CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 30

Nhiếp tụng nội dung:

Cận viên theo Bí-sô,
Nửa tháng thỉnh giáo thọ,
Nương Bí-sô an cư,
Thấy lỗi không nên nói,
Không giận trách, thiếu lễ,
Trong hai chúng Ý hỉ (hành Ma-na-đỏa)
Đối Bí-sô Tùy ý (tác pháp Tự tứ)
Đây là tám Kỉnh pháp.

Phật bảo A-nan: “tám kỉnh pháp đã chế này, Bí-sô ni không được trái vượt. Nếu Đại thế chủ có thể thọ trì tám kỉnh pháp này thì được xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni”, tôn giả A-nan nghe rồi liền đảnh lễ Phật, trở ra ngoài gặp Đại thế chủ nói rằng: “Đại thế chủ nên biết, Thế tôn đã chấp thuận cho người nữ được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Phật, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni; nhưng Phật chế định tám kỉnh pháp cho Bí-sô ni trọn đời thọ trì không được trái vượt, bà hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ”, Đại thế chủ nói: “tôn giả cứ nói, tôi đang nhất tâm lắng nghe”, tôn giả liền nói lại tám kỉnh pháp cho Đại thế chủ nghe, Đại thế chủ nghe rồi thâm tâm hoan hỉ phụng trì rồi nói với tôn giả A-nan: “Đại đức, ví như cô gái thuộc dòng quý tộc của bốn giai cấp, sau khi tắm rửa sạch sẽ, thoa dầu thơm, chải tóc, làm móng tay và mặc y phục mới đẹp, có người dùng hoa Ưu bát la… kết thành vòng hoa trao cho cô ấy, cô ấy hoan hỉ nhận rồi đặt trên đầu. Tôi cũng như vậy, dùng cả thân khẩu ý thọ trì tám kỉnh pháp này trên đầu”, Đại thế chủ sau khi thọ tám kỉnh pháp liền cùng với năm trăm Thích nữ được xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni.

Lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “như Phật đã dạy, Đại thế chủ thọ trì tám kỉnh pháp này chính là xuất gia, viên mãn giới cụ túc, thành tựu tánh Bí-sô ni. Không biết đối với những người nữ khác thì phải như thế nào?”, Phật nói: “những người nữ khác phải như pháp theo thứ lớp cho xuất gia và thọ Cận viên”. Lúc đó những người nữ khác không biết phải như pháp theo thứ lớp như thế nào liền bạch Phật, Phật nói: “Đại thế chủ dẫn đầu cùng năm trăm Thích nữ thọ tám kỉnh pháp chính là xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni; nhưng những người nữ khác muốn thọ Cận viên phải theo trình tự như sau: người nữ nào muốn cầu xuất gia phải đến gặp Bí-sô ni, đảnh lễ cầu xin, Bí-sô ni ấy nên hỏi các chướng nạn, nếu thấy không có chướng nạn mới được nhiếp thọ, cho thọ tam quy và năm học xứ theo nghi thức như sau: Trước lễ tôn tượng sau lễ thầy, dạy chắp tay thưa thỉnh:

Thân giáo sư nhớ nghĩ, con tên là — kể từ hôm nay cho đến trọn đời xin quy y Phật đà Lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt ma Ly dục trung tôn, quy y Tăng già chư chúng trung tôn. Thầy nên nói tốt, đáp lại là thiện. Kế truyền năm học xứ:

Thân giáo sư nhớ nghĩ, như các vị Thánh giả A-la-hán trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối và không uống rượu. Con tên —- kể từ hôm nay cho đến trọn đời cũng không sát sanh, không rộm cắp, không dâm dục, không nói dối và không uống rượu. Năm học xứ này con nguyện trọn đời tùy học, tùy hành và tùy thọ trì (ba lần), thầy nói tốt, đáp lại là thiện.

Duyên xứ tại thành Thất-la-phiệt, sau khi Phật cho Đại thế chủ dẫn đầu cùng năm trăm Thích nữ thọ tám kỉnh pháp chính là xuất gia, thọ Cận viên, thành tựu tánh Bí-sô ni; từ đó về sau chư ni tiếp tục cho các người nữ khác xuất gia, thọ Cận viên làm cho ni chúng được hưng thạnh. Thời gian sau, các Thượng tòa Bí-sô ni đến chỗ Đại thế chủ bạch rằng: “lành thay Thánh giả, Bí-sô ni chúng con xuất gia thọ Cận viên đã lâu, còn các Bí-sô trẻ khác xuất gia thọ Cận viên chưa bao lâu, nên khiến họ cung kính lẫn nhau theo thứ bậc lớn nhỏ”, Đại thế chủ nói: “các em hãy đợi tôi đến hỏi tôn giả A-nan việc này”, nói rồi liền đến hỏi tôn giả A-nan, tôn giả nói: “Đại thế chủ xin hãy đợi tôi bạch Phật”, nói rồi liền đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật việc trên, Phật nói: “thầy không nên mở miệng hỏi việc này có được hay không, vì sao, vì nếu người nữ không xuất gia trong pháp luật thiện thuyết thì các trưởng giả, Bà-la-môn có tín tâm sẽ mang thức ăn ngon cúng dường cho các Bísô; lại có các trưởng giả, Bà-la-môn tín tâm dùng thảm mới trắng sạch trải trên đường thỉnh các Bí-sô đi trên thảm này để cho họ được lợi ích lâu dài và thường được an lạc; lại có các trưởng giả, Bà-la-môn trải tóc trên đất thỉnh các Bí-sô đi trên tóc để cho họ được lợi ích lâu dài. Nếu người nữ không xuất gia trong pháp luật thiện thuyết thì dù là ánh sáng của mặt trời mặt trăng cũng không che khuất được oailực của các Bí-sô, huống chi lá các ngoại đạo như thây chết khác. Lại nữa nếu người nữ không xuất gia thì giáo pháp của ta sẽ được thanh tịnh, hoàn toàn không nhiễm ô đủ một ngàn năm; do người nữ xuất gia nên chánh pháp giảm còn năm trăm năm. Vì thế nên Bí-sô ni dù thọ Cận viên đã một trăm tuổi hạ vẫn phải cung kính tôn trọng làm lễ Bí-sô mới thọ Cận viên”.

