nào khi thọ cận viên, thân giáo sư không hiện diện các Bí-sô cho thọ cận viên. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này đắc cận viên. Các Bí-sô bị tội Việt pháp.

Người nào khi thọ cận viên, lại tự phát biểu: Ðừng truyền cho tôi cận viên. Các Bí-sô cứ cho họ thọ cận viên. Người này đắc cận viên không?

Phật dạy:

– Người này không đắc cận viên. Các Bí-sô bị tội Việt pháp.

Như Thế Tôn dạy:

– Người nào đủ bảy tuổi, có thể đuổi quạ chim nên cho họ xuất gia.

– Bạch Ðại đức! Nếu có đồng tử tuổi mới lên sáu, có thể đuổi quạ chim nơi nhà bếp của Tăng. Người này được phép xuất gia không?

Phật dạy:

– Chỉ cho phép người đủ bảy tuổi, nhỏ hơn không được.

– Nếu người đủ bảy tuổi nhưng không đuổi quạ chim được, cho họ xuất gia không?

Phật dạy:

– Không được cho xuất gia những người chưa đuổi chim quạ được.

Tụng thứ hai.

Nhật số mỗi ưng tri
Cáo bạch dạ tu giảm
Lục nhật thập bát nhật
Thuyết giới bất ưng tần.

Phật ở thành Thất La Phạt, các Bà la môn cư sĩ đến gặp các Bí-sô hỏi:

– A Ly Gia (thánh giả) hôm nay ngày mấy?

Ðáp: – Không biết.

Những người khác thưa rằng:

– Thánh giả! Các ngoại đạo đối với việc tính ngày, tháng, năm (nguyên văn là tính số ngày và lịch các vì sao) họ đều biết rõ. Quý ngài cũng nên biết rõ về việc này. Tại sao quý ngài không biết tính ngày, tháng, năm, mà được xuất gia?

Các Bí-sô im lặng không đáp, đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Từ nay ta cho phép các Bí-sô biết về cách tính ngày, tháng, năm.

Các Bí-sô đua nhau học các phép tính ngày, tháng, năm, sinh ra bận rộn, bỏ phế việc tu thiện nghiệp.

Phật dạy:

– Nên cử một người học phép tính này.

Các Bí-sô nghe Phật dạy, không biết cử vị nào cho thích hợp.

Phật dạy:

– Nên cử thượng tọa thủ chúng phụ trách việc này.

Có vị thượng tọa quên mất số ngày, bảo vị tri sự, vị này cũng không nhớ.

Phật dạy:

– Nên làm những viên đất tròn hay thẻ tre, đủ mười lăm cái, mỗi ngày di chuyển một cái.

Làm như vậy xong có khi bị gió thổi, thứ tự các vật trên bị đảo lộn.

Phật dạy:

– Nên làm mười lăm thẻ tre, dài khoảng bốn năm ngón tay một đầu khuyết lỗ, xỏ xâu treo lên vách nơi mọi người thường qua lại, mỗi ngày di chuyển một cái.

Khi ấy mọi người đều di chuyển thẻ.

Phật dạy:

– Chỉ có thượng tọa và tri sự mới được di chuyển thẻ.

Có Bà la môn cư sĩ đến gặp các Bí-sô hỏi:

– Thánh giả! Hôm nay ngày mấy?

Ðáp:

– Quý vị nên hỏi thượng tọa và tri sự.

Những người này nói:

– Quý ngài cũng có thể tính toán nên biết thì hơn, chỉ sang người khác làm gì?

Các Bí-sô im lặng không trả lời, đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Nên tác bạch cho đại chúng cùng biết, các Bí-sô gặp nhau chỗ nào cũng tác bạch cả.

Phật dạy:

– Không được chỗ nào cũng tác bạch cả. Ngay khi đại chúng tập hợp, kính bạch ngay trước vị thượng tọa: Ðại chúng nên biết, hôm nay là ngày… tháng…

Cư sĩ nghe nói như vậy hỏi:

– Tại sao các người không nói rõ là: Nửa tháng thuộc hắc hay bạch nguyệt.

Ðáp:

– Không.

Các Bí-sô bạch Phật.

Phật dạy:

– Nói rõ thuộc phần hắc hay bạch nguyệt của tháng. Phải thuyết minh như vậy. Ngay sau buổi chiều đại chúng tập họp, bảo một Bí-sô, đến trước thượng tọa chắp tay đứng, nhất tâm cung kính bạch như thế này:

– Ðại đức Tăng già lắng nghe, hôm nay ngày một thuộc hắc nguyệt, quý vị nên vì thí chủ tạo chùa và Chư thiên hộ chùa cùng thiên thần cựu trú mà tụng diệu kệ thanh tịnh trong Kinh.

Các Bí-sô tuy ngày nào cũng cáo bạch nhưng không xưng tên họ của thí chủ tạo chùa.

Phật dạy:

– Nên xưng tên họ thí chủ tạo chùa, cũng nên thuyết minh rõ tên họ người thí chủ cúng ngọ trai, để làm cho các thí chủ kia hoàn thành ý nguyện phước thiện tăng thêm. Nếu có các thí chủ khác cũng nên xưng tên như vậy. Ngoài ra Thiên chúng Bát bộ, Sư Tăng cha mẹ đều phải xưng tên, phổ cập tất cả chúng sanh đều được tăng trưởng phước lợi.

