CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TỤNG

Nguyên tác: Tôn giả Tỳ xá khư
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu- năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010.

 

QUYỂN TRUNG

V – 90 PHÁP BA DẬT ĐỀ:

1 – Cố vọng ngữ:

Người ở thành Vương xá,
Cho đến các Bí sô,
Đến hỏi La hỗ la:
Phật nay đang ở đâu?
Thế tôn đang ở đây,
Lại đáp là ở kia.
Đại sư do việc này,
Nên nói hai bài kệ:
Cố làm người vọng ngữ,
Trái với một pháp Thật,
Hiện đời làm các ác,
Đời sau chịu khổ báo.
Thà nuốt hòn sắt nóng,
Ngọn lửa dữ đáng sợ,
Không đem miệng phá giới,
Phi pháp ăn cơm người.
Do Bí sô vọng ngữ,
Nên Phật chế học xứ,
Có chín loại sai khác,
Cho đến nơi hai loại,
Năm pháp và ba căn.
Chín loại là Tha thắng…
Giới, kiến, quỹ, tà mạng;
Năm pháp là Tha thắng…
Ba căn: thấy nghe nghi.
Lại có tám loại vọng,
Năm pháp với ba căn;
Lại có bảy loại vọng:
Giới, kiến, quỹ, tà mạng,
Ba căn thấy nghe nghi.
Lại còn có ba thời:
Đã, đang và sẽ nói;
Với ba căn thành sáu.
Mỗi loại giảm như vậy,
Người trí nên suy biết.
Nói năm loại vọng là:
Khi nói pháp hơn người,
Vọng này phạm Tha thắng;
Nếu hai loại vu báng,
Là không có căn cứ,
Đối người kia không thật,
Vọng này phạm Chúng giáo;
Nếu ở trước Tăng già,
Pháp nói là phi pháp…
Vọng này phạm Thổ la;
Nếu vào ngày trưởng tịnh,
Hỏi có thanh tịnh không,
Im lặng che giấu tội,
Vọng này phạm Ác tác;
Vọng ngữ trong thiên này,
Có bốn loại sai khác,
Và các vọng ngữ khác,
Đều nhiếp vào tội Đọa.
Năm loại vọng ngữ này,
Thể trọng khinh sai khác,
Không lẫn lộn với nhau.
Nếu ở chỗ không thấy…,
Điên đảo nói là thấy…,
Cố ý nói – người hiểu,
Liền chiêu lấy tội Đọa.

2 – Chê bai khinh hủy:

Bàng sanh bị chê bai,
Là con bò gảy sừng,
Còn không nhẫn chịu được,
Huống chi chê bai người.
Nên Phật bảo Bí sô,
Thường làm lợi chúng sanh.
Nếu Bí sô cố ý,
Chê bai về dòng tộc,
Như dòng Bà la môn:
Thầy – Phạm chí xuất gia,
Liền phạm tội Ác tác;
Chê bai Sát đế lỵ,
Tâm cợt đùa – Ác tác;
Phệ xá, Thủ đà la,
Chê bai thành bổn tội.
Cho đến các chủng loại,
Thợ mộc, lông, thợ dệt,
Thợ may và thợ tre…
Chê bai đều phạm Đọa.
Chê bai về nghề nghiệp,
Như nói Bà la môn:
Nghề khéo của Phạm chí,
Thanh tịnh cần nên học,
Sa môn thì cần gì,
Liền phạm tội Ác tác.
Như nói Sát đế lỵ:
Về giáo mác, cung tên,
Việc này thầy nên học,
Cũng phạm tội Ác tác.
Cho đến nghề nghiệp của,
Phệ xá, Thủ đà la,
Nghề tạp như đan tre…
Chê baiđều phạm Đọa.
Chê bai về hình tướng,
Như què lệch, mù lòa,
Lùn thấp và câm điếc…
Thảy đều phạm tội Đọa.
Chê bai về bịnh tật,
Như ung nhọt, ung thư,
Bịnh lại, trĩ, ghẻ ngứa…
Thảy đều phạm tội Đọa.
Chê bai về phạm tội,
Nói thầy không thanh tịnh;
Chê bai về phiền não,
Nói thầy có phẫn hận…
Cho đến khinh chửi mắng,
Cùng ác ngữ tương ưng,
Thảy đều phạm tội Đọa.
Chê bai khinh hủy về:
Dòng tộc và nghề nghiệp,
Tác nghiệp, hình tướng, bịnh,
Phạm tội và phiền não,
Gọi là Hủy tử ngữ.

3 – Ly gián ngữ:

Bí sô nói ly gián,
Muốn chia rẽ người khác,
Do vì tâm xúc não,
Liền chiêu lấy tội Đọa.
Nếu Bí sô nói rằng:
Thầy – thợ cạo thấp hèn,
Hỏi là ai đã nói,
Liền đáp tên người kia,
Thì phạm tội Ác tác.
Như trong học xứ trên,
Nói dòng tộc, nghề, thợ…
Nên biết tội tương tợ,
Người trí không nên làm.

4 – Phát khởi yết ma diệt tránh:

Chúng hòa hợp tác pháp,
Đồng tâm làm việc ấy,
Nếu người nào hủy phá,
Liền chiêu lấy tội Đọa.
Tăng nhất tâm hòa hợp,
Đã như pháp như luật,
Diệt trừ bốn loại tránh,
Bình luận tránh nên biết,
Đã đồng tâm bỉnh pháp,
Nơi việc không do dự,
Nếu bảo thời không tốt,
Phạm tội phá yết ma.
Chưa làm tưởng làm rồi,
Hoặc nghi mà hủy phá,
Thì phạm tội Ác tác,
Khác với đây – không phạm.
Nếu xử đoán việc này,
Tưởng xử đoán việc khác,
Nên biết dứt, chưa dứt,
Phạm tội đồng như trên.
Hiện tiền năm hạng người:
Chủ nhân, bỉnh yết ma,
Người trì dục, người thấy…
Và khách Bí sô đến.
Trong đây chủ nhân là
Người biết đầu giữa sau;
Người bỉnh yết ma là,
Người tác pháp yết ma;
Nói người trì dục là,
Mang dục người khác đến;
Người thấy sự việc là,
Hiện tiền ở trong chúng,
Ngã ái thấy như vậy,
Nên bàn luận như vậy;
Khách Bí sô đến là,
Không biết đầu giữa sau.
Ba hạng người đầu phá,
Thì đều phạm tội Đọa,
Hai hạng người sau phá,
Đều phạm tội Ác tác.

5 – Nói pháp cho người nữ quá 5,6 lời:

Nói pháp cho người nữ,
Chỉ đến năm sáu lời,
Trừ có nam trí huệ,
Quá thì phạm tội Đọa.
Tất cả sắc vô thường,
Thọ tưởng hành cũng vậy,
Và thức là năm lời,
Người minh huệ nên biết.
Mắt tai mũi và lưỡi,
Thân, ý đều vô thường,
Tất cả là sáu lời,
Người trí huệ nên biết.
Khi nói đến năm câu,
Cố ý thêm câu sáu;
Hoặc định nói sáu câu,
Cố nói bảy đồng phạm.
Nếu cà lăm không lỗi,
Cho đến nói lấp bấp,
Hoặc nữ trí hỏi lại,
Giải đáp thì không phạm.

6 – Đồng câu tụng với người chưa thọ Cận viên:

Cùng người chưa Cận viên,
Đồng câu tán tụng pháp,
Tùy tụng đều phạm tội,
Khai đồng tụng không phạm.

7 – Nói tội thô của người khác cho người chưa thọ Cận viên biết:

Biết người phạm tội Thô,
Nói người chưa Cận viên,
Liền chiêu lấy tội Đọa,
Nếu đại chúng tác pháp,
Cho nói thì không phạm.
Sao gọi là tội Thô?
Là Ba la thị ca,
Tăng già bà thi sa,
Không thuộc thiên tội khác.

8 – Nói thật được pháp hơn người cho người chưa thọ Cận viên biết:

Nếu Bí sô đến nói,
Với người chưa Cận viên,
Thật được pháp hơn người,
Thì phạm Ba dật đề,
Nếu như nói ngũ cái,
Là pháp người phàm biết,
Không phải pháp thượng nhân,
Hoặc cảnh giới tĩnh lự,
Thì Bí sô không phạm.

9 – Vu báng hồi tăng vật:

Nói người đem vật Tăng,
Hồi chuyển cho người khác,
Khi nói lời vọng ngữ,
Liền chiêu lấy tội Đọa.

10 – Khinh chê giới:

Nửa tháng thuyết giới kinh,
Gọi là thời trưởng tịnh,
Nếu nói lời khinh giới,
Liền chiêu lấy tội Đọa.
Cần gì trong giới kinh,
Nói tiểu, tùy tiểu giới,
Khiến người sanh phiền não,
Gọi là khinh chê giới.
Nhàm chán, nghi sanh não,
Lừa ưu sầu thiêu đốt,
Khiến người khởi tâm hối,
Khi nói liền phạm Đọa.
Nếu ở trong luật giáo,
Các giới nhỏ đã có,
Bí sô khinh chê thì,
Thảy đều phạm tội Đọa.

