CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 31

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ sáu:

Ni không được đi trước,
Thấy Tăng đứng dậy chào,
Bạch tăng ngồi bán già,
Hoàn tục, không gạn hỏi.

Duyên xứ như trên, lúc đó tại trú xứ Đông lâm của Lộc tử mẫu, tôn giả Đại Ca-diếp sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, ni Thổ-la-nan-đà cũng vào thành khất thực vừa thấy tôn giả Đại Ca-diếp liền suy nghĩ: “ta nên trị kẻ ngu này”, nghĩ rồi hễ thấy tôn giả đến nhà nào liền đi đến nhà ấy trước, đứng sau cánh cửa ngõ đợi tôn giả đến liền nói: “Thánh giả xin hãy đi qua vì nhà này chưa có thức ăn nấu chín”, tôn giả nghe rồi liền đi qua. Cứ như thế lần lượt trải qua nhiều nhà đều nghe nói như vậy nên tôn giả lấy làm ngạc nhiên. Dù là bậc A-la-hán nhưng nếu không quán sát thì không biết được, tôn giả liền nhập định quán sát, liền biết là ni Thổ-la-nan-đà xúc não mình nên nói với ni rằng: “cô không có lỗi, lỗi là do nơi cụ thọ A-nan đã gắng gượng xin Thế tôn cho hạng phụ nữ ác hạnh như cô xuất gia và cho thọ Cận viên”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô ni đi trước Bí-sô khất thực nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được đi trước Bí-sô khất thực”. Sau đó các Bí-sô ni không dám đi trước nên khất thực khó được, bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu gặp Bí-sô khất thực thì Bí-sô ni đi tránh qua chỗ khác”.

Duyên xứ như trên, lúc đó Bí-sô ni Thổ-la-nan-đà đang thuyết pháp cho đại chúng, bỗng thấy tôn giả Đại Ca-diếp đi đến, đại chúng đều đứng lên chỉ có ni Thổ-la-nan-đà vẫn ngồi yên. Đại chúng nói: “tôn giả Đại Ca-diếp là bậc mà trời người đều cung kính, thấy tôn giả đến chúng tôi đều đứng dậy, chỉ riêng Thánh giả vẫn ngồi yên là không tốt”, đáp: “thầy ấy vốn là môn đồ của ngoại đạo rất ngu độn đến đây xuất gia, ta là Thích nữ xuất gia theo Phật, thông suốt ba tạng, thuyết pháp hay, khế hợp cân lý, hỏi đáp lưu loát, vì sao thấy thầy ấy đến ta phải đứng dậy”, đại chúng nghe rồi đều chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “các trưởng giả Bà-la-môn chê trách đúng, từ nay Bí-sô ni thấy Bí-sô đến phải đứng dậy, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó Bí-sô ni Liên hoa sắc đang thuyết pháp cho đại chúng, tôn giả A-nan nhân đi khất thực ghe qua trú xứ của ni, Liên hoa sắc thấy tôn giả đến liền đứng dậy chào, A-nan đến tòa ngồi rồi hỏi đang thuyết pháp gì, đáp là đang thuyết kinh —, tôn giả liền nói nghĩa lý của kinh ấy cho đại chúng nghe, Liên hoa sắc đứng một bên nhất tâm lắng nghe. Vì mãi mê thuyết pháp nên tôn giả không bảo Bí-sô ni ngồi, Liên hoa sắc vì đứng lâu mõi mệt lại thêm bị nắng chiếu vào người nên ngất ngã xuống đất. Người không có tín tâm thấy vậy liền chê trách: “tôi nghe Bí-sô ni Liên hoa sắc không còn dục nhiễm, vậy mà nay thấy tôn giả tướng mạo đoan nghiêm nên sanh niệm khác, bị lửa dục đốt tâm nên mới ngất ngã xuống đất”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “các trưởng giả Bà-la-môn chê trách đúng, từ nay khi Bí-sô đến chỗ Bí-sô ni thuyết pháp nên bảo họ ngồi. Nếu Bí-sô thuyết pháp mà quên bảo ngồi thì Bí-sô ni nên bạch rồi tùy chỗ mà ngồi”.

