CĂN BỔN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ NI ĐÀ NA MỤC ĐẮC CA

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Tỳ Kheo Tâm Hạnh

Quyển thứ chín

-ooOoo-

Thành kính đảnh lễ đức Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri.

Tụng thứ tư.

Bất dụng ngũ chủng chỉ
Tùy ưng vi thuyết giới
Nhân ức nhĩ khai chúc
Vương điền chúng ưng thọ
.

Phật tại thành Thất La Phạt.

Như Thế Tôn dạy: – Có năm loại dép da bất tịnh không được sử dụng.

Bấy giờ lục chúng Bí-sô dùng năm loại dầu mỡ bất tịnh để thoa dép da. Voi của vua Thắng Quang ngửi thấy mỡ hôi, kinh hãi bỏ chạy. Lục chúng phát biểu:

– Tại sao các người không quản thúc voi này?

Người giữ voi đáp:

– Tôi không giữ được nó.

Bí-sô nói:

– Ta có thể giữ được.

Người giữ voi nói:

– Nếu vì tôi, các ngài có thể giữ voi lại, tôi sẽ đền đáp lại bằng bánh trái.

Bấy giờ Lục chúng chạy xuống dưới gió, voi liền đứng lại. Mọi người nói:

– Thánh giả! Quí ngài có thần chú hay sao, bầy voi kinh sợ chạy chúng tôi không giữ được. Các ngài làm thế nào mà voi đứng lại vậy?!

Lục chúng đáp:

– Chúng tôi thật không hiểu việc trì tụng thần chú. Chúng tôi chỉ dùng mỡ voi để thoa dép da.

Nói:

– Thánh giả! Voi quí của vua nếu bị thương tổn chẳng phải là quí ngài đã làm việc không lợi ích hay sao?

Họ cùng nhau chê bai. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Không được lấy mỡ voi để thoa giày da. Ai thoa như vậy bị tội ác tác. Mỡ voi như vậy, ngựa, sư tử, hổ báo cũng đều không được.

Phật tại thành Vương Xá. Vua Tần Tỳ Sa La đến chỗ cụ thọ A Nan Ðà đảnh lễ hai chân bạch rằng:

– Ðại đức A Nan Ðà! Hôm nay không phải là ngày nghe pháp, lại là thời gian trưởng tịnh, con được nghe pháp không?

Ðáp:

– Ðại vương! Ngài nên biết cho, trưởng tịnh là việc cùng phải làm của các Bí-sô không thích hợp cho người thế tục được nghe!

Nhà vua nghe xong, xin từ giã. Nhưng đức Phật Thế Tôn biết rõ, vẫn cố ý hỏi A Nan Ðà:

– Tại sao nhà vua đến lại không nghe pháp mà từ giã ra về?

Tôn giả trình bày lại đủ sự việc. Phật dạy:

– Thầy đã làm việc rất sai lầm. Nên hướng dẫn cho vua được nghe Ba la đề mộc xoa này. Vua tất sinh thâm tâm tin tưởng, cung kính. Ðã sinh tịnh tín có thể là tín chủ dẫn đầu. Thế nên từ nay Ta cho phép các Bí-sô vì các vị vua, đại thần có tâm tịnh tín, ý ưa thích nghe Ba la đề mộc xoa, vì họ thuyết giảng.

Phật dạy thêm:

– Nếu có người tuy tôn quí nhưng không có tâm kính tín. Những người như vậy cũng nên thuyết giảng cho họ. Nếu là người nghèo kính tín muốn nghe cũng nên thuyết giảng cho họ. Những kẻ bần cùng không có tâm kính tín nhưng muốn nghe giới, không nên thuyết giảng cho họ

Phật tại thành Vương Xá. Cụ thọ Thuyết Cung Noa Nhị Thập Ức Bí-sô từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bằng cháo. Sau khi xuất gia không được ăn cháo nên thân thể ốm vàng vọt không có sức khỏe.

Bấy giờ Thế Tôn biết nhưng vẫn cố ý hỏi A Nan Ðà:

– Tại sao Bí-sô Thuyết Cung Noa Nhị Thập Ức thân thể gầy ốm, vàng vọt không có sức khỏe?

Bấy giờ cụ thọ A Nan Ðà đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Từ nay tôi cho phép Bí-sô Thuyết Cung Noa Nhị Thập Ức được ăn cháo tùy ý.

Bấy giờ ngài A Nan Ðà truyền lời Phật dạy đến Bí-sô kia rằng:

– Thế Tôn cho phép thầy tùy ý dùng cháo.

Vị này hỏi:

– Ðây là cho phép tất cả đại chúng hay riêng một mình tôi?

Ðáp:

– Riêng một mình thầy.