11 – Hoại sanh chủng:

Loại sanh chủng đã có,
Cho đến htôn hữu tình,
Củ, cành, đốt và mầm,
Mình, người tổn đều phạm.
Nếu từ củ được sanh,
Thì gọi là giống củ,
Như củ Hương phụ tử,
Củ gừng, khoai… nên biết;
Giống cành từ cành sanh,
Cắm xuống đất liền mọc,
Như cây Liễu, Bồ đề,
Cây Thạch lựu… nên biết;
Giống đốt cắt lấy đốt,
Cắm xuống đất liền mọc,
Như đốt mía, lau, tre…
Giống nứt tét như hạnh…
Giống hạt như hạt lúa…
Có Bí sô giải thích,
Loại từ chủng tử khác,
Như phân bò mọc sen,
Lông dê sanh cỏ mịn…
Loài hữu tình như kiến…
Tổng nhiếp các sanh mạng;
Thôn chỉ cho cây cối,
Chỗ hữu tình nương ở,
Tưởng và nghi làm tổn,
Thảy đều phạm tội Đọa.
Các giống quả như thế,
Xứng cảnh ắt phạm tội,
Giống khác; tưởng, nghi khác,
Nên biết cũng phạm tội.
Nếu đem năm loại giống,
Để vào trong cối giã,
Khi hạt giống tổn hoại,
Đồng thời phạm năm tội;
Nếu không có tổn hoại,
Phạm năm tội Ác tác,
Để vào lửa, nước sôi,
Phạm tội Đọa như trên.
Nếu cố ý tổn hoại,
Du hành trên cỏ xanh,
Hoại thì phạm tội Đọa,
Không hoại – tội Ác tác;
Nếu ở trên cỏ xanh,
Kéo vật làm thương tổn,
Hoặc tưới, xốinước sôi,
Đồng tội Đọa như trên.
Nếu dùng một phương tiện,
Chặt đứt một gốc cây,
Phạm một tội Ác tác,
Và một Ba dật đề;
Nếu dùng hai phương tiện,
Thì phạm hai Ác tác,
Một tội Đọa nên biết;
Tùy phương tiện nhiều ít,
Phạm chừng ấy Ác tác,
Một tội Đọa nên biết.
Nếu hoa quả chưa trổ,
Ngó sen và củ sen,
Tùy hoại đều phạm Đọa.
Vỏ nứt tét, lá vàng,
Hoa và quả đã trổ,
Hái, ngắt – tội Ác tác.
Cần tăm xỉa răng tịnh,
Cho đến lá và hoa,
Khi lấy vì tịnh nói,
Không nên bảo chặt, bẻ;
Thủy tảo và bèo nổi,
Rêu xanh và mốc trắng…
Kéo lê không nên làm.
Sao gọi là nói tịnh?
Là nói ông nên biết,
Nếu hiểu là cho tịnh,
Tịnh thì không phạm tội.
Tác tịnh có mười loại,
Lửa, đao, cỏ, chim, móng…
Khi xây cất chặt cây,
Nên theo thần cây xin,
Đem hoa quả thức ăn,
Cúng tế nên theo thời,
Nên tán tụng kinh pháp,
Hoặc tụng kinh Tam khải,
Nói cho thần cây biết,
Mười thiện, mười ác báo,
Hành thiện được quả vui,
Nếu khác – đọa đường ác.
Hiển công đức thí kia,
Nên nói tội xan tham.
Như thiên nữ dạo chơi,
Ở trong vườn Hoan hỉ,
Được hưởng mãi phước lạc,
Đều do nhân bố thí;
Ngạ quỷ đói khát bức,
Không nghe đến tên nước,
Luân hồi trong các nẽo,
Thọ khổ vô cùng tận,
Tập khí từ vô thỉ,
Thường bị phiền não bức,
Mình người không lợi ích,
Đều do xẻn tham trói.
Bảy ngày không tướng lạ,
Cũng không có máu chảy,
Được chặt đại thọ này,
Có tướng lạ – không chặt.

12 – Chê bai khinh tiện:

Nếu Bí sô khinh chê,
Cho đến dùng lời thô,
Phạm tội có nặng nhẹ,
Như trong phần duyên khởi,
Nay lược nói đại cương.
Đại chúng tác bạch nhị,
Sai người chia cơm cháo,
Phòng xá và bánh trái;
Người chia tạp vật khác,
Cất y Yết sỉ na,
Cất y Chi phạt la,
Cho đến người chia y,
Người giữ y tắm mưa…
Những người được sai này,
Nếu Bí sô khinh chê,
Liền chiêu lấy tội Đọa,
Giận mắng cũng tội Đọa.

13 – Chống trái xúc não:

Khi có người chỉ dạy,
Chống trái – phạm tội Đọa,
Xúc não nói lời khác,
Hoặc im lặng không đáp,
Thảy đều phạm tội Đọa.
Trừ thợ săn đến hỏi,
Có thấy nai chạy qua,
Sợ thợ săn hại Nai,
Phương tiện nói lời khác,
Như nói thấy móng tay,
Thật lý – không hữu tình,
Thì Bí sô không phạm.

14 – Không cất phu cụ:

Nếu ở nơi đất trống,
Trải giường tòa của Tăng,
Trừ có dặn trao người,
Bỏ đi phạm tội Đọa.
Nếu lìa khỏi chỗ cũ,
Muốn đi ra ngoài giới,
Chưa lìa thế phần giường,
Thì phạm tội Ác tác;
Nếu khi vừa mới đi,
Trời mưa – phạm Ác tác,
Nếu nước mưa thấm ướt,
Liền phạm Ba dật đề.
Nói ba loại làm hoại,
Là trùng gió và mưa;
Khi trong ngoài đều tổn,
Thì gọi là trùng phá;
Bị gió thổi lật ngược,
Thì gọi là gió hoại;
Mưa ướt lớp thứ hai,
Gọi mưa hoại nên biết.
Nếu phu cụ trong phòng,
Bị trùng làm tổn hoại,
Thì phạm tội Ác tác.
Ban đầu đi không nhớ,
Giữa đường bỗng sực nhớ,
Liền nên phải trách tâm;
Nếu gặp Bí sô khác,
Nhờ cất giùm ngọa cụ,
Ân cần dặn coi ngó,
Nếu kia hiểu, nhận lời,
Nhưng lại không nhớ cất,
Thì phạm Ba dật đề.
Người tục đến thỉnh thực,
Mượn tòa ngồi nên cho,
Và sai người coi giữ.
Nếu người nuôi bịnh này,
Bịnh, già nua, phá giới,
Lại chưa thọ Cận viên,
Dù chớ nhờ nuôi bịnh.
Hai người ngồi một tòa,
Người nhỏ nên thu cất,
Nếu tuổi hạ bằng nhau,
Người đứng dậy sau cất.
Nếu khi nghe thuyết pháp,
Thấy Thượng tòa già yếu,
Thu cất phu cụ Tăng,
Người nhỏ nên làm thay.
Phật chế các Bí sô,
Nên hầu hạ tôn lão,
Tôn lão cho y chỉ,
Cả hai đều lợi ích.
Nếu có nạn sự đến,
Để tòa nơi chân tường,
Và gốc cây – không phạm,
Không duyên chớ đoạn thực.
Khi đọc tụng chánh pháp,
Phải ngồi trên tòa cao,
Vì kính trọng Đại sư,
Nên mới làm tòa cao,
Ngồi đọc tụng lời Phật,
Người hảo tâm đến nghe,
Nên sắp xếp chỗ ngồi.
Cư sĩ trải tòa báu,
Thỉnh ngồi, tùy ý ngồi,
Khi ngồi nên nhiếp niệm,
Tưởng các hành vô thường,
Và khởi ý như sau:
Đây là vật thí chủ,
Tuy là báu trang nghiêm,
Khi ngồi không có lỗi.
Ở trong cung Dược xoa,
Cung trời rồng được ngồi,
Trên tòa báu trang nghiêm,
Muốn họ được tăng phước,
Đây là Mâu ni dạy.

15 – Không cất phu cụ cỏ:

Nếu khi ở trong chùa,
Dùng nhiều phu cụ cỏ,
Khi đi không nạn sự,
Tự cất, bảo người cất,
Đều giống như giới trên.
Người giữ giới nên biết,
Phu cụ cỏ trong nhà,
Muốn bỏ hỏi chủ nhà,
Ngăn thì không được bỏ.
Người tu định kinh hành,
Trải dài mười hai khuỷu,
Người siêng tu niệm tụng,
Cũng mười hai nên biết;
Đất cứng nên trải cỏ,
Không trải, chân tổn thương,
Phòng nạn – dọn gián cách,
Không có duyên xúc não.

16 – Kéo người khác ra khỏi Tăng phòng:

Nếu giận Bí sô khác,
Từ trú xứ đuổi ra,
Người kéo phạm tội Đọa,
Trừ khi có nạn duyên.
Nếu không tự tay kéo,
Bảo Bí sô khác kéo,
Cả hai đều phạm Đọa;
Nếu bảo Cầu tịch kéo,
Bí sô phạm tội Đọa,
Cầu tịch phạm Ác tác.

17 – Gắng gượng xúc não người khác:

Nếu như có Bí sô,
Cố ý đem thức ăn,
Ngon dỡ hay lạnh nóng,
Bảo Bí sô khác ăn,
Để xúc não – phạm Đọa.
Bí sô đến ở trước,
Trong nhà ăn, nhà ấm,
Nhà tắm, gần bên cửa,
Hoặc dưới mái hiên nhà…
Nơi tòa và ngọa cụ,
Họ chưa có ý dời,
Thì Bí sô đến sau,
Không được bảo dời đi.

18 – Cố buông thân ngồi trên giường sút chân:

Nếu ở trong phòng trên,
Không ngồi giường sút chân,
Nếu dùng ván lót đỡ,
Thì ngồi không phạm tội.
Nói giường sút chân là
Chân sút khỏi lỗ mộng,
Chân giường cũ hư mục,
Nếu không ván lót đỡ,
Thì lật ngữa giường lên,
Sẽ không tổn người khác,
Lượng thời nên thọ dụng.
Nếu dùng đinh sắt đóng,
Cho chân giường đừng sút,
Hay dùng dây cỏ cột,
Mặc tình để thuận nghịch.