Duyên xứ như trên, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “nay ta nói thí dụ, nhờ thí dụ này các thầy có thể hiểu nghĩa, hãy lắng nghe: nói mặt trời mọc là ý nói Như lai ra đời như mặt trời mọc chiếu raánh sáng rực rỡ; nói chim chóc hót vang là ý nói người thuyết pháp phải cân nhắc nghĩa lý; nói nông phu canh tác là ý nói đàn na tín thí gieo trồng thiện căn trên ruộng phước trí của các đệ tử ta; nói giặc đều tứ tán là ý nói ma quân và ngoại đạo đều chạy trốn. Như vậy này các Bí-sô, Như lai đại sư đối với các đệ tử Thanh văn điều gì nên làm thì bảo nên làm, đều là phát xuất từ tâm từ bi thương xót muốn làm cho được lợi ích. Việc nên làm ta đã làm xong, điều mà các thầy nên làm là hãy tự hành trì, nên xa lìa nơi ồn náo, ở nơi yên tĩnh hoặc ở dưới gốc cây trong rừng, hoặc trong phòng, hoặc trên sườn núi hoặc trong hang động, hoặc trong bãi tha ma, trong rừng thây chết, tùy nghi dùng ngọa cụ lót thân để chuyên tu thiền quán, chớ có buông lung mà sau này hối hận. Đây là lời giáo giới của ta”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy đến những nơi ấy để nhất tâm thiền quán. Lúc đó các Bí-sô ni cũng đến trong rừng cây, tùy nghi dùng ngọa cụ lót thân rồi kiết già thiền định tư duy, bị trùn chui vào trong đường tiểu tiện làm cho đau đớn, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô ni không nên ngồi kiết già, chỉ nên ngồi bán già”.

Duyên xứ như trên, lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu Bí-sô ni xả giới hoàn tục rồi cầu xuất gia lại thì có được xuất gia và thọ Cận viên không?”, Phật nói: “Bí-sô ni đã xả giới hoàn tục thì không được xuất gia lại”.

Duyên xứ như trên, cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn trước đây đã chế ngăn Bí-sô ni không được gạn hỏi lỗi lầm của Bí-sô về phá giới, phá kiến, phá oai nghi và phá chánh mạng. Có trường hợp nào Bísô ni được gạn hỏi như thế hay không?”, Phật nói: “không có trường hợp nào Bí-sô ni được gạn hỏi lỗi lầm của Bí-sô”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ sáu:

Được cho thức ăn dư,
Và được cho lẫn nhau,
Không được hỏi việc kín,
Ni thọ giới được ngồi.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả rất giàu có, cưới vợ đã lâu nhưng không có con, về sai tài sản bị tiêi tán hết nên ông nói với vợ: “nay ta đã già không thể kiếm ra tiền, ta muốn đến trong rừng Thệ đa cầu xuất gia”, vợ nói: “nếu ông xuất gia thì tôi cũng xuất gia”, người chồng liền cùng vợ đi đến chỗ Đại thế chủ, đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thánh giả, đây là vợ con muốn được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết, xin Thánh giả thương xót nhiếp thọ. Con cũng đến trong rừng Thệ đa cầu xuất gia”, đáp: “vợ chồng ông nếu có thể phát được tâm thắng diệu này mà cùng xuất gia thì như Phật nói xuất gia có năm lợi thù thắng… Hãy đến đây ta sẽ cho xuất gia”, nói rồi liền cho người vợ kia xuất gia, người chồng cũng đi đến trong rừng Thệ đa cầu xuất gia. Lúc đó trong thành nghe biết việc này rồi liền nói với nhau: “trưởng giả có phước nên nay đã xuất gia”, nói rồi đem nhiều tài vật đến cúng dường. Sau đó Bí-sô này khi vào thành khất thực gặp lại người vợ cũ nay là Bí-sô ni cũng đang khất thực, liền hỏi thăm nếp sống như thế nào, đáp: “hiện nay thời thế mất mùa đói kém nên khất thực khó được, rất khổ cực”, Bí-sô nói: “tôi được cúng dường nhiều thức ăn uống, nếu Phật khai cho thì tôi sẽ chia cho Bí-sô ni một nửa”, Bí-sô ni trở về trú xứ đem việc này bạch lại Ni chúng, Ni chúng bạch các Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu Bí-sô thấy Bí-sô ni trong thời buổi mất mùa đói kém khất thực khó được như vậy thì nên chia sớt cho họ”. Sau đó Bí-sô kia thường sớt bớt nửa phần ăn cho Bí-sô ni và Bí-sô ni ấy thường đến nhận, một hôm do khất thực được thức ăn nên không đến, Bí-sô thấy không đến nên hôm sau không sớt để dành cho, Bí-sô ni đến nhận thì không có thức ăn, Bí-sô nói: “hôm qua cô không đến lấy nên nay tôi không sớt để dành, tuy cũng có thức ăn nhưng đã là thức ăn cách đêm ác xúc, không thể thọ dụng được”. Phật nói: “thức ăn cách đêm của Bísô, Bí-sô ni được thọ dụng; thức ăn cách đêm của Bí-sô ni, Bí-sô cũng được thọ dụng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô ở trong Tăng hỏi Bí-sô ni về việc kín thuộc giới không đồng với Tăng, ni xấu hổ cúi đầu. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên hỏi Bísô ni về việc kín, Bí-sô ni được hỏi Bí-sô ni. Bí-sô nào làm trái thì phạm tội Việt pháp”. sau đó lại có Bí-sô hỏi về việc kín thuộc đồng giới với Tăng, ni cũng xấu hổ cúi đầu. Phật nói: “nên bảo ni khác hỏi ni này, sau khi ni này phát lồ rồi, ni kia sẽ bạch lại Bí-sô, do không đối diện nói nên ít bị xấu hổ”.