Duyên xứ như trên, lúc đó trong Ni chúng phát sanh những tăng sự về chúng bốn người, chúng năm người, chúng hai mươi người nên họ tập họp cả hai bộ tăng lại; do sự vụ thêm nhiều nên làm trở ngại việc giáo thọ, đọc tụng, thiền quán của các Bí-sô. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “việc của hai chúng khác nhau, chỉ trừ xuất tội, thọ Cận viên và các pháp sự trong mỗi nửa thàng cần phải làm chung, các việc khác đều phải làm riêng”.

Trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu thì người vợ có thai, đủ tháng sanh ra một bé gái thì người cha qua đời, người mẹ nuôi con đến tuổi vừa lớn khôn thì cũng qua đời. Sau đó ni Thổ-la-nan-đà nhân đi khất thực đến nhà đó thấy cô gái liền hỏi thuộc về ai, đáp: “con một thân không nơi nương tựa, không thuộc về ai”, lại hỏi: “vì sao không xuất gia?”, đáp: “ai cho con xuất gia”, ni nói: “ta sẽ cho, con hãy đi theo ta”, nói rồi liền dẫn về trong trú xứ cho xuất gia. Thời gian sau vì bị phiền não lôi kéo nên cô này hoàn tục, sau đó Thổla-nan-đà gặp lại liền hỏi: “hiện nay con sống ra sao?”, đáp: “con hiện nay sống rất khổ sở”, lại hỏi: “vì sao không xuất gia lại?”, đáp: “con đã hoàn tục, ai cho con xuất gia trở lại”, ni nói: “ta cho”, nói rồi liền dẫn về cho xuất gia lại. Khi cô này đi khất thực, các trưởng giả Bà-la-môn thấy liền chê trách: “các Thích nữ khéo làm việc thiện, lúc thì xuất gia tu phạm hạnh; lúc thì bỏ đạo, nhiễm bụi trần, hành động theo tình ý, há không phải là việc thiện hay sao?”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo: “do ni đã hoàn tục nên mới có lỗi này, từ nay ni đã hoàn tục không cho xuất gia trở lại, nếu cho xuất gia trở lại thì bổn sư phạm tội Việt pháp”

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ sáu:

Nhân độ Cù-đáp-di,
Xuất gia có năm lợi,
Không được trong năm chúng,
Việc trách mắng nên biết.

