căn bản trí

Phật Quang Đại Từ Điển

(根本智) Phạm: Mulajĩàna. Cũng gọi Căn bản vô phân biệt trí, Như lí trí, Thực trí, Chân trí. Đây là gốc của các trí, vì trí này có thể khế hợp lí chân như mầu nhiệm, bình đẳng như thực, không có sai khác, cho nên cũng gọi là Vô phân biệt trí. Nhiếp đại thừa luận thích quyển 8 gọi trí này là Tuệ chính chứng, vì nó xa lìa mọi hoạt động tìm hiểu, khảo xét, cũng không có tác dụng phân biệt, cứ tự nhiên chiếu rọi pháp thể, khế hợp chân lí, cho nên gọi là Trí tuệ chính chứng. Lại vì trí này là chính thể của trí, chứ không phải hóa dụng, cho nên cũng gọi là Chính thể trí, là Bát nhã ba la mật trong 10 ba la mật. [X. luận Du già sư địa Q.55; luận Thành duy thức Q.9].