Duyên xứ như trên, lúc đó cụ thọ Xá-lợi-phất sau khi truyền thọ Cận viên cho Bí-sô ni rồi nói kệ:

“Người trong pháp tối thắng,
Đầy đủ thọ Thi la,
Chí tâm thường phụng trì,
Khó được thân không chướng,
Thân đoan nghiêm xuất gia,
Thanh tịnh thọ Cận viên,
Nói ra lời chân thật,
Đấng chánh giác đều biết”.

Nói xong liền bảo Bí-sô ni đi ra, lúc đó do ngồi lâu nên nguyệt kỳ xuất ra, ni này xấu hổ không dám đứng dậy. Tôn giả quán biết việc này rồi liền đứng dậy bỏ đi. Ni khác trách ni này: “vì sao cô vừa thọ Cận viên, chưa rời khỏi đàn tràng đã xúc não Thân giáo sư, bảo đi ra lại không tuân theo vậy?”, đáp: “vị ấy là bậc đại nhân đã quán biết việc xấu của em, vì em ngồi xổm quá lâu nên nguyệt kỳ xuất ra, vì thế em không dám đứng dậy”. Phật nói: “từ nay, khi truyền thọ Cận viên cho ni chớ để họ ngồi xổm, nên bảo ngồi trên nệm nhỏ hay trên tòa cỏ vì thân ni yếu đuối”.

9. Nhiếp tụng thứ chín trong Biệt môn thứ sáu:

Bí-sô dư ngọa cụ,
Nên cho Bí-sô ni,
Ni không đạp cầu ván,
Không dùng vật bó thân.

Duyên xứ như trên, lúc đó Đại thế chủ cùng năm trăm ni du hóa trong nhân gian, khi đến rừng Thệ đa thì trời sụp tối, Đại thế chủ nói: “trời đã sụp tối không thể vào thành kịp, chúng ta nên tùy nghi nghỉ đêm, chờ đến sáng mới vào thành”, nói rồi cùng ngủ ngoài đất trống nên y phục đều bị dơ. Sáng hôm sau, họ suy nghĩ: “nếu bây giờ không đến đảnh lễ đại sư thì vào thành rồi cũng phải trở lại”, nghĩ rồi nên đến đảnh lễ Phật, Phật thấy y phục của họ đều bị dơ, tuy biết nhưng vẫn hỏi Đại thế chủ nguyên do, Đại thế chủ đem việc trên bạch Phật, Phật bảo A-nan: “ngọa cụ dư của Bí-sô có đưa cho chư ni không?”, đáp là không đưa, Phật nói: “từ nay ngọa cụ dư mà Bí-sô đã thọ dụng rồi nên đưa cho Bí-sô ni”. Sau đó các Bí-sô đưa cho ni ngọa cụ tốt, giữ lại ngọa cụ xấu; Phật nói: “nên giữ lại ngọa cụ tốt, đưa cho Bí-sô ni ngọa cụ thô xấu; nếu cần thức ăn cũng nên đưa cho”.