Các Bí-sô nghe lời dạy xong, đều nói bài kệ thanh tịnh:

Người thực hành bố thí
Tất thu hoạch phước lợi
Nếu ưa thích bố thí
Sau sẽ được an lạc
Phước báo của Bồ tát
Vô tận như hư không
Thí kết quả như vậy

Tăng trưởng không ngừng nghỉ.

Có thí chủ thỉnh các Bí-sô cúng dường, Bí-sô biết vậy nhưng không xưng tên họ và trú xứ của thí chủ.

Phật dạy:

– Phải chuẩn bị việc xưng tên họ thí chủ như: Thí chủ… ngày mai sẽ trai Tăng cúng dường đại chúng ở chỗ…

Có Bà la môn cư sĩ đến chỗ Bí-sô hỏi:

– Thánh giả! Hôm nay ngày mấy? Ðáp:

– Ngày mười lăm.

Hỏi:

– Mọi người đều nói ngày mười bốn. Tại sao quý ngài nói ngày mười lăm, chẳng lẽ các Bí-sô không biết tính việc giảm ngày hay sao (tháng thiếu).

Ðáp:

– Không tính.

Các Bí-sô bạch Phật.

Phật dạy:

– Phải tính ngày giảm.

Các Bí-sô vào nửa tháng nào cũng giảm một ngày. Cư sĩ hỏi:

– Thánh giả! Hôm nay ngày mấy?

Ðáp:

– Ngày mười bốn.

Hỏi:

– Mọi người đều nói ngày mười lăm, tại sao nửa tháng nào quý ngài cũng giảm một ngày vậy.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Các thầy không được nửa tháng nào cũng giảm một ngày, cần phải tính toán thời gian nào đi qua nửa tháng đó mới được giảm ngày (nguyên chú: Từ mười sáu tháng giêng đếân mười lăm tháng hai là một tháng. Từ mười sáu tháng hai đếân hết tháng hai là nửa tháng. Nửa tháng này phải giảm bớt một ngày vì tháng thiếu. Ngoài ra tương tự như vậy. Nhưng Ðông, Tây không giống nhau). Như vậy, trong một năm tổng cộng làm trưởng tịnh có sáu ngày vào nửa tháng mười bốn ngày và sáu ngày vào nửa tháng mười lăm ngày.

Có Bà la môn cư sĩ đến hỏi Bí-sô:

– Thánh giả! Bây giờ tháng mấy?

Ðáp:

– Nay là tháng Thất la mạt noa (nguyên chú: khoảng mười sáu tháng năm đến mười lăm tháng sáu).

Họ hỏi tiếp:

– Thánh giả! Mọi người đều nói là tháng A sa trà (từ mười sáu tháng tư đến mười lăm tháng năm) tại sao quý vị nói là tháng Thất la mạt noa. Chẳng lẽ quý vị không tính tháng nhuận hay sao?

Ðáp:

– Không tính.

Mọi người đều cười chê.

Các Bí-sô bạch Phật.

Phật dạy:

– Phải tính tháng nhuận.

Năm nào các Bí-sô cũng tính thêm tháng nhuận. Cư sĩ hỏi:

– Thánh giả! Nay là tháng mấy?

Ðáp:

– Nay là tháng A sa trà.

Hỏi tiếp:

– Thánh giả! Mọi người đều nói là tháng Thất la mạt noa. Tại sao quý ngài lại nói tháng A sa trà. Chẳng lẽ năm nào quý ngài cũng tính thêm tháng nhuận?

Ðáp:

– Ðúng vậy.

Mọi người đều cười chê. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được năm nào cũng tính tháng nhuận. Phải đến sáu năm mới tính tháng nhuận (nguyên chú: Cứ năm đến sáu năm tăng thêm ba mươi ngày, đây là cách tính thời cổ, nay không đồng nhau).

Bấy giờ có một quốc vương quy định cứ hai năm rưởi tính một tháng nhuận, các Bí-sô không làm theo. Mọi người cùng nhau chê bai.

Phật dạy:

– Bí-sô phải tùy theo phép vua để tính tháng nhuận. Nếu quỹ đạo các hành tinh có sai biệt thì tùy theo sự sai biệt ấy mà thay đổi để sử dụng cho thích hợp. Thế nên các thầy cần phải biết phân biệt tính toán năm tháng ngày giờ để cùng sử dụng với thế gian. Không tạo các điều kiện để ngoại đạo dựa vào những lý do ấy mà tìm lỗi các thầy.

– Bạch đại đức Thế Tôn! Bí-sô nào bị trú xứ cử tội thọ học, vị ấy được thuyết giới không?

Phật dạy:

– Không được.

Tụng thứ ba.

Giới biệt bất các tịnh
Diệt bất vi yết ma
Thừa không bất trì dục
Giải tiền phương kết hậu.

Phật ở thành Thất La Phạt. Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

– Người ở trong cương giới được nói với người ngoài cương giới rằng mình thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không được.