19 – Dùng nước có trùng:

Trong nước có sanh mạng,
Đem tưới cây và đất,
Tự làm, bảo người làm,
Thảy đều phạm tội Đọa.
Nước trùng có tưởng, nghi,
Vẫn phạm Ba dật đề;
Không trùng, tưởng nghi trùng,
Thì phạm tội Ác tác.
Mượn người khác gàu dây,
Người cho dùng múc nước,
Lượt nước nên xem kỹ,
Nếu đục để quả đen,
Để cho nước lắng trong;
Nếu nước có bụi đục,
Soi nước không thấy mặt,
Phải ân cần lọc lượt,
Thanh tịnh mới không tội.
Có năm loại tịnh thủy:
Nước giếng và nước suối,
Pháp bình không kẻ hở,
Nước trong Tăng già lam,
Nước của người trì giới,
Năm loại nước sạch này,
Tùy ý được uống dùng.
Đãy lượt nước có năm:
Tháo quán và quân trì,
Pháp bình, đãy lượt nước,
Cho đến dùng chéo y,
Dụng tâm xem kỹ nước,
Trùng nhỏ như đầu lông.
Không nhọc công xem hoài,
Thì xem chừng bao lâu?
Như xe bò chuyển động,
Chặt tre Ma kiệt đà,
Là thời gian xem nước.
Nếu trong bình nước kia,
Khởi tâm nghi có trùng,
Thì phải nên xem kỹ,
Không nghi mới được dùng.
Cho đến Câu lô xá,
Hoặc đi một trạm đường,
Biết chỗ kia có nước,
Không đãy lượt được đi;
Nếu định trở về liền,
Đi nửa trạm không phạm.
Thuận dòng theo bờ sông,
Cứ mỗi Câu lô xá,
Xem kỹ nước mới dùng,
Khác với đây không nên.
Tùy dòng chảy lấy nước,
Đều nên xem và lượt,
Nếu lấy nước nơi giếng,
Nên tụng kệ Phật nói,
Tùy chỗ có thiên thần,
Nên theo họ xin nước.
Lu, bình dính chất dơ,
Dụng ý chà rửa sạch,
Tùy thời phơi cho khô,
Để chứa nước được sạch.
Việc của người tục làm,
Cầu tịch không nên làm;
Việc của Cầu tịch làm,
Bí sô không nên làm.
Bí sô so với Ni,
Có việc phạm, không phạm,
Đều nên xem xét kỹ,
Y theo giáo hành trì.
Nếu thấy trong ao, giếng,
Có cơm bánh hay rau,
Nên lượt lắng rồi dùng,
Vì nước này là tịnh.
Chỗ người tục xin nước,
Y pháp xem nước kỹ,
Dù ở trong phi thời,
Được tùy ý uống dùng.
Bình đựng rượu và bô,
Dùng để đại tiểu tiện,
Hãy nên vất bỏ đi;
Nếu là bình đựng dầu,
Dùng lửa hơ, chà rửa,
Cho sạch hết chất dầu,
Rồi mới dùng đựng nước,
Phi thời dùng thành tịnh.
Khi người nữ xin nước,
Bí sô nên đưa cho,
Không nên rót liên tục,
Chớ sanh tâm tham nhiễm.

20 – Xây chùa lớn quá hạn lượng:

Xây Tỳ ha la lớn,
Làm móng, chỗ thoát nước,
Lắp đạt cửa, cửa sổ…
Cho sáng và thông gió.
Nếu muốn xây tường vách,
Nên trộn cỏ với bùn,
Đổ móng hai, ba lớp,
Ngang ngạch cửa, chớ quá,
Nếu đổ quá ba lớp,
Liền phạm Ba dật đề.

21- Tăng không sai giáo thọ Bí sô ni:

Đủ giới có văn trì,
Đủ hai mươi tuổi hạ,
Nói lời thiện viên mãn,
Chưa từng ô nhục Ni,
Khéo hay giải thích được,
Tám tha thắng, bát kỉnh,
Đủ bảy đức nên sai,
Không đủ – không nên sai;
Hiểu rành Tu đa la,
Tỳ nại da, Mẫu luận,
Thì cho giáo thọ Ni.
Nếu không ai giáo thọ,
Đại chúng dạy điều gì,
Thượng tòa nên truyền lời,
Cho Ni cầu giáo thọ:
Ni chúng thanh tịnh không,
Và có hòa hợp không,
Trong đây không Bí sô,
Đến giáo thọ cho Ni,
Ni chớ có phóng dật,
Chớ để giới tổn thất,
Là nhân đọa ba đường.

22 – Giáo thọ đến mặt trời lặn:

Bí sô được Tăng sai,
Đến giáo thọ cho Ni,
Tuy có đủ Thi la,
Nhưng cần phải về sớm,
Không cho đến trời lặn.
Mặt trời lặn tưởng lặn,
Hoặc nghi sanh do dự,
Mà vẫn còn giáo thọ,
Phạm tội Đọa không nghi.
Chưa lặn tưởng trời lặn,
Hoặc là khởi tâm nghi,
Thì phạm tội Ác tác.
Chùa ni cửa không đóng,
Hoặc là cửa gần nhau,
Hoặc là nhiều giáo thọ,
Trời lăn cũng không phạm.
Ni cúng dường thức ăn,
Cho vị giáo thọ sư,
Vì Ni nên thọ thực,
Để Ni được tăng phước.

23 – Vu báng Bí sô vì ăn uống nên giáo thọ Ni:

Nếu với ý ganh ghét,
Vu báng vị giáo thọ,
Do sanh tâm bất thiện,
Nên phạm Ba dật đề.
Nếu thật có tham nhiễm,
Dạy Ni cầu ăn uống,
Bí sô như thật nói,
Thì không có phạm tội.

24- Cho Ni không bà con y:

Nếu Ni không bà con,
Không được cho y phục,
Vì do tâm tham cầu,
Không xét lường người cho,
Là đủ, không đủ y.

25 – May y cho Ni không bà con:

Nếu Ni không bà con,
Không may y cho họ,
Do thêu hình xấu xa,
Khiến người tục chê bai.

26 – Đi chung đường với Ni:

Bí sô đến nơi khác,
Làm bạn đường với Ni,
Nạn giặc nhiều sợ hãi,
Cùng đi thì không phạm.
Nếu bạn đồng hành bịnh,
Không nên bỏ giữa đường,
Bí sô, Bí sô ni,
Lần lượt giúp đỡ nhau,
Ni tự mang lương khô,
Bí sô được làm tịnh,
Bí sô từ Ni tịnh,
Thọ dùng chớ có nghi.

27- Đi chung thuyền với Ni:

Bí sô cùng với Ni,
Ngồi chung thuyền xuôi ngược,
Việc này Phật không cho,
Đi thẳng sang – không phạm.

28 – Một mình ngồi với người nữ ở chỗ khuất:

Bí sô Ô đà di,
Cùng nữ ngồi chỗ khuất,
Người thấy sanh chê bai,
Phật chế không nên làm.

29 – Một mình ngồi với Ni ở chỗ khuất:

Bí sô Ô đà di,
Cùng với ni Cấp đa,
Ngồi ở nơi chỗ khuất,
Theo như phần duyên khởi,
Nói một Bí sô ni,
Nếu là ba chúng ni,
Thảy đều phạm tội Đọa.

30 – Biết Bí sô ni khen ngợi được thức ăn:

Bí sô biết Ni kia,
Khen ngợi – được thức ăn,
Ăn liền phạm tội Đọa,
Khen ngợi có hai đức:
Đủ giới và đa văn;
Đủ giới, chứng Dự lưu;
Cho đến A-la-hán;
Đa văn Tu đa la,
Tỳ nại da, Mẫu luận.
Thật đủ đức như vậy,
Thì khen ngợi không phạm;
Nếu thật không đủ đức,
Ni khen ngợi vì lợi,
Biết mà ăn thức ăn,
Thì liền phạm tội Đọa.

31- Triển chuyển thực:

Nếu Bí sô không bịnh,
Không phải thời thí y,
Làm việc và đi đường,
Ăn no rồi – ăn nữa,
Khi ăn liền phạm tội.
Một lần ăn không an,
Nên gọi là có bịnh;
Được y một khuỷu tay,
Gọi là thời thí y;
Chỗ Tăng phường, Chế để,
Khoảnh đất như chiếc chiếu,
Quét lau và chà rửa,
Gọi là thời làm việc;
Đi nửa Du thiện na,
Bí sô đi và về,
Gọi là thời đi đường,
Ăn nữa thì không phạm.
Nếu chỗ thỉnh có y,
Lại thọ chỗ không y,
Thọ chỗ sau – Ác tác,
Khi ăn phạm tội Đọa.
Chỗ thỉnh trước không y,
Chỗ thỉnh sau có y,
Thọ thỉnh cả hai chỗ,
Ăn đều không phạm tội.
Chỗ thỉnh trước có y,
Chỗ thỉnh sau có y,
Hai chỗ tùy ý ăn,
Thảy đều không phạm tội.
Nếu bỏ chỗ không y,
Đi đến chỗ có y,
Khai nạn duyên và y,
Không việc khác nên biết.
Nếu thí chủ thiết thực,
Thỉnh tất cả Tăng chúng,
Vị thọ sự trong chúng,
Đến giờ đánh kiền chùy,
Nếu có khách mới đến,
Nên báo cho chỗ thỉnh,
Biết là có thêm người,
Nếu im lăng không báo,
Đến thọ thực không nên.

32- Chỗ thí một bữa ăn thọ quá:

Chỗ ở của ngoại đạo,
Bí sô dừng lại đây,
Không bịnh ăn một bữa,
Nếu ở thêm ngày nữa,
Thì phạm tội Ác tác,
Nếu ăn thêm bữa nữa,
Khi ăn phạm tội Đọa.
Tâm thí chủ bình đẳng,
Hoặc là chỗ thân tộc,
Cho dù ăn nhiều ngày,
Cũng không có phạm tội.