Duyên xứ như trên, lúc đó cụ thọ Đại Ca-diếp đắp y mang bát vào thành khất thực, ni Thổ-la-nan-đà trên đường trở về trú xứ, thấy tôn giả đang đi trên cầu ván để qua sông, cô liền suy nghĩ: “hãy trị kẻ ngu này”, nghĩ rồi liền bước lên cầu dùng sức đạp ván khiến cho rớt xuống sông, tôn giả rơi xuống sông ướt hết y phục, bát và tích trượng bị nước cuốn trôi. Tôn giả nói: “cô không có lỗi, lỗi là do nơi cụ thọ A-nan đã gắng gượng xin Thế tôn cho hạng phụ nữ ác hạnh như cô xuất gia và cho thọ Cận viên”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô ni nên có lỗi này, từ nay Bí-sô ni không được đi chung trên cầu với Bí-sô, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó các Bí-sô ni gặp cầu lớn vững chắc cũng không dám đi chung, Phật nói: “nếu cầu lớn vững chắc thì đi chung không phạm”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ la-nan-đà sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, theo thứ lớp đến chỗ phu nhân Thắng man, phu nhân chào hỏi thiện lai rồi mời ngồi. Thổ la-nan-đà hỏi: “phu nhân làm thế nào mà mông to eo nhỏ?”, đáp: “Thánh giả cần gì hỏi việc này, tôi chỉ dùng vật bó eo lại nên mông to ra, muốn cho vui lòng vua”, Thổ la-nan-đà nói: “vì vậy nên vua mới yêu mến”, Thắng man im lặng. Thổ la-nan-đà trở về trú xứ cũng dùng vật bó eo, các ni thấy liền nói: “ni đâu nên dùng vật phi pháp này”, bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “vật phi pháp này ai dùng thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, ni Thổ la-nan-đà thấy ngực phu nhân tròn đầy nên hỏi như trước, phu nhân nói: “nhờ mặc áo nịt ngực”, Thổ la-nan-đà trở về trú xứ cũng dùng vật này, Phật nói: “không được dùng, ai dùng thì phạm tội Việt pháp”.

10. Nhiếp tụng thứ mười trong Biệt môn thứ sáu:

Không làm văng nước dơ,
Không đem bỏ thai chết,
Không nuốt tinh bất tịnh,
Được tiếp xúc con mình.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Thổ-la-nan-đà vào thành khất thực thấy tôn giả Đại Ca-diếp cũng khất thực và đang đi bên cạnh vũng nước, cô liền cầm cục đá lớn ném vào vũng nước làm cho nước dơ văng lên dính y của tôn giả. Tôn giả nói: “cô không có lỗi, lỗi là do nơi cụ thọ A-nan đã gắng gượng xin Thế tôn cho hạng phụ nữ ác hạnh như cô xuất gia và cho thọ Cận viên”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô ni không được làm văng nước dơ làm dơ y Bí-sô, ai làm thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một trưởng giả giàu có, cưới vợ chưa bao lâu liền mang hàng hóa đến phương khác mua bán, người vợ ở nhà do tâm dục hừng thạnh nên tư thông với người ngoài có thai, thai được vài tháng cô liền suy nghĩ: “ta nên phá thai, nếu không phá thì ngày trở về chồng sẽ giết ta”, nghĩ rồi liền uống thuốc trục thai, sau đó không biết đem bỏ ở đâu nên buồn rầu lo lắng. Vừa lúc đó ni Thổ-la-nan-đà đến nhà khất thực, người vợ ở trong nhà nói: “Thánh giả hãy đi đi, tôi đang buồn khổ nên không thể đưa thức ăn cho cô được”, ni này liền hỏi rõ nguyên do rồi nói: “nếu ta đem bỏ giúp cho cô thì cô có thể thường xuyên cúng thức ăn cho ta không?”, đáp là sẽ cúng,lại hỏi: “có cúng luôn cho thị giả và tri sự của ta không?”, đáp là sẽ cúng hết. Ni này đựng thai chết trong cái bát lớn rồi đem đến chỗ vắng để vất bỏ, không ngờ nơi đó lại có nhóm thanh niên đang tụ tập, trông thấy liền hỏi muốn làm gì, ni đáp: “là do đàn ông vô lại các người tư thông với vợ của người nên có tội lỗi này rồi nhờ ta vất bỏ”, nhóm thanh niên này nghe vậy liền trách mắng rồi bỏ đi, trên đường gặp các ni khác liền nói: “ni Thổ-lanan-đà đang làm nghiệp ác là vất bỏ thai nhi”, các ni im lặng rồi đem việc này bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “do ni dùng bát lớn nên có lỗi này, ni Thổ-la-nan-đà đã làm trái hạnh Sa môn, từ nay Bí-sô ni không được làm việc phi pháp như thế và không được dùng bát lớn. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp “. Lúc đó các ni không biết nên dùng bát cỡ nào, Phật nói: “bát nhỏ của Bí-sô là bát lớn của Bí-sô ni”.

Duyên xứ như trên, lúc đó ni Cấp đa sau khi nuốt tinh bất tịnh vào miệng và để vào hạ căn, do nghiệp báo của chúng sanh bất tư nghì nên cô có thai và sanh ra đồng tử Ca nhiếp ba. Sanh xong cô không dám 212 bồng bế nên đứa trẻ khóc lớn, mọi người hỏi nguyên do, ni khác nói: “Phật chế không được tiếp xúc với nam giới nên cô ấy không dám ẳm bồng”, mọi người nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho ẳm bồng, nếu mẹ không ẳm bồng thì nó làm sao sống”, ni bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “được ẳm bồng con mình để nuôi dưỡng thì không có lỗi”. Sau đó các ni chuyền tay nhau ẳm bồng đứa bé khiến cho nó gầy ốm, Phật nói: “Bí-sô ni không được ẳm bồng con nhỏ của người khác, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

VII. TỔNG NHIẾP TỤNG BIỆT MÔN THỨ BẢY:

Ni Cấp đa, không ở,
Tăng khước kỳ, nhị hình,
Âm đạo nhỏ, yết ma,
Bán rượu, ni chuyển căn,
Ngoài chùa, không dùng xương,
Tụng thứ bảy nên biết.