– Người ở ngoài cương giới được nói với người trong cương giới rằng mình thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không được.

– Người ở trong cương giới được phép làm yết ma cho người ngoài cương giới không?

Phật dạy:

– Không được.

– Người ở ngoài cương giới được phép làm yết ma cho người trong cương giới không?

Phật dạy:

– Không được.

– Người mang dục đi trên hư không thành mang dục không?

Phật dạy:

– Không thành, phải lấy dục lại lần nữa.

– Nếu chưa giải cương giới cũ được kết cương giới mới không?

Phật dạy:

– Không được, phải bạch Tứ yết ma giải giới cũ, sau đó mới kiết giới mới.

Tụng thứ tư.

Bất thập giới xả giới
Thọ giới hữu Thế Tôn
Bất việt cập khả việt
Yết ma giã thân tử .

Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

– Ðược phép lấy cương giới không được nhập chung với cương giới khác không?

Phật dạy:

– Không được.

– Có bao nhiêu loại cương giới không được nhập chung với nhau.

Phật dạy:

– Ðó là Tiểu đàn trường và chỗ nước ngay trong hiện tại (hiện đình thủy xứ) cương giới Bí-sô và cương giới Bí-sô ni. Ðây đều không nhập chung lẫn nhau.

Chỗ nào trước đây đã kết cương giới, có bao nhiêu trường hợp xả?

Phật dạy:

– Có năm trường hợp:

  1. Tất cả đại chúng đều hoàn tục.
    2. Tất cả đại chúng chuyển căn một lúc.
    3. Tất cả đại chúng quyết tâm bỏ đi.
    4. Tất cả đại chúng chết hết.
    5. Bỉnh bạch giới yết ma giải giới.

Ðược phép lấy một cây làm tiêu tướng cho hai cương giới không?

Phật dạy:

– Mỗi phần giữ một góc, được phép lấy một cây làm tiêu tướng cho ba hoặc bốn cương giới. Biết cách tính toán cho bằng nhau, đều được thành tựu.

Thế Tôn ở nước Ca Thị, du hành trong nhân gian. Ði đến một chỗ nọ, ngài mỉm cười. Thường pháp của Thế Tôn là khi ngài mỉm cười, ngay nơi miệng, phát ra năm loại hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, hoặc chiếu xuống dưới, hoặc chiếu lên trên. Hào quang chiếu xuống tận đến Ðẳng Hoặc địa ngục, Hắc Thằng địa ngục, Chúng Hợp địa ngục, Hào Khiếu địa ngục, Ðại Hào Khiếu địa ngục, Thiêu Nhiên địa ngục, Ðại Thiêu Nhiên địa ngục, Vô Gián địa ngục, Bào Hình địa ngục, Liên Bào địa ngục, A Tra Tra địa ngục, A Kha Kha địa ngục, A Hô Lô địa ngục, Thanh Liên Hoa địa ngục, Hồng Liên Hoa địa ngục, Ðại Hồng Liên Hoa địa ngục, tất cả những chỗ ấy nếu đang bị nóng bức, đều được mát mẻ. Nếu đang chịu nước lạnh lẽo thì được ấm áp. Các loài hữu tình ấy đều được an lạc, chúng đồng nói:

– Ta cùng các người đã chết chỗ cũ sinh vào chỗ khác ư?

Khi ấy Thế Tôn làm cho các loài hữu tình ấy đều sinh lòng tín ngưỡng. Ngài lại hiện tướng khác, chúng thấy tướng ngài đều tự nói:

– Chúng ta nào phải chết từ chỗ cũ sinh vào chỗ khác đâu, mà nhờ thần lực của vị đại nhân đặc biệt kia, làm cho thâm tâm chúng ta được chỗ mát mẽ.

Khi ác hữu tình ấy sinh tâm kính tín như vậy thì diệt được các thống khổ ở địa ngục, thọ được thân thắng diệu ở cõi trời người. Họ sẽ là bậc pháp khí thấy được chân lý. Hào quang chiếu lên soi thiên chúng cõi trời Tứ Thiên Vương đến Tam Thập Tam Thiên, Dạ Ma Thiên, Ðổ Sử Ða Thiên, Lạc Biến Hóa Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Ðại Phạm Thiên, Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên, Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Vô Vân Thiên, Phước Sanh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, đến Tận Sắc Cứu Cánh Thiên. Ngay trong hào quang này diễn thuyết các pháp Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã và hai bài kệ:

Ngươi nên cầu xuất ly
Siêng tu lời Phật dạy
Hàng phục quân sanh tử
Như voi xô nhà cỏ.
Ngay trong pháp luật này
Tinh tấn không phóng dật
Làm cạn biển phiền não
Sẽ thoát khỏi cảnh khổ.