Duyên xứ như trên, lúc đó trong thành Bà-la-nê-tư có một trưởng giả tên Cù-đáp-ma rất giàu có, cưới vợ chưa lâu liền mang hàng hóa đi đến thành Đắc xoa để buôn bán, ghé vào một nhà xin ở lại đêm, trưởng giả chủ nhà tên là Danh xưng niềm nở đón tiếp, nhân đó hai người trở nên thân thiết, Cù-đáp-ma bán hết hàng hóa mua lại hàng khác rồi trở về xứ mình. Thời gian sau, trưởng giả Danh xưng đến thành Bà-la-nê-tư buôn bán, ghé vào nhà của Cù-đáp-ma nghỉ lại đêm, Cù-đáp-ma cũng niềm nở đón tiếp, trưởng giả thành Đắc xoa nói: “làm cách gì để sau khi chúng ta qua đời, con cháu của chúng ta vẫn thân thiết không xa lìa?”, Cù-đáp-ma nói: “lành thay, từ nay chúng ta chỉ bụng kết thân, hai nhà chúng ta nếu sanh nam nữ thì kết thông gia với nhau”, Đắc xoa nói: “ý tôi cũng như vậy”, Đắc xoa bán hết hàng của mình mua lại hàng hóa khác rồi trở về xứ mình. Thời gian sau vợ ông có thai, đủ ngày tháng sanh được một trai, đủ hai mươi mốt ngày mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho con là Du phương. Cù-đáp-ma nghe biết tin này vui mừng suy nghĩ: “nhà trưởng giả Đắc xoa sanh con trai thì nhà ta nên sanh con gái, cậu bé kia là rễ, ta nên gởi y phục và chuỗi anh lạc”, nghĩ rồi liền gửi y vật và thư sang chúc mừng. Không bao lâu sau, vợ của Cù-đáp-ma có thai, đủ ngày tháng sanh được một gái, tuy xinh đẹp nhưng rất ốm gầy nên sau hai mươi mốt ngày mở tiệc ăn mừng, đặt tên cho con gái là Cù-đápma gầy. Đắc xoa nghe tin này liền suy nghĩ: “nhà Cù-đáp-ma sanh con gái, cô bé ấy sẽ là con dâu, ta nên gửi y phục và anh lạc để chúc mừng”, nghĩ rồi liền gửi y vật và thư sang chúc mừng, Cù-đáp-ma hồi âm nói: “trước đây đã hứa kết thân, nay được toại nguyện, đợi khi chúng nên người sẽ tính chuyện hôn nhân”. Thời gian sau, khi con gái vừa đến tuổi cập kê, Cù-đáp-ma liền cho con đi học, Đắc xoa cũng cho con trai học thông các kỹ nghệ. Do trước kia trưởng giả có qua lại với một dâm nữ nên gửi con đến chỗ dâm nữ để học âm thư. Học được một thời gian, Du phương muốn trở về nhà, dâm nữ nói: “con hãy học cho giỏi đã, chớ vội về nhà”, đáp là đã học giỏi nay nhớ nhà muốn về, dâm nữ lén gói bột đá đỏ ướt trong bọc vải rồi nói: “Nếu con nhất quyết về thì ta sẽ tự đập bể đầu chết”, Du phương nghe vậy nên ở lại, dâm nữ nói: “đứa con ngu si, con nói là đã học giỏi âm thư sao lại không biết, lẽ nào ta tự đập bể đầu chết vì con của người khác hay sao. Ta đã gói bột đá đỏ ướt trong bọc vải định để trên đầu đè cho chảy nước đỏ ra, người thấy cho đó là máu chảy. Con thật vô trí, chưa thể nói về nhà được”. Không bao lâu sau, Du phương lại muốn về nhà, dâm nữ nói: “nếu con nhất quyết đi thì ta sẽ nhảy xuống giếng chết”, Du phương nghe vậy nên ở lại, dâm nữ nói: “đưa con ngu si, con nói là đã học giỏi âm thư sao lại không biết, lẽ nào ta lại nhảy xuống giếng chết vì con của người khác hay sao. Ta đã đặt dưới đáy giếng một tấm nệm cỏ dầy, khi nhảy xuống người thấy cho là chết. Con thật vô trí chưa thể nói về nhà được”. Thời gian sau, Du phương lại muốn về nhà, dâm nữ nói: “con đã ba phen đòi về, vậy hãy đợi ta nấu cháo sữa, ăn xong rồi về”, khi cháo nấu chín, bà đổ cháo ra mâm đồng, thêm nhiều bơ mật rồi ngồi ăn hết, sau đó ói trở ra mâm đồng rồi bảo Du phương ăn, đáp: “thức ăn đã ói làm sao ăn được”, dâm nữ liền khóc lớn, hàng xóm nghe tiếng khóc chạy đến hỏi rõ nguyên do rồi hỏi Du phương vì sao không chịu ăn cháo, đáp như trên, dâm nữ đấm ngực khóc nói: “có ai lại bảo người khác ăn thức ăn đã ói ra không chứ?”, mọi người nghe nói vậy liền bắt ép Du phương ăn, bị bức bách Du phương định ăn, dâm nữ liền kéo tay ra rổi tát vào mặt mắng rằng: “đứa con ngu si, tự nói là đã học giỏi âm thư, tại sao chính mắt thấy ói thức ăn ra mà còn ăn hả?”, nói rồi liền đuổi đi không ép ở lại nữa. Du phương trở về nhà làm thương chủ cùng năm trăm thương nhân khác mang nhiều hàng hóa từ miền nam đến miền trung của đất nước, dần dần đến thành Bà-la-nê-tư. Thường tình thì các thương nhân khi qua lại mua bán đêu cùng dâm nữ tư thông, nhưng đoàn thương nhân này do thường nghe thương chủ nói việc nhàm lìa nữ sắc nên không vào nhà dâm nữ, các dâm nữ nói với nhau: “trước đây các thương nhân phần nhiều đều ghé chỗ chúng ta, nhưng nay lại ly dục không thèm đến”, một người nói: “tôi nghe nói thương chủ giỏi âm thư nên nhàm lìa nữ sắc, khiến các thương nhân khác cũng không đến chỗ chúng ta”, một dâm nữ lớn tuổi nghe rồi liền hỏi: “hắn có phải là đàn ông không?”, đáp là phải, dâm nữ này nói: “nếu con gái ta dụ hoặc được hắn thì các cô phải bầu con ta làm trưởng”, các dâm nữ nói: “nếu dụ được thì chúng tôi sẽ lập làm trưởng, nếu không được thì sao?”, dâm nữ này nói: “ta sẽ đưa cho các cô năm trăm tiền vàng”, các dâm nữ chấp thuận. Bà ta liền hỏi thuê nhà bên cạnh nhà của thương chủ chứa hàng hóa, cũng cất chứa nhiều hàng hóa giống như thương chủ. Khi gia nhân của thương chủ đến kho hàng, bà liền hỏi thăm, đáp là gia nhân của thương chủ, bà nói: “con ta cũng là thương chủ đã mang hàng hóa đến phương khác bán rồi, nếu không như vậy thì đã cầu cạnh thương chủ của anh rồi. Từ nay anh cần gì cứ đến nhà ta tùy ý lấy”, từ đó trở đi gia nhân này thường đến nhà bà lấy vật lạ mang về, thương chủ thấy liền hỏi lấy từ đâu, liền đem việc trên kể lại, thương chủ nghe rồi liền có cảm tình với bà ta nên nói với gia nhân: “bà ấy đã cúng cấp những vật là như thế cho ta thì ta cũng coi như là mẹ ta”, gia nhân nghe rồi sau đó đến nói lại, bà ta nghe rồi liền nói: “chừng nào tôi có thể gặp được thương chủ?”, đáp: “đợi tôi báo lại”, thương chủ nghe rồi liền vui vẻ đi đến kho hàng của bà ta để gặp mặt, bà niềm nở đón tiếp hỏi tên rồi nói: “con ta cũng đồng tên với thương chủ, vậy thương chủ khác gì là con ta, từ nay cứ lui tới nhà ta đừng ngại”, nói rồi liền bảo con gái ra chào hỏi anh trai. Thương chủ vừa nhìn thấy cô gái có dung mạo hiếm có trên đời liền sanh tâm luyến ái, nất nây không biết phải làm gì, giây lâu mới tỉnh rồi hỏi bà mẹ: “cô ấy đã thuộc về ai chưa?”, đáp là chưa, liền nói: “nếu vậy, xin mẹ gả cho con”, bà mẹ nói: “nếu ta muốn nó phục vụ cho con thì sẽ không gả cho người khác, nhưng ta chỉ sợ con ưa thích nhất thời, chán rồi sẽ vất bỏ”, đáp: “nếu mẹ gả cho con thì con quyết sẽ không vất bỏ”, bà mẹ nói: “nếu vậy tài vật mà con đã có hãy đưa sang nhà mẹ, mẹ mới tin con không thay đổi”. Thương chủ chấp thuận liền chuyển tài vật đã có sáng nhà bà mẹ, bà liền đưa ra cửa sau chuyển đi hết, sau khi chuyển xong liền nói với bà mẹ chọn ngày tốt thành thân, bà liền báo cho các dâm nữ biết ngày đến dự đám cưới. Đến ngày cưới, thương chủ thấy lạ vì sao chỉ toàn khách đàn bà không có đàn ông, bà mẹ nói khách nam chưa đến, lúc đó có một cô nói nhỏ vào tai thương chủ: “anh không biết chúng tôi đều la dâm nữ hay sao?”, thương chủ nghe rồi liền biết là bị dâm nữ gạt. Sau nhiều ngày ở chung với nhau, dâm nữ bảo thương chủ đưa tiền, thương chủ nói: “tài vật mà ta đã có đều đưa hết qua nhà em rồi, lấy đâu nữa mà đưa”, dâm nữ im lặng. Sau đó đợi khi thương chủ say rượu ngủ mê liền lấy dây trói bó lại quăng ra ngoài đường. Sáng hôm sau tỉnh rượu nhìn thấy thân mình như vậy liền hối hận rơi nước mắt, sau đó vì đói nên tìm chỗ cần người xin làm thuê. Lúc đó trưởng giả Cù-đáp-ma xây nhà mới cần nhiều người làm thuê nên đi tìm người, khi gọi đến Du phương, trưởng giả nhìn thấy tướng người yếu ớt nên nói: “ta xem tướng người này chưa từng làm việc, hãy tìm người khác”, Du phương vậy liền rơi nước mắt nhìn chăm chăm trưởng giả, trưởng giả ngạc nhiên hỏi: “cậu là con nhà ai, từ đâu đến đây, tên họ là gì?”, đáp: “cha ơi, con là người phương Bắc ở thành Đắc xoa tên là Du phương. Con vì duyên trời nên đến đây, nhưng không biết đường đi, lại gặp phải khổ nạn này”, trưởng giả nghe rồi liền hỏi: “cậu ở thành Đắc xoa, vậy có nghe biết trưởng giả Danh xưng hay không?”, đáp: “cha ơi, vị ấy chính là cha ruột của con”, trưởng giả nghe rồi liền biết là cựu thân nên đồng lòng thương xót ní: “con đừng buồn rầu, hãy ở đây làm con rễ của ta”. Du phương nghe rồi không còn buồn rầu nữa, trưởng giả liền cung cấp cho y phục, vật trang sức, thức ăn uống và phòng ở với tất cả vật cần dùng không thiếu thứ gì. Sau đó trưởng giả bảo vợ lo liệu mọi thứ cho con gái và chon ngày tốt để chuẩn bị làm hôn lễ, Du phương nói: “thưa cha, con chưa thể thành thân được, xin đợi con tìm lại tài vật và hàng hóa đã bị mất”, trưởng giả nói: “tài vật đã có trong nhà ta, con cứ tùy ý thọ dụng, cần gì phải tìm lại?”, đáp: “con muốn lo liệu đây đủ nghi lễ để cưới vợ, không thể như kẻ phàm tục tùy nghi cưới vợ”, trưởng giả giả nghe rồi im lặng. Du phương muốn báo thù dâm nữ kia trước khi cưới vợ nên nói như thế, khi ra ngoài thành du ngoạn bỗng thấy trong con sông lớn có tử thi trôi theo dòng nước, trên bờ có con quạ muốn ăn thịt tử thi nhưng đưa mỏ không tới, nó liền dùng chân kẹp chiếc đũa chà xát trên mỏ làm cho mỏ dài ra để mổ ăn thịt tử thi, ăn xong nó lại đưa đũa lên mỏ chà xát làm cho mỏ ngắn lại như cũ, Du phương thấy việc này rồi liền nhặt lấy chiếc đũa mang về. Sau đó anh mang năm trăm tiền vàng đến chỗ dâm nữ nói: “trước đây ta hết tiền nên bị quăng ra đường, nay đã có tiền nàng hãy cùng ta vui thú”, dâm nữ thấy có tiền liền chấp thuận, Du phương được dịp thuận tiện liền đưa chiếc đũa cọ xát vào mũi của dâm nữ làm cho nódài ra khoảng mười tầm. Dâm nữ kinh sợ mời hết các thầy thuốc đến chữa trị nhưng không ai có thể làm cho mũi của cô trở lại như cũ. Dâm nữ kinh sợ cầu khẩn Du phương: “xin chàng từ bi tha thứ lỗi cũ, đừng nghĩ việc trả thù, xin hãy chữa trị cho em”, Du phương nói: “phải giao ước trả lại hết tài vật đã lấy của ta trước đây rồi ta mới chữa trị”, dâm nữ nói: “nếu em không làm đúng như lời giao ước thì em sẽ đền gấp bội, trước mặt mọi người em không dám dối trá”, Du phương liền đưa chiếc đũa cọ vào mũi dâm nữ khiến cho nó trở lại như cũ, dâm nữ liền đem trả lại hết tài vật đã đoạt lấy trước đây. Du phương nhận lại tài vật mang về rồi tổ chức hôn lễ thật lớn, Cù-đáp-ma cho hai vợ chồng Du phương căn nhà ngoài thành và những thôn thuộc nơi ấy. Không bao lâu sau người vợ có thai, khi gần ngày sanh cô nói với chồng: “em muốn trở về nhà để nhờ mẹ chăm sóc khi sanh”, người chồng chấp thuận, sau đó cô sanh được một trai, không bao lâu sau lại có thai và cũng như lần trước muốn trở về nhà mẹ để sanh con. Lần này cô đi cùng chồng và con, giữa đường người chồng xuống xe đến bên gốc cây nằm ngủ, không may bị rắn độc rắn mà qua đời. Người vợ ở trong xe lại sanh một bé trai, sanh xong xuống xe đến bên gốc cây nói cho chồng biết, nhưng gọi mãi không thấy nói gì, mới biết là chồng đã chết, cô gào khóc thảm thiết. Lúc đó có kẻ trộm thừa dịp trộm lấy con bò để lại chiếc xe, cô nhìn quanh không thấy ai, trong lòng đau buồn bồng hai con trở về quê cũ. Tới bên bờ sông, lúc đó trời mưa nước sông dâng cao không thể lội qua bờ kia được, cô suy nghĩ: “nếu mang cả hai con cùng lội qua thì sợ ba mẹ con không an toàn”, nghĩ rồi cô liền để đứa lớn lại, bồng đứa nhỏ qua để bên bờ kia; trong khi cô đang lội trở qua để bồng đứa lớn thì nghe tiếng đứa nhỏ khóc, quay lại nhìn thì thấy một con sói đi tới cắn lấy đứa nhỏ, cô la lớn lên. Đứa lớn bên bờ này tưởng mẹ kêu lội qua nên bước xuống sông và bị nướclớn cuốn trôi mất. Khi người mẹ trở lên bờ chạy theo con sói giành lại được đứa con nhỏ thì nó đã qua đời, người mẹ đau buồn khóc lớn rồi thả con xuống sông thì thấy xác đứa con lớn trôi đến, cho là còn sống nên vớt lên nhưng nó cũng đã chết. Người mẹ đau buồn vừa đi vừa gào khóc trở về quê nhà. Lúc đó cha mẹ quyến thuộc ở quê nhà lại bị sét đánh chết, chỉ còn có một nô tỳ sống sót, khi nhìn thấy Cù-đáp-di gầy về đến, nô tỳ này liền chạy nhanh đến báo tin, Cù-đáp-di nghe rồi đau khổ không tự kiềm chế được nên gào khóc nói kệ:

“Ta ở trong đời trước,
Đã tạo nghiệp ác gì,
Mà chồng con, cha mẹ,
Quyến thuộc đồng thời chết.
Ta là kẻ bạc phước,
Lang thang đi một mình,
Thân tộc đều tan nát,
Không còn muốn sống nữa.
Thà ở trong rừng núi,
Nơi đồng trống không người,
Ngày đêm càng ưu sầu”.

Cù-đáp-di lang thang đi mãi, cuối cùng đến trước nha trong một thôn, thấy có một bà già đang ngồi se sợi Kiếp bối liền xin ở tạm, bà già chấp thuận, Cù-đáp-di đến ngồi se sợi giúp bà già. Có một thợ dệt trẻ thường mua sợi của bà già, hôm đó thấy bà mang sợi mịn đến liền hỏi: “vì sao hôm nay sợi mịn như thế?”, đáp là không phải ta làm, lại hỏi ai làm, bà già kể lại việc trên, thợ dệt nghe rồi nói: “mẹ ơi con chỉ có một mình, mẹ cho cô ấy sang đây, con sẽ cung cấp y thực đầy đủ”, đáp: “để ta hỏi ý cô ấy như thế nào rồi sẽ báo lại”, thợ dệt liền trả giá cao và đưa thêm hương hoa cho bà mang về. Cù-đáp-di thấy vậy liền hỏi nguyên do, bà già kể lại việc trên và nói: “thợ dệt ấy chưa có vợ, nếu con bằng lòng sống chung thì y thực sẽ không lo thiếu thốn”, đáp: “xin mẹ đừng nói nữa, chuyện chồng con con đã chán ngán rồi, chỉ mong sống qua ngày, không mong gì hơn”, bà già nói: “người nữ không nơi nương tựa thì khó được giúp đỡ, con hãy tìm nơi an thân”. Sau đó bà già nói đủ cách, cuối cùng thuyết phục được Cù-đáp-di cải giá, thợ dệt liền đem lễ vật đến rước về nhà mình, nhưng thợ dệt này tánh tình nóng nảy hung bạo nên cô thường bị đánh khổ sở. Khi gặp lại bà già cô than trách: “vì sao lại gả tôi cho một Dược xoa như vậy khiến tôi phải khổ sở, tôi biết làm sao đây”, đáp: “con chớ lo buồn, nếu con có con trai, con sẽ được yêu mến và tài sản sẽ thuộc về con”. Không bao lâu sau cô có thai và người chồng không hành hạ nữa, cô nhân đó sanh kiêu mạn khiến cho người chồng tức giận trong lòng. Sau đó, người chồng đi dự tiệc uống rượu say trở về nhà gõ cửa, người vợ đang lúc sắp sanh không thể ra mở cửa được, người chồng đứng ở ngoài càng thêm tức giận trong lòng. Sau khi sanh con xong, người vợ mới ra mở cửa và báo cho chồng biết, người chồng nghe rồi suy nghĩ: “khi đang có thai đã sanh kiêu mạn, nay đã sanh con trai lại càng kiêu mạn thêm, nếu ta không giết thì sau ắt sẽ thành kẻ thù”, nghĩ rồi liền bảo vợ bắc chảo dầu lên bếp, khi chảo dầu sôi liền bảo người vợ bỏ đứa con vào chảo, người vợ kinh sợ van xin, người chồng tức giận đánh đập, người vợ mới sanh nên không thể chịu nổi sự đánh đập này nên đành phải bỏ con vào chảo dầu sôi. Khi đứa con bị nấu chín rồi, người chồng lại bảo vợ ăn thịt con, người vợ nói: “làm sao tôi có thể ăn thịt con mình?”, người chồng lại đánh đập, người vợ chịu không nổi nên phải ăn thịt con mình. Như Phật đã dạy:

“Nhiễm dục là lỗi nhỏ,
Người ngu cũng trừ được,
Sân si là họa lớn,
Người trí nên xa lìa”.