Thuyết Cung Noa Nhị Thập Ức nói:

– Do nhân duyên này các vị đồng phạm hạnh sẽ chê cười tôi: – Này ông Thuyết Cung Noa Nhị Thập Ức, nay xuất gia được thu vào lợi lớn. Ngày trước, ở Chiêm Ba giàu có vô cùng, bỏ cả bảy voi chúa đi xuất gia chẳng lẽ ngày nay lại cầu chút cháo nhạt? Thế Tôn nếu đồng ý vì tôi cho phép đại chúng được ăn cháo thì tôi mới tùy theo chúng để ăn.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Ta nhân việc này vì Thuyết Cung Noa Thập Nhị Ức dẫn đầu, cho phép đại chúng được ăn cháo.

Bấy giờ các tịnh tín Bà la môn cư sĩ đem nhiều cháo ngon đến cúng cho các Bí-sô. Vua Ảnh Thắng nghe Phật cho phép các Bí-sô tùy ý ăn cháo, vua lấy ngàn mẫu ruộng tốt cúng cho đại chúng. Các Bí-sô không dám nhận ruộng, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Vì Tăng già có thể nhận ruộng; thu hoạch được, đại chúng cùng thọ dụng.

Tụng thứ năm.

Tục nhân cầu tịch đẳng
Tinh bất hợp đồng tọa
Lưỡng học hữu nạn duyên
Ðồng xứ phi thành quá.

Phật ở thành Thất La Phạt. Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:

– Các Bí-sô được nghe pháp cùng người thế tục ngồi chung một nệm không?

Phật dạy:

– Không nên! Bí-sô có nạn duyên cùng ngồi không phạm.

– Bạch Thế Tôn! Ðược phép cùng cầu tịch ngồi chung một tòa không?

Phật dạy:

– Không nên! Cũng không được ngồi cùng tòa với người nhỏ tuổi, bán trạch ca, Ô Bí-sô ny phạm ngũ nghịch, ngoại đạo, hướng đến ngoại đạo, tặc trụ, bất cộng trụ. Có nạn duyên đồng ngồi không phạm.

Lại hỏi:

– Ðược phép ngồi chung với người thọ học một nệm không?

Phật dạy:

– Không nên! Nếu có nạn duyên tùy ý đồng tọa.

– Ðược phép cùng người thế tục ngồi chung một giường gỗ không?

Phật dạy:

– Không nên! Trừ có nạn duyên tùy ý ngồi chung.

Như vậy cho đến không ngồi chung giường với người bất cộng trụ, trừ nạn duyên. Nếu ngồi cùng giường,v.v… với các hạng như trên nhưng có tấm ngăn không phạm.

Tụng thứ sáu.

Chánh tác bất linh khởi
Tùy niên tọa nhiễm bổn
Ủng cộng hộ tăng viên
Vật thiêu doanh tác mộc.

Phật ở thành Thất La Phạt. Các Bí-sô ngồi trên giường tòa nhỏ làm các việc như giặt, nhuộm, may y, v.v… rửa bát, v.v… Lục chúng Bí-sô bảo họ đứng dậy để mình ngồi làm cho họ phải bỏ lỡ công việc. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Khi Bí-sô đang giặt nhuộm, v.v… không được bảo họ đứng dậy. Ai bảo họ đứng dậy bị tội ác tác.

Lục chúng Bí-sô đi đến đâu cũng tự thị mình là bậc thượng tọa, đẩy người khác đứng dậy. Các Bí-sô không chịu đứng dậy. Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nên tùy theo tuổi mà ngồi, thứ lớp theo vị trí.

Như Thế Tôn dạy: – Ngồi tùy theo tuổi.

Lục chúng Bí-sô thấy người đang ăn, tuy đến sau nhưng bảo họ đứng dậy. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu Bí-sô đang ăn, thượng tọa đến sau, nhưng không được bảo người nhỏ hơn đứng dậy, bảo người khác đứng dậy khi họ ngồi ăn, bị tội ác tác. Nên ngồi ăn tùy theo chỗ.

Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật:

– Thế Tôn dạy không được bảo Bí-sô đang ăn đứng dậy. Không biết như thế nào là đang ăn?

Phật dạy:

– Cho đến nhỏ nhất là việc thọ muối, thọ lá cây để ăn, đều không đứng dậy.

Như Thế Tôn dạy: – Bí-sô đang ăn không nên đứng dậy.

Lục chúng Bí-sô cố ý đến chỗ tòa cao để thọ thực trước. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được cố ý đến nơi hàng đầu chỗ thượng tọa ngồi để thọ thực. Làm vậy bị tội ác tác. Các Bí-sô phải khéo biết chỗ ngồi theo thứ lớp.