Ánh hào quang sau khi chiếu khắp cả ba ngàn thế giới, quy tụ lại chỗ Phật. Nếu Thế Tôn thuyết minh việc quá khứ thì hào quang đi vào sau lưng. Nếu ngài thuyết minh việc vị lai thì hào quang đi vào ngực. Nếu ngài thuyết minh việc địa ngục thì hào quang đi vào dưới chân. Nếu ngài thuyết minh việc bàng sanh thì hào quang đi gót chân. Nếu ngài thuyết minh việc ngạ quỷ thì hào quang đi vào ngón chân. Nếu ngài thuyết minh việc người thì hào quang đi vào đầu gối. Nếu ngài thuyết minh lực Luân Vương thì hào quang đi vào bàn tay trái. Nếu ngài thuyết minh về Chuyển Luân Vương thì hào quang đi vào bàn tay phải. Nếu ngài thuyết minh về trời thì hào quang đi vào rốn. Nếu ngài thuyết minh về Thanh Văn thì hào quang đi vào miệng. Nếu ngài thuyết minh về Ðộc Giác thì hào quang đi vào giữa hai chân mày. Nếu ngài thuyết minh về Chánh Ðẳng Giác thì hào quang đi vào đỉnh đầu. Bấy giờ hào quang xoay quanh Phật ba vòng và đi vào đỉnh đầu. Cụ thọ A Nan Ðà chắp tay cung kính bạch Phật:

– Thế Tôn! Ðức Như lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác an vui mỉm cười, phải có nhân duyên, liền nói kệ:

Từ miệng tỏa ra nhiều hào quang
Tràn khắp đại thiên vô số sắc
Chiếu khắp các cõi nước mười phương
Như mặt trời sáng tận hư không
Phật chỉ chúng sinh nhân tối thắng
Trừ được kiêu mạn và ưu sầu
Không duyên thưa hỏi, Phật mỉm cười
Tất có diễn thuyết pháp hy hữu
Thế Tôn xem xét thật rõ ràng
Vì người muốn nghe, giảng chính pháp
Như vua sư tử rống tiếng lớn
Xin vì chúng con quét lòng nghi
Như núi Diệu Cao trong biển lớn
Nếu không nhân duyên không lay động
Ðức Phật từ bi tự tại cười
Vì người khát ngưỡng giảng nhân duyên.

Thế Tôn bảo A Nan Ðà:

– Ðúng như vậy! Ðúng như vậy! Chẳng phải không nhân duyên mà đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Giác mỉm cười. Này A Nan Ðà! Ngay tại chỗ đất này là nơi thời quá khứ đức Phật Ca Nhiếp Ba thuyết pháp cho chúng đệ tử Thanh văn.

Nghe lời dạy này tôn giả A Nan Ðà vội vàng lấy y Uất Ða La Tăng (y mặc trên) xếp làm tư, bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Con đã trải tòa, ngưỡng mong Thế Tôn tri thời, có thể ngồi ở tòa này. Con mong ước đất này là chỗ thọ dụng của hai bậc chánh giác, đó là Phật Ca Nhiếp Ba và Thế Tôn hiện nay.

Phật bảo A Nan Ðà:

– Lành thay! Lành thay! Ta tuy không bảo nhưng ông tự biết đúng lúc.

Thế Tôn ngồi lên tòa ấy, bảo A Nan Ðà:

– Ngay tại địa phương này là chùa của Phật Ca Nhiếp Ba trú ngụ. Các thầy nên biết: Ðây là chỗ kinh hành, đây là chỗ hành lang nơi cửa phòng để rửa chân, đây là chỗ tịnh trù, đây là phòng tắm.

Khi ấy, Ô Ba Ly bạch Phật:

– Thế Tôn! Như Phật đã dạy tịnh và bất tịnh địa. Như vậy thế nào gọi là tịnh, bất tịnh.

Phật dạy:

– Chánh pháp trụ thế có tịnh và bất tịnh, chánh pháp bị diệt, đều là bất tịnh.

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là chánh pháp trụ thế, thế nào là bị diệt?

Phật dạy:

– Ô Ba Ly! Nếu còn có Bỉnh pháp yết ma, có thực hành như lời pháp. Như vậy được gọi là chánh pháp trụ thế. Nếu không còn Bỉnh pháp yết ma, không thực hành như lời pháp. Như vậy được gọi là chánh pháp bị diệt hoại.

Ô Ba Ly bạch Phật:

– Nếu bậc Vô Thượng đại sư ở ngoài giới, các Bí-sô được Bỉnh pháp yết ma không?

Phật dạy:

– Không được.

– Nếu đại sư ở trong giới những người khác được Bỉnh pháp yết ma không?

Phật dạy:

– Ðược!

– Ðược phép lấy Thế Tôn kể vào túc số tăng hay không?

Phật dạy:

– Không được! Phật bảo và Tăng bảo thể tánh sai biệt.

– Ngay nơi cương giới không thể vượt qua, được phép vượt qua không?

Phật dạy:

– Không được.

– Bạch đại dức Thế Tôn! Có bao nhiêu cương giới không thể vượt qua?

Phật dạy:

– Có năm loại cương giới: Bí-sô giới, Bí-sô ni giới, Tiểu đàn trường, Hiện đình thủy xứ, trung gian hai giới.

– Bạch đại đức! Nếu có hào sâu và sông khe suối lấy làm giới không vượt qua, làm sao được vượt qua?

Phật dạy:

– Nếu thường xuyên có cầu, vượt qua không có lỗi. Nếu cầu bị phá hoại, trong thời gian bao lâu được gọi là không mất giới?