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ bảy:

Cấp đa ngủ với con,
Dược xoa thành Vương xá,
Cho trẻ, vải quàng cổ,
Kêu tên và cho ăn.

Duyên xứ như trên, do Phật chế ni không được ngủ cùng phòng với người nam nên ban đêm ni Cấp đa đưa con ra ngủ ở bên ngoài khiến nó khóc lớn. Mọi người hỏi rõ nguyên do rồi nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho ngủ với con nhỏ, nếu nó không ngủ chung với mẹ thì sẽ bịnh”, bạch Phật, Phật nói: “ni Cấp đa nên theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Tác pháp xin như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, sau khi Ni chúng tập họp, ni Cấp đa chắp tay quỳ trước Thượng tòa ni bạch:

Đại đức ni tăng lắng nghe, con là Bí-sô ni Cấp đa sanh con trai, muốn ngủ đêm cùng phòng với con. Nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con, cúi xin Ni tăng cho con được ngủ đêm cùng phòng với con. Xin thương xót (ba lần).

Ni tăng bảo Cấp đa đến chỗ chỉ thấy không nghe rồi sai một Bí-sô ni tác bạch nhị yết ma cho như sau:Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Cấp đa này sanh con trai, nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, nay Tăng tác yết ma cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con. Bạch như vậy.

Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Cấp đa này sanh con trai, nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Nay Tăng tác yết ma cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con, vị nào chấp thuận cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận cho Cáp đa được ngủ đêm cùng phòng với con xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Sau khi được Tăng yết ma cho rồi thì được ngủ đêm cùng phòng với con không phạm”. Lúc đó bạn của Cấp đa cũng ngủ chung phòng, Phật nói: “Ni có con được ngủ với con mình, ni khác thì không được, nếu ngủ thì phạm tội Việt pháp”. Thời gian sau con đã lớn, Cấp đa vẫn ngủ chung phòng, các ni bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu con đã lớn thì không được ngủ chung phòng”.