Sau đó hết giận, người chồng hối hận đứng ngồi không yên, trong lòng như lửa đốt, do buồn phiền mệt mõi nên ngủ quên. Người vợ nhân dịp này liền chạy trốn ra ngoài thành, xin tháp tùng theo đoàn thương nhân để trở về lại quê mình. Thương chủ thấy cô xinh đẹp nên sanh yêu mến hỏi: “nàng thuộc về ai và định đi đâu?”, cô kể lại việc của mình rồi nói: “bây giờ tôi không nơi nương tựa, chưa biết về đâu”, thương chủ nghe rồi liền thu nhận làm vợ, không may trên đường đi gặp bọn cướp giết chết thương chủ và đoạt hết tài vật, chúa giặc thấy cô xinh đẹp nên lấy làm vợ. Sau đó, vua phương Bắc đem quân thảo trừ giặc cướp, thấy cô xinh đẹp nên đưa về làm đại phu nhân. Không bao lâu sau vua băng hà, theo quốc pháp nếu vua chết, phi hậu đều phải bị chôn theo trong một lăng. Trộm phá lăng để lấy báu vật, Cù-đáp-di ở trong lăng bị bụi đất rơi xuống đầu mặt nên nhảy mũi, trộm nghe tiếng nhảy mũi cho là quỷ nên sợ hãi bỏ chạy tứ tán. Cù-đáp-di noi theo lỗ đào của kẻ trộm mà ra ngoài, sau khi ra khỏi lăng hoang mang nhìn khắp nơi, không biết phải đi đâu, đau buồn chồng chất lại thêm đói khát nên cô trở nên điên dại, lộ hình lang thang đi mãi dần dần đến rừng Thệ đa ở thành Thấtla-phiệt. Như Phật đã dạy: “nghiệp báo của chúng sanh là bất khả tư nghì, nghiệp đã tạo phải tự chịu quả báo, quả báo ác chịu hết rồi thì quá báo thiện mới sanh”. Lúc đó Phật đang thuyết diệu pháp cho đại chúng, Cù-đáp-di từ xa thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời. Do nhìn thấy Phật nên cô được trở lại bản tâm, nhìn lại thân mình liền cảm thấy xấu hổ ngồi bẹp xuống đất. Thường pháp của chư Phật là khởi tâm đại từ bi làm lợi ích chúng sanh, trụ trong chánh quán, không nói hai lời, dựa trên định huệ hiển phát ba minh, thành tựu ba học, điểu phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ nơi bốn Thần túc, thường tu bốn nhiếp hạnh, xả trừ năm triền cái, đầy đủ năm chi, năm lực, viên mãn sáu độ, bố thí khắp tất cả bằng bảy Thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, chỉ bày tám chi Thánh đạo, xa lìa tám nạn, đoạn dứt hẳn chín kết, phương tiện thiện xảo tùy ý nhập Cửu định, đủ mười Lực, danh vang khắp mười phương, tự tại vô úy, hàng phục ma oán, cất tiếng sấm lớn, rống lên tiếng rống của sư tử, ngày đêm ba thời thường dùng Phật nhãn quán sát chúng sanh: trí huệ tùy chuyển của ai tăng, của ai giảm; ai gặp khổ nạn, ai bức bách, ai bị bức bách; ai xuống nẽo ác, ai lên đường lành, ai một bề thú hướng, ai còn mang gánh nặng. Nên dùng phương tiện gì để cứu độ chúng sanh ra khỏi đường ác, vào cõi trời người và được giải thoát; người chưa tu thiện căn khiến tu tập thiện căn, người đã tu thiện căn chưa thành thục khiến cho được thành thục, đã thành thục rồi khiến được giải thoát. Như kệ tụng:

“Cho dù hải triều lớn,
Cũng có khi trễ hạn,
Đối với người đáng độ,
Phật liền độ, không bỏ.
Đối với các hữu tình,
Phật từ bi thương tưởng,
Nghĩ cứu họ thoát khổ,
Như bò mẹ theo con”.