Phật dạy:

– Vừa bằng bảy đêm. Ðây căn cứ vào trường hợp có tâm lo sửa cầu. Nếu không có tâm sửa cầu, thì khi cầu hư, liền bị mất giới.

Bí-sô ngay sau khi kiết giới. Người Bỉnh pháp yết ma bỗng nhiên qua đời, chẳng biết cương giới có thành tựu không?

Phật dạy:

– Nếu biết tiêu tướng khi tác pháp yết ma đã tiến hành quá bán. Vị ấy tuy qua đời nhưng kiết giới vẫn thành tựu. Nếu chưa biết tiêu tướng, yết ma chưa tiến hành quá bán, vị ấy qua đời, không thành kiết giới. Bí-sô ni kiết giới có thành tựu hay không, căn cứ vào đây thì rõ.

Tụng thứ năm:

Ðịa tường đẳng bỉnh sự,
Kiết giới vô dữ dục
Ðản ư nhất xứ tọa
Ðắc vi tứ yết ma
.

Duyên khởi tại thành Thất La Phạt.

Cụ Thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:

– Người ở trên mặt đất, cùng người ở trên mặt đất nhưng cách xa nhau, tác pháp yết ma, vậy tác pháp yết ma thành tựu không?

Phật dạy:

– Không thành, gởi dục thì thành tựu.

– Ðại đức! Người ở dưới đất và người trên đầu tường cùng tác pháp yết ma, vậy tác pháp thành tựu không?

Phật dạy:

– Không thành.

– Ðại đức! Người ở dưới đất và người ở trên cây cùng tác pháp yết ma, vậy tác pháp thành tựu không?

Phật dạy:

– Không thành!

– Bạch Ðại đức! Người ở dưới đất cùng người ở trên không tác pháp yết ma. Vậy tác pháp thành tựu không?

Phật dạy:

– Không thành. Nên biết rằng lấy trên cây, trên tường không trung làm đầu đề đều có bốn trường hợp như vậy.

Như Thế Tôn dạy, có 101 pháp yết ma. Có bao nhiêu pháp cho phép gởi dục, có bao nhiêu pháp không cho phép gởi dục?

Phật dạy:

– Chỉ trừ kết cương giới, ngoài ra đều cho phép được gởi dục.

– Ðại đức! Nếu sử dụng thần biến, huyễn thuật tạo ra tiêu tướng, thành tiêu tướng không?

Phật dạy:

– Không được! Thần lực huyễn thuật đều không thực có.

– Nếu lấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú làm tiêu tướng, thành tiêu tướng không?

Phật dạy:

– Không được! Vì mặt trời mặt trăng, tinh tú không ở một chỗ.

– Nếu lấy sóng nước làm tiêu tướng, thành tiêu tướng không?

Phật dạy:

– Không thành! Vì sóng nước luôn luôn thay đổi.

– Nếu Bí-sô đi trên không, nhận dục thanh tịnh của người khác gởi. Ðây được gọi là gởi dục thanh tịnh không?

Phật dạy:

– Không thành! Phải lấy dục lại lần nữa.

– Nếu có một Bí-sô tác pháp yết ma tại bốn trú xứ, cùng được thành tựu không?

Phật dạy:

– Nếu tại bốn giới ấy đều có bốn người và sự hiện tiền (nhân sự hiện tiền). Mỗi chỗ bố trí ba người. Khi ấy người Bỉnh pháp hoặc dùng ghế, giường, phản hoặc chiếu đặt trên bốn giới mà Bỉnh pháp yết ma. Vì người Bỉnh pháp thêm những người kia thành bốn, đều thành tác pháp. Như vậy, ngay tại bốn giới có biệt sự phát sinh, được phép làm bảy yết ma là:

1- Khu tẫn yết ma.
2- Linh bố yết ma.
3- Chiết phục yết ma.
4- Cầu tạ yết ma.
5- Bất kiến tội yết ma.
6- Bất như pháp hối yết ma.
7- Bất xã ác kiến yết ma.

Khi tiến hành các pháp yết ma này, người Bỉnh pháp ở vị trí của góc bốn cương giới tiếp cận nhau. Dùng ghế, giường phản, chiếu, đệm đặt trên vị trí ấy để ngồi. Bỉnh pháp đều thành tựu.

Tụng thứ sáu.

Ðại giới lưỡng dịch bán
Hạ thủy thượng sơn điên
Dị kiến minh tướng quá
Ngũ chúng thọ thất nhật.

Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:

– Như Thế Tôn dạy phải kết đại giới vậy cho phép (mỗi chiều) đại giới rộng bằng bao nhiêu?

Phật dạy:

– Ðại giới, mỗi chiều rộng hai du thiện na rưỡi, có thể kết đại giới. (Nguyên chú du thiện na chừng ba mươi dặm, đây là một trạm ngựa (dịch). Nói do tuần là sai, muốn cho dễ hiểu nên nói là trạm ngựa).

– Nếu khoảng cách lớn hơn hai du thiện na rưởi thì còn trong phạm vi của đại giới không?