Tăng già có thùng chứa thuốc nhuộm và thau bồn. Có Bí-sô đang dùng những vật này để nhuộm y. Lục chúng đến nói:

– Cụ thọ! Ta lớn tuổi nên dùng trước.

Họ sang thuốc nhuộm ra và đoạt lấy thùng bồn để sử dụng, làm cho Bí-sô kia phải bỏ lỡ công việc, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu là thùng nấu thuốc nhuộm và chậu nhuộm của tăng, người khác đang sử dụng không được chiếm đoạt, chờ làm xong mới lấy, chưa xong vội lấy, bị tội ác tác.

Như Thế Tôn dạy: – Khi họ dùng chậu đang nhuộm không nên lấy.

Bấy giờ lục chúng Bí-sô chỉ nhuộm một miếng vải, cố ý để ngâm nhuộm mãi trong chậu gây trở ngại cho người khác. Phật dạy:

– Nếu nhuộm màu cả tấm y mới gọi là ngâm nhuộm, không được vì nhuộm một vật nhỏ, gây trở ngại cho người khác. Nếu ai vi phạm, bị tội ác tác.

Duyên xứ như trước. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc làm hàng rào chung quanh rừng Thệ Ða. Bấy giờ có người phá hoại hàng rào để lấy cây gỗ.chung quanh rừng Thệ Ða.

Bấy giờ có người phá hoại hàng rào để lấy cây gỗ. Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Sai người ngăn giữ.

Ðã có người ngăn giữ, bọn kia bỏ đi vứt bỏ cây gỗ lại; không người thu nhặt lại, cây gỗ bị hư mục.

Bấy giờ các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Cây gỗ hư nát vô dụng nên đưa vào nhà trù của tăng để làm củi đun, số nào còn sử dụng được, đưa cho người làm.

Bấy giờ Lục chúng Bí-sô lấy những cây gỗ còn dùng xây cất được, bửa ra để nấu thuốc nhuộm. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô! Không được đốt cây gỗ còn sử dụng để xây cất được. Ai vi phạm bị tội ác tác.

Tụng thứ bảy.

Trưởng giả sở thí vật
Vấn dĩ ưng lưu cử
Tùy xứ mạc phế tha
Tẩy thân phương nhập tự.

Phật ở thành Thất La Phạt. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc thưa với Thế Tôn:

– Xin Phật cho phép, con cúng dường Tăng già tại rừng Thệ Ða.

Phật bảo trưởng giả:

– Tùy ý làm.

Bấy giờ trưởng giả ngay trong rừng Thệ Ða có bao nhiêu cây; nếu là cây mang tên giống đực thì dùng y phục theo đàn ông trang hoàng. Nếu là cây mang tên giống cái thì dùng y phục theo đàn bà để trang hoàng. Trang hoàng khắp nơi trong chùa, sân, nơi kinh hành, dưới cửa phòng, trong phòng tắm, phòng ăn, phòng nuôi bệnh, phòng ăn thường như trên. Sau khi làm xong, đều xả thí cho Tăng già.

Bấy giờ Lục chúng Bí-sô được y phục này, không biết phải làm thế nào, đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nên hỏi trưởng giả.

Bí-sô hỏi. Trưởng giả trả lời:

– Vật cúng dường đặt ở đâu, thuộc nơi đó.

Phật dạy:

– Nhưng y phục được cúng dường bằng cách trang hoàng trên những cây mang tên giống đực hay giống cái và các nơi khác trong chùa, tùy theo từng nơi, cất y phục ấy vào rương hòm (Ấn văn chia thành ba nhóm từ ngữ: giống đực, giống cái và trung tính; tương tự như Pháp văn – Người dịch). Sau này có người làm đại hội ở rừng Thệ Ða, nên tùy theo những chỗ ấy, căn cứ theo trước đây mà làm. Trên vách tường nên treo tranh tường, tại phòng ấm nên mua củi để đốt sưởi ấm. Tại phòng tắm nên cung cấp vật tắm giặt. Tại nhà chứa nước phải cung cấp đủ cho đại chúng nước uống thời và phi thời. Tại phòng nuôi người bệnh nên cung cấp thức ăn ngon. Những vật thuộc gần trên lầu gác, trước mái hiên, chỗ kinh hành, bên cửa, hiện tiền tăng đư?c phân chia. Những vật trong sân, trong chùa thuộc tứ phương tăng sử dụng.

Các Bí-sô làm thiền đường để đoạn hoặc chỗ tịnh lự tu các thiện pháp. Lục chúng đến nơi này bảo người khác đứng dậy, nói rằng ta lớn tuổi. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Tại những nơi này không được ỷ vào tuổi tác để làm xáo động các Bí-sô khác. Nếu ai làm xáo động bị tội vượt pháp.