3 3 – Thọ thức ăn quá ba bát:

Thí chủ không tùy ý,
Nếu được cơm bánh bún…
Được thọ hai ba bát,
Thọ quá thì phạm Đọa.
Bát lớn nếu lấy ba,
Hai bát lớn, một trung,
Hai bát lớn, một nhỏ,
Hai bát trung, một lớn,
Hai bát trung, một nhỏ,
Được đầy bát mang về,
Thảy đều phạm tội Đọa.
Ba bát nhỏ không phạm,
Bà con hoan hỉ cho,
Được thọ nhiều không phạm,
Thọ rồi mang trở về,
Chia đều cho Bí sô.

34 – Ăn no đủ:

Bí sô ăn no rồi,
Không cho ăn thêm nữa,
Không làm pháp dư thực,
Ăn liền phạm tội Đọa.
Năm loại Khư đà ni,
Không phải thức ăn no,
Chánh thực ăn no rồi,
Cũng không nên ăn nữa.
Năm loại Bồ thiện ni:
Cơm, bún, thịt cá, bánh,
Là chánh thực nên biết.
Nếu người trao đứng gần,
Ăn no rồi nên ngăn,
Từ tòa xả oai nghi,
Đủ năm việc như thế,
Gọi là ăn no đủ,
Nếu thiếu một trong năm,
Không gọi là no đủ.
No rồi ngăn đừng trao,
Gọi là pháp ngăn đủ,
Nếu nói hãy chờ chút,
Phật khai cho không phạm.
Nếu tác pháp dư thực,
Có năm việc không nên:
Không một bên, sau lưng,
Không ôm bát trong lòng,
Không để chỗ trống không,
Và không để trên đất,
Bí sô rửa hai tay sạch,
Cầm bát thức ăn đến,
Trước Bí sô đang ăn,
Nên quỳ gối bạch rằng:
Xin thầy nhớ nghĩ biết,
Tôi làm pháp dư thực.
Bí sô kia lấy ăn,
Chừng hai ba miếng rồi,
Nói thức ăn này của thầy,
Thầy cứ tùy ý ăn.
Nếu Bí sô kia ăn no,
Nhưng chưa rời chỗ ngồi,
Cũng đối trước người ấy,
Tác pháp giống như trên,
Chỉ khác ở chỗ là,
Bí sô kia không ăn,
Chỉ dùng tay chạm vào,
Thức ăn ở trong bát,
Rồi bảo tùy ý ăn.
Nếu không phải chánh thực,
Như sữa lạc, cháo lỏng…
Không thành ăn no đủ,
Nếu cắm thìa không đứng,
Hoặc quẹt không thấy vết,
Thì gọi là cháo lỏng.
Nếu ăn chưa no đủ,
Khởi tưởng là no đủ,
Và sanh nghi do dự,
Ăn nữa phạm Ác tác.

35 – Khuyên người ăn no đủ ăn nữa:

Biết người ăn no đủ,
Không làm pháp dư thực,
Trong lòng khởi tâm ác,
Khuyên ăn nữa, tội sanh.
Biết no đủ, tưởng nghi,
Ân cần khuyên ăn nữa,
Muốn khiến kia phạm tội,
Thì người này phạm Đọa.
Bí sô khi thọ thực,
Không nên dùng hai chân,
Đáp lá đựng thức ăn;
Nếu bịnh thì không phạm,
Bí sô nếu không bịnh,
Mang giày không nên ăn,
Bịnh nên rút chân ra,
Đạp trên giày không phạm.
Nếu người trao thức ăn,
Đứng phía sau hay xa,
Chỗ không vói tay tới,
Thảy đều không thành thọ;
Nếu người trao đứng gần,
Phía trước không che ngăn,
Người thọ ngữa tay thọ,
Thức ăn sớt vào bát,
Dù có rơi xuống mâm,
Cũng thành thọ không nghi.
Vi trần có nhiều loại:
Hoa quả uống ăn, y,
Có xúc và không xúc,
Tịnh và bất tịnh khác,
Việc bụi đất nhiều thứ,
Có tịnh và bất tịnh,
Thấy sắc không rõ ràng,
Gọi là không cần thọ;
Nếu tướng bụi rõ ràng,
Không thọ không nên ăn.
Thức ăn dính dơ y,
Nếu không giặt liền phạm.
Bí sô khi thọ thực,
Nhỏ mà ngồi trên già,
Biết, tưởng hoặc sanh nghi,
Thì phạm tội Ác tác,
Ngày ngày thường tăng trưởng.
Đem thức ăn cho người,
Nếu khởi tâm mong cầu,
Người kia trao cho lại,
Bất tịnh – không nên ăn.
Nếu không tâm mong cầu,
Sau từ người khác được,
Gọi là thức ăn tịnh,
Thọ ăn không có phạm.
Chớ bảo người hành thực,
Cho tôi thức ăn kia,
Tùy dọn đưa mà ăn,
Nếu bịnh thì không ngăn.
Nếu Bí sô ăn xong,
Để dành ít thức ăn,
Bố thí cho chúng sanh.
Nếu khi có đại hội,
Vị thọ sự, người bịnh,
Bí sô sắp đi xa,
Cho đến người nuôi bịnh,
Được tùy ý ăn trước.
Nhân Bí sô Lung noa,
Phật khai cho ăn cháo,
Chúng tăng đều được ăn,
Vua Ảnh thắng thí ruộng,
Phật khai cho Tăng thọ.
Nhân luận về pháp ăn,
Cùng bốn dược tương ưng,
Yếu môn về tịnh địa,
Tùy việc đều phải biết.
Cơm bánh bún cá thịt,
Chánh thực là Thời dược,
Thường ăn nuôi thân mạng;
Nước Bồ đào, chuối, táo…
Gọi là Phi thời dược;
Tịnh nhân và Cầu tịch,
Lượt nước ép trái cây,
Như nước mía, nước nho…
Dùng để uống phi thời;
Nói Thất nhật dược là,
Tô, dầu, mật, thạch mật…
Bảy ngày dùng không phạm;
Tận hình thọ dược là,
Củ, rễ, thân cành, lá…
Như pháp nên thọ trì,
Vô hạn được thọ dụng,
Tùy bịnh đều cho dùng.
Tử khoáng và A ngụy,
Hoàng lạp và nhựa cây,
Dầu mè – năm loại tro;
Lại có năm loại muối,
Am một la, cây đắng,
Thất diệp Thi lợi sa…
Là Tận hình thọ dược.
Bốn loại dược như vậy,
Đều trị bịnh đói khát,
Thú hướng đến niết bàn.
Bồ đào và thạch lựu,
Am bà và ba tiêu,
Ngó sen… là Thời dược,
Xen tạp ba dược sau,
Theo thế lực dược trước,
Thọ dụng đều không phạm.
Các loại mở gấu, heo…
Đều dùng để trị bịnh,
Được thọ dụng phi thời.
Thầy thuốc bảo Bí sô,
Bịnh nên ăn thịt tươi,
Trừ thịt người, rắn, voi;
Thấy cá thịt mang đến,
Hỏi tịnh rồi mới ăn.
Trong phạm vi chùa tháp,
Không nên nấu thức ăn,
Kết tịnh trù có năm:
Một là sanh tâm tịnh,
Tăng muốn lập tịnh trù,
Trong trú xứ đo đất,
Trộn hồ làm nền móng,
Người xây cất biết pháp,
Sanh tâm tịnh tác pháp:
Nay tôi ở nơi đây,
Lập tịnh trù cho Tăng,
Tâm nghĩ, nói ba lần.
Hai là cọng ấn trì,
Xây chùa được phân nửa,
Tri sự đối trước Tăng,
Bạch ba lần như sau:
Chỗ này làm tịnh trù.
Ba là ngưu ngọa tịnh,
Nếu người xây cất chùa,
Cửa phòng không thẳng hàng.
Bốn là phế cố tịnh,
Nếu có trú xứ tăng,
Bí sô bỏ đi lâu,
Người sau giải giới cũ,
Kết giới mới không phạm.
Năm là tác pháp tịnh,
Tăng bạch nhị yết ma,
Đồng tâm kết tịnh trù.
Bí sô không tác pháp,
Chứa thức ăn, nấu ăn,
Thảy đều thành bất tịnh,
Kết tịnh trù thành tịnh.
Tác tịnh có mười cách:
Đao, lửa, cỏ, chim, móng,
Rớt, nhổ, cắt, bửa, hoại,
Khi chúng tăng thọ thực,
Nến ở chỗ Thượng tòa,
Người hành thực bạch rằng:
Tam bát la khư đa,
Gọi là pháp hành thực;
Thượng tòa nên bảo rằng:
Nên bình đẳng hành thực.
Nên chánh niệm thọ thực,
Thọ xong nói kệ tụng,
Khi đang nói kệ tụng,
Bí sô không nên ăn,
Người nào không nghe tiếng,
Ăn thì không có phạm.
Nếu thí chủ mong cầu,
Nên ứng cơ thuyết pháp,
Người khả năng nên nói,
Thượng tòa hay người khác;
Phàm là người thuyết pháp,
Nên có bạn trợ giúp,
Khiến chánh pháp quang huy.
Khi chúng tăng tụng kinh,
Ban đêm nên đốt đèn,
Hộ trùng cho làm lồng,
Hoặc là bình trăm mắt.
Người tục cho cá thịt,
Nếu có thấy nghe nghi,
Bí sô không nên ăn,
Vì thương xót chúng sanh.
Thịt dư của cọp, sói,
Vì tâm chúng không xả,
Bí sô không nên ăn.
Nếu không có tâm bi,
Vị ngon hại chúng sanh,
Bí sô không được ăn;
Nếu là ba tịnh nhục,
Khai cho ăn không tội.
Loại hành, tỏi cay nồng,
Vì bịnh khai cho dùng,
Khi người bịnh ăn tỏi,
Nên ở chỗ khuất kín,
Cho đến khi hết bịnh,
Sau khi bịnh đã lành,
Phải trải qua bảy ngày,
Nếu là ăn hành hẹ,
Phải trải qua ba ngày,
Tắm rửa cho sạch sẽ,
Trừ khử hết mùi hôi,
Mới được vào trong chúng.
Bí sô khi khất thực,
Đến nhà có nhiều cửa,
Nên dùng vật làm dấu,
Để khỏi phải đi lạc;
Hoặc khi đến trước cửa,
Rung tích trượng cho biết.
Thọ thực nhà thí chủ,
Khi ăn bánh, củ, quả,
Chớ cắn nhai ra tiếng,
Khi ăn nên dụng tâm;
Tay dính nước thức ăn,
Chớ rảy trúng người gần.
Thời đói kém khất thực,
Thí chủ hoan hỉ thí,
Cũng được mang về nhiều,
Chia cho các Bí sô.
Nếu Thượng tòa thọ thỉnh,
Chừa nửa phần thức ăn,
Cho các đồng phạm hạnh,
Giúp nhau thời đói kém.
Kẻ nứt trong bát răng,
Thấy có dính thức ăn,
Nên dùng vật khều bỏ,
Rửa ba lần cho sạch.
Ăn xong nên xỉa răng,
Rồi súc miệng ba lần.
Bí sô thọ thức ăn,
Nghi có người khác chạm,
Tìm người chưa thọ cụ,
Thọ lại mới được ăn.
Bí sô khi đi đường,
Không người mang lương thực,
Tự mang rồi trao đổi,
Nếu không người trao đổi,
Một ngày không nên ăn,
Ngày sau ăn vắt cơm,
Ngày thứ ba hai vắt,
Sau đó tùy ý ăn.
Nếu khi hết lương thực,
Để bảo toàn thân mạng,
Cần củ nên đào đất,
Cần quả nên leo cây,
Vì nạn đều khai cho.
Nếu thức ăn không đậy,
Bị chim bay đến mổ,
Gần chỗ mổ nên bỏ,
Chỗ khác tùy ý ăn.
Tô, dầu, mật, thạch mật,
Nếu có người lở chạm,
Không nên liền đem bỏ.
Lại có năm hạng người,
Khai trao cho nhau ăn,
Không khai cho người khác:
Bịnh, đoạn thực, ăn ít,
Nóng bức và đi đường.
Nếu là trái quý hiếm,
Và ẩm thực thuợng diệu,
Bí sô tuy ăn đủ,
Không tác pháp dư thực,
Vẫn được ăn thêm nữa.
Nếu Bí sô khất thực,
Có người thỉnh vào nhà,
Cúng nhiều thức ăn dư,
Cho Bí sô mang về,
Dù xúc chạm được ăn,
Năm đói khai – không phạm.
Chùa ba thời thiết thực,
Thời phi thời nên cúng,
Thần giữ chùa, Dược xoa,
Mẹ con Ha lợi để,
Để họ giữ trú xứ,
Khiến Phật pháp quang huy.