Phật dạy:

– Khoảng cách lớn hơn hai du thiện na rưởi không còn là đại giới không?

Phật dạy:

– Khoảng cách lớn hơn hai du thiện na rưởi không còn là đại giới.

– Hướng về phía dưới vừa bằng bao nhiêu thì được gọi là đại giới?

Phật dạy:

– Ðến ngay chỗ có nước được gọi là phạm vi đại giới.

– Ngoài phạm vi hai du thiện na rưởi mới đến chỗ nước, khoảng cách thừa ra đó được gọi là đại giới không?

Phật dạy:

– Không phải.

– Lên cao bao nhiêu là phạm vi đại giới?

Phật dạy:

– Cao bằng ngọn cây hoặc bằng đầu tường, được gọi là thuộc phạm vi đại giới.

– Ðại đức! Từ hai du thiện na rưởi đến ngọn cây, khoảng thừa ra đó, được gọi là giới không?

Phật dạy:

– Không phải.

– Ngược lên đỉnh núi, đến đâu được gọi là trong phạm vi của giới?

Phật dạy:

– Ðến chỗ có nước (cắt ngang), ngoài phạm vi hai trạm rưởi, vừa đến chỗ ranh nước, khoảng cách này được gọi là giới không?

Phật dạy:

– Không phải.

– Nếu trong hạ (an cư) có tăng già phá hoại. Bí-sô nào từ thân hữu như pháp gia nhập thân hữu phi pháp, như vậy vị ấy phá hạ hay không phá hạ?

Phật dạy:

– Bí-sô như vậy, thích thú ác kiến, gia nhập bạn bè ác, đến khi minh tướng xuất hiện, thành phá hạ. Nếu không thích thú với dị kiến đến chỗ bạn bè ác. Tuy minh tướng đã xuất hiện nhưng không gọi phá hạ.

Như Thế Tôn dạy:

– An cư trong hạ, có duyên sự phải ra ngoài, được cho phép đi trong bảy ngày, vậy người nào được phép đi?

Phật dạy:

– Có năm chúng được phép: Bí-sô, Bí-sô ni, Chánh học nữ, Cầu tịch, cầu tịch nữ.

– Người này được thọ xuất giới ở đâu?

Phật dạy:

– Vị này có thể ngay trong cương giới, đối thủ với một Bí-sô, chắp tay đứng nghiêm trang, thưa như thế này: Cụ thọ nhớ cho, tôi Bí-sô…. ở tại trú xứ này thọ ba tháng tiền (hay hậu) an cư. Tôi, Bí-sô tên… mổ giáp… vì tăng già sự xin pháp thủ trì ra ngoài đại giới bảy ngày. Nếu không nạn duyên thì tôi trở lại trú xứ này. Hạ này tôi an cư ở đây. Thưa như vậy ba lần, hoặc có những duyên sự cần đi một ngày… cho đến sáu ngày đều căn cứ vào phép bảy ngày để thọ, đầy đủ như chỗ khác.

Tụng thứ bảy.

Ngũ chúng tọa an cư
Thân đẳng thỉnh nhật khứ
Ư kinh hữu nghi vấn
Cầu giải giã ưng hành.

Cụ thọ Ô Ba Ly thưa Thế Tôn:

– Như Thế Tôn dạy phải an cư mùa hạ, không biết những ai phải an cư?

Phật dạy:

– Năm chúng đều an cư. Ấy là: Bí-sô, Bí-sô ni, Chánh học nữ, Cầu tịch, Cầu tịch nữ. Tại chỗ khuất, đối trước một Bí-sô, ngồi xổm bạch rằng: “Cụ thọ nhớ cho, hôm nay ngày mười sáu tháng năm, tăng già an cư mùa hạ. Tôi, Bí-sô tên… cũng vào ngày mười sáu tháng năm tiền an cư mùa hạ, bằng tháng trong đại giới của trú xứ này. Trong thời gian này lấy vị… làm thí chủ, vị… làm người doanh sự, vị… làm người xem bịnh. Ngay tại trú xứ này nếu có sụp đổ hư dột, sẽ sửa chữa lại. Ngay trong hạ này, tôi an cư tại đây, lần thứ hai lần thứ ba cũng bạch như vậy. Hoặc tiền hay hậu an cư tùy ý nên làm như vậy. Phải biết rằng ni đối với ni căn cứ Bí-sô mà làm. Cầu tịch phải đối với Bí-sô mà làm, Chánh học nữ, Cầu tịch nữ đối với Bí-sô ni mà làm.”

Như Thế Tôn dạy:

– Khi Bí-sô tọa an cư, nếu có duyên sự do Ô Ba Sách Ca (Phật tử nam) mời thỉnh, được phép đi trong bảy ngày, nếu có duyên sự do ngoại đạo hay thân tộc mời thỉnh được phép đi không?

Phật dạy:

– Ðược phép.

– Ðối với Tam tạng có việc nghi ngờ cần phải thỉnh vấn, được phép đi không?

Phật dạy:

– Ðược phép đi.

Bí-sô nào chưa đắc cầu đắc, chưa giải cầu giải, chưa chứng cầu chứng và có tâm nghi ngờ, cần phải đi để giải quyết. Vì, những việc như vậy, được phép thủ trì đi trong bảy ngày không?