Các Bí-sô trong lúc ngồi thiền, từ tòa đứng dậy đi kinh hành trong một lúc. Lục chúng vội ngồi ngay vào chỗ ngồi của người kia, làm cho họ bỏ dở việc ngồi thiền.

Phật dạy:

– Chỗ họ đã ngồi trước không được giành ngồi. Này các Bí-sô! Khi muốn kinh hành nên lấy gối hoặc tăng khước chi để trên chỗ ngồi, sau đó mới kinh hành.

Lại có Bí-sô đập giũ giày dép vào cột trước hiên. Các Bí-sô thấy vậy giận hờn xấu hổ. Họ bạch Phật. Phật dạy:

– Tôi sẽ chế định nội qui đi đường. Khi các Bí-sô đi đường, muốn vào chùa phải tìm chỗ có nước, an trí bình bát, giũ y sạch, sau đó phải tắm rửa thân thể tay chân sach sẽ, không còn bụi đất. Sau đó đổ nước sạch vào bình, rồi dùng vải vụn lau dép da. Hoàn tất các việc trên, mặc y phục vào, tề chỉnh dung nghi, từ từ đi vào chùa.

Tụng thứ tám.

Thế đao tinh nhiếp tử
Dụng cánh bất ưng lưu
Tiện lợi nhược liễu thời
Vô nghi thất trung trụ.

Như Thế Tôn dạy: – Nên giữ dao cạo tóc và cái nhíp.

Lục chúng Bí-sô tự lấy dao cạo và nhíp của Tăng. Sau khi dùng xong giữ luôn không trả, lại bảo rằng để sau này dùng. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Dùng dao của tăng không được tự ý cất luôn. Dao đã như vậy thì các vật như đá mài, nhíp và vật lót chân nên biết cũng như vậy.

Lục chúng vào phòng tiểu tiện, xong việc nhưng ở mãi trong phòng. Người khác muốn vào nhưng họ cố ý ngăn lại, bảo rằng:

– Ðừng vào! Tôi đang chờ đi tiểu lần nữa.

Với cố ý gây phiền não cho người làm cho họ sinh giận hờn đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Tiểu tiện xong không được ở lâu, cố ý ở lại bị tội ác tác. Ngay chỗ đại tiện cố ý gây phiền phức cho người khác, bị tội cũng như vậy.

Tụng thứ chín.

Tốt đổ ba vi nhiễu
Quãng trần chư thánh tích
Trược thủy tùy ưng ẩm
Nhược hàm phân biệt tri.

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Thế Tôn:

– Con muốn trang hoàng tháp thờ và móng tay của Như Lai. Nếu Phật cho phép, con sẽ xây dựng.

Phật bảo trưởng giả:

– Làm tùy ý.

Trưởng giả không biết phải làm thế nào. Phật dạy:

– Bắt đầu từ hình tượng Chiêm bộ của Bồ tát ở Ðổ Sử Ða Thiên (Ðâu Suất Ðà thiên) hạ sinh hóa đạo hữu tình cho đến khi nhập Niết bàn. Các thánh tích trong bổ sanh nên tùy ý làm.

Các Bí-sô đi đường thấy có nước đục, sinh nghi ngại không uống. Phật dạy:

– Nước soi thấy mặt đều có thể uống, dùng. Nếu không thấy mặt cần phải có người trao cho mới uống. Như quá đục cần nên bỏ trái yết đắc ca, trái bồ đào bỏ vào chờ trong (mới uống). Có thể dùng bột đặt vào trong nước. Các Bí-sô nắm bột vào nước, bột tan ra hết.

Phật dạy:

– Nên tẩm nước vo thành cục, rồi để vào.

Gặp khi nước mặn, nghi ngại không uống. Phật dạy:

– Nước mặn làm muối được thì thọ rồi mới dùng. Nước không làm muối được thì tự ý lấy dùng, không nên nghi ngại.

Tụng thứ mười.

Phạn lạc đẳng phi ô
Diệt khả nội bình trung
Tây túc ngũ chủng công
Tề hà đánh khẩu tịnh
Diệt thủ thừa chú khẩu
Ða nghi lưu bát trung
Cử lương trì độ hà
Túng xúc phi thành quá
Tẩy bát ưng dụng tâm
Tha xúc vấn phương thọ
Hoán thực trì lương đẳng
Vô nạn tinh hoàn giá
.

Phật ở thành Thất La Phạt. Một số bà la môn, cư sĩ ở gần rừng Thệ Ða, ngay trong vườn rừng tổ chức ăn uống yến tiệc. Sau đó họ bỏ thức ăn thừa vào giếng. Các Bí-sô lấy nước giếng sử dụng, dùng lụa lược nước thấy có thức ăn vụn. Bí-sô nghi ngờ không dám dùng nước này và cả nước đang chứa trong lu. Họ đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không phải vì lý do kia mà thành bất tịnh đâu! Lược đi tất thành tịnh, không nên đổ nước bỏ đi.