Phật tại Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó có thần Dược xoa tên Sa đa ở bên sườn núi trong thành này, nhờ vị thần này ủng hộ nên từ vua cho đến dân trong nước đều được an lạc, mưa thuận gió hòa, ruộng lúa được mùa, thức ăn dễ được; do nhân duyên này nên các Sa môn, Bà-lamôn… từ các nơi khác đều đến nước này. Lúc đó tại nước Kiện-đà-la ở phương Bắc cũng có một Dược xoa tên là Bán-già-la thưởng ủng hộ nước này làm cho được an lạc và thịnh vượng, không khác gì nước Makiệt-đà. Dược xoa Bán-già-la lấy vợ dồng loại, Dược xoa Sa đa cũng lấy vợ thuộc đồng loại, nhân dự đại hội do Dược xoa phương khác tổ chức, hai Dược xoa này gặp nhau, do mến mộ nhau nên kết làm bạn thân. Khi từ biệt nhau để trở về trú xứ, Dược xoa Sa đa gửi biếu Dược xoa Bán-già-la hoa quả thơm ngon ở nước Ma-kiệt-đà; Dược xoa Bángià-la cũng gửi biếu lại hoa quả thơm ngon ở phương Bắc. Nhiều lần như vậy nên thân tình ngày càng tốt đẹp hơn, một hôm sau khi gặp lại nhau, Dược xoa Sa đa nói: “làm cách gì để sau khi chúng ta qua đời, con cháu của chúng ta vẫn thân thiết không xa lìa?”, Bán-già-la nói: “lành thay, từ nay chúng ta chỉ bụng kết thân, hai nhà chúng ta nếu sanh nam nữ thì kết thông gia với nhau”, Sa đa nói: “ý tôi cũng như vậy”. Không bao lâu sau vợ của Sa đa có thai, đủ tháng sanh một gái rất xinh đẹp, quyến thuộc đều vui mừng nên đặt tên cho con là Hoan hỉ. Bán-già-la nghe tin vui mừng suy nghĩ: “vợ Sa đa đã sanh con gái thì vợ ta nên sanh trai, ta nên gửi y phục và chuỗi ngọc cho con dâu của ta”, nghĩ rồi liền y phục và chuỗi ngọc cùng thư sang chúc mừng. Không bao lâu sau đó, vợ của Bán-già-la cũng mang thai, đủ tháng sanh một trai đặt tên là Bán chi ca. Sa đa nghe tin suy nghĩ: “vợ của bạn ta đã sanh trai, ta nên gửi y phục và chuỗi ngọc cho con rễ ta”, nghĩ rồi liền gửi y phục và chuỗi ngọc cùng thư sang chúc mừng. Bán-già-la hồi âm viết: “trước đây đã hứa kết thân, nay đã toại nguyện, đợi khi chúng lớn khôn sẽ tính chuyện hôn nhân”. Sau đó vợ của Sa Đa-lại có thai, lúc đó các núi phát ra tiếng vang như voi rống, đến khi đủ tháng sanh ra, núi cũng phát ra tiếng vang nên được đặt tên là Sa đa sơn. Đến khi hai chị em trưởng thành thì Sa đa qua đời, người em trai lên làm gia chủ, người chị nói: “chị muốn đến trong thành Vương xá bắt trẻ con mới sanh ăn thịt”, người em nói: “cha chúng ta khi còn sống đã thường ủng hộ cho người trong nước này được an lạc, không có buồn khổ, nay chúng ta nên nối tiếp hộ trì, nếu có kẻ khác đến làm hại, chúng ta còn phải ngăn cản họ, sao chị lại sanh niệm ác này, hãy bỏ niệm ác này đi”. Do lực của lời nguyền ác đời trước nên không bao lâu sau đó người chị lại nói với em như lần trước. Người em biết ý chị đã quyết nên suy nghĩ: “sức ta không thể ngăn được niệm ác này của chị, nhưng cha khi còn sống đã hứa gả chị, ta nên thực hiện lời hứa này”, nghĩ rồi liền gửi thư cho Dược xoa Bán-già-la nhắc lại việc kết thân. Dược xoa Bán-già-la liền đưa nhiều lễ vật đến để rước dâu, về sống với chồng được một thời gian, Hoan hỉ liền nói với chồng: “em muốn đến trong thành Vương xá bắt trẻ con mới sanh ăn thịt”, người chồng nói: “đó là trú xứ mà gia tộc em hộ trì, nếu kẻ khác đến làm hại còn phải ngăn cản, sao em lại muốn làm việc tàn bạo này, đừng nói như thế nữa”, người vợ trong lòng không vui nhưng im lặng. Thời gian sau Hoan hỉ lần lượt sanh năm trăm con trai, đứa út tên là Yêu thương, Hoan hỉ lại khởi niệm ác như trước, người chồng khuyên can không được, biết vợ đã quyết ý nên không nói nữa. Hoan hỉ liền vào trong thành Vương xá lần lượt bắt các trẻ mới sanh ăn thịt, dân trong thành mất con liền đem việc này tâu vua, vua ra lịnh quân binh canh gác hộ vệ khắp nơi trong thành, sáng ra quân binh cũng bị bắt mất vài người, cho đến phụ nữ có thai cũng bị bắt, không biết đi đâu, nỗi kinh hoàng lan khắp trong thành Vương xá. Quần thần đem việc này tâu vua, vua kinh sợ triệu bốc sư đến hỏi, đáp: “nạn khủng bố này là do Dược xoa gây ra, nên lo liệu đầy đủ thức ăn thơm ngon cúng tế”, vua nghe theo lời bốc sư, ra lịnh dân trong thành thành tâm cúng tế; tuy đã cúng tế như vậy nhưng tai họa vẫn không hết, họ lo buồn khổ não không biết phải làm sao. Lúc đó thiên thần thủ hộ thành Vương xá báo mộng cho họ biết là do nữ Dược xoa Hoan hỉ gây ra họa này, chỉ có Thế tôn mới có thể trừ diệt được. Mọi người nói: “nữ Dược xoa này ăn thịt con cháu chúng ta phải gọi là ác tặc, sao lại gọi là Hoan hỉ”, nhân đó họ gọi là nữ Dược xoa Ha lị để. Sau đó họ đến chỗ Phật đảnh lễ rồi chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, nữ Dược xoa Ha lị để đã làm việc bất lợi cho dân chúng trong thành Vương xá, tất cả trẻ con mới sanh đều bị nó bắt ăn thịt. Trước đây chúng con không có niệm ác với nó, nhưng nó lại có tâm độc hại với chúng con, cúi xin Thế tôn thương xót điều phục nữ Dược xoa này”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, họ đảnh lễ Phật rồi ra về. Sáng hôm sau, Phật đắp y mang bát vào thành khất thực, sau khi thọ thực xong Phật đi đến chỗ ở cũa nữ Dược xoa, Ha lị để đi vắng, Phật liền dùng cái bát úp lên đứa con út tên Yêu thương, do thần lực của Phật nên em thấy anh mà anh không thấy được em. Khi về đến nhà, Ha lị để tìm không thấy Yêu thương đâu, hỏi các con thì chúng đều đáp là không thấy. Nữ Dược xoa này đau khổ, mê loạn chạy khắp nơi trong thành Vương xá tìm kiếm vẫn không tìm được; liền chạy khắp bốn phương trong châu Thiệm bộ cũng không thấy; chạy đến các cõi Tây Câu da ni, Đông Tỳ đề ha, Bắc Cu lô châu cũng không tìm thấy; chạy xuống các địa ngục như Đẳng hoạt, Hắc thằng… cũng tìm không thấy; chạy lên các cõi trời như cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao lợi… muốn vào trong cung Tối thắng của vua trời Đế thích liền bị thần Kim cương và vô lượng Dược xoa ở đó đuổi ra. Cuối cùng bà đến chỗ thiên vương Đa văn gào khóc, thiên vương nói: “chị không nên đau khổ gào khóc như vậy, chị hãy xem lại gần chỗ chị, ai thường qua lại chỗ ấy?”, đáp: “thấy có Sa môn Kiềuđáp-ma thường áu lại nơi đó”, thiên vương nói: “nếu vậy, chị nên đến quy y Thế tôn thì có thể gặp lại con của chị”. Dược xoa nghe rồi vui mừng trở về trú xứ, đi đến chỗ Phật, từ xa thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, tâm liền sanh kính ngưỡng không còn buồn khổ nữa. Bà đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “con biệt ly với bé Yêu thương đã lâu, cúi xin Thế tôn cho con được gặp”, Phật hỏi: “ngươi có bao nhiêu đứa con?”, đáp là năm trăm, Phật nói: “ngươi có năm trăm con, mất đi một đứa thì có gì là khổ”, Ha lị để nói: “Thế tôn, nếu hôm nay con gặp bé Yêu thương thì con sẽ hộc máu mà chết”, Phật nói: “có đến năm trăm con, không thấy một đứa mà khổ đến như vậy, huống chi dân chúng trong thành này, họ chỉ có một đứa con, ngươi bắt ăn thịt thì họ còn khổ đến mức nào”, Ha lị để nói: “họ còn khổ hơn con gấp bội”, Phật nói: “ngươi đã biết nỗi khổ ái biệt ly, sao lại ăn thịt con mới sanh của họ. Nếu người chịu thọ Phật giới, từ nay đem lại an ổn cho dân chúng thành Vương xá thì ngay nơi chỗ ngồi, ngươi sẽ gặp lại bé Yêu thương”, Ha lị để nói: “con xin tuân theo lời Phật dạy, từ nay sẽ đem lại an ổn cho dân chúng trong thành Vương xá”, Phật nghe rồi liền làm cho Ha lị để được gặp lại con. Sau khi Ha lị để quy y thọ Phật giới, dân chúng trong thành Vương xá được an ổn không còn lo buồn nữa, Ha lị để bạch Phật: “thọ Tam quy ngũ giới rồi từ nay con và các con ăn gì?”, Phật nói: “ngươi không phải lo, các đệ tử Thanh văn trong châu Thiệm bộ mỗi khi ăn đều có thí thực cho chúng sanh. Ở cuối chỗ thọ thực có để một mâm thức ăn, các đệ tử ta sẽ gọi tên ngươi và các con khiến cho được no đủ, không bị khổ về đói khát; không những vậy, các đệ tử ta còn vận tâm đến các chúng sanh khác và các quỷ thần ở sông núi biển trong hiện tại đều được no đủ. Lại nữa, này Ha lị để, từ nay cho đến khi nào giáo pháp của ta chưa diệt hết thì ngươi và các con phải thường ủng hộ trú xứ của Tăng ni khắp trong châu Thiệm bộ, khiến cho không bị tổn hai và được an lạc”, Ha lị để nghe Phật dạy rồi cùng các con và chúng Dược xoa có mặt đều hoan hỉ phụng hành. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Ha lị để đời trước đã tạo nghiệp gì mà sanh năm trăm con, lại hút tinh khí của người và ăn thịt trẻ con mới sanh trong thành Vương xá?”, Phật nói: “nghiệp mà nữ Dược xoa này và dân chúng trong thành Vương xá đã tạo nay phải chịu quả báo. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong thành Vương xá, có người chăn bò cưới vợ chưa bao lâu thì vợ có thai. Thuở đó không có Phật, chỉ có Phật Bích chi ra đời thích nơi tịch tĩnh, thọ dụng ngọa cụ tùy nghi, thường thương xót người nghèo khổ, là phước điền bậc nhất. Khi vị này du hành đến trong thành Vương xá, lúc đó có năm trăm người tụ họp trong vườn hoa mở tiệc vui chơi, họ thấy vợ của người chăn bò đang bưng bình sữa lạc liền kêu gọi: “cô hãy đến cùng vui chơi nhảy múa với chúng tôi”, vợ của người chăn bò sanh tâm tham muốn liền đến cùng vui chơi nhảy múa với họ và đổi sữa lạc lấy trái câu thơm ngon. Sau đó do quá mệt nhọc nên bị sẩy thai nên ngồi buồn rầu, bỗng thấy vị Độc giác từ xa đi đến với oai nghi tịch tĩnh, liền sanh tâm kính ngưỡng, đảnh lễ và dâng cúng trái cây thơm ngon. Thường pháp của vị Độc giác là dùng thân giáo hóa chứ không thuyết pháp, lúc đó vì muốn làm lợi ích nên vị Độc giác như con thiên nga bay lên hư không, ở trên hư không hiện các thần biến: trên thân phóng lửa, dưới thân phun nước… rồi hạ xuống đất. Thường tình hễ phàm phu nhìn thấy thần biến này liền như cây đại thọ sụp đổ, vợ người chăn bò liền quỳ mọp xuống và phát nguyện: “nguyện đem công đức cúng dường bậc chân thật phước điền này, ở đời vị lai con sẽ sanh trong thành Vương xá và sẽ ăn thịt các trẻ mới sanh trong thành này”.