Phật dạy:

– Ðược phép. Nếu đi một hai ngày… đều căn cứ đây mà thi hành.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THẾ HỮU BỘ
TỲ NẠI DA

NY ÐÀ NA

– Hết quyển 1 –

 

ÐẠI ÐƯỜNG CẢNH LONG NĂM THỨ TƯ
Năm Mậu Tuất ngày Nhâm Ngọ 15 tháng 4
(tức đời Ðường Trung Tôn năm thứ 4, Dương lịch năm 710 — Người dịch)

1- Kinh thân Tam Tạng Pháp Sư, Ðại đức Sa-môn Nghĩa Tịnh tuyên dịch Phạn bản và viết thành chánh văn.

2- Phiên Kinh Sa-môn Thổ Hỏa La, Ðại đức Ðạt Ma Mạt Ma kiểm chứng nghĩa chữ Phạn.

3- Phiên Kinh Sa-môn Trung Thiên Trúc Quốc, Ðại đức Bạc Noa kiểm chứng nghĩa chữ Phạn.

4- Phiên Kinh Sa-môn Kế Tân Quốc, Ðại đức Ðạt Ma Nan Ðà kiểm chứng Phạn văn.

5- Phiên Kinh Sa-môn Truy Châu Ðại Văn Tự, Ðại đức Huệ Chiểu chứng nghĩa.

6- Phiên Kinh Sa-môn Lạc Châu Sùng Quang Tự, Ðại đức Luật sư Ðạo Lâm chứng nghĩa.

7- Phiên Kinh Sa-môn Phước Thọ Tự Chủ, Ðại đức Lợi Minh chứng nghĩa.

8- Phiên Kinh Sa-môn Vị Châu Thái Bình Tự, Ðại đức Luật Sư Ðạo Lạc chứng nghĩa.

9- Phiên Kinh Sa-môn Ðại Tiến Phước Tự, Ðại đức Thắng Trang chứng nghĩa.

10- Phiên Kinh Sa-môn Tương Châu Thiền Hà Tự, Ðại đức Huyền Sức chứng nghĩa bút thọ.

11- Phiên Kinh Sa-môn Ðại Tiến Phước Tự, Ðại đức Trí Tích chứng nghĩa chánh tự.

12- Phiên Kinh Sa-môn Ðức Châu Ðại Văn Tự Chủ Tuệ Suất chứng nghĩa.

13- Phiên Kinh Sa-môn Tây Lương Châu Bạch Pháp Tự, Ðại đức Tuệ Tích đọc Phạn bổn.

14- Phiên Kinh Bà la môn Hữu Kiêu Vệ Dực Phủ Trung Lang Tướng Viên Ngoại Trí Túc Vệ Thần Lý Thích Ca đọc Phạn bổn.

15- Phiên Kinh Bà la môn Ðông Thiên Trúc Quốc Tả Thần Vệ Dực Phủ Trung Lang Tướng Viên Ngoại Trí Ðồng Chánh Viên Thần dịch, Kim Cang chứng nghĩa.

16- Phiên Kinh Bà la môn Ðông Thiên Trúc Quốc, Ðại Thủ Lĩnh Thần Y Kim Cang chứng Phạn bổn.

17- Phiên Kinh Bà la môn Tả Lĩnh Quân Vệ Trung Lang Tướng Ca Thấp Di La Quốc Vương Tử Thần A Thuận chứng nghĩa.

18- Phiên Kinh Bà la môn Ðông Thiên Trúc Quốc Tả Lĩnh Quân Hữu Chấp Kích Trực Trung Thư Tỉnh Thần Phả Cụ đọc Phạn văn.

19- Phiên Kinh Bà la môn Long Bá Quốc Ðại Ðạt Quán Tước Ngũ Phẩm Thần Lý Du La chứng dịch.

20- Kim Tử Quang Lộc Ðại Phu Thủ Thượng Thư, Tả Bộc Xạ Ðổng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Thượng Trụ Quốc Sứ Thư Quốc Công Vi Thần Nguyên giám dịch.

21- Thượng Thư Hữu Bộc Xạ Ðổng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Thượng Trụ Quốc Hứa Quốc Công Thần Tô Hoàn giám dịch.

22- Ðặc Tiến Hành Thái Tử Thiếu Sư Ðồng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Thượng Trụ Quốc Tống Quốc Công Thần Ðường Hưu Hoàn giám dịch.

23- Ðặc Tiến Thái Tử Thiếu Bảo Kim Ðương Châu Ðại Ðô Ðốc Ðổng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Giám Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Bành Quốc Công Thần Vi Ôn giám dịch.

24- Ðặc Tiến Ðồng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Tu Văn Quán Ðại Học Sĩ Giám Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Triệu Quốc Công Thần Lý Kiều Bút Thọ Kiêm nhuận sắc.

25- Ðặc Tiến Thị Trung Giám Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Công Thần Vi An Thạch giám dịch.

26- Thị Trung Giám Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Việt Quốc Công Thần Kỷ Xử Nạp giám dịch.