Lúc đó Phật bảo A-nan lấy thượng y đem ra đưa cho Cù-đáp-di rồi dẫn vào cho nghe pháp, A-nan làm theo lời Phật dạy rồi đưa Cù-đápdi đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của Cù-đáp-di, nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, cô đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô ni, tu tập phạm hạnh”, Phật chấp thuận và bảo Đại thế chủ cho Cù-đáp-di xuất gia, thọ Cận viên. Cô được như pháp giáo giới, chuyên tâm học tập Tỳ-nại-da, quán biết năm đường luân hồi không ngừng, các hành vô thường rồi sẽ hoại diệt, đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “trong các Bí-sô ni Thanh văn, Cùđáp-di gầy là bậc trì luật đệ nhất”, các ni khác ở trong chúng nghe Phật thọ ký như vậy liền đến nghe Cù-đáp-di thuyết pháp, cô giảng thuyết về nhân duyên nghiệp báo của chính mình, các ni này nghe rồi nói lại cho các Bí-sô biết. Một hôm Cù-đáp-di đến đảnh lễ Phật, các Bí-sô rĩ tai nói cho nhau biết về nghiệp duyên của Cù-đáp-di; sau khi Cù-đápdi ra về, Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan: “các Bí-sô rĩ tai nói những gì?”, A-nan bạch Phật, Phật nói: “nghiệp báo của chúng sanh là bất tư nghì, thế gian đều do nghiệp lực mà thọ lấy quả báo, do nghiệp lực mà sanh, do nghiệp lực mà trụ; tất cả chúng sanh đều tùy theo nghiệp thiện ác mà thọ lấy quả báo”, lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Cù-đáp-di gầy đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay chồng bị rắn cắn chết, một đứa con bị sói hại chết, một đứa bị chết trôi, cha mẹ thân thuộc đều bị sét đánh chết, bản thân lại ăn thịt con mình, loạn tâm điên đảo lang thang đi khắp nơi. Lại do tạo nghiệp gì mà được gặp Phật cho xuất gia, thọ Cận viên, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán, được Phật thọ ký là bậc trì luật đệ nhất trong Ni chúng?”, Phật nói: “Này các Bí-sô, nếu người nào đã tạo nghiệp thiện ác, không phải địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mới khiến người kia thọ báo, mà đều ở trong uẩn xứ giới của tự thân chiêu cảm quả dị thục… Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa, tại tụ lạc nọ có một trưởng giả rất giàu có, tuy cưới vợ đã lâu nhưng không có con, ông lo buồn suy nghĩ: “ta có nhiều tài sản nhưng không có người thừa kế, sau khi qua đời ắt sẽ bị quan tịch thu hết”, người vợ thấy chồng buồn hỏi rõ nguyên do rồi suy nghĩ: “không 202 biết do chồng ta nghiệp mỏng hay là do ta vô phước nên không có con. Há chẳng phải chồng ta thay lòng muốn tìm vợ khác nên mới có dáng vẻ buồn rầu ở trước ta như thế. Ta nên tự nói trước thì hơn”, nghĩ rồi liền nói với chồng: “chắc là do em tạo nghiệp bất thiện nên mới không có con, anh nên cưới thêm vợ hai để sanh con cho anh”, người chồng nói: “há em không nghe nhà nào có hai vợ thì muốn kiếm nước để uống cũng khó, trong nhà lại hay có tranh cãi hay sao?”, người vợ nói: “anh cứ cưới thêm vợ hai, nếu bằng tuổi em thì em sẽ xem như em gái, nếu nhỏ tuổi hơn em nhiều thì em sẽ xem như con gái”, người chồng nghe nói vậy liền tìm thêm vợ hai. Trong tụ lạc cũng có một trưởng giả, người vợ sanh được một gái hai trai, khi cô con gái trưởng thành thì cha mẹ đều qua đời. Trưởng giả này nghe biết liền đến gặp hai người em hỏi cưới cô chị, hai người em chấp thuận, ông liền đưa sính lễ đến đón rước người chị về nhà. Thường tình hễ có mới thì nới cũ, người chồng có vợ hai liền quên người vợ chánh; người vợ chánh trước đó có bịnh nên không thể sanh con, nay do sanh tâm đố kỵ nên hết bịnh và có thai, bà liền báo cho chồng biết, người chồng nói: “nếu em sanh rai thì sau khi ta qua đời, nó sẽ thừa kế sản nghiệp của ta”, vợ chánh nói: “nếu người vợ hai không bỏ độc làm cho em sảy thai thì anh hãy nhớ làm theo lời đã nói”, người chồng nói: “trước đây ta có nói với nàng, nhà nào có hai vợ ắt sẽ tranh cãi nhau không ngừng, nay chưa gì mà em đã nói ra lời ấy”, vợ chánh im lặng. Đủ ngày tháng bà sanh trai liền suy nghĩ: “đứa bé này nhờ trời mà được sanh ra, sợ bị người vợ hai làm hại. Ta nên đưa nó cho cô ta nuôi”, nghĩ rồi liền nói với người vợ hai: “chị đưa đứa con này cho em nuôi, nó là con chung của hai chúng ta”, người vợ hai nhận lời nuôi dưỡng. Thời gian sau, người vợ hai bỗng sanh ý ác suy nghĩ: “nó không phải con ruột của ta, khi nó trưởng thành, mẹ nó là đại phu nhân, nó là gia trưởng thì ta sẽ là nô bộc. Ta cần gì nuôi dưỡng, nên giết nó chết trước thì hơn”, nghĩ rồi liền dùng dầm tre dâm vào cổ họng của đứa bé. Nó đau đớn nên khóc to lên, người mẹ ruột hỏi vì sao nó khóc thì đáp là không biết. Người mẹ ruột vỗ về nó lại càng khóc to hơn, bà vạch miệng nó ra thì thấy có dầm tre liền đưa tay vào cổ họng nó để móc ra, đứa bé đau đớn không chịu nổi nên qua đời, người mẹ ruột đấm ngực kêu khóc thảm thiết. Quyến thuộc kéo đến hỏi nguyên do, bà nói: “con tôi bị người mẹ hai ganh ghét đã dùng dầm tre dâm vào cổ họng của nó, nó đau đớn chịu không nổi nên qua đời”, quyến thuộc gạn hỏi người mẹ hai: “trẻ con vô tội, vì sao lai nở giết hại như vậy?”, người vợ hai liền thề thốt: “nếu tôi có tâm đố kỵ mà giết đứa trẻ này thì đời sau chồng tôi bị rắn cắn chết, một đứa con bị sói hại chết, một đứa bị chết trôi, cha mẹ thân thuộc đều bị sét đánh chết, bản thân tôi lại ăn thịt con mình, loạn tâm điên đảo lang thang đi khắp nơi”.

Phật bảo các Bí-sô: “người vợ hai của trưởng giả thuở xưa nay chính là Cù-đáp-di gầy, do trong quá khứ thề độc nên nay phải chịu quả báo này. Lại nữa này các Bí-sô, vào thời Phật Ca-diếp-ba, ni Cù-đáp-di này xuất gia trong giáo pháp của đức Phật ấy, tu phạm hạnh trọn đời mà không được chứng quả. Thân giáo sư của ni này được đức Phật ấy thọ ký là người trì luật bậc nhất nên khi lâm chung ni Cù-đáp-di này phát nguyện: nguyện ở đời vị lai lúc con người thọ một trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu hiệu, con sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng quả A-lahán và giống như Thân giáo sư của con, cũng được đức Phật ấy thọ ký là bậc trì luật đệ nhất.

Này các Bí-sô, do nguyện lực xưa kia nên nay ni Cù-đáp-di được quả báo này”. Lúc đó các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “cha mẹ của ni Cù-đáp-di đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay lại bị sét đánh chết, người chồng tạo nghiệp gì mà bị rắn cắn chết, hai đứa con đã tạo nghiệp gì mà lại bị sói hại và bị nước cuốn trôi?”, Phật nói: “do nghiệp mà họ đã tạo nay đã thành thục nên phải chịu quả báo này. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Cadiếp-ba ra đời đầy đủ mười hiệu, trụ trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Trong thành này có một trưởng giả rất giàu có, ông làm một trú xứ bên bờ sông gần thành cho Tứ phương tăng đến ở. Lúc đó trưởng giả đưa tài vật cho một người trong thôn kinh doanh mua bán, người này nhận tài vật đến ba lần nhưng lần nào cũng làm cho tài vật tiêu tán hết. Trưởng giả liền quở trách: “người thật là vô trí, vì sao ba lần đưa tài vật đều làm cho tiêu tán hết, nếu ngươi không trả lại thì ta sẽ không cho người về”, đáp: “xin trưởng giả hoan hỉ đưa tài vật thêm một lần nữa, nếu lần này không thể trả lại hết thì vợ chồng và cả hai con tôi đều sẽ làm nô tỳ để đáp trả”, trưởng giả nghe rồi liền đưa tài vật thêm lần nữa, không ngờ lần này cũng làm cho tiêu tán. Như lời đã giao ước, trưởng giả đưa cả gia đình bốn người vào làm tịnh nhơn cho chùa nhưng họ vẫn ở trong thành, hằng ngày họ qua sông đến trong chùa lo việc cơm nước cho Tăng. Một hôm gặp trời mưa lớn, nước sông dâng cao nên gia đình họ không qua sông được, vị Tri sự trong Tăng là một A-la-hán thấy họ không đến chùa nên sau đó qua sông đến gặp họ trách rằng: “vì sao hôm nay lại không đến chùa lo việc cơm nước, khiến cho chúng Tăng trễ mất bữa ăn”, cha mẹ họ nghe trách liền tức giận nói: “trời mưa nước sông dâng cao, ông không thấy hay sao mà còn sang đây trách cứ, sao sét không đánh ông chết cho rồi”, người chồng cũng tức giận nói: “sao ông không bị rắn cắn chết cho rồi”, một đứa con nói: “sao ông không bị chết trôi cho rồi”, đứa con kia nói: “sao ông không bị chó sói hại cho rồi”.