Các Bí-sô lấy nước trong ao, thấy có người xúc vò đựng tô dầu và bình đựng lạc, lại có Bí-sô rửa bát dơ trong ao. Các chất bẩn lan ra và nổi lên mặt nước. Cặn bã trong bình từng miếng chìm xuống nước. Các Bí-sô nghi ngại không dám dùng nước này, đem việc bạch Phật. Phật dạy:

– Vật ấy không thể làm cho nước thành bất tịnh được, lược sạch thành tịnh, dùng không phạm.

Một lúc khác, các Bí-sô đi đường khó lấy được nước. Ðến bờ xe nước muốn lấy nước nhưng nghi ngại không tịnh. Do đó bị thiếu nước, rất khốn khổ mới về chùa được. Các Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Nên lấy nước ở bờ xe nước, tước tiên dùng súc miệng, sau đó tùy ý uống.

Gặp lúc phi thời không dám uống. Phật dạy:

– Phi thời vẫn uống nước được.

Bí-sô không dám giữ (trữ) nước trong bình. Phật dạy:

– Nên giữ.

Các Bí-sô đi đường không lấy được nước, không dám uống nước suối, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nên xem xét kỹ rồi dùng.

Lúc phi thời nghi ngại không dám uống. Phật dạy:

– Ðược uống phi thời

Không dám múc nước thêm. Phật dạy:

– Nên lấy thêm.

Bí-sô thấy nước mưa đọng vàng đục không dám uống. Phật dạy:

– Nếu nước đục, xem xét kỹ rồi uống.

Phi thời không dám uống. Phật dạy:

– Thời hay phi thời uống, dùng không phạm, trữ thêm nước trong bình không phạm.

Bí-sô đi đường, thấy trong túi da đựng nước có váng bơ, nghi ngại không dám uống. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Thời, phi thời đều tùy ý uống, sử dụng. Này các Bí-sô! Tôi khai cho các trường hợp này khi có nạn duyên, khi không có nạn đều phải ngăn cấm.Nếu tiếp tục dùng bị tội ác tác.

Các Bí-sô du hành trong nhân gian, đến chỗ nuôi bò, tìm nước không có. Họ đưa lạc tương để rửa chân. Bí-sô ngại không dám dùng. Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Gặp nơi không có nước. Họ cho lạc tương nên dùng rửa chân.

Họ đi đến chỗ người chăn bò mượn bình lấy nước. Bí-sô mượn được bình để đựng tô dầu, nghi ngại không dám dùng nên thiếu nước.

Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Nên biết rằng có năm loại bình:

1- Bình đại tiện.
2- Bình tiểu tiện.
3- Bình đựng rượu.
4- Bình đựng dầu.
5- Bình đựng lạc.

Ba loại bình trước không được dùng đựng thực phẩm, nếu lỡ đựng vào phải bỏ đi. Hai loại bình sau phải đem đốt, hoặc dùng muối, đất, phân bò chà rửa sạch. Khi bình đã sạch có thể dùng đựng nước, thời hay phi thời tùy ý uống dùng.

Có Bí-sô uống phi thời tương, cổ họng ợ ra mùi hôi, sinh tâm lo sợ.

Thế Tôn dạy:

– Trước hết phải rửa tay thật sạch, sau đó súc miệng. Súc miệng sạch, rồi mới uống các loại tương.

Như Thế Tôn dạy:Phải súc miệng thật sạch.

Bấy giờ các Bí-sô dùng muối đất để súc miệng bôi lên môi, nên bị sứt môi. Phật dạy:

– Nên dùng phân bò bôi sạch môi (hết sứt).

Ô Ba Ly bạch Phật:

– Như Thế Tôn dạy: – Nên làm sạch miệng, vậy thế nào là sạch?

Phật dạy:

– Miệng còn bị hôi thì làm sao cho sạch? Lấp phân bò khô sạch đập vụn nát hoặc dùng thao đậu hòa nước súc miệng thì trừ được mùi hôi của thức ăn dính trong miệng. Sau đó súc miệng bằng nước sạch hai ba lần, gọi là tịnh. Này các Bí-sô! Khi ăn uống thời hay phi thời, đều phải súc miệng như vậy rồi mới dùng. Nếu không làm như vậy, thì uống hay ăn đều bị tội ác tác.

Lại có Bí-sô vào lúc phi thời, cầm bình nước đưa lên miệng uống, muỗi mòng nằm sẵn trong bình bay ra chích. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được cầm bình đưa thẳng lên miệng uống. Trước hết phải rửa tay, súc miệng sạch rồi bụm nước vào lòng bàn tay để uống.