27- Quang Lộc Ðại Phu hành Trung Thư Lệnh Tu Văn Quán Ðại Học Sĩ Giám Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Trình Quốc Công Thần Tông Sở Khách giám định.

28- Trung Thư Lệnh Giám Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Ðặng Quốc Công Thần Túc Chí Trung giám dịch.

29- Phiên Kinh Học Sĩ Ngân Thanh Quang Lộc Ðại Phu Thủ Binh Bộ Thượng Thư Môn Hạ Tam Phẩm Tu Văn Quán Ðại Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Triệu Diêu Công Thần Vi tờ lập.

30- Phiên Kinh Học Sĩ Trung Tán Ðại Phu Thư Trung Thư Thị Lang Ðồng Trung Thư Môn Hạ Tam Phẩm Trước Tử Bội Kim Ngư Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Triệu Ngạn Chiêu.

31- Phiên Kinh Học Sĩ Thái Trung Ðại Phu Thủ Bí Thư Giám Viên Ngoại Trí Ðồng Chánh Viên Tu Quốc Sứ Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Lưu Hiến.

32- Phiên Kinh Học Sĩ Ngân Thanh Quang Lộc Ðại Phu Hành Trung Thư Thị Lang Tu Văn Quán Học Sĩ Kiêm Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Thần Thôi Thực.

33- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Nghị Ðại Phu Thủ Binh Ðô Thị Lang Kiêm Tu Văn Quán Học Sĩ Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Thần Truơng Thuyết.

34- Phiên Kinh Học Sĩ Thái Trung Ðại Phu Kiểm Hiệu Binh Ðộ Thị Lang Kỵ Úy Tu Văn Quán Học Sĩ An Bình Huyện Khai Quốc Tử Thần Thôi Nhật Dụng.

35- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Thỉnh Ðại Phu Thủ Trung Thư Xá Nhân Kiêm Kiểm Giáo Sử Ðô Thị Lang Tu Văn Quán Học Sĩ Kinh Xa Ðô Úy Thần Lư Tàng Dụng.

36- Phiên Kinh Học Sĩ Ngân Thanh Quang Lộc Ðại Phu Hành Lễ Bộ Thị Lang Tu Văn Quán Học Sĩ Tu Quốc Sứ Thượng Trụ Quốc Tử Nguyên Huyện Khai Quốc Tử Thần Từ Kiên Trinh.

37- Phiên Kinh Học Sĩ Chánh Nghị Ðại Phu Hành Quốc Tử Từ Nghiệp Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Quách Sơn Huy.

38- Phiên Kinh Học Sĩ Lễ Bộ Lang Trung Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Khinh Xa Ðô Úy Hà Ðông Huyện Khai Quốc Nam Thần Bích Tắc.

39- Phiên Kinh Học Sĩ Chánh Nghị Ðại Phu Tiền Bồ Châu Kinh Sứ Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Cao Bình Huyện Khai Quốc Tử, Thần Từ Ngạn Bá.

40- Phiên Kinh Học Sĩ Trung Ðại Phu Hành Trung Thư Xá Nhân Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Lý Hưu.

41- Phiên Kinh Học Sĩ Trung Thư Xá Nhân Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Tr? Quốc Kim Khanh Huyện Khai Quốc Dũng Vi Nguyên Ðán.

42- Phiên Kinh Học Sĩ Trung Ðại Phu Hành Trung Thư Xá Nhân Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Mã Hoài Tố.

43- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Thinh Ðại Phu Thư Cấp Sự Trung Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Lý Thích.

44- Phiên Kinh Học Sĩ Trung Thư Xá Nhân Tu Văn Quán Học Sĩ Thượng Trụ Quốc Thần Tô Húc.

45a- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Tán Ðại Phu Thủ Trước Tác Lang Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Kiêm Tu Quốc Sứ Thần Trịnh AÂm.

45b- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Tán Ðại Phu Hành Khởi Cư Lang Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Thượng Hộ Quân Thần Thẩm Thuyên Kỳ.

46- Phiên Kinh Học Sĩ Triều Thỉnh Ðại Phu Hành Khảo Công Viên Ngoại Lang, Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Thương Khinh Quân Ðô Ðốc Thần Vũ Bình.

47- Phiên Kinh Học Sĩ Trước Tá Lang, Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Thần Diêm Triều Ẩn.

48- Phiên Kinh Học Sĩ Tu Văn Quán Trực Học Sĩ Thần Phù Phụng.

49- Thu Thử Bí Thư Tỉnh Giai Thư Lệnh Sử Thần Triệu Hy lệnh tả.

50- Khổng Mục Quan Văn Lâm Lang Thiếu Phủ Giám Chưởng Trị Trước Thừa Thần AÂn Ðình Quy.

51- Phán Quan Triều Tán Ðại Phu Hành Trước Tác Tả Lang Thần Lưu Lệnh Thực.

52- Sử Kim Tử Quang Lộc Ðại Phu Hành Bí Thư Giảm Kiểm Hiệu Ðiện Trung Giám Kiêm Tri.

53- Nội Ngoại Nhàn Khái Lung Hữu Tam Sử Thượng Trụ Quốc Từ Hiệu Thần Vương Ung.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10