36- Ăn riêng chúng:

Không được ăn riêng chúng,
Trừ khi có bịnh duyên,
Nếu ở trong Tăng lấy,
Cho đến một muỗng muối,
Đem đến ở chỗ khác,
Cũng biểu lộ hòa hợp,
Nếu bốn người ăn riêng,
Thì gọi là biệt chúng.
Trừ bịnh và làm việc,
Đi đường hoặc đi thuyền,
Bận đi và bận về,
Khoảng nửa Du thiện na,
Được ăn riêng không phạm.
Nếu có nhiều thí chủ,
Cúng riêng từng Bí sô,
Tùy tâm của thí chủ,
Gọi là thời sai khác.
Các Sa môn ngoại đạo,
Thiết thực cúng chúng tăng,
Tâm bi nên thọ thỉnh,
Vì họ vốn bất tín.
Trong giới ăn riêng chúng,
Tưởng nghi đều phạm Đọa,
Ba người ăn không lỗi.

37 – Ăn phi thời:

Qua ngọ trở về sau,
Cho đến sáng hôm sau,
Khi mặt trời chưa mọc,
Thì gọi là phi thời,
Bí sô không nên ăn,
Ăn liền phạm tội Đọa.
Nếu bịnh thầy thuốc bảo,
Trong phi thời nên ăn,
Khai cho ăn chỗ khuất,
Chớ để người tục thấy.

38 – Ăn thức ăn đã xúc chạm:

Thức ăn từng xúc chạm,
Bí sô không nên ăn,
Bữa ăn trước và sau.
Xúc chạm có hai loại:
Nếu thọ trước giờ ăn,
Sau giờ ăn ăn – phạm;
Nếu thọ sau giờ ăn,
Đến đêm không cho ăn.
Nếu tay có dính dơ,
Không chạm vào chìa khóa,
Cho đến chạm y bát,
Trừ nạn duyên không phạm.

39 – Không thọ mà ăn:

Nếu không thọ thức ăn,
Người sợ tội không ăn,
Khi ăn liền phạm tội,
Trừ nước, tăm xỉa răng;
Nếu là nước trái cây,
Thì cần phải thọ lại;
Nếu là hạt giống sống,
Thì nên làm hỏa tịnh.
Khi Bí sô khất thực,
Được cơm nấu chưa chín,
Nên tự nấu lại ăn,
Cho đến cá thịt rau,
Trước đã nấu biến sắc;
Sữa bò sôi ba dạo,
Tự nấu lại không tội.
Thí chủ thiết thực cúng,
Bỗng có việc nên đi,
Khởi tưởng ở bắc châu,
Tự lấy ăn không phạm.
Bốn cách thọ nên biết:
Hoặc tay trao tay thọ,
Dùng vật trao, tay thọ,
Tay trao, dùng vật thọ,
Đều dùng vật trao – thọ.
Ở nước ghét Bí sô,
Để xa cũng thành thọ;
Lại có thành thọ khác,
Là voi, ngựa, khỉ trao.

40 – Đòi hỏi thức ăn ngon:

Nếu Bí sô không bịnh,
Vì mình không nên xin,
Sanh tô và sữa lạc,
Cho đến thịt và cá,
Nếu bịnh thì không phạm;
Không bịnh, xin – Ác tác,
Khi ăn liền phạm Đọa.
Khất thực đến nhà tục,
Đứng cầm bát im lặng,
Chủ nhà hỏi cần gì,
Muốn gì tùy tình nói.

41 – Dùng nước có trùng:

Nếu biết nước có trùng,
Đều không cho thọ dụng,
Có hai loại trong ngoài,
Tắm giặt, uống nên biết.
Nước có trùng không trùng,
Thảy đều giống giới trước,
Nên y pháp lượt nước,
Vì đây là tánh tội.

42 – Nơi thực gia gượng ngồi:

Bí sô nơi thực gia,
Không nên ngồi chỗ khuất,
Khiến người sanh phiền não,
Trừ nạn duyên sợ trốn.

43 – Nơi thực gia gượng đứng:

Nếu nữ và trượng phu,
Dục tham muốn thọ lạc,
Do đây gọi là thực,
Đứng chỗ khuất cũng phạm.

44 – Cho nam nữ ngoại đạo lỏa hình thức ăn:

Bí sô nếu tự tay,
Cho ngoại đạo thức ăn,
Do chiêu lấy cơ hiềm,
Nên Phật mới chế ngăn.
Nếu muốn trừ ác kiến,
Để thức ăn trên đất,
Khởi tâm bi thí cho.

45 – Xem quân trận:

Bí sô xem quân trận,
Bị chê trách – Phật ngăn,
Nếu có duyên cần đến,
Được ở trong quân trận,
Đây gọi là tùy khai.

46 – Ở trong quân trận quá hai đêm:

Khi có duyên cần đến,
Chỉ được ở hai đêm,
Nếu ở quá hai đêm,
Liền phạm Đọa, trừ nạn.

47 – Động loạn quân binh:

Tượng bịnh, mã binh đông,
Kỳ binh và binh lực,
Nếu động loạn liền phạm.
Quân binh đang chỉnh trang,
Binh lực đang kiêu dũng,
Kỳ binh đang đi trước,
Nếu động loạn liền phạm.
Nếu vua, đại thần thỉnh,
Hoặc có nạn duyên sợ,
Cho dù ở lại lâu,
Thì cũng không thành phạm.

48 – Đánh Bí sô:

Nếu vì tâm tức giận,
Cố ý đánh Bí sô,
Do trái với bản tâm,
Không tuân lời Phật dạy,
Dù chỉ dùng ngón tay,
Đánh liền phạm tội Đọa.
Nếu dùng tay hay chân,
Hoặc cầm cây hay chổi,
Tùy đánh trúng Bí sô,
Liền phạm ngần ấy tội.
Nếu cầm nắm đậu ném,
Tùy ném trúng, không trúng,
Tội nặng nhẹ nên biết.
Nếu bị nghẹn vỗ đập,
Thì Bí sô không phạm.

49 – Dùng tay dọa đánh:

Nếu đối trước Bí sô,
Dùng tay hăm dọa đánh,
Vừa giơ tay liền phạm,
Giống như giới đánh trên.

50 – Che giấu tội Thô của Bí sô khác:

Biết người có tội Thô,
Thì không nên che giấu,
Nếu khi có nạn sợ,
Thì che giấu không phạm.
Từ Ba la thị ca,
Cho đến tội Chúng giáo,
Và trong phương tiện này,
Che giấu cho đến sáng,
Mặt trời mọc – phạm Đọa.

51 – Rủ đến nhà tục không cho ăn:

Do có tâm hiềm hận,
Rủ đến nhà thế tục,
Cố ý khiến đoạn thực,
Bí sô rủ không bịnh,
Liền phạm Ba dật đề.

52 – Chạm lửa:

Nếu không là khai duyên,
Đốt lửa đều không cho,
Cho đến tắt, nhúm lửa,
Có nạn thì không phạm.
Da lông tóc… bất tịnh,
Không được quăng vào lửa.