Này các Bí-sô, cợ người chăn bò thuở xưa chính là Ha lị để ngày nay, do lực phát nguyện ác ngày xưa nên nay có quả báo này. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập chớ có buông lung”, nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Duyên xứ như trên, Ha lị để sau khi thọ Tam quy ngũ giới thì thường bị các Dược xoa khác làm hại, vì thế bà đem các con thí cho Tăng. Khi các Bí-sô đi khất thực, chúng hóa ra trẻ con đi theo sau, các phụ nữ trong thành thấy chúng sanh yêu mến muốn đến bồng bế thì chúng liền biến mất, liền hỏi Bí-sô chúng là ai, đáp là con của Ha lị để, họ nói: “là con của oan gia Dược xoa ác độc hay sao?, Bí-sô nói: “bà ấy đã bỏ tâm ác, do thường bị các Dược xoa khác làm hại nên đem các con thí cho Tăng”. Các phụ nữ này nghe rồi liền suy nghĩ: “nữ Dược xoa đã bỏ tâm ác còn đưa con mình thí cho Tăng, ta cũng nên đem con thí cho Tăng”, nghĩ rồi liền đem con đến thí cho Tăng, các Bí-sô không thọ, họ nói: “con của nữ Dược xoa ác độc, các thầy còn thọ nhận, vì sao lại không thọ nhận con của chúng con?”, bạch Phật, Phật nói nên thọ. Sau đó không coi giữ được để chúng tự do rong chơi khắp nơi, bạch Phật, Phật nói: “nếu đem đến cho một bé rai, Bí-sô nhận rồi nên dùng một miếng ca sa cũ quàng vào cổ để coi giữ; nếu đem đến nhiều thì thượng trung hạ tòa trong Tăng tùy ý nhận và làm như trên để coi giữ”. Sau đó cha mẹ chúng đem tài vật đến để chuộc chúng về, Bí-sô không nhận, Phật nói nên nhận; thời gian sau, chúng có tâm mến mộ đem y vật đến cúng để báo ân, Bí-sô không nhận, Phật nói nên nhận. Lúc đó Lục chúng Bí-sô nghe Phật cho nhận tài vật chuộc lại con, liền theo cha mẹ chúng đòi trả cho đủ, Phật nói: “không được ra giá để đòi, nên tùy ý họ đưa bao nhiêu, biết đủ nhận lấy bấy nhiêu”.

Duyên xứ như trên, sau khi nữ Dược xoa Ha lị để đem con cho Tăng, ban đêm chúng đói nên khóc đến sáng, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “sáng sớm nên đem thức ăn uống đến kêu tên cúng tế cho chúng”, lúc đó có đứa đòi ăn vào giờ thọ trai, Phật nói nên cho; lại có đứa đòi ăn vào phi thời, Phật nói nên cho; lại có đứa đòi ăn thức ăn dư trong bát của Bí-sô, Phật nói nên cho; lại có đứa đòi ăn thức ăn bất tịnh, Phật nói nên cho.