Có Bí-sô muốn làm thanh vân trì lung (bình lọc nước) nhưng không biết làm bằng vật gì. Phật dạy:

– Nên dùng tấm ván nhỏ, gạch đá đặt trong bình, không cho trùng lọt qua được.

Như Thế Tôn dạy: – Phải rửa tay cho sạch trước, sau đó mới uống nước. Khi đi trên đường, họ cho ít nước (lấy đâu rửa tay).

Phật dạy:

– Có thể đựng nước trong lá cây để uống.

Bí-sô thấy có lá xanh, không người hái. Phật dạy:

– Nhặt lá vàng rơi trên đất để đựng nước uống. Nếu không có lá vàng rơi thì hái lá trên cành.

Gặp lá cây mọc chùm không thể dùng được. Phật dạy:

– Nên đến chỗ thuận tiện súc miệng, rồi đưa bình lên miệng tùy ý uống.

Khai cho những trường hợp này vì nạn duyên… nói rõ như trên.

Bấy giờ cụ thọ Hiệt Ly Bạt Ðề gặp việc gì cũng sinh tâm nghi ngại. Thế nên người đương thời đặt tên là Ða Nghi Hiệt Ly Bạt Ðề. Ông ta thấy có nước trong bình chảy dưới đất, tự nghĩ: “Người nào sang nước vào bát, có khi đã làm bẩn nước”. Do đó không dùng. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Các vật thuộc thể lỏng đều có khuynh hướng chảy xuống dưới, không thể hướng lên trên (nên chất dơ từ bát không chảy ngược vào bình được). Vậy nên thọ dụng chớ sinh nghi hoặc, dùng không phạm. Cũng vậy tất cả các loại như lạc tương, v.v… căn cứ đây thì biết. Như Phật nói … như trên… thọ dụng chớ sinh nghi hoặc.

Bấy giờ có Bí-sô cùng các thương nhân đi chung đường, bảo các cầu tịch mang lương thực đi đến sau. Thương nhân muốn nghỉ ngơi trong một lúc để đi, nói với Bí-sô rằng:

– Quí ngài vác hộ cho tôi.

Các Bí-sô không dám vác lấy. Họ đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nên vác hộ cho họ.

Họ lại bảo rằng:

– Hãy để hộ xuống cho tôi.

Bí-sô nghi ngại không dám đỡ xuống. Phật dạy:

– Nên đỡ xuống cho họ.

Sau đó, cầu tịch mang lương thực đi đường đến. Họ vác nặng, mệt nhọc, thưa với Bí-sô:

– Quí ngài vác cho tôi một lúc, để tôi được nghỉ ngơi.

Bí-sô không chịu. Phật dạy:

– Có thể dùng dây cột lại, bảo cầu tịch cầm dây, rồi vác cho họ để họ được nghỉ ngơi trong chốc lát.

Sau đó Bí-sô sinh nghi ngại:Tự tay ta mở lấy, không dám ăn. Phật dạy:

– Ăn không phạm.

Các Bí-sô cùng khách buôn đi một đường, gặp giặc cướp, đoạt của cải khách buôn. Cầu tịch đang vác lương thực, vứt hết bỏ chạy. Bí-sô đi không cũng bỏ chạy luôn. Sau đó họ bảo cầu tịch:

– Người phải trở lại lấy số lương thực ấy.

Cầu tịch trả lời:

– Nay quí ngài muốn cho giặc giết tôi hay sao? Tôi không thể đi! Các ngài tự đến lấy đi.

Bí-sô nghi sợ không dám đến lấy.

Lương thực đi đường bị thiếu nên không đi đến nơi được, họ đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nên tự đi lấy lại.

Bí-sô đi lấy lại đem về nhưng không dám ăn, đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Ðược ăn, không phạm.

Bấy giờ có Bí-sô bảo cầu tịch mang lương thực đi đường, muốn đi qua sông, không biết làm thế nào?

Phật dạy:

– Nên hỏi cầu tịch, ông có thể vì tôi mang lương thực qua sông không? Nếu họ đáp:Tôi chỉ có thể lội qua một mình, không thể mang lương thực được. Thì Bí-sô phải hổ trợ họ vác đi qua sông. Nếu cầu tịch nói:Tôi không đủ sức qua sông thì làm sao vác lương thực được. Bí-sô có thể đưa họ qua sông thì tốt. Nếu không được như vậy thì mang lương thực qua sông trước, rồi đưa cầu tịch qua sau.

Khi ấy các Bí-sô sinh nghi không ăn. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Ðược ăn không phạm.

Thế Tôn có dạy:

– Bí-sô nên ăn trong bát.