Phật bảo các Bí-sô: “gia đình tịnh nhơn thuở xưa chính là gia đình của Cù-đáp-di ngày nay. Do trong quá khứ họ nói lời thô ác với tâm độc hại đối với vị A-la-hán nên nay mắc quả báo này. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng, chớ có buông lung”, nghe Phật dạy rồi, các Bí-sô đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Duyên xứ như trên, lúc đó các Thích tử vô tội bị kẻ ngu si Ác sanh tàn sát, các Thích nữ đau buồn vì thân thuộc đã bị tàn sát nên đều xuất gia trong pháp luật thiện thuyết của Phật. Sau khi xuất gia, nỗi đau buồn của họ cũng giảm dần nhưng sau đó lại bị lửa dục phiền não bức bách. Như Phật đã nói rắn độc có năm lỗi là nhiều tức giận, kết hận, oán thù, vô ân và ác độc; người nữ cũng có năm lỗi như vậy, người nữ ác độc chính là có tâm dục nhiễm. Các Thích nữ này liền đến chỗ ni Thổ-la-nan-đà đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch rằng: “Thánh giả, tâm dục nhiễm thật khó ngăn chận, thường xúc não chúng tôi, không biết phải làm sao?”, đáp: “các cô còn trẻ đẹp, hãy xả học xứ tìm một thương nhân trẻ tuổi nào đó có tài sản, sau khi cùng họ hoan lạc thì tâm dục nhiễm sẽ không còn. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ cùng đi với các cô”, họ nghe rồi liền từ giã trở về và nói với nhau: “ni Thổ-la-nan-đà nói như vậy thì chúng ta phải làm thế nào”, một người nói: “ni Thổ-la-nan-đà nói cũng đúng”, một người nói: “người nữ được xuất gia trong thiện pháp luật của Phật là khó, chúng ta nên đến hỏi ý thánh giả Cù-đáp-di”, nói rồi cùng đi đến chỗ Cù-đáp-di gầy, đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch rằng: “Thánh giả, tâm dục nhiễm thật khó ngăn chận, thường xúc não chúng tôi, không biết phải làm sao?”, đáp: “các cô chớ nói đến dục nhiễm, vì sao, vì vị ngọt của nó thì ít mà nguy hiểm thì nhiều. Như Phật đã day, người trí biết năm lỗi của dục nhiễm thì không nên làm, đó là:

1. Quán sát vị ngọt của dục thì ít mà lỗi thì nhiều, thương có các khổ.

2. Khi hành dục thường bị trói buộc.

3. Người làm việc dâm dục không biết nhàm chán.
4. Người làm việc dâm dục không việc ác nào mà không làm.

5. Đối với các cảnh dục, Phật và các Hiền thánh Thanh văn đều dùng vô số phương tiện nói về lỗi lầm của dục, vì thế người trí không làm việc dâm dục.

Lại nữa, người trí thấy năm điều lợi nên cầu xuất gia trong thiện pháp luật: một là ta được tự lợi, người khác không có; hai là tự biết mình thuộc giai cấp hạ tiện bị người sai khiến, sau khi xuất gia trở lại được họ cung kính tán thán, lễ bái cúng dường; ba là sẽ chứng được Niết-bàn vô thượng; bốn là sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi trời; năm là thường được chư Phật, chúng Thanh văn và các bậc thắng nhân khen ngợi. Các cô nên quán năm lợi ích thù thắng này mà quyết tâm cắt bỏ lưới tục để cầu công đức lớn. Các cô muốn nghe những tội lỗi đời trước của tôi hay là phiền não của đời này khi tôi sống theo dục nhiễm?”, đáp: “xin nói về việc hiện tại”, ni Cù-đáp-di liền tự thuật lại đời mình, các ni này nghe rồi liền dựng cả tóc gáy. Lúc đó Cù-đáp-di quán biết căn tánh tùy miên của họ nói pháp Tứ đế khiến cho họ được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, họ bạch rằng: “Thánh giả, suýt chút nữa, chúng tôi bị ni Thổ-la-nan-đà đẩy xuống bùn dục, trầm luân mãi trong sanh tử”, nói rồi liền kể lại việc trên, Cù-đáp-di nghe rồi liền nói: “vị ấy là người ác hạnh làm tổn hoại Phật pháp, biết làm thế nào”. Các Bísô ni thiểu dục tri túc nghe biết việc này liền chê trách: “tại sao Bí-sô ni lại xúi bảo người khác xả học xứ để hoan lạc với người tục?”, liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô ni không được xúi bảo người khác xả học xứ, khuyên họ hoàn tục. Nếu ai làm thế thì phạm Tốt-thổ-la để”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô ni trách mắng Bí-sô, Bí-sô xấu hổ nên im lặng, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô ni không được trách mắng Bí-sô, nếu ai làm trái thì phạm tội Việt pháp. Bí-sô ni cũng không được trách mắng Bí-sô ni, Chánh học nữ, Cầu tịch và Cầu tịch nữ. Ba chúng dưới phải cúi đầu nghe, không được trách mắng năm chúng, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.