53 – Gởi dục rồi lại ngăn:

Khi Tăng già có việc,
Bí sô gởi dục trước,
Sau lại không chấp thuận,
Liền phạm Ba dật đề.

54 – Cùng người chưa thọ Cận viên ngủ quá 2 đêm:

Người chưa thọ Cận viên,
Cùng một phòng ngủ đêm,
Chỉ cho ngủ hai đêm,
Đêm thứ ba phạm Đọa.
Nói có bốn loại nhà:
Một là che ngăn hết,
Hai che hết, ngăn nhiều,
Ba che nhiều, ngăn hết,
Bốn che nhiều,ngăn nhiều.
Trong bốn loại nhà này,
Bí sô cùng ngủ đêm,
Đến sáng ngày thứ ba,
Liền phạm Ba dật đề,
Người giữ giới nên biết.
Không nên trên một giường,
Hai người cùng nằm chung,
Tạm khai cho trên nệm,
Y ngăn cách ở giữa.
Có bịnh nằm trong phòng,
Cho đến người nuôi bịnh,
Khai cho đốt đèn sáng,
Người khác đều không cho.
Người không bịnh, lười biếng,
Ngày đêm ngủ nên ngăn;
Thiền tụng nếu siêng tu,
Tùy ý nằm chốc lát.
Trong tối lễ vị thầy,
Đầu không nên chạm đất,
Nên dùng tâm cung kính,
Nói ra lời kính lễ.
Cùng Cầu tịch đi đường,
Cùng ngủ nên cảnh giác,
Nếu quá buồn ngủ thì,
Đứng ngồi tùy tình ngủ.
Cầu tịch sắp Cận viên,
Nên ân cần thủ hộ,
Như thái tử Luân vương,
Vì là mầm cây Phật.

55-Không bỏ ác kiến trái can:

Bí sô làm hạnh tà,
Nói dục không chướng pháp,
Nhưng dục là chướng pháp,
Do si không hiểu biết,
Cho đến ba lần ngăn,
Nếu không bỏ ác kiến,
Thì phạm Ba dật đề,
Nên tác pháp xả trí.

56- Tùy thuận người bị xả trí:

Biết người ác kiến này,
Chưa làm pháp tùy thuận,
Và không bỏ ác kiến,
Đều không nên ở chung,
Cũng không cùng đọc tụng,
Và không làm thân hữu,
Ai cùng thọ pháp thực,
Thì phạm Ba dật đề.
Muốn kia dứt ác kiến,
Được thân gần đọc tụng,
Nhưng không cùng thọ dụng.

57- Nhiếp thọ Cầu tịch ác kiến:

Cầu tịch sắp Cận viên,
Nếu ngu si nói rằng:
Dục không chướng ngại đạo,
Tăng nên đuổi đi ngay.
Bí sô lìa bạn ác,
Tâm lợi ích chúng sanh,
Cùng người vô trí ấy,
Ngủ đêm liền phạm Đọa.

58- Mặc y không hoại sắc:

Bí sô được y mới,
Nên làm cho hoại sắc,
Y mới là y trắng,
Nhuộm hoại sắc có ba:
Xanh là sắc xanh xám,
Bùn là sắc đá đỏ,
Mộc lan là vỏ cây,
Y nhuộm gọi ca sa.

59 – Cầm vật báu:

Thà chạm vào rắn độc,
Nọc độc khó chữa trị,
Không chạm vào vật báu,
Cho đến trang sức báu,
Như Ma ni, chân châu…
Đao mâu… các binh khí,
Trống nhạc… các nhạc khí,
Chạm cầm liền phạm Đọa,
Chạm chưa cầm – Ác tác.
Nếu tượng có xá lợi,
Chạm cầm phạm bổn tội,
Không xá lợi – Ác tác.
Ca múa và ngâm vịnh,
Xem nghe đều không cho,
Tự mình ca múa nhạc,
Dạo chơi nơi tháp Phật,
Do không hộ các căn,
Mỗi bước đều phạm tội,
Do chạy theo thanh sắc,
Nên làm tâm này loạn,
Cầu thoát ly ba cõi,
Thú hướng đến niết bàn.
Trong chùa thấy báu rơi,
Như vàng bạc… vật báu,
Nên lấy cỏ phủ kín,
Rồi cất giữ tám ngày,
Nếu chủ vật xin lại,
Gạn hỏi giống mới đưa,
Nếu chủ vật không đến,
Nên cất vào kho Tăng,
Sau nếu chủ vật đến,
Nên khuyến hóa chủ vật,
Trả nửa giá, đủ giá,
Đòi thêm thì không đưa.

60 – Tắm phi thời:

Nếu không là khai duyên,
Nên nửa tháng tắm rửa,
Trừ bịnh, nóng, làm việc,
Đi đường và gió mưa.
Bịnh – không tắm không an;
Làm việc và đi đường,
Đều như trong giới trước;
Gió – thổi động chéo y;
Mưa rơi làm ướt thân,
Hoặc cả gió và mưa;
Thời nóng hai tháng rưỡi.
Cởi y phục xuống nước,
Nếu chưa đến ngang rốn,
Tắm thì phạm tội khinh,
Qua rốn thì phạm Đọa,
Qua sông không phải phạm.
Thời nóng bức nên tắm,
Hoặc lội qua ao hồ,
Hoặc nạn duyên không phạm.
Nếu nơi có nữ tắm,
Vua, quan hay người ác…
Bí sô nên tránh xa,
Nếu khi xuống nước tắm,
Không nên giỡn trong nước,
Bơi nổi hay lặn hụp,
Dùng nước tạt lẫn nhau,
Hoặc vỗ nước ra tiếng.
Nếu như muốn học bơi,
Nên ở nơi khuất vắng.

61 – Giết bàng sanh:

Bí sô giết bàng sanh,
Tự làm, bảo người làm,
Phạm tội Ba dật đề,
Chịu khổ bị lửa đốt.

62 – Cố ý xúc não Bí sô:

Đối với đồng phạm hạnh,
Không nên làm xúc não,
Xúc não liền phạm Đọa.
Nói xúc não là nói:
Thầy chưa đủ hai mươi,
Không thành thọ Cận viên,
Hoặc Ô-ba-đà-da,
Phá giới, Tăng không nhóm.
Nếu việc này là thật,
Thì không có phạm tội.

63 – Dùng tay chọc lét Bí sô khác:

Nếu Bí sô ít trí,
Chỉ dùng một ngón tay,
Chọc lét liền phạm Đọa,
Nếu không ý đùa giỡn,
Chỉ nốt ruồi không phạm.

64 – Đùa giỡn trong nước:

Nếu Bí sô đùa giỡn,
Bơi qua lại trong nước…
Trong đây có khai ngăn,
Như giới trên đã nói.

65 – Cùng người nữ đồng nhà ngủ đêm:

Nếu chỗ không cách ngăn,
Không cùng phòng người nữ,
Nếu đóng chặt cửa phòng,
Thì thành không có phạm.
Nữ hiểu lời thiện ác,
Đồng nhà ngủ liền phạm.
Nhà che ngăn cùng khắp…
Có bốn loại như trước,
Nếu trên lầu có nữ,
Cần phải đi thang ấy,
Nhờ Bí sô coi giữ,
Thì nằm ngủ không phạm,
Nếu ban ngày nằm ngủ,
Nên buộc chặt dây lưng,
Khác thì phạm Ác tác.

66 – Khủng bố Bí sô:

Tôn trọng lời Phật dạy,
Không não loạn chúng sanh,
Tự làm, bảo người làm,
Khủng bố Bí sô khác,
Hoặc giả làm ma quỷ,
Dùng âm thanh, khí, xúc…
Khiến kia sợ – phạm Đọa.
Nếu nói bậc nhân chủ…
Sắp đến hại – Ác tác.
Muốn khiến kia được ích,
Nên khủng bố khiến sợ,
Nhưng Bí sô không phạm.

67 – Giấu y bát của Bí sô khác:

Giấu y bát người khác,
Dù đùa giỡn cũng phạm,
Bí sô không nên làm,
Làm lợi ích – không phạm.

68 – Người khác gởi y, không hỏi chủ tự lấy mặc:

Đã cho Bí sô y,
Không hỏi mà lấy mặc,
Thì liền phạm tội Đọa,
Nếu chủ y đồng ý,
Lấy dùng thì không phạm.

69 – Đem tội Chúng giáo vu báng Bí sô thanh tịnh:

Nếu đem tội Chúng giáo,
Vu báng người thanh tịnh,
Thì liền phạm tội Đọa,
Tội khác thì Ác tác.

70 – Đi cùng đường với người nữ:

Nếu không có bạn nam,
Đi chúng với người nữ,
Thì phạm Ba dật đề.
Dặm đường như thường nói,
Đi đến mỗi một thôn,
Thì liền phạm tội Đọa;
Nếu chưa tới một thôn,
Tội Ác tác nên biết.
Nếu ở nơi đường hiểm,
Nữ làm người dẫn đường,
Hoặc làm người trợ giúp,
Thì không có phạm tội.

71 – Cùng đi với giặc:

Nếu cùng đi với giặc,
Thì liền phạm tội Đọa,
Không phạm như giới trên,
Thương nhân đi buôn lậu,
Trốn thuế còn là giặc,
Huống chi phá thôn phường,
Đánh cướp giữa ban ngày.

72 – Cho người chưa đủ tuổi thọ Cận viên:

Nếu tuổi dưới hai mươi,
Chưa cho thọ Cận viên,
Vì đối với đói khát,
Không thể chịu đựng được.
Nếu tuổi thật không đủ,
Tưởng đủ nói là đủ,
Không gọi là viên cụ,
Các Bí sô đều phạm.
Nếu như có tâm nghi,
Không đủ tưởng không đủ,
Nói là tuổi đã đủ,
Khi thọ liền có tội.
Đủ khởi tưởng là đủ,
Nói là tuổi đã đủ,
Thì thành thọ Cận viên.
Cận viên có nhiều môn,
Người hộ giới gìn tâm,
Hỏi rõ mới cho thọ.