Có Bí-sô khi rửa bát thấy có chỗ nứt, sợ có chỗ phạm. Phật dạy:

– Nên chú ý rửa sạch ba lần; giả như có chỗ nứt, dùng không phạm.

Có Bí-sô khi rửa bát thấy trong kẻ nứt có hạt cơm, nghi ngại không dám dùng để ăn. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Dùng cọng cỏ khều ra, lấy nước rửa sạch ba lần rồi dùng tùy ý.

Có Bí-sô dùng bát cũ bẩn đựng nước nóng, cấu bẩn nổi lên đọng trên mặt nước, sinh nghi ngại không dám dùng. Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nên vứt bỏ chất bẩn nổi ở trên rồi sử dụng.

Có Bí-sô rửa bát xong an trí vào một nơi. Ðến ngày thứ ba mới đem rửa lại, dùng thì bát vỡ, sinh nghi vì bát chưa nung chín. Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Rửa rồi nên dùng để ăn ngay.

Có Bí-sô đi khất thực về đặt bát xuống rồi ra đi. Lại có Bí-sô đi khất thực về đặt thức ăn bát của mình lên bát vị kia. Bí-sô thấy vậy nghi ngại, đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu có người trao thức ăn, thọ rồi mới ăn. Nếu không có người thì lấy bớt phần trên ra, ăn không phạm.

Lại có Bí-sô khất thực về, đặt bát xuống rồi bỏ đi, có người thế tục đến xúc chạm vào bát. Nên hỏi họ rằng:

– Người muốn thức ăn này phải không?

– Nếu họ nói tôi thấy có ruồi hay cỏ lá nên lượm ra, thì nên thọ rồi ăn. Nếu họ nói muốn được ăn thức ăn này nên xúc chạm vào; nên chia bớt thức ăn cho họ rồi mới ăn.

Bí-sô nọ khất thực về, để bát vào một nơi; lại có cầu tịch khất thực về sau đặt bát cơm của mình vào bát của Bí-sô. Bí-sô nghi ngại bỏ cả bữa ăn. Phật dạy:

– Nên lấy bát đang để trong cơm ra, rồi tùy ý thọ dụng.

Như Thế Tôn dạy: – Các Bí-sô nếu phải đi đường xa, nên đem theo lương thực. Nhưng gặp lúc không có người thế tục và cầu tịch.

Phật dạy:

– Nên bảo thí chủ, nếu không có thí chủ thì tự mang đi. Sau đó gặp người thế tục đổi lấy để ăn. Nếu không đổi được thì chia làm hai phần, bảo với người thế tục: “Người nên lấy một phần”. Khi họ đã cầm vào tay, bảo với họ rằng: “Người ăn phần của ta; ta ăn phần của người”. Ðổi nhau rồi ăn.

Trường hợp này khó thi hành được, họ bạch Phật. Phật dạy:

– Ngày thứ nhất nên nhịn ăn, đến sáng ngày hôm sau nếu có người trao thức ăn thì nhận lấy ăn. Nếu không có người trao thì được lấy vừa bằng một nắm tay thức ăn để ăn. Ðến ngày thứ ba nếu vẫn không có người trao thì được ăn bằng hai nắm tay. Ðến ngày thứ tư nếu không có người trao thì tùy ý lấy thức ăn no, không phạm.

Sau đó, Bí-sô đi đường, hết sạch lương thực, thấy có trái chín rụng trên đất. Phật dạy:

– Nên lượm lấy tác tịnh; thọ xong rồi ăn. Nếu không có tịnh nhân, giả như không tác tịnh; thọ rồi có thể ăn.

Nếu không có người trao. Phật dạy:

– Nên tự tay lấy, tác ý tưởng ở Bắc Cu Lô Châu, giữ tâm nơi đó để ăn.

Trái chín trên cây chưa rơi xuống dất. Phật dạy:

– Nên leo lên rung cho trái rụng xuống tự lượm lấy ăn.

– Này các Bí-sô! Những điều được cho phép ở trên đều vì nạn duyên. Nếu khi không có nạn đều phải ngăn cấm. Ai vi phạm đều bị tội ác tác.

-ooOoo-

Mục Ðắc Ca Biệt Môn Tổng Nhiếp Tụng Thứ Tư.

Dữ điền phân bất ưng
Xích thể định vật thí
Tăng y tự hoàn vãng
Cam giá quả dung quần.

Tụng thứ nhất.

Dữ điền phân tương trợ
Xa thuyền phất tự chủ
Ô thủy thằng vô tàm
Chế để tín thiểu dục
.

Phật ở thành Vương Xá vườn Trúc Lâm.