73 – Hoại đất sống:

Nơi đất nếu cố tâm,
Tự đào, bảo người đào,
Tổn đến chỗ ướt – phạm,
Nói có hai loại đất:
Đất sống và không sống;
Nếu nước mưa thấm ướt,
Ba tháng gọi đất sống,
Nếu không mưa thấm ướt,
Phải trải qua sáu tháng,
Đây là đất từng cày,
Đất khác không nói thời,
Đào đất sống phạm Đọa,
Đất khác – phạm Ác tác.
Nếu đóng cọc xuống đất,
Thì liền phạm tội Đọa;
Làm sụp lở tường, bờ,
Thì phạm Ba dật đề;
Nếu chỉ tổn nứt bể,
Thì phạm tội Ác tác.
Sửa sang vườn cho chúng,
Nói tịnh bảo đào đất,
Không thấy trùng – cho làm,
Có trùng thì không cho.

74 – Quá bốn tháng đòi hỏi thức ăn:

Nếu thọ thỉnh bốn tháng,
Trừ cực thỉnh, cánh thỉnh,
Thường thỉnh và biệt thỉnh.
Nếu như nói thường thỉnh,
Là thường thường thỉnh thực;
Nếu như nói biệt thỉnh,
Là thỉnh riêng người nào;
Cực thỉnh là ân cần,
Cánh thỉnh là thỉnh lại,
Khác thì đều phạm Đọa.
Thỉnh cúng thức ăn ngon,
Lại đòi thức ăn dỡ,
Khi đòi phạm Ác tác,
Ăn thì không có phạm;
Thỉnh cúng thức ăn dỡ,
Lại đòi thức ăn ngon,
Khi đòi phạm Ác tác,
Khi ăn liền phạm Đọa.
Cho sữa lại đòi thịt,
Cho lạc lại đòi tô,
Ăn liền phạm tội Đọa,
Nếu bịnh thì không phạm.
Nếu thí chủ giàu có,
Có tâm thí rộng khắp,
Muốn phước kia tăng trưởng,
Thọ thỉnh lâu – không phạm.

75 – Ngăn truyền giáo:

Bí sô truyền giáo nói:
Nên học học xứ này.
Nếu đối trước Bí sô,
Nói Bí sô truyền giáo,
Là ngu si vô trí,
Không hiểu rõ ba tạng,
Nếu vị kia nghe hiểu,
Thì phạm Ba dật đề.
Nếu vị kia ngu thật,
Nói sự thật – không phạm.

76 – Lén nghe bình luận:

Bí sô không nhẫn được,
Nên bới tìm tỳ vết,
Lặng lẽ đi nghe trộm,
Khi đứng nghe liền phạm.
Nếu các Bí sô kia,
Ở trong phòng bàn luận,
Không làm tiếng – lén nghe,
Nếu hiểu nghĩa – phạm Đọa,
Chỉ nghe tiếng – Ác tác.
Dù ở trong rèm cửa,
Hay đi ở ngoài đường,
Tâm ác lén nghe – phạm,
Ý tốt thì không phạm.

77 – Không gởi dục im lặng đứng dậy đi:

Nếu chúng tăng như pháp,
Tác Đơn bạch yết ma…,
Nếu Bí sô không nói,
Mà đứng dậy bỏ đi,
Do kia không gởi dục,
Nên phạm Ba dật đề,
Chớ làm pháp biệt chúng.

78 – Không cung kính:

Đối với chúng, người khác,
Không làm việc cung kính,
Khinh chúng – phạm tội Đọa,
Khinh người khác – Ác tác.
Đại chúng, vị thọ sự,
Nói chống trái cũng phạm;
Bậc Thượng tòa trong chúng,
Và tôn sư của mình,
Người khác nói trái nghịch,
Tình không muốn thụan theo,
Phải nên khéo khai thị,
Nghe theo thì không tội.

79 – Uống rượu:

Loại rượu uống nếu say,
Một giọt không dính môi,
Không uống, không cho người,
Rượu làm cho phóng dật.
Bịnh – thầy thuốc bảo uống,
Khai cho uống – không phạm.
Không bịnh thì dù chết,
Cũng không được uống rượu.
Men…và các tạp vật,
Ủ lâu mới thành rượu,
Được mọi người chấp thuận,
Mới gọi là đại tửu (rượu bậc nhất).
Nếu dùng vỏ, hoa quả,
Ngâm nước ủ thành rượu,
Thì gọi là rượu tạp,
Đều làm cho người say;
Nếu dùng trái bồ đào…
Ủ với đường, mật thành,
Đều nhiếp trong rượu tạp.
Nếu đối với thể rượu,
Chưa thành hay biến hoại,
Do vì không làm say,
Nên uống không có tội.
Các loại nước uống chua,
Cho đến nước trong lạc,
Hòa với nước lượt uống,
Phi thời dùng không tội;
Các rượu biến thành chua,
Uống cũng không có tội.
Nước uống chua cất lâu,
Đều là giấm nên biết.
Rượu đủ sắc hương vị,
Uống say liền phạm Đọa;
Nếu không làm người say,
Thì phạm ba Ác tác.
Ba hai một như vậy,
Khi uống đều phạm tội,
Tùy phạm một hai ba,
Không say không phạm Đọa.

80 – Phi thời vào tụ lạc không dặn lại Bí sô:

Phi thời có Bí sô,
Vào thôn không dặn lại,
Có duyên liền phạm tội,
Không việc cũng phạm tội.
Từ quá ngọ trở đi,
Cho đến mặt trời mọc,
Thì gọi là phi thời.
Nếu Bí sô sanh nghi,
Phi thòi vào liền phạm;
Thời tưởng là phi thời,
Và nghi – phạm Ác tác.

81 – Trước bữa ăn, sau bữa ăn đến nhà khác:

Bí sô đứng đầu thỉnh,
Đến nhà tục thọ thực,
Chủ nhà không chấp thuận,
Chuyển hướng đến nhà khác.
Nếu nơi người phó thỉnh,
Nói là tùy ý ăn,
Hoặc chủ nhà chấp thuận,
Đến chỗ khác – không phạm.

82 – Vào cung vua:

Cửa vua và cửa cung,
Cho đến chỗ gần cửa,
Mặt trời chưa mọc lên,
Vào cung liền phạm Đọa.
Cửa thành và cửa vua,
Cho đến then cửa cung,
Cách cửa ấy không xa,
Gọi đây là thế phần.
Chưa sáng đến cửa thành,
Khởi tưởng là chưa sáng,
Nếu vào quá ngạch cửa,
Thì phạm tội Ác tác;
Nếu khởi tưởng, nghi khác,
Thảy đều phạm Ác tác.

83 – Không lắng tai nghe giới nói là không biết:

Nơi kinh Biệt giải thoát,
Nửa tháng từng nghe nhiều,
Lại nói nay mới biết,
Là từ trong Giới kinh,
Do Thế tôn nói ra,
Thì phạm Ba dật đề.

84 – Dùng xương, sừng, ngà làm ông kim:

Không cho dùng ống kim,
Làm bằng xương, ngà, sừng,
Nếu làm liền phạm Đọa,
Ông kim nên đập bể,
Rồi mới sám tội Đọa.
Ống kim có bốn loại:
Thau, đồng, đồng đỏ, sắt.
Con dao làm bằng sắt,
Có ba loại nên biết,
Lớn dài tám ngón tay,
Nhỏ khoảng sáu ngón tay,
Nên làm hình Ô thước,
Hoặc tợ lông gà cong.
Khi đi đến thôn khác,
Bí sô dù việc gấp,
Cũng mang theo ống kim,
Cần khi may vá y.

85 – Làm giường quá lượng:

Bí sô vì đại chúng,
Làm các loại giường tòa,
Cao tám ngón tay Phật,
Quá thì không cho làm.
Tám ngón tay Phật cao,
Bằng một khuỷu người thường.
Cao hơn nên cắt bỏ.

86 – Dồn bông cỏ cây làm ngọa cụ:

Ngọa cụ của chúng tăng,
Không nên dồn bông tạp,
Cố xúc não người khác,
Thì phạm Ba dật đề.
Bồ đài và địch miêu,
Bông gòn và lông dê,
Đều bỏ mới sám tội,
Do bông rơi trên giường,
Dính y Bí sô khách,
Làm cho khách không vui.

87 – Làm Ni sư đàn quá lượng:

Nếu làm Ni sư đàn,
Dài ba gang tay Phật,
Rộng một gang tay rưỡi,
Quá thì không cho làm,
Dư thì nên cắt bỏ,
Khi sám tội nên hỏi,
Bỏ chưa rồi mới sám.

88 – Làm y che ghẻ quá lượng:

Nếu làm y che ghẻ,
Dài bốn gang tay Phật,
Rộng khoảng hai gang tay,
Quá thì phạm tội Đọa.

89 – May y tắm mưa quá lượng:

Nếu may y tắm mưa,
Dài sáu gang tay Phật,
Rộng chừng hai gang rưỡi,
Khác thì không được làm.

90 – May bằng lượng y của Phật:

Y Đát tha yết đa,
Không được may bằng lượng,
Lượng y của Phật là.
Chiều dài mười, rộng sáu,
May bằng liền phạm Đọa,
Chịu khổ lửa thiêu đốt,
Không có chút an lạc.

VI – BỐN PHÁP BIỆT HỐI:

1 – Thọ thức ăn từ Ni không bà con:

Nay lược nói tự tướng,
Của bốn pháp Biệt hối,
Chỗ khất thực trong thôn,
Từ Ni không bà con,
Tự tay thọ thức ăn,
Liền phạm tội Biệt hối.