Bấy giờ vua Ảnh Thắng cúng cho Tăng già một ngàn mẫu ruộng. Các Bí-sô tuy thường lấy ăn nhưng bỏ bê không hỏi đến, làm cho ruộng tốt trở thành bãi cỏ hoang. Một hôm, vua Ảnh Thắng đi ra ngoài thấy vậy liền hỏi:

– Ruộng này của ai mà để cỏ dại um tùm vậy?

Ðại thần tâu:

– Ðây là ngàn mẫu ruộng Ðại vương đã cúng cho Thánh chúng. Họ thu hoa lợi nhưng không chăm sóc nên trở thành hoang phế.

Vua hỏi:

– Tại sao Tăng già không phân cho người khác?

Ðáp:

– Không phân.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Nên phân cho cư sĩ một số.

Số hoa lợi ngũ cốc thu nhập ở ruộng, các Bí-sô đều giao cho người canh tác chứ không lấy phần.

Phật dạy:

– Nên căn cứ phép vua qui định để lấy phần.

Những người đứng ra làm sau khi nhận được phần của mình, bỏ phần hoa lợi (của tăng lại) rồi đi. Phật dạy:

– Nên đưa số hoa lợi này về chùa.

Bấy giờ người đứng ra làm lấy phần mình trước, sau đó mới giao phần của chùa. Phật dạy:

– Phải mang phần của chùa trước, mang phần của mình sau.

Tuy vận chuyển hoa lợi về chùa nhưng bị trộm cắp. Phật dạy:

– Nên quản lý, chớ để trộm cắp.

Ðoàn vận chuyển đến, chở phần của Tăng, xe nặng bị nghiêng muốn lật. Họ gọi các Bí-sô đến giúp đỡ. Các Bí-sô thấy xe chở (ngũ cốc) của Tăng nên không dám đụng vào. Phật dạy:

– Trường hợp này nên hỗ trợ.

Bí-sô bệnh đi trên đường. Người đánh xe bảo với Bí-sô:

– Thánh giả! Ngài có thể lên đi chung xe này.

Bí-sô nghi ngại không dám đi xe. Phật dạy:

– Chỉ tránh ngồi chỗ lái xe ở trước, được ngồi ở chỗ khác, không phạm.

Thuyền vận chuyển vật của Tăng bị mắc cạn, lái thuyền bảo rằng:

– Thánh giả! Quí ngài hãy giúp đỡ tôi đẩy thuyền ra.

Các Bí-sô cho là thuyền chứa vật của tăng nên không dám đẩy. Phật dạy:

– Nên đẩy giúp thuyền.

Các Bí-sô đi bộ theo rất mệt nhọc, chủ thuyền bảo Bí-sô rằng:

– Hãy cùng đi chung thuyền với chúng tôi.

Các Bí-sô không dám lên thuyền. Phật dạy:

– Trừ chỗ lái thuyền ra, tùy ý ngồi chỗ khác trên thuyền.

Người vác phần của tăng muốn tạm nghỉ bảo các Bí-sô:

– Tôi muốn nghỉ một lúc, các ngài đỡ hộ xuống. Bí-sô nghi ngại không dám đỡ xuống. Phật dạy:

– Nên giúp họ để xuống.

Có người vác đi giữa đường quá mệt, muốn nghỉ ngơi, bảo các Bí-sô:

– Hãy vác hộ cho tôi một lúc để tôi được nghỉ ngơi.

Bí-sô nghi ngại không dám vác cho họ. Ðem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Nên dùng dây buộc vào vật, bảo họ cầm dây rồi khiêng vác cho họ. Hoặc khi giữa đường bỏ vật đang vác để chạy. Giặc đến lấy vật mang đi.

Phật dạy:

– Ðừng bỏ vật, nên mang đi.

Bí-sô không biết bảo ai mang đi. Phật dạy:

– Nên bảo thế tục, nếu không thì bảo cầu tịch, nếu không nữa thì Bí-sô tự mang lấy.

Do tay đã xúc chạm vào vật thực ấy, các Bí-sô không dám ăn, họ bạch Phật. Phật dạy:

– Ăn không phạm.

Nồi của Tăng đang nấu tô lạc, lửa cháy mạnh, sôi tràn ra ngoài. Khi ấy nếu không có tịnh nhân thì bị hư bỏ đi.

Phật dạy:

– Khi đang nấu không được bảo tịnh nhân đi nơi khác. Nếu có việc quá cần phải đi ra ngoài, Bí-sô phải rút bớt củi ra. Nếu sôi mãi thì lấy muỗng khuấy.

Khi nấu thuốc, sôi trào lên miệng, giải quyết như trên.

– Này các Bí-sô! Ta vì nạn duyên nên khai cho những việc như trên. Khi không có nạn đều phải ngăn cấm. Người nào vi phạm đều bị tội ác tác.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ NẠI DA

MỤC ÐẮC CA

– Hết quyển 9 –

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10