2 – Thọ thức ăn do Ni chỉ trao:

Nếu ở nhà thế tục,
Bí sô thọ chánh thực,
Thấy Ni đến chỉ trao,
Cho đây tô kia lạc,
Chúng tăng đều nên ngăn,
Nếu không người nào ngăn,
Chúng tăng đều phạm tội.
Ba gian trong giữa ngoài,
Ba chỗ Bí sô ăn,
Thượng tòa nên nói ngăn,
Cho đến vị hạ tòa,
Nên nói đợi một lát.
Giữa nên hỏi trong ngoài,
Có ai ngăn Ni không,
Nếu không hỏi mà ăn,
Tăng gian giữa liền phạm;
Tội Biệt hối trong đây,
Khác với Ba dật đề,
Nếu ở trong chùa Ni,
Thí thọ đều không tội,
Tài của mình đem thí,
Và do tín tâm trọng.

3 – Nơi Học gia thọ thức ăn:

Nếu ở nhà Học nhân,
Biết chúng cho yết ma,
Bí sô bị đói bức,
Tuy thỉnh không nên ăn.
Nếu thọ thỉnh nhà khác,
Bánh cho con Học gia,
Bẻ ra bảo chúng ăn,
Chớ để chúng ngóng suông.

4 – Thọ thức ăn ở ngoài trú xứ A lan nhã:

Nếu ở A lan nhã,
Trong đây nhiều sợ hãi,
Bí sô không nên ra,
Ngoài chùa thọ thức ăn.
Nếu không xem xét rừng,
Ra ngoài thọ thức ăn,
Trong chùa chỗ khác ăn,
Thảy đều phạm Biệt hối.
Bí sô phạm tội rồi,
Nên trở lại trong chùa,
Đến bên các Bí sô,
Nói tội để Biệt hối.

VII – CHÚNG HỌC PHÁP:

Chúng học pháp trong đây,
Theo thứ lớp sẽ nói,
Nên mặc quần ngay ngắn,
Không cao cũng không thấp,
Không mũi voi, đầu rắn,
Không lá cây Đa la,
Cũng không làm đầu tròn,
Như thế cần nên học.
Mặc y Chi phạt la,
Sao cho thật tề chỉnh,
Không quá cao, quá thấp,
Mặc ngay ngắn che thân…
Như thế cần nên học.
Nhà tục không trùm đầu,
Không vắt y một bên,
Không vắt sáng hai bên,
Không chống nạnh, choàng vai,
Không được đi đầu gối,
Cũng không đi nhón chân,
Không nhảy, không cò cò,
Cũng không đi uốn éo,
Không đi đánh xàng xa,
Cũng không lay lắc đầu,
Nếu vào nhà thế tục,
Chưa mời không nên ngồi,
Ngồi nên xem xét kỹ,
Không xem buông thân ngồi,
Liền sanh ra tội lớn.
Ngồi chớ chồng gót chân,
Cũng không ngồi co chân,
Cũng không duỗi chân dài,
Ngồi chớ lộ thân hình.
Pháp cung kính ăn là:
Không nên khiến bát đầy,
Cách miệng bát một ngón,
Vì còn đựng thêm canh,
Người dọn ăn chưa đến,
Không đưa bát ra trước,
Thọ thực nên cung kính,
Miếng cơm không lớn nhỏ,
Không được há miệng trước,
Miệng ngậm cơm không nói.
Không lấy cơm phủ canh,
Không lấy rau phủ cơm,
Khởi ý mong được thêm,
Đây là tâm tham ăn.
Không chắc lưỡi, xuýt xoa,
Không thổi, không hít hà,
Không chê trách ngon dỡ,
Không đắp cơm thành tháp,
Phá sụp rồi mới ăn.
Không liếm tay, liếm bát,
Nên quán tưởng trong bát,
Khi thọ thực hệ niệm,
Không khởi tâm khinh mạn,
Ngó bát người ngồi cạnh.
Tay dơ không cầm bát,
Không vẩy trúng người khác.
Ở trong nhà thế tục,
Không được đổ nước dơ,
Không nên đứng rửa bát,
Không để chỗ dễ rơi,
Pháp giữ bát nên biết.
Kế nói việc thuyết pháp,
Nếu mình đứng người ngồi,
Hoặc mình ngồi người nằm,
Trừ bịnh – không thuyết pháp;
Mình chỗ thấp, người cao,
Người đi trước, mình sau,
Người giữa, mình bên đường,
Trùm đầu – không thuyết pháp;
Kia cỡi voi, ngựa, kiệu,
Cho đến mang giày dép,
Đội mũ, đầu quấn khăn,
Cho đến đeo vòng hoa,
Cầm dù, gậy và kiếm…,
Đều là nghi khinh mạn,
Trừ bịnh – không thuyết pháp.
Không đứng đại tiểu tiện,
Không khạc nhổ trên cỏ,
Trừ bịnh đều phạm tội.
Không leo cây quá đầu,
Chỉ trừ có nạn duyên,
Thức xoa yết lan ni,
Thảy đều cần nên học.

VIII – Bảy pháp diệt tránh:

Bảy diệt tránh trong đây,
Theo thứ lớp sẽ nói,
Nếu là bình luận tránh,
Có tùy pháp trừ được,
Do người có sai khác,
Nên sai người trung chánh,
Người thu nhiếp thân ngữ,
Được trong chúng suy cử,
Xứng lý hòa tranh cãi,
Người có đủ năm đức:
Không dục, không sân si,
Cho đến không sợ hãi,
Dời hay không thể dời,
Diệt tránh sai người này.
Bình luận tránh nếu khởi,
Nên hiện tiền trừ diệt,
Do dùng pháp hiện tiền,
Gọi Hiện tiền diệt tránh.
Hoặc dùng Đa nhơn ngữ,
Đại chúng nên suy cử,
Chín người hay mười người,
Hoặc sai, sai lần nữa,
Tất cả người được sai,
Nên chánh trực và minh,
Thượng tòa không bè phái,
Mới làm người diệt tránh.
Nếu không đủ năm đức,
Đã sai thì nên dừng,
Người đủ đức nên sai,
Làm người đi phát thẻ,
Nên làm hai loại thẻ,
Thẻ pháp và phi pháp,
Thẻ pháp nên làm thẳng,
Hương thơm vừa lòng người;
Thẻ phi pháp làm cong,
Hôi dơ – người không thích.
Khi Tăng già nhóm họp,
Phát thẻ từ Thượng tòa,
Trình thẻ pháp ra trước,
Nếu người lấy thẻ pháp,
Nhiều hơn thẻ phi pháp,
Là như pháp diệt tránh,
Nếu Bí sô hủy phá,
Liền phạm Ba dật đề.
Thẻ phi pháp nhiều hơn,
Là phi pháp diệt tránh,
Tránh tuy phi pháp diệt,
Hủy phá phạm tội khinh,
Đây là Đa nhân ngữ,
Tỳ nại da diệt tránh.
Đã nói Bình luận tránh,
Dùng hai pháp trừ được,
Nói kỹ về duyên ấy,
Đủ như trong văn luật.
Kế nói Phi ngôn tránh,
Dùng ba pháp diệt được,
Một là pháp hiện tiền,
Hiện tiền đem pháp ác,
Gạn hỏi người thanh tịnh;
Hai là pháp Ức niệm,
Như Bí sô ni Hữu,
Vu báng Thật lực tử,
Phật nhân việc này chế,
Tăng cho Thật lực tử,
Pháp ức niệm điều phục,
Đối trước Thượng tòa bạch:
Đại đức tăng lắng nghe,
Tôi bị người vu báng,
Nay xin pháp ức niệm,
Tăng già thương xót cho.
Thỉnh như vậy ba lần,
Tăng sai một Bí sô,
Vì người kia bỉnh pháp,
Làm yết ma Ức niệm;
Ba là pháp Bất si,
Như Bí sô Tây yết,
Do trước bị điên cuồng,
Nên cho pháp bất si,
Đối trước Thượng tòa bạch:
Con trước kia điên cuồng,
Tạo tội không hay biết,
Người khác thường gạn hỏi,
Sao lại làm hạnh ác.
Nay xin pháp bất si,
Tăng già thương xót cho.
Kế nói phạm tội tránh,
Dùng bốn pháp trừ được:
Tự ngôn và hiện tiền,
Cỏ phủ, cầu tội tánh.
Một là pháp tự ngôn:
Người đã phạm tội rồi,
Hoặc hỏi hay không hỏi,
Nên đối trước Bí sô,
Chắp tay nói trừ tội,
Xin đại đức nhớ nghĩ,
Nay tôi phạm tội này,
Hỏi có thấy tội không,
Đáp là có thấy tội,
Hỏi không phạm nữa chứ,
Đáp là không phạm nữa,
Kia nói Áo bì ca,
Đây đáp là Bà độ.
Hai là pháp hiện tiền:
Như Bí sôCa la,
Do y bị chê trách,
Trở về thành Thích ca,
Để hiện tiền diệt tránh.
Ba là pháp cỏ phủ,
Hai nhóm tranh cãi nhau,
Thượng tòa nên đến đó,
Như pháp như luật bảo:
Phật pháp rất khó gặp,
Sao chia thành hai nhóm,
Vô sự khởi tranh cãi,
Khinh mạn lời Phật dạy?
Làm việc sai trái này,
Hai nhóm thảy đều phạm,
Sau khi nói biên tội,
Mong dứt việc tranh cãi.
Nếu khi nói lời này,
Hai nhóm không chống trái,
Gọi là trụ bổn tánh,
Nhân đây dứt tranh cãi.
Bốn là cầu tội tánh,
Như Bí sô Tượng thủ,
Đã tự nói phạm tội,
Trước Tăng lại nói không,
Nói có rồi nói không,
Nên cho cầu tội tánh,
Khiến kia phải thần phục.
Muốn dứt việc tranh cãi,
Đại chúng nên tập họp,
Nếu kia không chống trái,
Là diệt tránh nên biết.

 

Pages: 1 2 3